Các tin tức tại MEDlatec

Viêm mũi xuất tiết có nguy hiểm không? Nguyên nhân do đâu?

Ngày 26/10/2022
Viêm mũi xuất tiết là bệnh lý có diễn tiến phức tạp và khó phát hiện sớm gây nhiều khó khăn cho quá trình điều trị và phục hồi về sau. Để tìm  hiểu về căn  bệnh này, hãy cùng các chuyên gia của MEDLATEC theo dõi thông tin qua bài viết sau đây.

1. Định nghĩa về bệnh viêm mũi xuất tiết

Viêm mũi xuất tiết là tình trạng niêm mạc mũi họng bị viêm do tiết ra quá nhiều dịch nhầy. Đây có thể là hệ quả của bệnh viêm xoang, viêm mũi họng cấp, cúm hay viêm mũi dị ứng. Bệnh thường được nhận biết qua dấu hiệu phù nề và xung huyết lan tỏa niêm mạc mũi.

Thường thì đối với những trường hợp cấp tính, bệnh không gây ra quá nhiều nguy hiểm mà phần lớn các biểu hiện của bệnh sẽ ảnh hưởng tới tâm lý và sinh hoạt thường nhật. Tuy nhiên nếu không có biện pháp khắc phục, bệnh có thể tiến triển thành dạng mạn tính và gây ra một số biến chứng nghiêm trọng sau:

  • Mắc các bệnh Tai - Mũi - Họng: virus, vi khuẩn phát triển tại mũi có thể lan xuống các cơ quan gần đó như xoang, họng, tai, phế quản, thậm chí là mắt gây viêm họng, viêm xoang mũi xuất tiết, viêm phế quản, viêm tai giữa, hen suyễn, suy giảm thị lực,...;

  • Biến chứng về mắt: viêm mũi xuất tiết có thể khiến bệnh nhân bị viêm túi lệ, áp xe mí mắt,... thị lực giảm và dần dẫn đến mù lòa;

  • Biến chứng về não: gồm áp xe ngoài màng cứng, áp xe não, viêm màng não,...

Viêm mũi xuất tiết nếu không được điều trị hiệu quả có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm

Một số nguyên nhân dẫn đến hiện tượng viêm mũi xuất tiết đó là:

  • Bệnh thường xảy ra vào những khi thay đổi thời tiết, thời điểm chuyển giao giữa các mùa như từ mùa nóng sang mùa lạnh;

  • Các yếu tố như độ ẩm cao, ô nhiễm môi trường hay tác nhân gây dị ứng cũng làm tăng nguy cơ khiến người bệnh dễ bị viêm mũi xung huyết;

  • Những người có chế độ ăn uống thiếu lành mạnh, thường xuyên ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh, đường muối, lạm dụng chất kích thích;

  • Người có hệ miễn dịch yếu, nhất là phụ nữ có thai, trẻ nhỏ, người cao tuổi hoặc đang bị các bệnh lý gây suy giảm miễn dịch (HIV/AIDS, ghép tạng,...). Khi sức đề kháng kém dễ làm bệnh tiến triển nhanh và nguy cơ gặp phải biến chứng nặng là rất cao.

Biết được nguyên nhân gây bệnh có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng ngừa và điều trị viêm mũi xuất tiết. Vì vậy người bệnh cần chú ý thăm khám khi là đối tượng nguy cơ cao và ngay khi khởi phát những triệu chứng bất thường của bệnh.

2. Viêm mũi xuất tiết có những triệu chứng như thế nào?

Ở giai đoạn đầu bệnh sẽ có các triệu chứng khá giống với bệnh cúm như sổ mũi, hắt hơi, nghẹt mũi, nhức mỏi cơ thể, nhức đầu, ớn lạnh... nên rất khó phân biệt. Cho đến khi bệnh chuyển nặng thì bệnh nhân mới phát hiện ra. Các biểu hiện ở giai đoạn nặng bao gồm:

  • Đau rát và khô họng: khi tình trạng viêm mũi xuất tiết tiến triển nghiêm trọng, chất nhầy do lớp niêm mạc ở mũi họng tiết ra sẽ giảm dần khiến hốc mũi và cổ họng có cảm giác đau rát, khô và nóng. Vì vậy bệnh nhân sẽ cảm thấy khát nước liên tục;

  • Sung huyết và đỏ niêm mạc vùng mũi họng: bề mặt của niêm mạc mũi họng có biểu hiện phù nề, tấy đỏ và sung huyết. Khi nội soi có thể quan sát thấy tình trạng này xảy ra ở các bộ phận phụ khu vực trước, sau và thành sau của cuốn mũi và họng;

  • Khản tiếng, ho khan: đây là triệu chứng thường gặp sau một thời gian dài cổ họng bị mất nước, khô, đau rát. Bệnh nhân bị đau rát họng đặc biệt là khi nói chuyện, nuốt, đôi khi còn không thể giao tiếp được;

  • Nhức đầu, cảm thấy đau nhức vùng mặt;

  • Hơi thở có mùi hôi;

  • Sổ mũi và hắt hơi nhiều;

  • Khó thở, nghẹt mũi;

  • Biểu hiện toàn thân: khó chịu, mệt mỏi, sốt, ăn ngủ kém,...

