Các tin tức tại MEDlatec
Viêm vòi trứng - Bệnh lý phụ khoa dễ gây ra biến chứng nguy hiểm
- 16/09/2024 | Hai thế hệ gia đình mắc ung thư, người phụ nữ bất ngờ phát hiện mang đột biến gen ung thư vú - buồng trứng
- 14/11/2024 | Tinh trùng mất bao lâu để gặp trứng thụ thai và cách giúp tinh trùng gặp trứng thuận lợi
- 15/11/2024 | Chỉ điểm dấu hiệu rụng trứng gặp tinh trùng báo hiệu thụ thai thành công
- 21/11/2024 | Thắt ống dẫn trứng có làm giảm ham muốn không và những thông tin liên quan
1. Viêm vòi trứng là bệnh gì?
Vòi trứng hay ống dẫn trứng sở hữu cấu trúc hình ống dài. Trong đó, một đầu được liên kết với tử cung, đầu còn lại liên kết với buồng trứng. Khi đến giai đoạn trứng rụng, trứng sẽ ở vòi trứng để đợi gặp tinh trùng, quá trình thụ tinh cũng diễn ra tại đây.
Viêm vòi trứng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nữ giới
Viêm vòi trứng là tình trạng viêm nhiễm diễn ra tại hệ thống ống dẫn trứng. Hiện tượng nhiễm trùng ngược dòng tại âm đạo, cổ tử cung hoặc tử cung,... là những tác nhân khiến vòi trứng bị viêm nhiễm.
Bên cạnh đó, sự tấn công của nhiều tác nhân gây nhiễm trùng như lậu, Chlamydia, Mycoplasma,... hoặc tình trạng viêm phúc mạc,... cũng có thể khiến vòi trứng bị viêm.
2. Nguyên nhân gây viêm vòi trứng
Thực tế có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ khiến vòi trứng bị viêm. Trong đó, nữ giới từng quan hệ tình dục, mang thai và sinh con dễ mắc phải bệnh lý này hơn người chưa quan hệ. Cụ thể, những nguyên nhân phổ biến nhất phải kể đến là:
- Quan hệ không an toàn: Trong quá trình quan hệ, nấm cũng như các vi khuẩn có thể thuận lợi tiến vào sâu bên trong khu vực âm đạo. Nhất là khi đối tác quan hệ đang mắc bệnh lý truyền nhiễm, hoặc giao hợp trong ngày xuất hiện hành kinh,... khả năng vòi trứng bị viêm nhiễm lại càng cao.
- Thực hiện thủ thuật phá thai: Lạm dụng thủ thuật phá thai, hoặc thực hiện tại cơ sở y tế không đảm bảo điều kiện vô trùng dễ khiến cơ quan sinh dục chị em bị vi khuẩn tấn công, ảnh hưởng đến vòi trứng và nhiều hệ cơ quan khác.
- Cơ quan sinh dục không được vệ sinh đúng cách: Trong những ngày xuất hiện hành kinh, sau khi quan hệ, nữ giới cần vệ sinh sạch sẽ vùng kín. Nếu không, vi khuẩn có thể xâm nhập, nhanh chóng phát triển, ảnh hưởng đến vòi trứng.
- Từng thực hiện một số thủ thuật phụ khoa: Những thủ thuật phụ khoa như thắt vòi trứng, phẫu thuật tại vùng tiểu khung,... thường làm tăng nguy cơ viêm vòi trứng nếu thực hiện tại cơ sở y tế không đảm bảo, dụng cụ y tế không đáp ứng tiêu chuẩn, vệ sinh sau khi làm tiểu phẫu kém.
- Từng mắc bệnh lý liên quan đến cơ quan sinh dục: Phụ nữ có tiền sử bệnh lý liên quan đến cơ quan sinh dục chưa điều trị khỏi triệt để sẽ có nguy cơ bị tái phát dễ bị viêm nhiễm vòi trứng.
Người từng thực hiện thủ thuật phá thai có nguy cơ cao bị viêm ống dẫn trứng
3. Triệu chứng thường gặp ở người bị viêm vòi trứng
Triệu chứng xuất hiện ở người bị viêm vòi trứng không mang tính đặc trưng, hay bị nhầm lẫn với bệnh lý phụ khoa khác. Trong đó, những triệu chứng hay gặp nhất là:
- Đau tại vùng bụng dưới và lan ra sau lưng.
- Âm đạo tiết nhiều dịch hơn bình thường. Đồng thời, dịch có xu hướng chuyển sang màu vàng đục, xanh, cấu trúc loãng và kèm theo mùi hôi.
- Bị sốt, cảm thấy buồn nôn hoặc nôn ói nhiều.
- Đi tiểu khó, tiểu buốt.
- Cảm thấy đau mỗi lần giao hợp.
Đau mỗi lần giao hợp là triệu chứng có thể xuất hiện ở người bị viêm vòi trứng
Thực tế, nhiều chị em thậm chí không biểu hiện triệu chứng, nhất là trong giai đoạn đầu. Đôi khi, người bệnh chỉ cảm thấy hơi khó chịu tại vùng dưới bụng. Hầu hết mọi trường hợp mắc phải chỉ được phát hiện khi bệnh đã bước sang giai đoạn nặng.
