Các tin tức tại MEDlatec
Vết thương mạch máu là gì? Nguyên tắc và kỹ thuật sơ cứu đúng cách
- 21/04/2022 | Hướng dẫn chăm sóc vết thương cho người tiểu đường đúng cách
- 30/11/2022 | Dấu hiệu khi vết thương hoại tử và cách xử lý
- 17/06/2024 | Top 8 loại trái cây giúp mau lành vết thương mà bạn không nên bỏ qua
1. Vết thương mạch máu là gì?
Vết thương mạch máu là tình trạng đứt, rách hoặc mất đoạn tại các mạch máu trong cơ thể dẫn đến hiện tượng chảy máu ồ ạt. Ngoài ra, những trường hợp phần mềm bị tổn thương trên diện rộng tác động lên mạch máu dẫn đến mất máu nhiều cũng được xem là vết thương mạch máu. Khi đó, người bệnh cần được cấp cứu kịp thời và áp dụng các biện pháp sơ cứu đúng cách để bảo vệ tính mạng.
Mạch máu bị đứt, rách, mất đoạn tạo nên vết thương gây chảy máu ồ ạt
Một số trường hợp, vết thương sẽ không gây ra hiện tượng chảy máu. Nguyên nhân có thể là do máu đã ngừng chảy hoặc tụ máu dưới da. Vết thương tại mạch máu cũng có thể tự cầm thường xảy ra do đầu mạch máu khi đứt co rút vào tổ chức phần mềm xung quanh hoặc lớp nội mạc lộn vào mạch máu, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hình thành cục máu đông từ đó giúp bịt đầu mạch máu lại và máu ngưng chảy.
Phân loại
Những vết thương tại mạch máu có thể phân loại dựa theo các dạng sau:
- Nguyên nhân: Vết thương tại mạch máu xảy ra do tai nạn, chấn thương, các vật sắc nhọn đâm trúng, đạn hoặc vỡ mạch do tiêm chích sai cách,…
- Vị trí: Tổn thương mạch máu ngoại vi, vết thương tại các mạch máu ở vùng cổ, nền cổ, chủ ngực - bụng hoặc tổn thương mạch khi bị gãy xương hay do bác sĩ gây ra (do phẫu thuật hoặc thực hiện các can thiệp mạch máu không đúng kỹ thuật, động tác thô bạo,…).
- Tính chất: Vết thương mạch máu đơn thuần hoặc phối hợp (có đi kèm với những tổn thương khác như mô mềm, cơ xương, dây thần kinh,…).
Mức độ nguy hiểm của các tổn thương tại mạch máu
Khi mạch máu bị tác động nếu không có biện pháp cầm máu kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng sau:
- Sơ cứu chậm dẫn đến mất máu quá nhiều có thể gây tử vong, sốc nhiễm độc vì chuyển hóa yếm khí hoặc nhiễm trùng huyết. Biểu hiện khi nạn nhân bị sốc mất máu thường là hoảng hốt, lo lắng, vã mồ hôi, tụt huyết áp,…
- Phồng động mạch, khi sờ có thể cảm nhận được một khối dập hoặc giãn nở. Lúc này, bác sĩ có thể áp dụng biện pháp can thiệp nội mạch hoặc phẫu thuật để cắt bỏ túi phồng.
- Nếu vị trí nối mạch bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn, máu sẽ không đủ để đi nuôi các chi.
- Áp lực tĩnh mạch đoạn chi ngoại vi tăng dẫn đến tình trạng thông động tĩnh mạch. Khi đó, vết thương cần được may vá lại hoặc áp dụng phương pháp thắt đường dò.
Vết thương mạch máu cần được cấp cứu kịp thời để hạn chế mất máu quá nhiều
2. Cách sơ cứu vết thương mạch máu
Khi xảy ra vết thương tại mạch máu thì việc sơ cứu tạm thời đóng vai trò rất quan trọng đối với tính mạng của nạn nhân. Điều này sẽ hạn chế tình trạng mất máu và duy trì chức năng sống cho người bệnh.
