Các tin tức tại MEDlatec

Viêm cơ tự miễn: nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 01/09/2023
Viêm cơ tự miễn là bệnh lý có đặc trưng bởi các tổn thương dạng viêm và thoái hóa xuất hiện ở cơ, da. Người bệnh thường bị yếu cơ đối xứng 2 bên, đôi khi kèm đau cơ và tổ chức xơ thay thế cơ, teo cơ. Bệnh lý này phổ biến ở nữ giới nhiều hơn so với nam giới.

1. Nguyên nhân và triệu chứng bệnh viêm cơ tự miễn

1.1. Nguyên nhân của viêm cơ tự miễn

Chính xác nguyên nhân gây nên viêm cơ tự miễn là gì vẫn chưa xác định được, các nhà nghiên cứu cho rằng bệnh lý này liên quan mật thiết với phản ứng tự miễn với mô cơ, xuất hiện ở người có gen dễ mẫn cảm. Ung thư hoặc nhiễm virus được xem có yếu tố có nguy cơ khởi phát viêm cơ tự miễn.

Người có gen dễ mẫn cảm có nguy cơ cao đối với bệnh viêm cơ tự miễn

1.2. Dấu hiệu viêm cơ tự miễn

Viêm cơ tự miễn được phân thành 4 nhóm dựa trên triệu chứng lâm sàng và mô bệnh học là: viêm da cơ, viêm đa cơ, bệnh lý cơ hoại tử qua trung gian miễn dịch và viêm cơ thể vùi.

Viêm da cơ và viêm đa cơ trong viêm cơ tự miễn có dấu hiệu như bệnh cơ đơn thuần hoặc một phần của hội chứng kháng synthetase liên quan đến viêm khớp: bệnh phổi kẽ, sốt, tăng sinh keratin ở ngón tay và hội chứng Raynaud.

Bệnh cơ hoại tử qua trung gian miễn dịch thường có dấu hiệu tiến triển nặng với tình trạng tăng men CK và các cơ quan ngoài cơ không có tổn thương. Viêm cơ toàn thân khiến cho phần cơ gần chân bị yếu và kèm teo cơ.

Viêm cơ tự miễn thường chồng lấp với bệnh lý khớp tự miễn như lupus ban đỏ hệ thống, mô liên kết hỗn hợp, xơ cứng bì toàn thể. Người bệnh thường có dấu hiệu của bệnh chồng lấp ngoài viêm cơ.

Bệnh viêm cơ tự miễn giai đoạn cấp tính thường khởi phát với tình trạng đau đa khớp, khó nuốt, khó thở, ho, sốt cao, sụt cân, mệt mỏi, hội chứng Raynaud,... Trong đó, dấu hiệu tiên lượng nặng thường là: khàn tiếng, khó nuốt, yếu cơ hoành.

Đau khớp là một trong dấu hiệu khởi phát của viêm cơ tự miễn

Tình trạng yếu cơ ở người bị viêm cơ tự miễn tiến triển trong vài tuần đến vài tháng nhưng dấu hiệu này chỉ xuất hiện khi 50% số lượng sợi cơ bị phá hủy. Người bệnh có thể gặp khó khăn khi đưa cánh tay nâng cao lên trên vai hoặc đứng lên khi đang trong tư thế ngồi, leo lên bậc thang.

Teo và đau cơ đôi khi cũng là dấu hiệu viêm cơ tự miễn. Có trường hợp người bệnh sẽ cần phải dùng xe lăn hoặc nằm liệt vì cơ đai vai và đai chậu bị yếu. Cơ gập cổ cũng có thể bị ảnh hưởng khiến cho người bệnh không nhấc đầu gối lên được.

Khi các cơ thực quản trên, cơ hầu họng bị yếu, người bệnh có thể dễ bị sặc, khó nuốt. Riêng cơ mặt, cơ bàn chân và bàn tay không bị ảnh hưởng (trừ trường hợp bị viêm cơ tự miễn thể vùi).

