Các tin tức tại MEDlatec

Tôi có biểu hiện đau phổi là bị bệnh gì? Nguyên nhân do đâu?

Ngày 10/11/2022
Rất nhiều người cảm thấy đau vùng phổi mà không rõ nguyên nhân. Trên thực tế đây có thể là các cơn đau ngực hay đau sau lưng vùng phổi khiến bạn cho rằng đó là tình trạng đau phổi. Để tìm hiểu kỹ hơn về hiện tượng này, các chuyên gia của MEDLATEC sẽ phân tích theo các thông tin trong bài viết dưới đây.

1. Đau phổi là do nguyên nhân gì gây nên?

Phổi là một cơ quan có vai trò vô cùng quan trọng đối với hệ hô hấp của cơ thể. 2 lá phổi sẽ được toàn bộ khung xương sườn bảo vệ. Hiện tượng đau phổi có thể xuất phát từ hai biểu hiện thường gặp sau:

  • Đau ngực: xảy ra tại vùng vai cho đến điểm cuối xương sườn lồng ngực, thường bị nhầm là đau phổi do nhiều nguyên nhân gây nên như: cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, đau thần kinh liên sườn, viêm màng phổi, áp xe màng phổi, tràn dịch/tràn khí màng phổi viêm phổi, thuyên tắc động mạch phổi, ung thư phổi, màng phổi,...;

  • Đau sau lưng vùng phổi: người bệnh đau âm ỉ phần trên thắt lưng với mức độ đau khác nhau, có thể là đau nhói tại một điểm hoặc đau âm ỉ kéo dài. Nguyên nhân của hiện tượng này thường là do:

  • Lưng bị va đập mạnh do có vật nặng đè lên hay người bệnh bị té ngã, chấn thương vùng lưng, tai nạn,...;

  • Bệnh nhân đứng, nằm, ngồi sai tư thế khiến vùng cơ cạnh sống lưng bị căng ra dẫn tới đau sau lưng vùng phổi;

  • Mắc các bệnh lý về cột sống;

  • Đau thần kinh liên sườn;

  • Mắc bệnh về phổi.

Rất nhiều người cảm thấy đau vùng phổi mà không rõ nguyên nhân

2. Một số bệnh lý là nguyên nhân dẫn đến cảm giác đau phổi

Đau phổi có thể xuất phát từ nguyên nhân ngoại cảnh nhưng cũng không ít trường hợp bệnh nhân có biểu hiện này là bắt nguồn từ các bệnh lý trong cơ thể gây ra. Cụ thể đó là:

2.1. Đau vùng phổi do mắc các bệnh về phổi

Một số loại bệnh phổi có thể gây ra triệu chứng đau ngực hay đau sau lưng vùng phổi bao gồm viêm phổi, thuyên tắc động mạch phổi, viêm màng phổi, cao áp phổi, tràn dịch/tràn khí màng phổi, thậm chí là bệnh ung thư phổi:

  • Ở bệnh nhân bị viêm phổi hay viêm màng phổi: virus là tác nhân chính khiến người bệnh có cảm giác đau phổi, đau ngực với các biểu hiện như đau dữ dội, đau nhói ở ngực, nhất là khi bệnh nhân ho hay thở mạnh;

  • Trường hợp tắc nghẽn động mạch phổi: do sự xuất hiện của cục máu đông khiến động mạch trung tâm phổi bị tắc nghẽn gây cản trở quá trình tuần hoàn lưu thông tại phổi. Bệnh nhân thường có các triệu chứng như đau ngực, đau vùng phổi sau xương ức, thở nhanh, khó thở, sốt nhẹ, ho ra máu, nhịp tim đập nhanh,... Nếu không được điều trị kịp thời thì sẽ đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng người bệnh;

  • Tràn khí màng phổi gây xẹp phổi hoặc mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: bệnh nhân thường bị đau một bên ngực, đau ngực đột ngột, cơn đau tăng nặng mỗi khi hít thở;

  • Ung thư phổi: đây là một trong những bệnh lý ác tính rất khó điều trị, tiên lượng sống thấp và diễn tiến rất nhanh. Một số biểu hiện điển hình của căn bệnh này bệnh nhân cần lưu ý: khó thở, ho, ho ra máu, khàn tiếng, cổ họng sưng to, sụt cân nhanh, cơ thể mệt mỏi, đau sau lưng vùng phổi và đau tức ngực.

