Các tin tức tại MEDlatec
Ung thư lưỡi: Nhận biết triệu chứng và phòng ngừa bằng cách nào?
Key: ung thư lưỡi
Ung thư lưỡi: Nhận biết triệu chứng và phòng ngừa bằng cách nào?
Ung thư lưỡi có thể gây tử vong nhưng rất nhiều người còn chưa hiểu rõ về căn bệnh này. Dưới đây là một số triệu chứng giúp bạn nhận biết bệnh sớm cùng với một số cách phòng ngừa hiệu quả.
1. Triệu chứng ung thư lưỡi
1.1. Giai đoạn đầu
Những biểu hiện của bệnh rất giống với nhiệt miệng – căn bệnh rất phổ biến, do đó, bệnh nhân thường chủ quan và dễ dàng bỏ qua.
Người bệnh bị khó ăn, khó nói chuyện
- Lưỡi người bệnh khó chịu, cảm giác đau hoặc bỏng rát trên lưỡi.
- Trên lưỡi có sự thay đổi bất thường: Xuất hiện nhiều nốt phồng, niêm mạc trắng, có nhiều vết loét nhỏ, lâu ngày không khỏi hoặc có các tổn thương u ở lưỡi khá rắn chắc
- Một số bệnh nhân có hạch dưới cằm và dưới hàm ngay trong giai đoạn đầu của bệnh.
1.2. Giai đoạn toàn phát
Ở giai đoạn này, triệu chứng ung thư lưỡi ngày càng rõ ràng và tác động không nhỏ đến cuộc sống của người bệnh.
Hơi thở của bệnh nhân có mùi khó chịu
- Đau lưỡi: Những cơn đau có thể diễn ra liên tục, đau khi nói và nhai thức ăn, nhất là khi ăn những đồ ăn cay nóng. Những cơn đau này có thể lan lên trên tai.
- Tiết nước bọt nhiều hơn.
- Chảy máu lưới hoặc miệng mà không phải do chấn thương hoặc cắn vào lưỡi.
- Hơi thở có mùi hôi.
- Khó nói và khó nuốt.
- Mệt mỏi và chán ăn.
- Giảm cân do bệnh nhân ăn uống kém và những tổn thương bệnh lý.
- Có nhiều ổ loét hay nhân lớn ở lưỡi: Khi những ổ loét này lan rộng ra, nó sẽ làm lưỡi khó hoạt động và dễ gây ra tình trạng chảy máu.
1.3. Giai đoạn tiến triển
Người bệnh rất đau đớn vì nhiều vết loét sâu và lan rộng trên hoặc dưới lưỡi, gây khó khăn khi cử động lưỡi hoặc nói. Những vết loét nghiêm trọng này có thể gây bội nhiễm hay mùi khó chịu, gây chảy máu nghiêm trọng. Để có thể khám bệnh, bác sĩ cần gây tê để hạn chế cơn đau và những phản ứng của lưỡi.
1.4. Giai đoạn cuối
Khi đã tiến triển sang giai đoạn này, những biểu hiện bệnh thường khá rõ rệt, xuất hiện rầm rộ và nghiêm trọng hơn.
Người bệnh sụt cân nhanh, luôn cảm thấy mệt mỏi, tổn thương lưỡi, đầy hơi, chướng bụng, buồn nôn, phân lẫn máu, sốt, hạch dưới cằm,...
Để xác định bệnh, cần phải thăm khám cụ thể như nội soi tai mũi họng, chụp MRI, chụp cắt lớp vi tính, chụp PET-CT, xét nghiệm máu, xét nghiệm HPV, khám nha khoa, siêu âm và sinh thiết tổn thương ở lưỡi.
2. Điều trị bệnh ung thư lưỡi
Điều trị ung thư lưỡi cần dựa vào những yếu tố giai đoạn bệnh ung thư, vị trí ung thư, toàn trạng. Những cách điều trị ung thư lưỡi chính bao gồm phẫu thuật, xạ trị và hoá trị, kết hợp hoặc các biện pháp riêng lẻ.
- Phẫu thuật: Được áp dụng đối với những trường hợp tổn thương đã phát triển và lan rộng. Tùy vào kích thước và vị trí của khối u, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ lưỡi.
