Các tin tức tại MEDlatec

Triệu chứng các bệnh về đường tiêu hóa thường gặp và cách phòng ngừa

Ngày 15/04/2025
Tham vấn y khoa: BS. Phạm Văn Quang
Đường tiêu hóa chịu trách nhiệm xử lý thức ăn, hấp thu dưỡng chất và thải độc ra khỏi cơ thể. Vì thế, khi mắc phải các bệnh về đường tiêu hóa, nếu không phát hiện sớm và điều trị ngay, chức năng tiêu hóa bị rối loạn và có thể gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm. Bài viết sau sẽ giúp bạn có thêm thông tin để nhận diện sớm triệu chứng và có phương pháp phòng tránh nguy cơ gặp phải nhóm bệnh này.

1. Nguyên nhân gây nên các bệnh về đường tiêu hóa

Bệnh về đường tiêu hóa bao gồm nhiều loại bệnh khác nhau, thường xuất hiện do:

- Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori), E.coli,...

- Thói quen ăn uống không lành mạnh duy trì trong thời gian dài như: ăn quá nhanh, ăn nhiều đồ ăn cay nóng, ăn uống kém vệ sinh, ăn đồ ăn nhanh,...

- Lối sống ít vận động làm suy yếu hệ tiêu hóa và giảm khả năng tái tạo của niêm mạc ruột.

- Căng thẳng và áp lực công việc ảnh hưởng lớn đến quá trình hoạt động từ đó gây rối loạn chức năng của hệ tiêu hóa.

- Sử dụng một số loại thuốc như thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) lâu dài gây kích thích niêm mạc dạ dày và dẫn đến viêm loét.

Lạm dụng đồ ăn nhanh, ăn uống không khoa học khiến bạn dễ mắc phải các bệnh về đường tiêu hóa

2. Các bệnh về đường tiêu hóa dễ gặp phải và triệu chứng nhận diện

2.1. Viêm loét dạ dày - tá tràng

Viêm loét dạ dày - tá tràng là tình trạng viêm nhiễm xảy ra tại niêm mạc của dạ dày hoặc tá tràng. Đây là một trong các bệnh về đường tiêu hóa rất dễ gặp, thường do tác động của Vi khuẩn Helicobacter pylori, lạm dụng thuốc giảm đau hoặc thuốc NSAIDs. Ngoài ra, stress kéo dài, chế độ ăn uống không hợp lý cũng góp phần khiến bệnh hình thành.

Triệu chứng dễ gặp phải ở bệnh viêm loét dạ dày tá tràng bao gồm:

- Đau rát ở vùng thượng vị, thường đau sau khi ăn hoặc khi dạ dày đang rỗng. Cảm giác đau thường có xu hướng tăng dần theo thời gian và lan ra các vùng lân cận.

- Buồn nôn và nôn kèm theo dịch tiết của dạ dày.

- Cảm giác đầy hơi, khó tiêu, chướng bụng sau bữa ăn.

- Nếu viêm loét nặng có thể gây chảy máu ở niêm mạc dạ dày và xuất hiện tình trạng đi ngoài phân đen hoặc nôn ra máu.

2.2. Hội chứng ruột kích thích (IBS)

Hội chứng ruột kích thích (IBS) là tình trạng rối loạn chức năng ruột không xác định được căn nguyên, thường liên quan đến sự kích thích của thức ăn đối với đường ruột. Triệu chứng nhận diện hội chứng ruột kích thích bao gồm:

- Đau bụng không cố định vị trí, không có tính chu kỳ, đau có thể giảm sau khi đi vệ sinh.

- Rối loạn đại tiện với tình trạng tiêu chảy hoặc táo bón hoặc luân phiên giữa hai trạng thái này.

- Bụng cảm thấy chướng hoặc đầy hơi sau khi ăn.

2.3. Trào ngược dạ dày thực quản (GERD)

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng axit dạ dày trào ngược lên phía trên thực quản, gây kích thích và tổn thương khu vực này. Cũng như các bệnh về đường tiêu hóa khác, trào ngược dạ dày dễ xảy ra với người có thói quen ăn uống không điều độ và thường xuyên bị căng thẳng.

Triệu chứng dễ gặp ở người bị trào ngược dạ dày thực quản là:

- Cảm thấy nóng rát ở vùng ngực và cổ họng, thường gặp nhất là sau khi ăn hoặc khi nằm xuống.

- Ho khan, nghẹt mũi.

- Khó nuốt hoặc cảm thấy đau khi nuốt.