Đau vùng phổi có thể bắt nguồn từ nguyên nhân mắc phải các bệnh lý tại phổi

2.2. Mắc các bệnh lý về tim mạch

Biểu hiện đau vùng ngực hay đau sau lưng vùng phổi có thể là do bệnh nhân mắc phải bệnh lý về tim mạch như hội chứng mạch vành cấp/mạn tính, nhồi máu cơ tim,... Nguyên nhân là do tuần hoàn máu bị cản trở lưu thông, tác động đến các hoạt động trao đổi oxy và chất dinh dưỡng có trong máu dẫn đến các triệu chứng như buồn nôn, khó thở, đau lưng, đau tức ngực, tê bì 2 cánh tay,...

2.3. Mắc phải bệnh lý cột sống gây đau lưng vùng phổi

Một số bệnh lý về cột sống như thoát vị đĩa đệm, gù lưng, vẹo cột sống,... cũng có thể khiến bạn cảm thấy đau sau lưng vùng phổi và lầm tưởng rằng đó là biểu hiện đau phổi. Bên cạnh đó các triệu chứng kèm theo tình trạng này còn bao gồm các cơn đau xuất hiện ở vùng hông đùi và cổ - vai - gáy.

3. Các phương pháp giúp hạn chế cơn đau vùng phổi

Để khắc phục các cơn đau ngực và đau lưng vùng sau phổi, trước tiên bạn cần đi thăm khám để tìm hiểu chính xác nguyên nhân gây ra triệu chứng này là gì, từ đó tập trung vào điều trị nguyên nhân. Cụ thể:

  • Điều trị ổn định các bệnh lý tại phổi. Nếu những bệnh phổi khiến bệnh nhân bị đau ngực gây ảnh hưởng lớn đến khả năng hô hấp và sinh hoạt hàng ngày thì đầu tiên cần phải phục hồi đường dẫn khí cho người bệnh. Ngoài ra bệnh nhân cần tránh xa khói thuốc lá, các tác nhân gây dị ứng đường thở. Nếu có biểu hiện nghi ngờ bệnh về phổi hoặc các bệnh lý tim mạch thì cần điều trị ngay từ sớm;

  • Hạn chế đi giày cao gót vì thói quen này sẽ làm gia tăng áp lực lên cột sống gây đau lưng vùng phổi;

  • Lựa chọn tư thế ngồi, đi đứng và nằm ngủ để giúp giảm thiểu các cơn đau lưng vùng phổi, đồng thời giúp bạn ngủ ngon giấc hơn và hạn chế nguy cơ mắc các bệnh lý về xương khớp;

  • Hãy dành một chút thời gian để đi lại thư giãn trong những giờ làm việc căng thẳng phải ngồi một chỗ quá lâu, từ đó giúp lưu thông khí huyết tránh các bệnh tim mạch và xương khớp;

  • Có chế độ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, nhất là nước (bao gồm nước lọc và nước trái cây) giúp gia tăng kháng thể và vitamin chống lại các tác nhân gây bệnh về phổi;

  • Tránh vận động gắng sức và mang vác vật nặng trong thời gian dài dễ dẫn đến các bệnh về xương khớp.

Để khắc phục các cơn đau ngực và đau lưng vùng sau phổi thì bạn cần đi thăm khám để tìm hiểu chính xác nguyên nhân

Đặc biệt cần lưu ý: khi chưa có sự tư vấn từ các chuyên gia y tế, bệnh nhân tuyệt đối không tự ý mua các loại thuốc có tác dụng giảm đau về điều trị. Triệu chứng đau phổi có thể sẽ không thuyên giảm mà còn trở nên nghiêm trọng hơn do không được điều trị đúng cách và biến chứng do tác dụng phụ của thuốc gây ra.

Chính vì vậy khi phát hiện cơ thể xuất hiện các dấu hiệu đau vùng phổi, đau ngực hay đau sau lưng vùng phổi bệnh nhân hãy đi khám để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến những biểu hiện này, qua đó có phương án xử trí phù hợp.

Nếu bạn còn có nhiều băn khoăn cần được giải đáp về tình trạng đau phổi hoặc các bệnh lý khác, hãy liên hệ đặt lịch khám với các bác sĩ chuyên khoa tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC theo tổng đài 1900 56 56 56 ngay từ hôm nay!

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.