Các tin tức tại MEDlatec
Viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh cha mẹ cần lưu ý gì để tránh tái phát
- 18/05/2022 | Bệnh viêm tai giữa: phân loại, dấu hiệu và điều trị
- 17/08/2022 | 9 dấu hiệu trẻ bị viêm tai giữa bố mẹ cần lưu ý
- 24/10/2022 | Viêm tai giữa ở trẻ: nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách điều trị
1. Tìm hiểu chung về viêm tai giữa ở trẻ
Tai giữa là bộ phận đảm nhiệm chức năng tiếp nhận âm thanh, chuyển tiếp các rung động từ màng nhĩ truyền đến tai. Để làm được điều này cần có sự hỗ trợ không nhỏ từ hệ thống xương con, từ đó chúng ta có thể nghe được các âm thanh từ ngoài môi trường.
Tai con người được phân làm 3 phần chính đó là:
-
Tai ngoài: bao gồm ống tai và vành tai;
-
Tai giữa: gồm vòi nhĩ, hòm nhĩ, màng nhĩ cùng các xương con;
-
Tai trong: gồm các cấu trúc như tiền đình, ốc bán khuyên, ốc tai có nhiệm vụ chuyển đổi xung động âm thanh được truyền từ tai giữa thành xung động thần kinh, ngoài ra tai trong còn tham gia vào việc giữ thăng bằng cho cơ thể.
Khi tai giữa gặp phải các vấn đề như đau, sưng, chảy dịch, gây sốt thì có thể coi đây là tình trạng viêm tai giữa. Bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể gặp phải hiện tượng này nhưng hay gặp nhất là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Nguyên nhân là vì trẻ trong độ tuổi này vòi Eustache có có cấu trúc và chức năng chưa trưởng thành, đồng thời sức đề kháng của trẻ còn yếu nên dễ bị tấn công bởi mầm bệnh.
Trẻ sơ sinh rất dễ bị viêm tai giữa
2. Viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh là do đâu gây nên?
Vi khuẩn và virus là 2 nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh. Khi trẻ bị đau họng, dị ứng, nhiễm trùng đường hô hấp hay ốm sốt,... sẽ tạo điều kiện để các vi khuẩn từ mũi họng thông qua dịch đờm, dịch tiết xâm nhập vào tai giữa. Ở trẻ sơ sinh, khuẩn que gram âm trong ruột, đặc biệt Escherichia coli và Staphylococcus aureus là nguyên nhân gây ra viêm tai giữa cấp
Ngoài ra, nguyên nhân chủ quan khiến tỷ lệ viêm tai giữa ở trẻ từ 3 tháng tuổi đến 3 tuổi hơn so với lứa tuổi khác đó chính là do vòi Eustachian có cấu trúc và chức năng chưa trưởng thành - góc của ống eustach nằm ngang hơn, và góc của cơ căng khẩu cái và sụn của vòi tai ở trẻ mở ra kém hiệu quả hơn so với người lớn.
Ngoài các nguyên nhân chính nêu trên, viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh còn xuất phát từ các yếu tố sau:
-
Trẻ bị dị ứng do thức ăn hoặc thời tiết;
-
Trẻ bị cảm lạnh, ho, ốm sốt và phần dịch đờm ở đường hô hấp chảy vào tai;
-
Polyp gây chèn lấp tai giữa;
-
Nước vào trong tai nhưng không được vệ sinh kịp thời;
-
Trẻ bị sặc sữa lên mũi do tư thế bú sai cách khiến sữa bị trào vào tai dẫn tới viêm;
-
Trẻ sinh sống ở nơi ô nhiễm môi trường hoặc thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá;
-
Trẻ không được vệ sinh tai đúng cách;
-
Trẻ có sức đề kháng yếu không chống lại được sự tấn công của virus, vi khuẩn gây bệnh.
