Các tin tức tại MEDlatec
Triệu chứng điển hình khi nhiễm virus hợp bào hô hấp
1. Virus hợp bào hô hấp và nguy cơ lây nhiễm
Theo Thống kê tại Hà Nội, thời điểm chuyển mùa đông - xuân là lúc trẻ em dễ lây nhiễm virus hợp bào hô hấp và khởi phát bệnh đường hô hấp nhất. Cứ khoảng 10 trẻ nhập viện do bệnh hô hấp thì 7 trẻ dương tính với virus hợp bào, không ít trường hợp trẻ nhập viện trong tình trạng nguy hiểm như khó thở, sốt cao, ho khò khè,…
Virus hợp bào hô hấp thường nguy hiểm với trẻ sơ sinh và trẻ sức khỏe yếu
1.1. Đặc điểm virus hợp bào hô hấp
Virus hợp bào hô hấp (RSV) là loại virus dễ gây nhiễm trùng phổi và đường hô hấp, chúng lây truyền từ người bệnh qua đường không khí, tiếp xúc gần hoặc từ môi trường sống.
Khả năng lây lan của virus hợp bào hô hấp là rất cao, vì thế vào những thời điểm giao mùa như mùa đông - xuân hay xuân hè, bệnh có thể khởi phát thành dịch.
Người trưởng thành nhiễm virus hợp bào hô hấp có thể có triệu chứng bệnh nhẹ giống với cảm lạnh thông thường. Tuy nhiên nếu đối tượng mắc bệnh là trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh non có sức khỏe yếu thì vấn đề bệnh lý này vô cùng nguy hiểm. Viêm phổi, viêm tiểu phế quản kéo dài có thể dẫn đến tổn thương phế nang, suy thở nhanh gây nguy hiểm cho trẻ.
Hiện nay, virus hợp bào hô hấp được phát hiện gồm 2 type với đặc điểm bệnh lý khác nhau bao gồm:
- Virus type 1: Gây sốt cao, tiên lượng nặng.
- Virus type 2: Gây sốt nhẹ, thậm chí không gây sốt, tiên lượng tốt hơn.
Virus hợp bào hô hấp dễ dàng lây nhiễm qua đường hô hấp
1.2. Con đường lây nhiễm
Virus khi xâm nhập vào cơ thể qua miệng, mũi hoặc mắt sẽ nhanh chóng sinh sôi, phát triển và gây bệnh. Người lành sau khi nhiễm virus sẽ có thời gian ủ bệnh từ 1 - 3 ngày, sau đó triệu chứng sẽ xuất hiện ồ ạt. Lúc này, bản thân họ cũng trở thành nguồn lây nhiễm bệnh, các triệu chứng ho, hắt hơi hoặc hoạt động tiếp xúc gần đều có thể lây bệnh cho người xung quanh.
Chúng có khả năng tồn tại nhiều giờ ngoài môi trường, bám trên các vật dụng như đồ chơi, bàn ghế, đồ dùng cá nhân của trẻ. Khi trẻ khác vô tình chạm vào vật dụng chứa virus này, đưa lên mắt mũi hoặc miệng đều có nguy cơ cao nhiễm virus.
2. Triệu chứng và chẩn đoán trẻ nhiễm virus hợp bào hô hấp
Sau khi nhiễm virus hợp bào hô hấp từ 1 - 3 ngày, triệu chứng bắt đầu rầm rộ và có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu không điều trị tốt.
2.1. Triệu chứng nhiễm virus hợp bào hô hấp
Nếu virus hợp bào hô hấp chỉ ảnh hưởng đến hệ hô hấp trên như mũi, họng, triệu chứng bệnh thường nhẹ tương tự như bệnh do virus khác gây ra. Qua triệu chứng lâm sàng không thể phân biệt bệnh do virus nào gây ra, đa phần chăm sóc điều trị tại nhà giúp cải thiện bệnh tốt.
Cụ thể, bệnh nhân nhiễm virus hợp bào hô hấp ảnh hưởng đường hô hấp trên có triệu chứng sau:
Trẻ nhiễm virus hợp bào hô hấp có triệu chứng tương tự như do virus hô hấp khác
-
Ho nhiều kèm theo đờm xanh, đờm vàng hoặc đờm xám.
-
Tình trạng đau họng nhẹ.
-
Nghẹt hoặc sổ mũi.
