Các tin tức tại MEDlatec
Xét nghiệm AMH trong đánh giá khả năng sinh sản của buồng trứng và dự báo mãn kinh
Anti Mullerian Hormone (AMH) là một glycoprotein dimer gồm 2 monome có trọng lượng phân tử 72 kDa liên kết với nhau bằng cầu nối disunfit. AMH là hormone ức chế ống Muller (hai ống phôi sẽ phát triển thành bộ phận sinh dục ở nữ).
Ở nam giới, AMH được tiết ra từ các tế bào Sertoli của tinh hoàn. Trong quá trình phát triển phôi thai bé trai, việc tiết AMH từ các tế bào Sertoli của tinh hoàn chịu trách nhiệm cho sự thoái hóa các ống Mullerian và sự phát triển bình thường của đường sinh sản nam. Việc tiết AMH bởi các tế bào Sertoli bắt đầu trong quá trình phát triển phôi và liên tục trong suốt cuộc đời. AMH được tạo ra liên tục bởi tinh hoàn cho đến khi dậy thì và sau đó giảm dần khi qua tuổi dậy thì.
Ở nữ giới, AMH đóng một vai trò quan trọng trong sinh lý sự phát triển nang noãn của buồng trứng. Nồng độ AMH huyết thanh hầu như không phát hiện được ở nữ giới khi mới sinh, đạt nồng độ đỉnh sau khi dậy thì, sau đó giảm dần theo tuổi, và trở nên không phát hiện được khi ở thời kỳ mãn kinh. Nồng độ AMH huyết thanh tương đối ổn định trong suốt chu kỳ kinh nguyệt với các thay đổi đáng kể quan sát được ở phụ nữ trẻ tuổi.
Nang noãn phát triển trong buồng trứng bao gồm hai giai đoạn riêng biệt:
- Tuyển chọn ban đầu, qua đó các nang noãn non bắt đầu trưởng thành
- Tuyển chọn tuần hoàn, dẫn đến sự tăng trưởng của một đoàn hệ nang noãn có hốc nhỏ, trong đó nang trội (dành để rụng trứng) được lựa chọn sau đó. FSH điều khiển quá trình tuyển chọn tuần hoàn.
Biểu hiện AMH trong tế bào hạt bắt đầu trong nang noãn nguyên thủy và đạt tối đa trong tế bào hạt của nang noãn tiền hốc và có hốc nhỏ đường kính tối đa đến 6 mm. Đầu tiên, AMH ức chế sự chuyển đổi của nang noãn từ giai đoạn nguyên thủy qua giai đoạn trưởng thành và do đó có vai trò quan trọng trong việc điều hòa số lượng nang noãn còn lại trong hồ nang noãn nguyên thủy. Thứ hai, AMH có tác dụng ức chế độ nhạy nang noãn đối với FSH và do đó có một vai trò trong quá trình lựa chọn nang noãn.
Định lượng AMH trong máu được sử dụng chủ yếu để đánh giá dự trữ buồng trứng phản ánh số lượng nang noãn có hốc và nang noãn tiền hốc, dự đoán đáp ứng với kích thích buồng trứng có kiểm soát, là một dấu ấn sinh học trong chẩn đoán hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS - polycystic ovary syndrome) và trong dự đoán thời gian mãn kinh.
Ngoài ra, giúp chẩn đoán rối loạn phát triển giới tính (DSD - disorders of sex development) ở trẻ em và kiểm soát u tế bào hạt.
1. Ý nghĩa xét nghiệm AMH
a. Đối với nữ giới
- Đánh giá khả năng sinh sản của buồng trứng: nồng độ AMH huyết thanh (tính bằng ng/mL) tương quan trực tiếp với số lượng nang trứng, không thay đổi nhiều trong chu kỳ kinh nguyệt nên có thể sử dụng để đánh giá khả năng sinh sản của buồng trứng tốt hơn so với FSH.
- Theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ, nồng độ AMH huyết tương (ng/mL) đo bằng kỹ thuật ECLIA sử dụng để đánh giá khả năng sinh sản của buồng trứng là:
+ Khả năng sinh sản bình thường: > 1,0 ng/mL
+ Khả năng sinh sản trung bình thấp: 0,7-0,9 ng/mL
+ Khả năng sinh sản kém: 0,3 – 0,6 ng/mL
+ Khả năng sinh sản rất kém: < 0,3 ng/mL
- Đánh giá đáp ứng của buồng trứng đối với liệu pháp kích buồng trứng: nồng độ AMH cũng tương quan chặt chẽ với số lượng noãn (oocytes) nên có thể sử dụng để đánh giá đáp ứng của buồng trứng đối với liệu pháp kích buồng trứng để phục vụ cho liệu pháp thụ tinh trong ống nghiệm IVF (In vitro fertilization) hoặc liệu pháp tiêm tinh trùng vào bào tương của trứng ICSI (Intracytoplasmic sperm injection) trong thụ tinh nhân tạo.
- Chẩn đoán Hội chứng Buồng trứng đa nang: trong Hội chứng Buồng trứng đa nang, nồng độ AMH huyết tương thường tăng, đối với kỹ thuật “Miễn dịch điện hóa phát quang –ECLIA”, mức độ AMH là >3,0 ng/mL.
Hình ảnh: Buồng trứng đa nang
- Đánh giá và theo dõi ung thư buồng trứng: nồng độ AMH có thể được sử dụng để chẩn đoán ung thư tế bào hạt buồng trứng với độ nhạy khoảng 76-93%. Nồng độ AMH giảm vài ngày sau phẫu thuật khối u buồng trứng và lại tăng lên nếu u tái phát.
- Dự báo thời gian mãn kinh: Ở phụ nữ, nồng độ AMH giảm dần theo tuổi. Mức độ AMH có thể được sử dụng để dự báo thời kỳ mãn kinh. AMH có giá trị dự báo thời kỳ mãn kinh tốt hơn so với FSH. Nếu AMH < 0,2 ng/mL, lứa tuổi 35-39 sẽ mãn kinh sau 9,94 năm, lứa tuổi 45 – 48 sẽ mãn kinh sau 5,99 năm.
b. Đối với nam giới
- Chẩn đoán phân biệt rối loạn giới tính: mức độ AMH trong máu bằng không hoặc rất thấp và nồng độ các androgen trong máu thấp: không có tinh hoàn hoặc không phát triển giới tính nam.
- Chẩn đoán tinh hoàn lạc chỗ: khám không thấy có tinh hoàn nhưng nồng độ AMH và các androgen bình thường.
Hình ảnh: Tinh hoàn lạc chỗ
2. Khi nào cần làm xét nghiệm AMH?
a. Đối với phụ nữ
- Đánh giá khả năng sinh sản của buồng trứng.
- Đánh giá đáp ứng của buồng trứng đối với liệu pháp kích buồng trứng để phục vụ cho liệu pháp thụ tinh trong ống nghiệm IVF (In vitro fertilization) hoặc liệu pháp tiêm tinh trùng vào bào tương của trứng ICSI (Intracytoplasmic sperm injection) trong thụ tinh nhân tạo.
- Góp phần chẩn đoán Hội chứng buồng trứng đa nang (Polycystic Ovary Syndrome: PCOS).
- Đánh giá và theo dõi ung thư buồng trứng.
- Dự báo thời gian mãn kinh.
b. Đối với bé trai
- Chẩn đoán phân biệt rối loạn giới tính: không có tinh hoàn hoặc không phát triển giới tính nam.
- Chẩn đoán tinh hoàn lạc chỗ.
3. Xét nghiệm AMH bằng phương pháp nào?
Định lượng AMH trong máu được đo bằng phương pháp miễn dịch điện hóa phát quang hoàn toàn tự động (fully automated electrochemiluminescence assay: ECLIA) trên hệ thống máy Cobas e602, Cobas e801.
