Các tin tức tại MEDlatec

Trầm cảm là bệnh gì? Chữa bệnh trầm cảm được không?

Ngày 04/09/2020
Tham vấn y khoa: ThS.BS Nguyễn Thị Ly
Bệnh trầm cảm để lại những ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống cũng như khả năng làm việc của người bệnh. Bên cạnh đó, chữa bệnh trầm cảm cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt phải có sự hợp tác của cả người bệnh và gia đình.

1. Trầm cảm là bệnh gì? Có nguy hiểm không?

Trầm cảm là một căn bệnh liên quan đến tâm thần, thường được biểu hiện rõ rệt với các rối loạn khí sắc. Theo các bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý chia sẻ, bệnh trầm cảm xuất phát từ những rối loạn của não bộ, dẫn đến những ảnh hưởng về mặt tâm lý. Từ đó, hình thành những suy nghĩ và hành vi bất thường, làm giảm sút chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Theo thống kê, bệnh Trầm cảm xuất hiện ở nữ giới nhiều hơn nam giới, ước tính cứ 2 bệnh nhân nữ thì sẽ có 1 bệnh nhân nam. Đặc biệt, đối tượng mắc bệnh trầm cảm xảy ra ở các độ tuổi, trong đó phần lớn là tuổi trưởng thành. Những năm gần đây, số lượng bệnh nhân trầm cảm ngày một tăng cao và mỗi năm toàn thế giới có khoảng 850.000 người tự sát do bị trầm cảm. Đây là một cảnh báo đến tất cả mọi người nên quan tâm đến đời sống tinh thần của bản thân và những người xung quanh mình.

Bệnh trầm cảm là gì? Ảnh hưởng như thế nào?

Hiện nay, số ca chữa bệnh trầm cảm đạt hiệu quả còn rất thấp. Bởi vì để điều trị trầm cảm, bệnh nhân cần phải hợp tác với bác sĩ và xây dựng đời sống tích cực. Những người thất nghiệp, ly hôn, phá sản,... thường có những suy nghĩ tiêu cực và là đối tượng dễ mắc trầm cảm nhất. Mọi người cần ghi nhớ rằng, đây là căn bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được can thiệp và điều trị kịp thời. Do đó, khi nhận thấy bản thân hay người thân có những bất ổn tâm lý với những triệu chứng của trầm cảm thì hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị sớm nhất.

2. Một số nguyên nhân chính của bệnh trầm cảm

Bệnh trầm cảm khởi phát do nhiều nguyên nhân khác nhau, cụ thể gồm:

  • Nguyên nhân nội sinh: nhiều nghiên cứu cho rằng căn bệnh này xuất phát từ những yếu tố như môi trường, di truyền, yếu tố tự miễn, đời sống xã hội,... Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những giả thuyết và chưa được chứng minh rõ ràng.

  • Do căng thẳng kéo dài: phần lớn bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm đều có những triệu chứng áp lực, căng thẳng do nhiều lý do khác nhau. Phổ biến nhất là do ly dị, phá sản, mất người thân, không tìm được việc làm,...

Sang chấn tâm lý lớn dễ dẫn đến bệnh trầm cảm

  • Trầm cảm do một chấn thương nào đó ảnh hưởng trực tiếp đến não.

  • Ngoài ra, một số bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm nhưng chưa tìm được nguyên nhân.

Nhìn chung, các nguyên nhân dẫn đến trầm cảm khá dạng, có thể do yếu tố chủ quan hoặc khách quan. Do đó, trong quá trình chữa bệnh trầm cảm thường gặp rất nhiều khó khăn và đòi hỏi bệnh nhân phải kiên trì, cố gắng, hợp tác với bác sĩ để đạt được hiệu quả. Những triệu chứng ban đầu của bệnh trầm cảm không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu để lâu dài, bệnh nhân dễ dẫn đến những hành vi tự hủy hoại bản thân. Do đó, mọi người không nên chủ quan và cần phải chăm sóc cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.

3. Một số dấu hiệu phổ biến ở bệnh nhân trầm cảm

Để chữa bệnh trầm cảm hiệu quả, trước tiên bác sĩ cần chẩn đoán bệnh với những dấu hiệu ở người bệnh. Ở bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm thường có những triệu chứng sau đây:

  • Khí sắc suy giảm, trầm buồn: thường dễ dàng nhận thấy thông qua nét mặt bệnh nhân, chẳng hạn như ánh mắt buồn, rầu rĩ, xuất hiện nhiều nếp nhăn,...

  • Mất hứng thú: những niềm vui, hứng thú trước kia dần mất đi, thay vào đó là những cảm xúc tiêu cực, luôn thấy chán nản với cuộc sống. Trong cử chỉ hoặc hoạt động, người bệnh luôn chậm chạp, nặng nề, thiếu sức sống.