-
Sốt nhẹ hoặc sốt cao, có thể kèm theo khó thở.
-
Đau tai.
Sau khi nhiễm virus hợp bào hô hấp từ 3 - 5 ngày, triệu chứng sẽ nặng nhất, đặc biệt là tình trạng ho và khạc đờm. Nếu bệnh xảy ra ở trẻ có sức khỏe đặc biệt như: suy dinh dưỡng, sinh non, bệnh tim bẩm sinh, loạn sản phổi,… thì triệu chứng bít tắc đường thở, suy hô hấp nghiêm trọng có thể xảy ra. Lúc này đòi hỏi trẻ phải được chăm sóc y tế thường xuyên, có thể nhập viện theo dõi.
Khi virus hợp bào hô hấp tấn công hệ hô hấp dưới như gây viêm phổi, viêm tiểu phế quản,… triệu chứng thường nghiêm trọng hơn gồm:
-
Thở khò khè.
-
Khó thở, thở nhanh hơn bình thường.
-
Tình trạng ho nặng, trẻ có thể nôn hoặc nghẹt thở.
-
Tinh thần mệt mỏi, thờ ờ, giảm hứng thú với ăn uống hoặc hoạt động vui chơi.
Trẻ bị viêm đường hô hấp dưới do virus hợp bào hô hấp càng nhỏ tuổi thì biến chứng càng nặng, điều trị càng khó khăn. Ngoài ra, trẻ lớn hoặc người trưởng thành nhưng sức khỏe yếu, hệ miễn dịch kém cũng không nên chủ quan, virus có thể gây bệnh nghiêm trọng hơn bạn tưởng.
2.2. Chẩn đoán trẻ nhiễm virus hợp bào hô hấp.
Thực tế, triệu chứng viêm đường hô hấp có thể do rất nhiều loại virus gây ra cho triệu chứng tương tự nhau. Vì thế thông thường, qua triệu chứng lâm sàng rất khó phân biệt bệnh do virus nào.
Xét nghiệm dịch hô hấp giúp chẩn đoán chính xác virus hợp bào hô hấp
Để xét nghiệm chính xác virus hợp bào hô hấp, xét nghiệm dịch tiết hô hấp sẽ cho kết quả nhanh chóng và tốt nhất. Ngoài ra, xét nghiệm máu cũng có thể được thực hiện nhằm khẳng định bệnh do nhiễm khuẩn hay nhiễm virus.
Ngoài chẩn đoán tác nhân gây bệnh có phải là virus hợp bào hô hấp hay không, bác sĩ cần kiểm tra tình trạng tổn thương bằng các phương pháp như: nghe tiếng phổi, đo oxy bão hòa trong máu qua da, chụp X-quang viêm phổi,…
3. Virus gây bệnh nguy hiểm như thế nào?
Thường trẻ sơ sinh, trẻ có hệ miễn dịch yếu mới mắc bệnh viêm đường hô hấp do virus hợp bào hô hấp nghiêm trọng. Các biến chứng có thể xảy ra gồm:
Viêm tai giữa
Khi virus hợp bào hô hấp xâm nhập sâu gây nhiễm trùng tai giữa, cần sớm điều trị tránh ảnh hưởng đến thị lực lâu dài.
Viêm phổi và viêm tiểu phế quản
Hai bệnh viêm đường hô hấp dưới do virus hợp bào hô hấp gây ra này thường cản trở đường thở của phổi, khiến trẻ phải nhập viện để truyền dịch, hỗ trợ thở hoặc xử lý cấp cứu khi xảy ra suy hô hấp.
Hen suyễn
Trẻ bị nhiễm virus hợp bào hô hấp nghiêm trọng có nguy cơ phát triển thành bệnh hen suyễn khi trưởng thành.
Trẻ nhiễm virus hợp bào hô hấp có nguy cơ phát triển thành hen suyễn
Biến chứng khác
Hiếm gặp hơn nhưng nhiễm virus hợp bào hô hấp có thể gây ra biến chứng nặng khác như: xẹp phổi, suy hô hấp, ứ khí phổi, tràn khí màng phổi,…
Virus hợp bào hô hấp rất nguy hiểm với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có sức khỏe yếu, hệ miễn dịch suy giảm nên phát hiện và điều trị sớm là vô cùng quan trọng. Cha mẹ nên nắm rõ các thông tin bệnh lý để chăm sóc và đưa trẻ đi khám khi cần thiết.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!