Giá trị tham chiếu
Giới tính |
Giá trị tham chiếu |
Đơn vị |
|
Nam giới |
1.430-11.600 |
ng/mL |
|
Nữ giới |
20-24 tuổi |
1.66-9.49 |
|
25-29 tuổi |
1.18-9.16 |
||
30-34 tuổi |
0.672-7.55 |
||
35-39 tuổi |
0.77-5.24 |
||
40-44 tuổi |
0.097-2.96 |
||
45-50 tuổi |
0.046-2.06 |
4. Mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm là gì?
Xét nghiệm AMH được phân tích trên mẫu bệnh phẩm máu toàn phần không có chất chống đông hoặc chống đông bằng heparin. Mẫu bệnh phẩm được bảo quản và phân tích:
+ 3 ngày ở nhiệt độ 20-25oC.
+ 5 ngày ở nhiệt độ 2-8oC.
+ 6 tháng ở nhiệt độ -20oC hoặc thấp hơn.
5. Yếu tố nào làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm?
Nồng độ AMH trong máu tương đối ổn định trong suốt chu kỳ kinh nguyệt. Nồng độ AMH cũng cho thấy có biến thiên trong và giữa chu kỳ nhưng thấp hơn so với đường chuẩn FSH.
Nồng độ AMH huyết thanh giảm đáng kể khi sử dụng các thuốc tránh thai dạng phối hợp.
Việc sử dụng kết quả AMH cần kết hợp các thông tin: tiền sử khám bệnh của bệnh nhân, tiền sử sinh sản của gia đình, lối sống và các yếu tố khác về khả năng sinh sản của từng bệnh nhân.
Tài liệu tham khảo
1. Jayaprakasan K, Campbell B, Hopkisson J, Johnson I, Raine-Fenning N. A prospective, comparative analysis of anti-Müllerian hormone, inhibin-B, and three-dimensional ultrasound determinants of ovarian reserve in the prediction of poor response to controlled ovarian stimulation. Fertil Steril 2010; 93: 855-864.
2. Nelson SM, Messow MC, Wallace AM, Fleming R, McConnachie A. Nomogram for the decline in serum antimüllerian hormone: a population study of 9,601 infertility patients. Fertil Steril 2011; 95: 736-741.
3. Visser JA, de Jong FH, Laven JS, et al. Anti-Müllerian hormone: a new marker for ovarian function. Reproduction 2006;131(1):1-9.
4. Visser JA, Schipper I, Laven JS, et al. Anti-Müllerian hormone: an ovarian reserve marker in primary ovarian insufficiency. Nat Rev Endocrinol 2012;8(6):331-341.
5. Kelsey TW, Anderson RA, Wright P, et al. Data-driven assessment of the human ovarian reserve. Mol Hum Reprod 2012;18(2):79-87.
6. Nelson SM, Iliodromiti S, Fleming R, et al. Reference range for the antimüllerian hormone Generation II assay: a population study of 10,984 women, with comparison to the established Diagnostics Systems Laboratory nomogram. Fertil Steril 2014;101(2):523-529.
7. Tsepelidis S, Devreker F, Demeestere I, et al. Stable serum levels of anti-Mullerian hormone during the menstrual cycle: a prospective study in normo-ovulatory women. Hum Reprod 2007;22:1837–1840.
8. van Disseldorp J, Lambalk CB, Kwee J, et al. Comparison of interand intra-cycle variability of anti-Mullerian hormone and antral follicle counts. Hum Reprod 2010;25(1):221-227.
9. Overbeek A, Broekmans FJ, Hehenkamp WJ, et al. Intra-cycle fluctuations of anti-Müllerian hormone in normal women with a regular cycle: a re-analysis. Reprod Biomed Online2012;24(6):664-669
10. Aksglaede L, Sørensen K, Boas M, Mouritsen A, Hagen CP, Jensen RB, et al. Changes in Anti-Müllerian Hormone (AMH) throughout the Life Span: A Population-Based Study of 1027 Healthy Males from Birth (Cord Blood) to the Age of 69 Years. J Clin Endocrinol Metab 2010; 95: 5357-5364.
11. Freeman EW, Sammel MD, lin H, Gracia CR. Anti-mullerian hormone as a predictor of time to menopause in late reproductive age women. J Clin Endocrinol Metab 2012; 97(5):1673 - 1680.
12. Josso N, Rey R, Picard JY. Testicular anti-Müllerian hormone: clinical applications in DSD. Semin Reprod Med 2012;30(5):364-373.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!