Các tin tức tại MEDlatec

Trẻ sơ sinh ra mồ hôi tay chân là do đâu, khắc phục bằng cách nào

Ngày 01/04/2024
Trong những tháng đầu đời, trẻ sơ sinh thường gặp nhiều vấn đề sức khỏe nhỏ, và một trong số đó là việc ra mồ hôi tay chân. Hiện tượng trẻ sơ sinh ra mồ hôi tay chân có thể khiến cha mẹ lo lắng về sức khỏe của trẻ. Dưới đây MEDLATEC sẽ cùng các bậc cha mẹ tìm hiểu chi tiết về nguyên nhân và cách khắc phục hiện tượng này.

1. Nguyên nhân gây nên hiện tượng trẻ sơ sinh ra mồ hôi tay chân

1.1. Hệ thống thần kinh chưa phát triển hoàn thiện

Trẻ sơ sinh thường có hệ thống thần kinh chưa hoàn thiện, đặc biệt là hệ thống điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể. Điều này dẫn đến việc cơ thể không thể điều chỉnh nhiệt độ một cách hiệu quả như người lớn. Khi cơ thể trẻ sơ sinh cảm nhận được nhiệt độ nóng sẽ phản ứng lại bằng cách sản xuất mồ hôi tay chân để làm mát cơ thể.

Sự phát triển chưa hoàn thiện của hệ thần kinh là nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh ra mồ hôi tay chân

1.2. Bé mặc quá nhiều quần áo hoặc ủ nhiều lớp lót

Một số bậc cha mẹ  có xu hướng sợ con lạnh nên cho trẻ mặc nhiều quần áo hoặc ủ trẻ quá kỹ. Điều này có thể làm tăng nguy cơ trẻ sơ sinh ra mồ hôi tay chân do cơ thể không thể thoát được hơi ẩm và nhiệt độ bên trong lớp quần áo.

1.3. Nhiệt độ môi trường

Đây cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc trẻ sơ sinh ra mồ hôi tay chân. Môi trường quá nóng, đóng kín hoặc không thông thoáng có thể khiến trẻ ra mồ hôi nhiều hơn.

1.4. Tình trạng sức khỏe

Trong một số trường hợp, việc ra mồ hôi tay chân ở trẻ sơ sinh cũng có thể là dấu hiệu của các vấn đề về sức khỏe. Ví dụ như trẻ bị sốt, viêm phổi hoặc tim bẩm sinh, cơ thể có thể phản ứng bằng cách sản xuất mồ hôi nhiều hơn để giải nhiệt.

2. Khi nào hiện tượng trẻ sơ sinh ra mồ hôi tay chân là bất thường?

Hầu hết các trường hợp trẻ sơ sinh ra mồ hôi tay chân là hiện tượng tự nhiên và không đe dọa đến sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, nếu các bậc cha mẹ cảm thấy lo lắng hoặc nghi ngờ có vấn đề gì đó không bình thường về sức khỏe của con thì nên cho trẻ đến khám bác sĩ Nhi khoa để có chẩn đoán đúng.

Cụ thể, trong các trường hợp sau đây, cha mẹ cần thận trọng với hiện tượng ra mồ hôi tay chân ở trẻ sơ sinh:

- Ra mồ hôi quá nhiều và liên tục

Nếu trẻ ra mồ hôi tay chân quá mức và liên tục mà không có dấu hiệu giảm đi, đặc biệt là trong những tình huống mà bé đang nằm trong môi trường thoải mái và không vận động. Đây có thể đó là một dấu hiệu của vấn đề sức khỏe không nên chủ quan.

- Kèm các triệu chứng khác

Trẻ sơ sinh ra mồ hôi tay chân đi kèm sốt cao, khó thở, tắc nghẽn ngực,...  có thể là dấu hiệu của một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng như nhiễm trùng hoặc vấn đề về tim mạch.

- Trẻ không tăng cân hoặc không phát triển như bình thường

Trường hợp trẻ ra mồ hôi tay chân không bình thường và cùng lúc không tăng cân hoặc phát triển như mốc theo độ tuổi thì đây cũng có thể là dấu hiệu của vấn đề về sức khỏe nên được kiểm tra kỹ lưỡng.

