Các tin tức tại MEDlatec
Viêm xoang uống thuốc gì và những lưu ý cần biết
- 23/12/2021 | Những phương pháp chữa chèn ép thần kinh đem lại hiệu quả bất ngờ
- 23/12/2021 | Viêm họng hạt ở lưỡi là bệnh gì? Cách điều trị như thế nào?
- 23/12/2021 | Cùng tìm hiểu những nguyên nhân mắc bệnh hen suyễn thường gặp
1. Viêm xoang uống thuốc gì - bác sĩ tư vấn
Việc sử dụng thuốc điều trị viêm xoang cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Vậy viêm xoang uống thuốc gì?
Thuốc điều trị viêm xoang hiệu quả là thắc mắc của nhiều bệnh nhân
Một số loại thuốc thường được sử dụng là:
1.1. Thuốc kháng Histamin H1
Nhóm thuốc kháng Histamin H1 thường dùng trong chữa viêm xoang do dị ứng với các tác nhân như: bụi bẩn, phấn hoa, nấm mốc, thời tiết,… Thuốc sẽ tác dụng ức chế làm giảm giải phóng histamin vào mô xoang, từ đó giảm tiết dịch nhầy, giảm sưng và giảm triệu chứng bệnh.
Có thể dùng thuốc kháng Histamin H1 ở các dạng như: dạng uống, dạng nhỏ mũi hay dạng xịt, thuốc khá an toàn với sức khỏe song có tác động lên hệ thần kinh và gây ảnh hưởng buồn ngủ.
1.2. Thuốc kháng sinh chữa viêm xoang
Có lẽ kháng sinh là nhóm thuốc thường được nhắc đến nhiều nhất trong điều trị viêm xoang, nhất là viêm xoang cấp tính. Vậy viêm xoang uống kháng sinh gì? Các chuyên gia cho biết, chỉ viêm xoang do vi khuẩn hoặc viêm xoang có nhiễm trùng mới cần sử dụng đến kháng sinh và bệnh này khá ít gặp song gây nhiều triệu chứng và biến chứng nghiêm trọng.
Khi sử dụng kháng sinh, vi khuẩn gây bệnh sẽ được kìm hãm hoặc tiêu diệt và từ đó giảm triệu chứng bệnh. Những nhóm kháng sinh thường được chỉ định dùng bao gồm:
-
Kháng sinh nhóm Penicillin: Ampicillin, Amoxicillin,…
-
Kháng sinh Sulfamethoxazole, trimethoprim.
-
Kháng sinh nhóm Cephalosporin: Cefoxitin, Cefazolin, Cefprozil,… hoặc penicillin tổng hợp.
Sử dụng kháng sinh nói riêng và kháng sinh trong điều trị viêm xoang nói chung cần lưu ý tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ về thời gian sử dụng, liều lượng và tần suất. Không tự ý mua và dùng kháng sinh điều trị tại nhà vì có thể dẫn đến kháng thuốc và những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
1.3. Thuốc kháng viêm, giảm đau trong điều trị viêm xoang
Viêm xoang là tình trạng niêm mạc xoang bị kích thích dẫn đến viêm nhiễm, sưng phù, tắc nghẽn dịch mủ trong các hốc xoang. Tình trạng này dẫn đến tăng áp lực đến các vùng xung quanh, gây triệu chứng đau nhức trong xoang và quanh đầu kèm theo sốt cao, khó chịu.
Để khắc phục triệu chứng này, các nhóm thuốc giảm đau, kháng viêm sẽ được chỉ định như: Aspirin, Paracetamol, Ibuprofen, Panadol, Acetaminophen, Efferalgan,…
Thuốc kháng viêm, giảm đau dùng cho bệnh nhân viêm xoang
Không nên tự ý sử dụng hoặc lạm dụng thuốc giảm đau, kháng viêm trong điều trị viêm xoang vì có thể gây những tác dụng phụ như: huyết áp cao, tổn thương gan và dạ dày, viêm loét đường tiêu hóa,…
1.4. Thuốc chứa corticoid điều trị viêm xoang tại chỗ
Các thuốc chứa corticoid dạng xịt được dùng trong điều trị viêm xoang tại chỗ hiệu quả với những tác dụng như: giảm sưng phù niêm mạc mũi xoang, giảm triệu chứng tắc nghẽn xoang, đường thở, ức chế hệ miễn dịch,…
Do đó, những thuốc này được dùng khá phổ biến ở bệnh nhân viêm xoang, mặc dù có hiệu quả nhanh và rõ rệt song không nên dùng kéo dài vì có thể ảnh hưởng tới sức khỏe. Các thuốc chứa corticoid dạng xịt thường dùng phổ biến trong điều trị viêm xoang bao gồm: Vancenase, Beclomethasone, Fluticasone, Triamcinolone,…
Cần cẩn thận nếu sử dụng corticoid gây ra các triệu chứng như: khô mũi, kích ứng niêm mạc mũi, chảy máu cam, bội nhiễm vi khuẩn,… Người bệnh nên đi khám để được điều trị tác dụng phụ do corticoid cũng như tìm biện pháp điều trị viêm xoang thay thế an toàn hơn.