Tư thế bú cũng là một trong những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh
3. Dấu hiệu nhận biết trẻ sơ sinh bị viêm tai giữa
Sau đây là các triệu chứng điển hình ở những trẻ bị viêm tai giữa cha mẹ cần hết sức lưu ý:
-
Trẻ bị đau đầu, sốt cao (>39 độ C);
-
Trẻ thường xuyên kéo hoặc dụi vành tai, không muốn người khác chạm vào tai vì đau;
-
Thường xuyên quấy khóc, khó ngủ;
-
Trẻ biếng ăn, bỏ bữa, ăn không ngon, tiêu chảy;
-
Trẻ phản ứng kém nhanh nhạy trước âm thanh;
-
Từ ống tai trẻ thấy có mủ hoặc dịch vàng chảy ra.
Khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường trên ở trẻ, cha mẹ nên đưa con đi khám trong thời gian sớm nhất có thể.
4. Phương pháp điều trị viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh
4.1. Dùng thuốc để trị viêm tai giữa
Tùy vào triệu chứng và tình trạng bệnh, các trường hợp trẻ bị viêm tai giữa sẽ được bác sĩ kê cho các đơn thuốc bao gồm: thuốc kháng histamin, thuốc chống viêm và phù nề, thuốc kháng sinh, bơm hơi vòi nhĩ và xịt mũi. Thời gian dùng thuốc thường diễn ra từ 1 - 2 tuần. Nếu trẻ bị thủng màng nhĩ thì cần phải dùng nước muối sinh lý, dung dịch sát trùng để làm sạch dịch vàng và mủ trong tai, đồng thời kết hợp cùng thuốc nhỏ tai do bác sĩ kê đơn để ngăn không cho tình trạng mủ làm tắc ống tai.
4.2. Phẫu thuật
Nếu tình trạng nhiễm trùng do viêm tai giữa có dấu hiệu lan rộng, trẻ không đáp ứng thuốc thì cần phải can thiệp bằng ngoại khoa như cắt amidan, nạo VA hoặc đặt ống thông khí. Việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật sẽ được cân nhắc dựa trên tình trạng cụ thể của mỗi trẻ.
Hãy cho trẻ đi khám nếu trẻ có các dấu hiệu của viêm tai giữa
5. Các biện pháp giúp đề phòng viêm tai giữa ở trẻ
Để giúp trẻ không bị viêm tai giữa, các bậc phụ huynh có thể tham khảo những cách dưới đây:
-
Trẻ nên được bú sữa mẹ trong ít nhất 6 tháng đầu đời vì trong sữa mẹ có chứa hàm lượng kháng thể tự nhiên giúp bảo vệ bé khỏi những tác nhân gây bệnh;
-
Cho trẻ bú đúng tư thế, không nên cho bé bú nằm vì rất dễ khiến trẻ bị sặc sữa lên mũi, vào tai;
-
Lưu ý không để nước bắn vào tai trẻ khi tắm gội;
-
Sử dụng tăm bông vệ sinh sạch sẽ tai của trẻ, tuy nhiên không được chọc sâu vào bên trong tai vì có thể làm tổn thương các bộ phận của tai bé;
-
Tiêm chủng đúng lịch sẽ giúp trẻ giảm thiểu nguy cơ bị viêm tai giữa;
-
Không để trẻ tiếp xúc với khói thuốc.
Có thể nói tình trạng viêm tai giữa xảy ra rất phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy không phải là bệnh lý ác tính nhưng viêm tai giữa nếu không được điều trị từ sớm và đúng cách thì có thể gây ra những biến chứng ảnh hưởng tới thính lực cũng như sức khỏe của trẻ. Do đó khi nhận thấy trẻ xuất hiện các triệu chứng bất thường nghi ngờ bị viêm tai giữa, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi khám ngay.
Nếu cha mẹ cần được giải đáp thêm các thắc mắc liên quan đến bệnh viêm tai giữa hay những vấn đề sức khỏe khác của trẻ, hãy liên hệ đặt lịch khám ngay cùng bác sĩ Chuyên khoa Nhi của Hệ thống Y tế MEDLATEC ngay từ hôm nay. Hotline 1900 56 56 56 luôn sẵn sàng hỗ trợ và tư vấn cho quý khách hàng 24/7.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!