- Mồ hôi có màu, mùi lạ

Nếu mồ hôi tay chân của bé có màu sắc hoặc mùi lạ thì cha mẹ cũng cần cho con đi khám bác sĩ chuyên khoa.

Đối với các trường hợp nêu trên, cho trẻ thăm khám để tìm ra nguyên nhân và có biện pháp khắc phục phù hợp sẽ giúp trẻ tránh được những ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe, sớm hồi phục để đảm bảo mốc phát triển bình thường như trẻ ở cùng độ tuổi.

Nếu nghi ngờ trẻ sơ sinh ra mồ hôi tay chân bất thường cha mẹ nên cho trẻ thăm khám bác sĩ chuyên khoa

3. Cách giúp trẻ giảm mồ hôi tay chân

Đối với các trường hợp trẻ sơ sinh ra mồ hôi tay chân không xuất phát từ vấn đề về sức khỏe, cha mẹ có thể giúp con khắc phục tình trạng này bằng các cách như:

- Đảm bảo môi trường thoáng đãng

Môi trường quá ẩm và nóng làm tăng nguy cơ ra mồ hôi. Vì  thế, cha mẹ hãy đảm bảo cho con ở trong môi trường thoải mái, thông thoáng. Mở cửa sổ để lưu thông không khí và giảm bớt độ ẩm trong phòng là cách hiệu quả để trẻ không ra nhiều mồ hôi.

- Sử dụng quần áo thoáng khí

Chọn quần áo làm từ vải cotton hoặc chất liệu thoáng khí sẽ giúp trẻ không bị nóng bức. Cha mẹ không nên cho trẻ mặc quần áo dày và nhiều lớp khi thời tiết không quá lạnh.

Mặc quần áo thoáng khí giúp tránh ra mồ hôi cho trẻ sơ sinh

- Thường xuyên thay tã và quần áo

Mồ hôi có thể làm ẩm ướt da và tăng nguy cơ vi khuẩn phát triển. Thay tã và quần áo cho bé thường xuyên, nhất là sau khi bé ra mồ hôi sẽ giúp cho da của trẻ sơ sinh luôn khô ráo và sạch sẽ.

- Massage nhẹ nhàng

Massage tay và chân của bé với những động tác nhẹ nhàng có thể giúp kích thích sự lưu thông máu và giảm căng thẳng trong cơ thể. Điều này không chỉ giúp trẻ được thư giãn mà còn cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều.

- Giảm nhiệt độ phòng

Cha mẹ nên dùng quạt hoặc máy lạnh để làm mát không khí trong phòng, đặc biệt là vào những ngày nhiệt độ cao. Điều này sẽ giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn và giảm nguy cơ ra mồ hôi.

- Giữ sạch da

Đảm bảo vệ sinh da của trẻ sơ sinh bằng cách tắm bé hàng ngày và lau khô kỹ cả tay và chân. Việc giữ sạch da giúp ngăn ngừa vi khuẩn phát triển và giảm nguy cơ mắc các vấn đề về da liên quan đến vi khuẩn.

Những biện pháp đơn giản trên không chỉ giúp giảm mồ hôi tay chân ở trẻ sơ sinh mà còn giữ cho trẻ luôn thoải mái và khỏe mạnh. Đối với những trường hợp trẻ sơ sinh ra mồ hôi tay chân kéo dài và không giảm đi sau khi thực hiện các biện pháp trên, phụ huynh nên cho con khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Hiện tượng trẻ sơ sinh ra mồ hôi tay chân khá phổ biến và hầu hết không đáng lo ngại. Bằng cách duy trì môi trường sống thoáng đãng và sạch sẽ cùng với việc chăm sóc trẻ khoa học, cha mẹ có thể giúp trẻ vượt qua giai đoạn này một cách thoải mái và an toàn.

Mọi vấn đề liên quan đến sức khỏe của trẻ cần tư vấn hoặc đặt lịch khám với bác sĩ chuyên khoa Nhi - Hệ thống Y tế MEDLATEC, quý khách hàng có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được hướng dẫn cụ thể.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.