- Thường xuyên tỉnh giấc vào ban đêm gây giảm chất lượng giấc ngủ từ đó dễ suy giảm sức khỏe.

2.4. Viêm đại tràng

Viêm đại tràng là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở niêm mạc đại tràng, dẫn đến sự xuất hiện của các triệu chứng:

- Đau quặn thắt bụng dưới, cơn đau cũng có thể chạy dọc theo khung đại tràng.

- Tiêu chảy trong thời gian dài, có thể có máu trong phân khi đi ngoài.

- Sốt nhẹ, mệt mỏi.

3. Các biện pháp phòng ngừa hiệu quả bệnh lý đường tiêu hóa

3.1. Thực hiện chế độ ăn khoa học

Chế độ ăn ảnh hưởng không nhỏ đến sự hình thành của các bệnh về đường tiêu hóa. Vì thế, để phòng ngừa nhóm bệnh lý này, mỗi người nên xây dựng và thực hành chế độ ăn giàu chất xơ từ các loại rau, củ, quả, ngũ cốc nguyên hạt,... để cải thiện chức năng tiêu hóa, giảm nguy cơ táo bón và viêm ruột. 

Ngoài ra, bổ sung thực phẩm chứa men probiotic và đảm bảo uống tối thiểu 2 lít nước/ngày cũng sẽ giúp tăng cường lợi khuẩn, hỗ trợ quá trình tiêu hóa diễn ra dễ dàng.

Trong thực đơn phòng ngừa bệnh lý đường tiêu hóa cần giảm thiểu tiêu thụ đồ uống có ga, chất béo bão hòa để tránh kích thích niêm mạc ruột, làm tăng nguy cơ mắc phải nhóm bệnh này.

Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một trong các bệnh về đường tiêu hóa dễ kéo dài dai dẳng, tái phát nhiều lần

3.2. Duy trì vận động thể chất hàng ngày

Tập thể dục giúp kích thích hoạt động của đường tiêu hóa, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan và cải thiện quá trình chuyển hóa chất dinh dưỡng. Tùy vào tính chất công việc, tình trạng sức khỏe của mình mà bạn hãy cân nhắc để lựa chọn hình thức vận động phù hợp như đi bộ, yoga, bơi lội, tập bài tập giãn cơ,... 

3.3. Giữ vệ sinh an toàn thực phẩm

Chế biến và bảo quản thực phẩm đúng cách cũng sẽ giúp ngăn ngừa các bệnh về đường tiêu hóa. Muốn làm được điều này, bạn cần rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với nguồn nước bẩn. Bạn cũng nên nấu chín kỹ đồ ăn tại nhà để yên tâm tiêu thụ nguồn nguyên liệu chất lượng, sạch sẽ, tránh dùng thực phẩm chế biến sẵn không rõ nguồn gốc.

3.4. Giảm căng thẳng, stress và đảm bảo chất lượng giấc ngủ

Stress trong thời gian dài và chế độ sinh hoạt không điều độ, ngủ thiếu giấc,... rất dễ dẫn đến các bệnh về đường tiêu hóa. Để tránh tình trạng này, bạn nên thực hiện các loại động yêu thích giúp tinh thần được thư giãn.

Ngoài ra, ngủ đủ 7 - 8 tiếng/ngày, thiết lập giờ ngủ cố định để cơ thể được nghỉ ngơi cũng sẽ giúp cải thiện tinh thần, tăng cường đề kháng để chống lại nguy cơ mắc phải bệnh đường tiêu hóa.

Nếu có triệu chứng bất thường đường tiêu hóa, người bệnh nên khám bác sĩ chuyên khoa ngay

3.5. Khám sức khỏe định kỳ và điều trị đúng chỉ định từ bác sĩ

Khám sức khỏe định kỳ, nhất là với những người có tiền sử gia đình với bệnh đường tiêu hóa giúp phát hiện sớm bất thường về tiêu hóa để điều trị kịp thời. Trường hợp đã được chẩn đoán và chỉ định điều trị các bệnh về đường tiêu hóa, người bệnh cần thực hiện đúng để tránh tình trạng bệnh tái phát nhiều lần.

Người mắc phải các bệnh về đường tiêu hóa thường không thể xác định được tình trạng bệnh của mình. Vì thế, nếu gặp phải dấu hiệu bất thường nào như đã được kể đến ở trên, quý khách hàng có thể liên hệ Hotline 1900 56 56 56, đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa - Hệ thống Y tế MEDLATEC để được chẩn đoán đúng và điều trị hiệu quả.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.