Các tin tức tại MEDlatec
Tư vấn: Có nên tiêm Covid mũi nhắc lại cho trẻ em không?
- 16/05/2022 | Tác dụng phụ thường gặp sau khi tiêm vắc xin Covid-19 là gì?
- 12/03/2022 | Tầm quan trọng của tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 5 - 12 tuổi
- 03/04/2022 | Hỏi đáp: Khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin Covid là gì?
1. Tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho trẻ
Trong thời gian gần đây, việc phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên thế giới đã đạt được nhiều kết quả tích cực, các nước đã chuyển sang giai đoạn chung sống an toàn với dịch bệnh. Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm, phức tạp và những biến đổi khó lường của virus SARS-CoV-2 vẫn đặt ra nhiều thách thức cho con người.
Thời gian dịch bệnh hoành hành, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ em là đối tượng chịu mức độ ảnh hưởng của Covid-19 ít hơn so với người trưởng thành. Điều này vô tình đã tạo ra nhận thức sai lầm của một số người rằng trẻ em khó bị nhiễm hoặc ít có nguy cơ bệnh nặng hay không gặp phải những biến chứng hậu Covid-19.
Tiêm vắc xin là yếu tố quyết định đến hiệu quả phòng chống Covid-19
Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy trường hợp trẻ em bị nặng, phải nhập viện điều trị không phải là hiếm. Nhiều trẻ kể cả trường hợp ít triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ vẫn gặp phải những ảnh hưởng nghiêm trọng như đối với người lớn, chẳng hạn là: mệt mỏi, đau cơ, khớp, trí nhớ suy giảm.
Đặc biệt, tỷ lệ trẻ em từ 5 tới 11 tuổi bị viêm đa hệ thống do biến chứng của Covid-19 khá cao. Đây là hiện tượng viêm một số bộ phận như tim, phổi, mắt, thận, não,… mà cho đến nay, ảnh hưởng kéo dài chưa thể thống kê hết được.
Hơn nữa, những biến chủng mới vẫn tiếp tục xuất hiện với mức độ nguy hiểm và hậu quả gây ra chưa thể lường trước nên việc tiêm vắc xin cho trẻ là điều cực kỳ cần thiết.
Vắc xin có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng và ngăn ngừa những biến chứng có thể xảy đến với trẻ. Bên cạnh đó, những trẻ được tiêm ngừa sẽ yên tâm hơn khi tham gia các hoạt động học tập cũng như rèn luyện tập thể, nâng cao khả năng hòa nhập với cuộc sống cộng đồng.
Vắc xin ngừa Covid-19 còn là phương pháp ngăn chặn việc lây lan virus cho người khác trong cộng đồng.
2. Có nên tiêm Covid mũi nhắc lại cho trẻ không?
Tại Việt Nam, trẻ em từ 5 tuổi trở lên được khuyến cáo nên tiêm vắc xin ngừa Covid-19 với thành phần giống của người lớn song liều lượng ít hơn. Các thành phần cũng như liều lượng của vắc xin đã được kiểm nghiệm một cách chặt chẽ nên phụ huynh có thể hoàn toàn yên tâm.
Chủng loại và liều lượng vắc xin được kiểm nghiệm chặt chẽ đảm bảo phù hợp với từng độ tuổi
Để trả lời cho câu hỏi có nên tiêm Covid mũi nhắc lại cho trẻ không, trước hết, chúng ta cần hiểu rõ vai trò của mũi tiêm nhắc lại, gồm:
-
Mũi nhắc lại giúp khôi phục khả năng bảo vệ của vắc xin đã bị suy yếu theo thời gian.
-
Những người tiêm đầy đủ cả mũi nhắc lại sẽ được tăng cường thêm khả năng bảo vệ một cách tốt nhất.
Đối với những trẻ từ 5 tuổi trở lên, được khuyến nghị tiêm 1 mũi nhắc lại sau khi đã hoàn thành việc tiêm các mũi chính. Tất cả những người từ 12 tuổi trở lên và từ 50 tuổi trở lên nếu bị suy giảm miễn dịch ở mức độ từ trung bình đến nghiêm trọng được khuyến nghị tiêm 2 mũi nhắc lại.