1.5. Thuốc co mạch
Thuốc co mạch cũng là thuốc được chỉ định khá phổ biến trong điều trị viêm xoang cấp và mạn tính, có các tác dụng như: tiêu sưng, chống phù nề, giảm viêm và giúp dịch nhầy lưu thông dễ dàng hơn trong các hốc xoang, giảm khó thở, nghẹt mũi,…
Thuốc co mạch giúp giảm tắc nghẽn xoang mũi
Thuốc co mạch có thể sử dụng ở dạng xịt hoặc dạng uống tùy theo tình trạng viêm xoang và khả năng đáp ứng với thuốc của từng người bệnh. Các thuốc co mạch dùng phổ biến trong điều trị viêm xoang hiện nay bao gồm: Phenylephrine, Chlorzoxazone, Naphazoline, Pseudoephedrine,…
Dù có tác dụng nhanh và hiệu quả trong giảm triệu chứng viêm xoang song các loại thuốc co mạch có thể gây tác dụng phụ xấu như: nhức đầu, nhìn mờ, khô miệng, căng thẳng thần kinh, tăng nhịp tim, huyết áp, mất ngủ,… Do đó, thuốc co mạch thường chỉ được chỉ định trong thời gian ngắn để cải thiện triệu chứng viêm xoang, không nên lạm dụng dùng trong thời gian dài.
1.6. Thuốc kháng nấm
Nấm cũng có thể là tác nhân gây viêm xoang song khá ít gặp so với vi khuẩn hay virus, các trường hợp này sẽ cần điều trị bằng thuốc kháng nấm. Các thuốc thường dùng bao gồm: Itraconazole, Amphotericin B, Voriconazole,…
Các tác dụng của thuốc bao gồm: ức chế khả năng sinh sản của nấm men, thay đổi tính thấm của màng tế bào, từ đó cải thiện triệu chứng bệnh. Viêm xoang do nấm sẽ được điều trị bằng thuốc kháng nấm kết hợp với các thuốc trị triệu chứng khác.
1.7. Thuốc ức chế leukotriene
Thuốc ức chế leukotriene có nhiều tác dụng trong điều trị bệnh viêm xoang như: giảm sưng và làm thoáng đường thở, giảm viêm hốc xoang,… Thuốc leukotriene thường không được chỉ định đầu tiên trong điều trị viêm xoang mà chủ yếu trong trường hợp bệnh kéo dài gây biến chứng và người bệnh đáp ứng kém với thuốc kháng histamin.
Thuốc ức chế leukotriene dùng trong viêm xoang cần có chỉ định của bác sĩ
Các loại thuốc ức chế leukotriene thường được sử dụng bao gồm: Zileuton, Montelukast,…
Thuốc có thể tác dụng xấu lên hệ thần kinh trung ương nên cần dùng khi có chỉ định của bác sĩ và được theo dõi, các triệu chứng có thể gặp phải như: mất ngủ, ảo giác, kích động, không kiểm soát được hành vi,…
2. Lưu ý cần biết khi bị viêm xoang
Thuốc điều trị viêm xoang sẽ có hiệu quả tốt và đẩy lùi bệnh nếu được sử dụng đúng cách, đúng nguyên nhân gây bệnh. Do đó, khi có triệu chứng viêm xoang, người bệnh nên tới cơ sở chuyên khoa khám và được bác sĩ có chuyên môn hướng dẫn, theo dõi điều trị.
Ngoài ra, để tránh bệnh diễn tiến nặng hơn, bệnh nhân cần chú ý:
-
Đảm bảo môi trường sống thông thoáng, sạch sẽ.
-
Hạn chế tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc lá, hóa chất độc hại.
-
Khi cơ thể có các dấu hiệu như cảm cúm, hắt hơi, sổ mũi cần điều trị dứt điểm, tránh để kéo dài gây biến chứng.
Nếu cần tư vấn thêm về thuốc điều trị, hãy liên hệ với MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!