Đau hoặc viêm đa khớp kèm sưng cũng là dấu hiệu viêm cơ tự miễn thường gặp. Người bệnh có thể gặp tình trạng rối loạn chức năng tâm thất, rối loạn dẫn truyền hoặc các triệu chứng đường tiêu hóa như đi ngoài phân đen, nôn ra máu, đau bụng,...

Tổn thương trên da ở người bị viêm cơ tự miễn

Trường hợp bị viêm cơ tự miễn thể viêm da cơ sẽ có dấu hiệu nổi hồng ban sẫm màu, loét da, nhạy cảm trước ánh nắng mặt trời, phù quanh hốc mắt,... Cũng có khi ban ngoài da nổi gồ lên cao so với bề mặt da, có vảy da ở vùng lưng, ngực, vai, cổ, trán, tay, chân, mặt ngoài đùi,... Trên da đầu người bệnh có thể xuất hiện tổn thương dạng tương tự vảy nến gây ngứa.

2. Chẩn đoán và điều trị viêm cơ tự miễn

2.1. Chẩn đoán

Phương pháp chẩn đoán viêm cơ tự miễn phổ biến nhất là sinh thiết cơ. Kết quả sinh thiết có thể phân loại viêm da cơ và viêm đa cơ nhưng nếu người bệnh có tổn thương da đặc trưng của viêm da cơ thì  phương pháp này thường không cần thiết. Để kết quả sinh thiết đạt độ nhạy tối đa cần lấy mẫu từ cơ của người bệnh có các đặc điểm:

- Khám lâm sàng có yếu cơ.

- Chụp MRI có biểu hiện phù cơ.

- Điện cơ cho kết quả hai cơ đối xứng bất thường.

Người bệnh có dấu hiệu nghi ngờ viêm cơ tự miễn nên khám bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp để được chẩn đoán đúng

2.2. Điều trị

- Corticosteroid

Sử dụng thuốc Corticosteroid là lựa chọn ban đầu trong điều trị viêm cơ tự miễn. Trường hợp viêm cơ tự miễn cấp ở người trưởng thành sẽ được điều trị với liều prednisone 1mg/kg (40 - 60mg) ngày/lần. Nếu bệnh ở giai đoạn nặng có biểu hiện yếu cơ hô hấp hoặc khó nuốt thì điều trị corticosteroid liều cao (thường là methylprednisolone 0.5 -1g đường truyền tĩnh mạch ngày/lần, điều trị 3 - 5 ngày).

Một số trường hợp sẽ được chỉ định điều trị corticosteroid liều cao trong thời gian dài, sau thời gian đáp ứng ban đầu với thuốc có thể xuất hiện tình trạng tăng yếu cơ vì mắc bệnh lý cơ chồng lấp. Bệnh viêm cơ tự miễn liên quan với ung thư thường không hiệu quả với điều trị corticosteroid, chỉ khi khối u được đẩy lùi thì bệnh viêm cơ tự miễn mới có khả năng khỏi.

Viêm cơ tự miễn khiến người bệnh tăng nguy cơ với xơ vữa động mạch nên cần được theo dõi chặt chẽ. Những trường hợp điều trị corticosteroid kéo dài cần dự phòng loãng xương. Trường hợp điều trị bằng liệu pháp ức chế miễn dịch kết hợp thì người bệnh sẽ được điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội.

Ngoài ra, bệnh viêm cơ tự miễn cũng có thể được điều trị bằng:

+ Thuốc ức chế miễn dịch.

+ Truyền globulin miễn dịch.

+ Giảm thiểu các hoạt động thể chất cho đến khi kiểm soát được viêm.

Tùy vào tính chất bệnh ở từng bệnh nhân mà bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp sao cho đạt được hiệu quả tối ưu.

Nội dung bài viết trên đây hy vọng đã giúp khách hàng có thêm thông tin để hiểu hơn về bệnh viêm cơ tự miễn. Nếu còn băn khoăn nào liên quan đến bệnh lý này quý khách hàng có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC để có được những thông tin chính xác.

Từ khoá: Viêm cơ tự miễn

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.