Các tin tức tại MEDlatec

Trẻ bị thiếu máu có thể gặp phải những vấn đề nào về sức khỏe?

Ngày 26/09/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Trần Thị Kim Ngọc
Thiếu máu là tình trạng phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là trẻ trong độ tuổi ăn dặm và tuổi học đường. Trẻ bị thiếu máu dễ suy giảm sức khỏe và thể chất do hồng cầu không đảm nhận tốt nhiệm vụ vận chuyển oxy đến các tế bào. Để hiểu hơn về ảnh hưởng của thiếu máu đối với trẻ, bạn đọc có thể tham khảo nội dung bài viết sau đây.

1. Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết trẻ bị thiếu máu

1.1. Nguyên nhân gây thiếu máu ở trẻ

- Thiếu sắt

Tình trạng thiếu sắt gây thiếu máu chủ yếu là do chế độ ăn hàng ngày không đủ đáp ứng nhu cầu sắt của cơ thể hoặc trẻ gặp vấn đề về hấp thụ sắt.

- Thiếu vitamin B12 và axit folic

Hai dưỡng chất này cần thiết để tạo hồng cầu. Vì thế, khi bị thiếu axit folic hay B12, quá trình sản xuất tế bào máu có thể bị rối loạn và khiến trẻ bị thiếu máu.

- Rối loạn di truyền

Trẻ bị bất thường trong cấu trúc hoặc chức năng của hồng cầu do di truyền thường có nguy cơ thiếu máu:

+ Thalassemia: Giảm sản xuất hemoglobin khiến hồng cầu bị phá hủy nhanh chóng và gây thiếu máu mạn tính.

+ Thiếu máu hồng cầu liềm: Do đột biến gen, hồng cầu có hình dạng bất thường giống lưỡi liềm, dễ bị phá hủy và gây ra thiếu máu.

+ Rối loạn enzyme: Một số rối loạn di truyền ảnh hưởng đến enzyme trong hồng cầu, gây thiếu máu.

Thiếu sắt trong chế độ ăn là nguyên nhân thường gặp nhất ở những trẻ bị thiếu máu

1.2. Dấu hiệu trẻ bị thiếu máu

Trẻ bị thiếu máu thường có các dấu hiệu lâm sàng khác nhau. Một số dấu hiệu phổ biến nhất là:

+ Da của trẻ trở nên nhợt nhạt, xanh xao, nhất là ở môi và lòng bàn tay.

+ Trẻ dễ cảm thấy uể oải, mệt mỏi ngay cả khi hoạt động nhẹ nhàng.

+ Khi đứng lên hoặc di chuyển nhanh, trẻ có thể cảm thấy chóng mặt do thiếu oxy đến não.

+ Trẻ có biểu hiện thở nhanh, thở ngắn do cơ thể cần nhiều oxy hơn để bù đắp sự thiếu hụt hồng cầu.

+ Chậm phát triển cân nặng và chiều cao hơn so với bạn bè trong cùng một độ tuổi.

+ Tập trung và ghi nhớ kém, nhất là trong các hoạt động học tập.

2. Những vấn đề sức khỏe có thể gặp phải ở trẻ bị thiếu máu

2.1. Suy giảm hệ miễn dịch

Trẻ bị thiếu máu thường có hệ miễn dịch yếu, tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng. Khi thiếu oxy cung cấp đến tủy xương - nơi sản xuất tế bào miễn dịch, cơ thể trẻ sẽ không thể chống lại bệnh tật một cách hiệu quả. Do đó, trẻ bị thiếu máu dễ mắc các bệnh như viêm phổi, viêm họng, cảm cúm.

2.2. Mệt mỏi và suy nhược

Một trong những dấu hiệu dễ nhận thấy nhất ở trẻ bị thiếu máu là tình trạng mệt mỏi, suy nhược. Hệ quả là trẻ không đủ năng lượng tham gia các hoạt động thường ngày, khả năng tập trung kém… Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình học tập và vui chơi của trẻ.

2.3. Chậm phát triển

Trẻ bị thiếu máu có nguy cơ chậm phát triển về cả thể chất và trí tuệ. Do thiếu oxy cung cấp cho các tế bào và mô trong cơ thể, các cơ quan quan trọng như não bộ, tim và cơ bắp không phát triển đầy đủ. Điều này khiến trẻ có chiều cao và cân nặng thấp hơn so với bạn bè cùng tuổi, gặp khó khăn trong việc học hỏi và tiếp thu kiến thức.