4. Biến chứng nguy hiểm của viêm ống dẫn trứng
Viêm vòi trứng dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như thai phát triển ngoài tử cung, vô sinh,… nếu không kịp thời chữa trị. Cụ thể:
- Đau dữ dội tại vùng bụng dưới: Viêm nhiễm thường gây tắc vòi trứng dẫn đến tình trạng nhiễm trùng tại khu vực vùng chậu, màng bụng là một trong những nguyên nhân làm cho vùng bụng dưới bị đau dữ dội.
- Thai phát triển ngoài tử cung: Tình trạng này xảy ra khi ống dẫn trứng bị viêm nhiễm, ảnh hưởng đến nhu động của vòi trứng, khiến cho trứng sau khi được thụ tinh gặp khó khăn trong việc di chuyển vào tử cung, từ đó gây thai ngoài tử cung. Khi thai phát triển ngày càng lớn, vòi trứng có nguy cơ bị vỡ gây đau dữ dội, thậm chí đe dọa tính mạng người mẹ.
- Vô sinh: Tình trạng viêm nhiễm kéo dài nếu không được điều trị sớm gây tắc ống dẫn hoặc ứ dịch vòi trứng gây vô sinh.
Tình trạng viêm ống dẫn trứng có khả năng gây vô sinh
5. Chẩn đoán và điều trị cho người bị viêm vòi trứng
5.1. Chẩn đoán
Để chẩn đoán viêm vòi trứng, bác sĩ có thể dựa vào triệu chứng lâm sàng kết hợp thăm khám phần phụ (bao gồm: âm đạo, cổ tử cung, tử cung, hai buồng trứng) và chỉ định cho bệnh nhân làm một vài xét nghiệm cận lâm sàng khác. Trong đó, những xét nghiệm hay được chỉ định là:
- Xét nghiệm công thức máu: Giúp đánh giá mức độ nhiễm khuẩn thông qua chỉ số bạch cầu và % bạch cầu trung tính
- Các xét nghiệm máu hỗ trợ khác: như CRP, điện giải đồ,....
- Xét nghiệm phân tích nước tiểu: Kỹ thuật phân tích này cho phép bác sĩ chẩn đoán tình trạng nhiễm trùng tại đường tiểu.
- Xét nghiệm dịch âm đạo: Tìm kiếm nấm cũng như các vi khuẩn gây bệnh như lậu, chlamydia,...
- Siêu âm: Phương pháp giúp cung cấp hình ảnh về tình trạng viêm nhiễm ở vòi trứng, buồng trứng,...
- Chụp CT hoặc MRI vùng tiểu khung: Cho hình ảnh rõ nét hơn về tình trạng viêm phần phụ.
Viêm vòi trứng có thể được chẩn đoán qua phương pháp siêu âm
5.2. Điều trị
Người bị viêm ống dẫn trứng có thể được điều trị bằng phương pháp nội khoa, ngoại khoa hoặc điều trị vật lý.
- Điều trị nội khoa: Người bệnh thường phải dùng kháng sinh kết hợp và thuốc chống viêm. Phác đồ điều trị nội khoa cụ thể được xây dựng dựa trên tình hình bệnh lý thực tế của mỗi chị em cũng như nên sử dụng kháng sinh dựa theo kết quả của kháng sinh đồ.
- Điều trị ngoại khoa: Trường hợp bệnh lý đã tiến triển sang giai đoạn nặng hoặc không đáp ứng với điều trị nội khoa, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật.
- Điều trị vật lý: Phương pháp ứng dụng bước sóng ngắn hoặc cực ngắn, nhiệt độ hoặc tia hồng ngoại tác động kích thích tuần hoàn máu, giúp giảm tình trạng viêm.
Ngoài ra, người bệnh cần kết hợp áp dụng chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, quan hệ tình dục an toàn, chung thủy. Đồng thời, chú ý vệ sinh cơ quan sinh dục hàng ngày, đúng phương pháp.
6. Cách phòng ngừa viêm vòi trứng
Để phần nào chủ động phòng ngừa viêm vòi trứng, chị em nên áp dụng một vài phương pháp đơn giản sau:
- Vệ sinh vùng kín hàng ngày, đặc biệt là vào ngày hành kinh hoặc sau khi quan hệ.
- Áp dụng biện pháp tránh thai phù hợp nếu chưa có kế hoạch sinh con, không nạo phá thai theo mọi hình thức.
- Duy trì đời sống tình dục lành mạnh, không giao hợp bừa bãi với nhiều bạn tình.
- Chủ động khám sức khỏe định kỳ. Đặc biệt là khi nhận thấy cơ thể xuất hiện những triệu chứng như đau vùng bụng dưới, dịch âm đạo tiết bất thường, đau khi quan hệ,... chị em không được chủ quan mà hãy đi khám phụ khoa càng sớm càng tốt.
Dễ thấy rằng bất kỳ nữ giới nào cũng có nguy cơ bị viêm vòi trứng. Bệnh lý phụ khoa này thường được điều trị bằng biện pháp nội khoa, ngoại khoa hoặc điều trị vật lý. Kết quả điều trị sẽ khả quan hơn nếu phát hiện bệnh trong giai đoạn đầu. Do đó, bạn nên khám phụ khoa thường xuyên hoặc khám khi nhận thấy cơ thể biểu hiện dấu hiệu khác lạ. Nếu còn băn khoăn, ngần ngại không biết phải khám phụ khoa ở đâu, bạn có thể yên tâm lựa chọn chuyên khoa Sản phụ khoa thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC. Để đặt lịch khám hoặc tư vấn thêm, Quý khách có thể liên hệ theo số 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!