Như vậy, có thể nói việc tiêm nhắc lại vắc xin Covid-19 cho trẻ là hoàn toàn cần thiết.
3. Những lưu ý khi thực hiện việc tiêm nhắc lại vắc xin Covid-19 cho trẻ
Khi quyết định tiêm vắc xin hoặc tiêm nhắc lại cho con, cha mẹ cần lưu ý một số nội dung, bao gồm:
Tác dụng phụ của vắc xin
Điều này có thể xảy đến với một số trẻ với mức độ nhẹ hoặc trung bình, có thể kéo dài trong một hoặc vài ngày. Một số trường hợp gặp phải ngay từ mũi đầu tiên và đỡ dần hoặc có thể chỉ xuất hiện ở những lần tiêm sau. Đó là:
-
Đau nhức hoặc ngứa, sưng cánh tay hay ở nơi tiêm.
-
Có thể thấy ớn lạnh hoặc sốt.
-
Buồn nôn, tiêu chảy.
-
Đau cơ hoặc ê ẩm toàn thân.
-
Nổi ban.
-
Ít gặp hiện tượng nổi hạch.
Đây là những phản ứng thường gặp nên cha mẹ không nên quá lo lắng mà dừng việc tiêm chủng cho con.
Nổi mề đay là một trong những hiện tượng thường gặp sau tiêm
Những trẻ nên tạm hoãn tiêm chủng
Tiêm chủng là rất cần thiết và việc khám sàng lọc trước khi tiêm đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là đối với trẻ em. Những trẻ đang ốm hoặc mắc các bệnh mạn tính, xuất hiện những dấu hiệu không bình thường về tim phổi hoặc từng có phản ứng sốc phản vệ trước đó cần được hoãn việc tiêm chủng.
Với những trẻ có tiền sử bị dị ứng hoặc rối loạn về tâm lý, tâm thần,… cần hết sức thận trọng trong quá trình tiêm hoặc phải thăm khám bác sĩ chuyên khoa trước khi thực hiện tiêm chủng.
Với những trẻ đang mắc hoặc mới khỏi bệnh
Trẻ trong trường hợp này cần được trì hoãn việc tiêm chủng. Theo khuyến cáo, sau khi mắc 3 tháng, trẻ có thể tiến hành tiêm chủng bình thường.
Tiêm vắc xin Covid-19 với các loại vắc xin khác
Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới WHO, vắc xin Covid-19 nên được tiêm cách ít nhất là 14 ngày với các loại khác, trừ vắc xin cúm.
Khám sàng lọc là thao tác không thể bỏ qua khi tiêm vắc xin
Trước, trong và sau khi tiêm
Trước khi trẻ tiêm, cha mẹ nên bổ sung thêm cho con các loại dinh dưỡng tốt từ trái cây, ngũ cốc, protein, tăng cường nước lọc hoặc nước dừa, sinh tố.
Trong quá trình tiêm, cần tuân thủ theo hướng dẫn của cán bộ y tế, đặc biệt, cho con ngồi lại 30 phút để theo dõi những phản ứng của cơ thể sau tiêm.
Sau khi tiêm, cha mẹ cần quan tâm, chăm sóc sát sao trẻ để kịp thời phát hiện những bất thường và báo cho bác sĩ. Bên cạnh đó, tăng cường vitamin và khoáng chất trong khẩu phần ăn cho con, hạn chế các loại đồ ăn nhanh, chiên rán, đảm bảo môi trường sống thoáng mát, hướng dẫn con vận động nhẹ nhàng.
Cha mẹ không chủ quan song cũng không nên quá lo lắng. Với những trẻ có biểu hiện đau nhức, sốt, có thể chườm ấm và chỉ dùng thuốc hạ sốt khi hơn 38,5 độ, tuyệt đối không tự mua các loại thuốc không rõ nguồn gốc để cho con uống.
Hy vọng với những chia sẻ trên, các bậc cha mẹ đã tìm ra đáp án và lựa chọn được quyết định chính xác về việc có nên tiêm Covid mũi nhắc lại cho trẻ. Nếu vẫn còn băn khoăn, thắc mắc về vấn đề này, quý phụ huynh có thể gọi tới số 1900 56 56 56 để được giải đáp và tư vấn thêm.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!