Trẻ có thể chậm phát triển trí tuệ nếu thiếu máu nghiêm trọng

2.4. Rối loạn hành vi

Một số nghiên cứu cho thấy trẻ bị thiếu máu có thể gặp phải các vấn đề về hành vi như dễ cáu kỉnh, thiếu kiên nhẫn và gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc. Tình trạng này xuất phát từ sự thiếu hụt oxy khiến hoạt động chức năng ở não bộ không đảm bảo và ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.

2.5. Gặp vấn đề tim 

Do trẻ bị thiếu máu nên tim phải tăng cường hoạt động nhằm đảm bảo máu được bơm đến hết các cơ quan. Càng kéo dài tình trạng này thì chức năng tim càng bị quá tải. Đây chính là lý do trẻ thiếu máu dễ đứng trước các nguy cơ mắc phải bệnh lý ở tim như tim to, rối loạn nhịp tim, suy tim. 

3. Cách phòng ngừa và điều trị cho trẻ bị thiếu máu

Trẻ bị thiếu máu cần được thăm khám, tiến hành các kiểm tra nhằm chẩn đoán nguyên nhân gây nên tình trạng này. Việc điều trị cần được thực hiện dựa theo nguyên nhân. Trường hợp thiếu máu dinh dưỡng (như thiếu sắt, thiếu folic thì bổ sung điều trị) nên tẩy giun định kỳ.

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần giúp con thực hiện các biện pháp hỗ trợ điều trị thiếu sắt như sau:

3.1. Cung cấp sắt qua chế độ ăn

Cha mẹ nên chú ý đến chế độ ăn của con mình, đặc biệt ưu tiên bổ sung thực phẩm giàu sắt vào chế độ ăn hàng ngày của trẻ như: thịt đỏ, gan động vật, rau dền, cải bó xôi, các loại hạt,... Ngoài ra, trẻ bị thiếu sắt cũng cần được bổ sung vitamin C từ cải xoăn, ớt chuông, ổi, dâu tây, cam,...vào bữa ăn để tăng khả năng hấp thụ sắt.

3.2. Bổ sung các loại dưỡng chất thiết yếu

Các vitamin như B12 và axit folic rất quan trọng trong việc duy trì sản xuất hồng cầu. Để bổ sung nhóm dưỡng chất này, cha mẹ nên cho trẻ ăn các thực phẩm giàu vitamin như: trứng, sữa, sản phẩm làm từ sữa, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây họ cam quýt,...

Trẻ có chế độ ăn uống đa dạng, phong phú sẽ giúp phòng tránh nguy cơ thiếu máu và các vấn đề sức khỏe khác.

3.3. Bổ sung chế phẩm sắt

Trong một số trường hợp thiếu máu do thiếu sắt, bác sĩ có thể kê đơn thuốc bổ sung sắt dạng siro hoặc viên để cải thiện tình trạng. Tuy nhiên, việc sử dụng chế phẩm sắt bổ sung cần có hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo hàm lượng cần thiết, tránh tình trạng thừa hoặc thiếu.

Trẻ được kê đơn bổ sung sắt cần có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo hàm lượng theo độ tuổi

Trong quá trình chăm sóc trẻ, nếu cha mẹ phát hiện trẻ có các dấu hiệu thiếu máu như da xanh xao, mệt mỏi kéo dài hoặc khó thở thì nên đưa trẻ đến bác sĩ Nhi khoa ngay lập tức. 

Việc điều trị cho trẻ bị thiếu máu cần dựa trên nguyên nhân gây nên. Sau khi đã được chỉ dẫn phác đồ điều trị cho trẻ, cha mẹ cần thực hiện đúng và tái khám đúng lịch để trẻ được kiểm tra, đánh giá hiệu quả điều trị.

Với những chia sẻ trên đây, có thể thấy rằng, trẻ bị thiếu máu không chỉ gặp phải các vấn đề về sức khỏe mà còn dễ bị hạn chế phát triển thể chất, trí tuệ. Kịp thời phát hiện để trẻ được điều trị thiếu máu là điều cần thiết để trẻ khỏe mạnh và phát triển toàn diện.

Cha mẹ có nhu cầu thăm khám sức khỏe, chẩn đoán đúng nguy cơ thiếu sắt ở trẻ, có thể liên hệ đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa hoặc đặt lịch xét nghiệm tại nhà của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua tổng đài 1900 56 56 56.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.