Các tin tức tại MEDlatec
Xét nghiệm nước tiểu: vai trò và quy trình thực hiện
- 01/08/2023 | Kết quả xét nghiệm nước tiểu: Ý nghĩa và hướng dẫn về cách đọc thông số
- 01/10/2023 | Những ai cần xét nghiệm nước tiểu?
- 10/09/2024 | 5 nguyên nhân khiến nước tiểu màu đỏ và cách khắc phục
1. Xét nghiệm nước tiểu: cần thực hiện khi nào?
Xét nghiệm nước tiểu có thể được chỉ định trong nhiều trường hợp:
- Khám sức khỏe định kỳ: Để đánh giá sức khỏe tổng quát và phát hiện sớm các bệnh lý.
- Triệu chứng bất thường: Khi có các triệu chứng như đau bụng dưới, tiểu buốt, nước tiểu có màu sắc bất thường,...
- Theo dõi bệnh lý: Đối với bệnh tiểu đường, các bệnh lý về thận,... kết quả xét nghiệm nước tiểu là căn cứ để bác sĩ theo dõi kết quả điều trị và phát hiện sớm nguy cơ xảy ra biến chứng.
- Thử thai: Đo nồng độ hormone hCG để xác định mang thai.
- Sàng lọc chất gây nghiện.
- Chẩn đoán nhiễm trùng đường tiểu: Tìm kiếm sự hiện diện của các yếu tố liên quan như leukocyte esterase, nitrit,...
- Kiểm tra trước khi phẫu thuật: Đánh giá nguy cơ rối loạn đông máu hoặc biến chứng khác.
Bất thường trong kết quả xét nghiệm nước tiểu giúp bác sĩ có căn cứ đánh giá về hiện trạng sức khỏe
2. Vì sao cần làm xét nghiệm nước tiểu?
Xét nghiệm nước tiểu là phương pháp đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả trong việc chẩn đoán và theo dõi nhiều tình trạng sức khỏe khác nhau:
2.1. Phát hiện sớm bệnh tiềm ẩn
Xét nghiệm nước tiểu giúp phát hiện sớm nhiều bệnh lý, ngay cả khi chúng chưa biểu hiện triệu chứng rõ ràng. Các thành phần có trong nước tiểu như protein, glucose, hồng cầu, bạch cầu, vi khuẩn,... đều có thể là dấu hiệu của những rối loạn trong cơ thể như:
- Bệnh thận: Protein trong nước tiểu có thể là dấu hiệu của tổn thương thận. Nước tiểu có máu thường là do bệnh thận, nhiễm trùng,...
- Bệnh tiểu đường: Glucose trong nước tiểu là dấu hiệu cho thấy cơ thể không kiểm soát được lượng đường trong máu, có thể là dấu hiệu của tiểu đường hoặc tiền tiểu đường.
- Nhiễm trùng đường tiểu: Tìm thấy vi khuẩn và bạch cầu trong nước tiểu.
2.2. Đánh giá hiệu quả điều trị
Trong quá trình điều trị các bệnh lý như tiểu đường, bệnh thận, nhiễm trùng đường tiết niệu,... xét nghiệm nước tiểu đóng vai trò quan trọng:
- Bệnh tiểu đường: Bằng cách kiểm tra nồng độ glucose trong nước tiểu, bác sĩ có thể đánh giá được khả năng đáp ứng thuốc điều trị hoặc chế độ ăn uống của bệnh nhân có hiệu quả hay không.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu: Sau khi điều trị bằng kháng sinh, xét nghiệm nước tiểu có thể xác nhận xem nhiễm trùng đã được kiểm soát hay chưa. Nếu vẫn còn vi khuẩn trong nước tiểu, bác sĩ có thể cần điều chỉnh phương pháp điều trị.
Qua xét nghiệm nước tiểu, bác sĩ có thể đánh giá được kết quả điều trị bệnh
2.3. Theo dõi sức khỏe định kỳ
Xét nghiệm nước tiểu là một phần xét nghiệm thường quy trong kiểm tra sức khỏe định kỳ. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người có nguy cơ cao trước các bệnh lý mạn tính như tiểu đường, bệnh thận, bệnh đường tiết niệu,... Thông qua việc kiểm tra sức khỏe định kỳ, những thay đổi bất thường trong nước tiểu sẽ được phát hiện để có biện pháp điều trị kịp thời.
2.4. Hỗ trợ chẩn đoán bệnh truyền nhiễm
Xét nghiệm nước tiểu cũng có thể được sử dụng để chẩn đoán một số bệnh truyền nhiễm như bệnh lậu và bệnh Chlamydia. Vi khuẩn gây nên những bệnh lý này thường xuất hiện trong nước tiểu, nhờ đó bác sĩ có căn cứ xác định nguyên nhân và điều trị từ trước khi xuất hiện triệu chứng.