Nếu đã tiến triển sang giai đoạn nghiêm trọng hơn, cần kết hợp phẫu thuật với xạ trị. Nếu xảy ra chảy máu nhiều tại vị trí khối u, cần cầm máu bằng thắt thắt động mạch cảnh ngoài.
- Xạ trị: Là cách giúp tiêu diệt ung thư mà phương pháp phẫu thuật chưa loại bỏ hết. Nếu bệnh đã ở giai đoạn muộn thì có thể áp dụng xạ trị đơn thuần. Một số trường hợp có thể xạ trị tại chỗ hay chính là cách dùng nguồn phóng xạ đúng vào vị trí tổn thương để tiêu diệt tế bào ung thư. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi xạ trị như viêm miệng, khô miệng, loét hay sạm da,...
- Hóa chất: Tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ áp dụng đơn hóa trị hoặc đa hóa trị. Một số trường hợp có thể hóa trị trước phẫu thuật hay xạ trị để thu nhỏ tổn thương. Thường được áp dụng ở những bệnh nhân phát hiện ung thư lưỡi giai đoạn muộn.
- Điều trị đích và miễn dịch.
3. Cách phòng ngừa ung thư lưỡi
Để ngăn ngừa căn bệnh này, bạn nên điều chỉnh một số vấn đề về dinh dưỡng và thói quen sinh hoạt như sau:
Đánh răng đúng cách để phòng ung thư lưỡi
- Chú ý vệ sinh răng miệng: Đây là một hành động nhỏ nhưng lại có thể ảnh hưởng lớn và bảo vệ sức khỏe của bạn. Nên đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày. Dùng loại bàn chải lông mềm và chải răng đúng cách. Để việc vệ sinh răng miệng đạt hiệu quả tốt hơn, bạn nên dùng thêm chỉ nha khoa, tránh dùng tăm. Khi răng miệng không được vệ sinh sạch sẽ mỗi ngày thì hệ thống miễn dịch của cơ thể cùng bị suy giảm và nguy cơ mắc các loại bệnh sẽ cao hơn, trong đó bao gồm ung thư lưỡi.
- Áp dụng chế độ ăn uống khoa học: Đây là yếu tố vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bạn. Bạn nên ăn đa dạng thực phẩm, ưu tiên ăn các loại trái cây, rau họ cải, những loại rau màu xanh đậm, các loại hạt, trà xanh, cà chua,... Nên chế biến món ăn theo cách luộc hoặc hấp, hạn chế ăn đồ xào, rán hay nướng. Hạn chế ăn đồ ăn sẵn. Để tăng thêm hương vị của món ăn, bạn có thể áp dụng những loại gia vị lành mạnh như tỏi, gừng,...
- Không nên dùng chất kích thích, chẳng hạn như loại bỏ bia rượu và không hút thuốc lá.
- Tập thể dục thường xuyên: Dù bạn có bận rộn đến mấy hãy cố gắng bỏ ra khoảng 30 phút mỗi ngày để tập thể dục. Đây là cách tăng cường sức đề kháng và bảo vệ sức khỏe vô cùng hiệu quả, đồng thời góp phần phòng tránh ung thư lưỡi.
- Khám nha khoa: Nhiều người không để ý đến sức khỏe răng miệng, tuy nhiên việc thường xuyên theo dõi răng miệng, khám nha khoa định kỳ có thể giúp bạn phát hiện các triệu chứng như vết loét lâu ngày, thay đổi màu sắc ở niêm mạc lưỡi,...
- Tiêm vắc xin ngừa HPV.
- Quan hệ tình dục an toàn.
Nên đi khám bệnh nếu có biểu hiện khác thường
Ung thư lưỡi rất nguy hiểm, có thể gây tử vong. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm thì bệnh cũng có thể được điều trị hiệu quả. Do đó, khi vùng miệng, lưỡi xuất hiện bất cứ triệu chứng gì, bạn đều nên cẩn trọng và đi khám sớm.
Mọi thắc mắc hoặc có nhu cầu đặt lịch khám tại Hệ thống Y tế MEDLATEC, mời quý khách hàng liên hệ trực tiếp đến tổng đài 1900 56 56 56.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!