Các tin tức tại MEDlatec

Uống giấm táo có hại dạ dày không? Cần lưu ý gì khi sử dụng?

Ngày 11/07/2025
Tham vấn y khoa: BS. Phạm Thị Nhi
Giấm táo được xem là một “nguyên liệu vàng” trong giảm cân, làm đẹp và hỗ trợ tiêu hóa, nhưng liệu việc uống giấm táo có hại dạ dày không? Ai nên thận trọng khi dùng và cần lưu ý điều gì để sử dụng đúng cách? Câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây!

1. Giấm táo được sử dụng với mục đích gì? 

Giấm táo (Apple Cider Vinegar – ACV) là một loại giấm tự nhiên được làm từ nước ép táo lên men. Quá trình sản xuất gồm hai giai đoạn chính: đầu tiên là lên men rượu từ đường trong táo, sau đó là lên men axit để tạo ra acid acetic – thành phần chính tạo nên vị chua và đặc tính sinh học của giấm táo. Thành phần chính của giấm táo bao gồm:

  • Acid acetic ( khoảng 5–6%): Giúp tạo vị chua, có đặc tính kháng khuẩn và hỗ trợ tiêu hóa;
  • Enzyme và vi khuẩn có lợi (trong giấm chưa tiệt trùng);
  • Axit amin, khoáng chất: Như kali, magiê và một lượng nhỏ các vitamin nhóm B

Nhờ đặc tính tự nhiên, giấm táo đã được sử dụng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là sức khỏe và làm đẹp. Dưới đây là một số mục đích phổ biến:

Hỗ trợ tiêu hóa

Giấm táo giúp tăng tiết dịch tiêu hóa, hỗ trợ quá trình phân giải thức ăn, giảm đầy hơi, khó tiêu. Một số người sử dụng giấm táo pha loãng trước bữa ăn để cải thiện khả năng tiêu hóa.

Giấm táo được sử dụng nhằm hỗ trợ hệ tiêu hóa 

Hỗ trợ giảm cân

Trong giấm táo có chứa acid acetic, có thể góp phần kiểm soát cảm giác thèm ăn và hỗ trợ chuyển hóa chất béo. Dùng giấm táo kết hợp chế độ ăn uống lành mạnh và vận động  hợp lý có thể hỗ trợ giảm cân.

Ổn định đường huyết

Giấm táo có thể giúp giảm chỉ số đường huyết sau ăn ở một số người, đặc biệt là khi ăn kèm thực phẩm nhiều tinh bột. Tuy nhiên, không thay thế được thuốc điều trị tiểu đường.

Làm đẹp da và chăm sóc tóc

Giấm táo thường được dùng để cân bằng pH da, giảm mụn, làm dịu kích ứng nhẹ. Ngoài ra, nhiều người sử dụng giấm táo pha loãng để xả tóc, giúp tóc bóng mượt và giảm gàu.

Kháng khuẩn, làm sạch tự nhiên

Giấm táo có tính acid nhẹ, giúp ức chế một số loại vi khuẩn. Nó được dùng như một nguyên liệu làm sạch tự nhiên trong chế biến thực phẩm hoặc vệ sinh cơ bản.

2. Uống giấm táo có hại dạ dày không?

Như đã thông tin ở trên, giấm táo là một loại acid tự nhiên (chứa acid acetic) có lợi trong nhiều trường hợp. Tuy nhiên, bản chất của giấm táo vẫn là một chất có tính acid, vì vậy nếu sử dụng không đúng cách, giấm táo hoàn toàn có thể gây hại cho dạ dày.

Những nguy cơ có thể xảy ra với dạ dày khi uống giấm táo sai cách bao gồm:

Kích ứng niêm mạc dạ dày

Uống giấm táo nguyên chất, khi đói hoặc dùng quá nhiều có thể gây kích ứng mạnh lên thành dạ dày, dẫn đến cảm giác bỏng rát, cồn cào, đau thượng vị, đặc biệt ở người có bệnh lý dạ dày.