2.5. Xác định nguyên nhân gây nên các triệu chứng lâm sàng
Đối với các triệu chứng như đau bụng dưới, tiểu buốt, tiểu rắt, nước tiểu có màu sắc bất thường, xét nghiệm nước tiểu có thể giúp xác định nguyên nhân gây ra những triệu chứng này:
- Tiểu buốt kèm đau bụng dưới: Thường liên quan đến nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc sỏi thận. Xét nghiệm nước tiểu có thể xác định sự hiện diện của vi khuẩn hoặc máu trong nước tiểu.
- Nước tiểu đục hoặc có màu lạ: Có thể là dấu hiệu nhiễm trùng hoặc nước tiểu chứa hồng cầu. Kết quả xét nghiệm nước tiểu sẽ giúp xác định nguyên nhân chính xác từ đó bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị phù hợp.
2.6. Hỗ trợ kiểm tra sức khỏe thai kỳ
Xét nghiệm nước tiểu cũng rất quan trọng trong suốt thai kỳ để đảm bảo sự an toàn cho sức khỏe của mẹ và bé:
- Phát hiện tiền sản giật: Protein trong nước tiểu có thể là dấu hiệu của tiền sản giật - biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ.
- Theo dõi nhiễm trùng đường tiết niệu: Phụ nữ mang thai dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu hơn, việc phát hiện sớm bệnh lý này thông qua xét nghiệm nước tiểu và điều trị sớm có thể ngăn ngừa biến chứng.
Mô phỏng mẫu nước tiểu đảm bảo điều kiện xét nghiệm
3. Quy trình lấy mẫu thực hiện xét nghiệm nước tiểu
Hiện nay, xét nghiệm nước tiểu thường được thực hiện thông qua 2 phương pháp lấy mẫu phổ biến:
3.1. Lấy nước tiểu giữa và đầu dòng
- Lấy nước tiểu đầu dòng:
+ Thường áp dụng với nhiễm khuẩn niệu đạo.
+ Quy trình thực hiện:
Người bệnh được nhân viên y tế cung cấp ống đựng nước tiểu chuyên dụng và hướng dẫn thao tác lấy nước tiểu, chỉ dẫn vị trí đặt ống nước tiểu sau lấy. Tiếp sau đó, người bệnh đi tiểu trong nhà vệ sinh, lấy nước tiểu đầu dòng (một lượng vừa đủ khoảng 30 - 60ml), bỏ qua nước tiểu giữa dòng và cuối dòng. Người bệnh mang ống đựng nước tiểu đặt vào vị trí đã được hướng dẫn trước đó.
- Lấy nước tiểu giữa dòng:
+ Được áp dụng cho hầu hết các mục đích xét nghiệm nước tiểu.
+ Quy trình thực hiện:
Với xét nghiệm nước tiểu giữa dòng, thao tác thực hiện tương tự như lấy nước tiểu đầu dòng, chỉ khác là chỉ lấy nước tiểu giữa dòng, bỏ qua nước tiểu đầu dòng và cuối dòng.
3.2. Lấy nước tiểu sau 24 giờ
Nước tiểu lấy sau 24 giờ được đưa vào xét nghiệm sẽ giúp tăng tính chính xác cho chẩn đoán các vấn đề về thận như hàm lượng protein, creatinin, khoáng chất,... Quá trình lấy mẫu nước tiểu sau 24 giờ thường được thực hiện tại nhà.
Mẫu nước tiểu lấy sau 24 giờ được thực hiện qua các bước:
- Cơ sở y tế cung cấp thùng chứa nước tiểu.
- Buổi sáng sau khi ngủ dậy, người bệnh đi tiểu nhưng bỏ qua lần nước tiểu này.
- 24 giờ sau đó, toàn bộ lượng nước tiểu của các lần đi vệ sinh sẽ được thu thập vào thùng chứa đã được cung cấp.
- Mẫu nước tiểu được đưa đến cơ sở xét nghiệm.
Xét nghiệm nước tiểu là công cụ cần thiết để chẩn đoán và theo dõi nhiều vấn đề sức khỏe liên quan. Để đảm bảo xét nghiệm nhận kết quả chính xác, người bệnh cần thực hiện đúng hướng dẫn trước khi lấy mẫu và luôn trao đổi với bác sĩ nếu có thắc mắc về kết quả nhận được.
Quý khách hàng có nhu cầu xét nghiệm nước tiểu tại Hệ thống Y tế MEDLATEC, hãy liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được hướng dẫn cách thức đặt lịch nhanh chóng.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!