Nguyên tắc khi sơ cứu
Những nguyên tắc khi sơ cứu vết thương mạch máu mà bạn cần nhớ là:
- Thực hiện sơ cứu càng nhanh càng tốt: Mục đích là để ngưng tình trạng máu chảy ồ ạt. Nếu để càng lâu, lượng máu mất càng nhiều sẽ có nguy cơ gây sốc và tử vong.
- Cầm máu theo tính chất của vết thương: Băng nút đối với vết thương bị rách, đứt ở trong sâu, băng ép nếu tổn thương dập nát,…
Kỹ thuật sơ cứu
Để sơ cứu vết thương mạch máu có thể thực hiện các thao tác sau:
Đặt garo
Đặt garo với những trường hợp chi bị dập hoàn toàn, đặt garo ở vị trí xảy ra tai nạn nhưng gần bệnh viện, thời gian di chuyển đến bệnh viện dưới 1 giờ hoặc với những trường hợp chờ đợi thời gian ngắn trước khi phẫu thuật. Những lưu ý khi đặt garo:
- Vị trí phải dễ nhìn thấy, gần với vết thương nhất có thể, ghi lại thông tin giờ đặt garo để đưa cho bác sĩ khi đến bệnh viện.
- Sau mỗi 15 - 20 phút đặt garo thì chú ý nới lỏng vài phút để máu đến nuôi dưỡng những phần phía dưới chỗ bị thương sau đó thắt chặt lại.
Cầm máu dựa theo tính chất của vết thương
Đè ấn động mạch
Dùng tay ép chặt lấy phần động mạch ở phía trên vị trí bị thương. Tùy theo mức độ tổn thương của mạch máu mà bạn có thể dùng ngón tay hoặc cả bàn tay để ấn.
Băng ép để cầm máu
Bạn có thể dùng một cái khăn sạch gấp gọn thành cục rồi ép lên miệng vết thương, dùng băng chun quấn chặt quanh chi cho đến khi không thấy máu thấm vào băng. Phương pháp này dễ thực hiện, cầm máu hiệu quả lại ít tác động lên vùng bị thương.
Gập chi
Phương pháp gập chỉ có thể thực hiện với những đoạn như cánh tay với thân, bụng với đùi hay các đoạn trên một chi. Khi đó các khối cơ bao quanh sẽ bị chèn ép giúp cầm máu.
Mặc dù phương pháp này mang lại hiệu quả nhanh chóng nhưng không phải bị trí nào cũng có thể thực hiện và trường hợp bệnh nhân quá đau đớn hay mất ý thức sẽ không thực hiện được. Ngoài ra những trường hợp tổn thương mạch máu đi kèm gãy xương cũng không thể thực hiện sơ cứu bằng phương pháp gập chi.
Vết thương mạch máu là trường hợp cần cấp cứu ngoại khoa. Sau khi đã sơ cứu tạm thời thì cần di chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để tiếp tục xử lý. Nếu vết thương tại mạch máu xử lý sai cách hoặc chậm trễ sẽ gây ra những hậu quả khó lường. Trường hợp bạn không có kiến thức về kỹ thuật sơ cứu, tuyệt đối không được tự ý thực hiện, hãy liên hệ với cơ sở y tế để được hướng dẫn.
Hiện nay, các đơn vị thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC với trang thiết bị y tế hiện đại, đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm là địa chỉ uy tín có đủ khả năng để xử lý vết thương cũng như chẩn đoán và điều trị các vấn đề liên quan đến mạch máu.
Đưa bệnh nhân bị vết thương mạch máu đến viện càng sớm càng tốt
Mọi thông tin cần hỗ trợ, quý khách hàng vui lòng liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC, sẽ có nhân viên tư vấn miễn phí 24/7.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!