Uống giấm táo sai cách có thể gây hại cho dạ dày 

Làm trầm trọng hơn các bệnh lý dạ dày sẵn có

Người bị viêm dạ dày, trào ngược dạ dày – thực quản hoặc loét dạ dày không nên uống giấm táo, vì acid sẽ làm trầm trọng thêm các triệu chứng như ợ nóng, buồn nôn, đầy bụng.

Tổn thương men răng và thực quản

Giấm táo có độ pH khá thấp (khoảng 2–3), khi tiếp xúc trực tiếp với răng trong thời gian dài, acid acetic có thể làm mòn lớp men bảo vệ, khiến răng trở nên nhạy cảm, ê buốt khi ăn đồ nóng hoặc lạnh. Nếu tiếp tục sử dụng sai cách, có thể dẫn đến sâu răng hoặc tổn thương nướu.

3. Cách dùng giấm táo an toàn để tránh hại dạ dày

Giấm táo có thể mang lại một số lợi ích nếu dùng đúng cách. Tuy nhiên, để tránh gây kích ứng hoặc tổn thương dạ dày, bạn cần lưu ý những nguyên tắc sau:

Luôn pha loãng trước khi uống

Tuyệt đối không uống giấm táo nguyên chất. Bạn nên pha từ 1–2 thìa cà phê giấm táo với 200–250ml nước ấm. Dung dịch loãng giúp giảm độ acid, hạn chế nguy cơ kích ứng niêm mạc dạ dày.

Cần pha loãng giấm táo trước khi uống để tránh gây hại cho dạ dày 

Không uống khi đói

Dùng giấm táo lúc bụng rỗng dễ gây cảm giác nóng rát, đầy bụng hoặc buồn nôn. Những biểu hiện này không chỉ làm bạn khó chịu mà còn có thể làm tổn thương lớp niêm mạc dạ dày nếu kéo dài, dẫn đến viêm loét hoặc tăng nguy cơ mắc các bệnh tiêu hóa. Tốt nhất nên uống sau khi ăn 15–30 phút, hoặc uống kèm trong bữa ăn.

Không lạm dụng

Chỉ nên dùng 1 lần/ngày, và không quá 2 thìa cà phê mỗi lần. Uống quá nhiều có thể gây mất cân bằng acid – kiềm, ảnh hưởng đến tiêu hóa và men răng.

Dùng ống hút nếu uống thường xuyên

Acid trong giấm táo có thể làm mòn men răng nếu tiếp xúc trực tiếp lâu ngày. Dùng ống hút giúp hạn chế giấm tiếp xúc với răng.

Ngưng sử dụng nếu thấy khó chịu

Nếu bạn có các triệu chứng như đau bụng, ợ nóng, đầy hơi hoặc khó tiêu sau khi dùng, hãy ngưng sử dụng ngay và tham khảo ý kiến bác sĩ.

Không dùng cho người có bệnh dạ dày

Người bị viêm loét dạ dày, trào ngược thực quản hoặc có tiền sử đau dạ dày nên tránh dùng giấm táo, kể cả khi pha loãng, trừ khi có chỉ định từ bác sĩ.

Bằng cách tuân thủ các biện pháp trên, bạn có thể tận dụng được lợi ích của giấm táo mà vẫn bảo vệ sức khỏe nói chung và hệ tiêu hóa nói riêng.

Trên đây là toàn bộ lời giải đáp cho thắc mắc “uống giấm táo có hại dạ dày không?”. Dù giấm táo mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, việc sử dụng không đúng cách có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hệ tiêu hóa, đặc biệt là ở những người có tiền sử bệnh dạ dày. Vì vậy, hãy luôn sử dụng giấm táo một cách khoa học, lắng nghe cơ thể và tham khảo ý kiến bác sĩ nếu cần thiết. Nếu bạn gặp các triệu chứng bất thường sau khi dùng giấm táo hoặc có vấn đề về tiêu hóa, đừng ngần ngại liên hệ Hệ thống Y tế MEDLATEC qua tổng đài 1900 56 56 56 để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

Từ khoá: nước ép vi khuẩn

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.