Bệnh nhân bị viêm mũi xuất tiết thường có biểu hiện đau rát và khô cổ họng

3. Hướng dẫn điều trị tình trạng viêm mũi xuất tiết

Để khắc phục tình trạng này, đầu tiên bệnh nhân cần tránh xa các tác nhân gây dị ứng khi xác định chúng là nguyên nhân gây bệnh. Có nhiều phương pháp để điều trị viêm mũi xuất tiết, ví dụ như dùng thuốc hoặc không dùng thuốc. Phụ thuộc vào tình trạng bệnh, hiệu quả do các loại thuốc mang lại mà bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị tối ưu nhất.

3.1. Điều trị viêm mũi xuất tiết bằng thuốc

Sau đây là những loại thuốc thường được áp dụng cho các trường hợp bị viêm mũi xuất tiết bạn có thể tham khảo:

  • Thuốc chứa Corticoid chống viêm: thường thì để giảm thiểu tình trạng viêm bác sĩ sẽ kê đơn một số loại thuốc chứa corticoid bào chế theo dạng nhỏ hoặc xịt như flixonase, collydexa, polydexa,... Công dụng của các loại thuốc này là chống nhiễm khuẩn, kháng viêm, cải thiện hiện tượng dị ứng. Nếu người bệnh bị viêm nhiễm mức độ nặng thì có thể cần kết hợp với các loại thuốc chống viêm đường uống khác như Prednisolon, Dexamethason,...;

  • Thuốc kháng Histamin: bao gồm Desloratadin, Loratadin, Cetirizin,… giúp ức chế và ngăn chặn sự giải phóng Histamin (một chất trung gian do cơ thể tạo ra có thể gây dị ứng);

  • Thuốc có tác dụng co mạch, chống sung huyết: ví dụ như Ephedrin 1%, Napthasolin 0,5%, Naphazolin, Xylometazolin,... có khả năng giảm sung huyết, phù nề niêm mạc mũi họng, khắc phục hiện tượng nghẹt mũi và chảy nước mũi.

Dùng thuốc là phương án thường được chỉ định trong những trường hợp bị viêm mũi xuất tiết

Cần đặc biệt lưu ý rằng những loại thuốc trên chỉ được dùng khi có sự tư vấn, hướng dẫn từ bác sĩ chuyên khoa. Bệnh nhân không nên tự ý sử dụng hoặc lạm dụng thuốc vì chúng có thể gây nên các tác dụng phụ nghiêm trọng. Khi đó bệnh không những không được chữa khỏi mà còn diễn tiến nặng, gây khó khăn cho việc điều trị.

3.2. Phương pháp điều trị không dùng thuốc

Bên cạnh việc điều trị viêm mũi xuất tiết bằng thuốc thì có thể áp dụng các hình thức khác để khắc phục tình trạng này, cụ thể là dùng các kỹ thuật hiện đại hoặc phương pháp vật lý tác động trực tiếp vào vùng mũi có thể cải thiện được các triệu chứng của bệnh. Đối với những trường hợp bị nặng hoặc các loại thuốc trên không đem lại hiệu quả thì có thể cân nhắc vận dụng các biện pháp dưới đây:

  • Điện di dung dịch Novocain 5%;

  • Chiếu tia sóng ngắn vào vùng mũi;

  • Trị viêm mũi xuất tiết bằng khí dung;

  • Dùng cote điện để đốt cuốn mũi dưới: đây là phương án lựa chọn cuối cùng nếu bệnh nhân không đáp ứng với các biện pháp kể trên.

Đây là các biện pháp vật lý cần vận dụng thiết bị hiện đại. Cơ chế hoạt động là trực tiếp tác động vào khu vực bị tổn thương nhằm khắc phục tình trạng viêm mũi xuất tiết trong thời gian ngắn. Tuy nhiên nhược điểm của các phương pháp này là chi phí thực hiện cao, dễ xảy ra rủi ro nhất là khi tiến hành ở những cơ sở y tế không uy tín.

Hy vọng rằng thông qua bài viết này, bạn đã hiểu rõ hơn về bệnh viêm mũi xuất tiết cũng như những cách điều trị tình trạng này. Để được tư vấn và đặt lịch khám tại Chuyên khoa Tai - Mũi - Họng của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, bạn vui lòng liên hệ tổng đài 1900 56 56 56.

Từ khoá: nghẹt mũi Áp xe

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.