Triệu chứng mất ngủ phổ biến nhất ở người bệnh

  • Rối loạn giấc ngủ: hầu hết các bệnh nhân trầm cảm đều có triệu chứng mất ngủ, khó ngủ, giấc ngủ không sâu. Nhiều trường hợp bệnh nhân cảm thấy rất buồn ngủ nhưng vẫn trằn trọc không ngủ được.

  • Ăn uống không cảm thấy ngon miệng, nhu cầu ăn uống giảm nên thường sụt cân nhanh chóng.

  • Giảm tập trung: thường bệnh nhân trầm cảm không thể tập trung làm việc hay chú tâm vào một việc gì đó. Do đó, đời sống của bệnh nhân thường bị ảnh hưởng rất nhiều, nhất là trong học tập và làm việc.

  • Tình trạng mệt mỏi kéo dài: bệnh nhân thường xuyên mệt mỏi, chán nản nhưng không có nguyên nhân.

Bệnh nhân luôn cảm thấy mệt mỏi, chán nản

  • Thường xuyên xuất hiện cảm giác tội lỗi: bệnh nhân luôn cảm thấy mình có lỗi, tự dằn vặt mình mà không có lý do. Ngoài ra, họ thường đánh giá thấp bản thân, tự cho mình vô dụng, thua kém người khác,v.v...

  • Một số triệu chứng sinh lý xuất hiện: cơ thể bệnh nhân thường xuất hiện những cơn đau nhức tay chân, đau đầu, đau vai, hồi hộp, khó thở,v.v.

  • Xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực: họ thường xuyên suy nghĩ và nhìn nhận mọi vấn đề một cách tiêu cực. Nhất là ở những bệnh nhân bệnh trầm cảm ở giai đoạn nặng, những suy nghĩ về cái chết thường xuất hiện nhiều lần.

  • Hình thức bên ngoài: người bệnh thường không chú trọng vào diện mạo bên ngoài của mình. Họ có thể ăn mặc lôi thôi, không chăm sóc bản thân mình.

  • Những cảm xúc tiêu cực xuất hiện với tần suất lớn: họ có thể giận dữ, cáu gắt mọi người xung quanh vô cớ hoặc chỉ vì một việc nào rất đơn giản.

4. Một số phương pháp chữa bệnh trầm cảm

Mức độ nguy hiểm của bệnh trầm cảm phụ thuộc vào bệnh nhân đang trong giai đoạn nào của bệnh. Ở mức độ nhẹ, bệnh trầm cảm chỉ ảnh hưởng đến đời sống tinh thần và một số hoạt động trong cuộc sống. Nếu nặng hơn, chất lượng làm việc, học tập dần suy giảm rõ rệt. Ở những bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm không được can thiệp kịp thời thì khả năng dẫn đến những hành vi, suy nghĩ về cái chết, tự tử khá phổ biến. Do đó, việc chữa bệnh trầm cảm cho bệnh nhân là rất cần thiết.

Hiện tại, bệnh trầm cảm được chữa trị bằng thuốc kết hợp với các liệu pháp tâm lý nhằm giúp người bệnh dần dần lấy lại sự cân bằng trong suy nghĩ. Tức giảm bớt những ý nghĩ tiêu cực trong cuộc sống, khôi phục hứng thú trong bệnh nhân. Đối với phương pháp điều trị bằng thuốc cần có sự can thiệp và theo dõi của bác sĩ. Vì tùy theo tình trạng, độ tuổi của người bệnh mà bác sĩ sẽ tiên lượng thuốc phù hợp.

Sử dụng thuốc kết hợp các liệu pháp tâm lý là một trong các phương pháp điều trị hiệu quả chữa bệnh trầm cảm

Có rất nhiều loại thuốc được sử dụng trong chữa bệnh trầm cảm. Mặc dù có thể chữa bệnh trầm cảm bằng thuốc nhưng không được lạm dụng vì có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc (tức thuốc không còn hiệu quả với người bệnh). Do đó, bệnh nhân nên lưu ý sử dụng thuốc theo đúng liều lượng mà bác sĩ chỉ định.

Với bài viết này, chúng tôi hy vọng mọi người nhận thức cao hơn trong chữa bệnh trầm cảm cũng như có ý thức chăm sóc sức khỏe tinh thần cho chính bản thân và người thân. Đồng thời, những triệu chứng được liệt kê trên đây cũng giúp các bạn dễ dàng nhận diện các dấu hiệu của bệnh để có thể can thiệp sớm, điều trị bệnh hiệu quả.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.