Các tin tức tại MEDlatec
Xét nghiệm nấm Candida giúp phát hiện ra những bệnh lý tiềm ẩn
- 14/01/2022 | Nấm bẹn: nguyên nhân và phương pháp điều trị hiệu quả
- 04/04/2020 | Nếu bị viêm âm đạo do nấm Candida, chị em phụ nữ cần phải làm gì?
- 30/04/2020 | Nấm Candida - nguyên nhân chủ yếu gây viêm âm đạo
1. Tổng quan về nấm Candida
Candida là một loại nấm men, kích thước của tế bào nấm là khoảng 3 - 6µm có hình bầu dục hoặc hình cầu, có thể sinh sống ở khắp mọi nơi. Trên cơ thể người chúng sinh sôi chủ yếu trong hệ tiêu hóa (40% ở ruột và ở miệng là 30%), vùng sinh dục (40%), số ít sống trên da.
Nấm Candida có nhiều loại, trong số đó phổ biến nhất là Candida albicans. Các loại còn lại đó là Candida lusitaniae, Candida krusei, Candida parapsilosis và Candida tropicalis.
Mô phỏng nấm Candida
Ở điều kiện bình thường, loại nấm này sẽ chung sống cân bằng, hòa bình với những vi sinh vật khác trong cơ thể mà không gây ra tác hại nào. Nhưng nếu gặp môi trường thuận lợi thì chúng sẽ nhân lên nhanh chóng và gây ra nhiều bệnh lý với các triệu chứng khác nhau phụ thuộc vào nơi mà chúng gây bệnh:
-
Bệnh tưa miệng: ám chỉ các bệnh nhiễm trùng vùng miệng do nhiễm nấm Candida albican. Các khu vực ẩm ướt như vòm miệng, trên lưỡi, bên trong má và vùng quanh môi sẽ bị nấm làm ảnh hưởng;
-
Viêm thực quản: nếu nấm ở miệng không được điều trị sớm sẽ nhanh chóng lan xuống thực quản dẫn tới viêm thực quản;
-
Viêm nhiễm phụ khoa: đây là tình trạng hay gặp nhất và có tới hơn 75% số phụ nữ bị viêm âm đạo là do nhiễm nấm Candida ít nhất 1 lần trong đời. Đặc biệt nếu người phụ nữ đó đang mang bầu hoặc bị đái tháo đường thì nguy cơ viêm âm đạo do Candida sẽ cao hơn rất nhiều. Viêm phụ khoa do Candida có những biểu hiện điển hình như: tiểu rắt, tiểu buốt, đau rát khi giao hợp, ngứa rát âm đạo, khí hư ra nhiều có màu sắc và tính chất như váng sữa hoặc bột (không có mùi), niêm mạc âm đạo bị sưng nề, viêm đỏ, nhiều váng khi hư xung quanh, cổ tử cung phù nề,...;
-
Các bệnh ngoài da: Candida sẽ gây bệnh ở những vùng da có độ ẩm cao như bàn tay (nhất là những người hay bị ra mồ hôi tay, người đeo găng thường xuyên), da khu vực quanh háng, da gốc móng tay ở những người hay phải tiếp xúc nhiều với nước, vùng da gấp nếp ở dưới ngực hoặc ở mông;
-
Bệnh lý toàn thân: thông qua vết thương hở, vết thương phẫu thuật, vị trí ống thông khí hoặc mở khí quản, nấm Candida sẽ xâm nhập vào đường máu gây nhiễm trùng. Khi máu tuần hoàn đi tới các cơ quan khác sẽ gây nhiễm trùng nghiêm trọng. Tình trạng này thường được phát hiện ở những người có hệ miễn dịch suy yếu nặng hoặc trẻ sơ sinh ít cân.
Mặc dù nấm Candida gây ra nhiều bệnh lý có triệu chứng khó chịu nhưng có thể chữa khỏi được và ít có nguy cơ tử vong. Tuy nhiên tình trạng được cho là nghiêm trọng nhất khi bị nhiễm nấm Candida đó là nhiễm trùng máu, lúc đó người bệnh cần được cấp cứu càng sớm càng tốt để bảo toàn tính mạng.
2. Nấm Candida lây truyền như thế nào và các đối tượng có nguy cơ cao bị bệnh
Nấm Candida thường phát triển mạnh ở trong các trường hợp sau:
-
Người dùng thuốc kháng sinh phổ rộng hoặc corticoid trong thời gian dài khiến độ pH trong môi trường âm đạo bị mất cân đối;
-
Bệnh nhân suy giảm miễn dịch: người mắc HIV/AIDS, người phải sử dụng thuốc có tác dụng ức chế miễn dịch;
-
Phụ nữ đang mang thai và người bị tiểu đường: pH âm đạo của phụ nữ mang thai thường giảm thấp khiến cho nấm và vi sinh vật có cơ hội phát triển;
-
Hoạt động quan hệ tình dục thiếu an toàn: quan hệ tình dục không có biện pháp bảo vệ hoặc không lành mạnh sẽ làm lây lan các bệnh xã hội, trong đó có nhiễm nấm Candida;
-
Vệ sinh vùng kín sai cách: thụt rửa âm đạo quá sâu, quá mạnh gây tổn thương niêm mạc khu vực này tạo điều kiện cho sự viêm nhiễm phát triển.
Không biết chăm sóc “cô bé” đúng cách cũng là nguyên nhân khiến nấm Candida phát triển
Cách thức lây truyền của nấm Candida:
-
Nấm từ hậu môn lan sang âm đạo;
-
Dùng chung đồ dùng cá nhân, đặc biệt là quần lót có nhiễm nấm Candida;
-
Quan hệ tình dục theo đường âm đạo. Hoặc giao hợp khi đang trong quá trình điều trị nấm Candida hay điều trị nhưng chưa khỏi triệt để;
3. Phương pháp xét nghiệm nấm Candida để chẩn đoán bệnh
Bên cạnh việc dựa trên các biểu hiện lâm sàng như đã đề cập, bác sĩ sẽ trực tiếp khám thực thể để đánh giá tình trạng nhiễm nấm và chỉ định bệnh nhân tiến hành một số xét nghiệm nấm Candida cần thiết khác như:
-
Soi tươi: nghiền mẫu bệnh phẩm lấy từ người bệnh nhân với nước muối sinh lý. Quan sát mẫu bệnh dưới kính hiển vi và đặc điểm để nhận biết sự hiện diện của nấm Candida đó là hình dáng bầu dục hoặc tròn, có thể có hoặc không có chồi, phải có ít nhất 3 bào tử nấm/vi trường;
-
Nuôi cấy: nuôi cấy trong khoảng 18 - 24h trong môi trường thạch Sabouraud, nhiệt độ là 370 độ C;
-
Nhuộm Gram: nấm Candida sẽ bắt màu tím và đánh giá khả năng gây bệnh khi có từ 3 - 5 bào tử bắt đầu nảy chồi;
-
Mô bệnh học: quan sát mô bệnh trên lam kính nhuộm tế bào;
-
Sinh học phân tử: đây là kỹ thuật tiên tiến, có độ đặc hiệu cao giúp bác sĩ phân biệt được một cách cụ thể loại nấm Candida mà người bệnh nhiễm phải.
Có nhiều phương pháp xét nghiệm nấm Candida khác nhau
Tùy vào tình trạng bệnh của mỗi người mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp xét nghiệm nấm Candida phù hợp. Mục tiêu cuối cùng vẫn là tìm ra căn nguyên gây bệnh để có phương án điều trị hợp lý và hiệu quả.
4. Phương pháp điều trị và phòng ngừa các bệnh lý do nhiễm nấm Candida
4.1. Biện pháp điều trị
Để trị dứt điểm các bệnh lý do nhiễm nấm Candida gây ra, sau khi đã làm xét nghiệm nấm Candida bác sĩ có thể sẽ kê cho người bệnh các thuốc như sau:
-
Thuốc dạng uống: Fluconazol (Diflucan), Itraconazol (sporal);
-
Thuốc dạng đặt/bôi: Miconazole, Clotrimazole (canesten).
Lưu ý khi điều trị:
-
Nếu không xảy ra các biểu hiện lâm sàng điển hình thì chưa cần điều trị;
-
Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú không sử dụng thuốc kháng sinh chống nấm để điều trị;
-
Cần điều trị sớm và tuân thủ kế hoạch điều trị;
-
Không tự ý mua và sử dụng thuốc, thay đổi liều lượng hoặc ngừng điều trị khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa;
-
Kiêng quan hệ tình dục khi đang điều trị.
4.2. Hướng dẫn cách phòng bệnh do nhiễm nấm Candida
Để không mắc phải các bệnh lý do Candida gây nên, người bệnh cần:
-
Vệ sinh cơ thể và đặc biệt là vùng kín đúng cách, không thụt rửa âm đoạ quá sâu để tránh làm tổn thương và làm mất cân bằng độ pH tại đây;
-
Không nên dùng dung dịch vệ sinh vùng kín có chất tẩy rửa và độ pH cao;
-
Giữ quần áo luôn sạch sẽ, khô ráo và phơi nắng thường xuyên;
-
Không nên dùng kháng sinh trong thời gian dài. Nếu cần thiết phải dùng kháng sinh để điều trị bệnh thì nên tham vấn ý kiến từ bác sĩ để có biện pháp thay thế phù hợp hoặc phương án khắc phục;
-
Khi quan hệ tình dục phải sử dụng bao cao su;
-
Nếu nhận thấy bản thân hoặc đối tác có các triệu chứng của nhiễm nấm Candida, cả hai nên đi khám và làm xét nghiệm nấm Candida để điều trị sớm.
Quan hệ tình dục an toàn, lành mạnh giúp giảm thiểu rủi ro lây nhiễm các bệnh tình dục, trong đó có nấm Candida
Nếu bạn đang gặp phải các vấn đề về sức khỏe hoặc đang có nhu cầu thực hiện xét nghiệm nấm Candida, hãy đến ngay Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được thăm khám và lắng nghe tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa.
Liên hệ qua tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC trong trường hợp bạn muốn đặt lịch trước hoặc muốn được giải đáp các thắc mắc một cách chi tiết và cụ thể hơn.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!