Các tin tức tại MEDlatec
Xét nghiệm nuôi cấy và định danh vi khuẩn kỵ khí
- 16/04/2020 | Vai trò của kỹ thuật nhuộm Gram trong định danh vi khuẩn
- 06/12/2017 | Bóc tách ổ áp xe mi, thủ thuật đem lại sự an toàn cho mắt
- 27/03/2019 | Xét nghiệm vi nấm nuôi cấy định danh
- 13/07/2014 | Định danh nhóm máu - Yếu tố giúp nâng cao an toàn truyền máu
- 28/04/2020 | Phương pháp nuôi cấy và định danh vi khuẩn trong việc khám chữa bệnh
1. Đặc điểm của vi khuẩn kỵ khí
vi khuẩn kỵ khí là vi khuẩn không cần oxy trong quá trình sinh trưởng. Sự hiện diện của oxy có thể không ảnh hưởng tới vi khuẩn (kỵ khí tùy tiện) hay chỉ với một lượng nhỏ có thể gây chết vi khuẩn (kỵ khí bắt buộc).
Chúng có mặt ở khắp nơi trong cơ thể, tập trung nhiều nhất ở đại tràng, sau đó đến khoang miệng và ống tiêu hóa. Đa số các vi khuẩn này gây bệnh đều thuộc hệ vi khuẩn chí của người nên phải có một số điều kiện cần thiết làm giảm áp lực oxy tổ chức giúp cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển là: ứ trệ tuần hoàn, thiếu máu, hoại tử tổ chức.
Hình ảnh vi khuẩn Clostridium
Một số vi khuẩn ký sinh thường gặp:
+Đại tràng: Bacteroides, Fusobacterium, Clostridium, Peptostreptococcus, Veillonella,…
+ Miệng: Prevotella, Actinomyces, Fusobacterium, Peptostreptococcus,…
+ Da: Propionibacterium,…
+ Âm đạo: Mobiluncus, Lactobacillus, Clostridium,…
2. Khả năng gây bệnh của vi khuẩn kỵ khí
Khả năng nhiễm trùng tại một số cơ quan/ tổ chức:
+ Tại đường hô hấp trên: Vi khuẩn thường gây nhiễm khuẩn quanh răng (Prevotella); viêm xoang mạn, viêm xương chũm, viêm tai giữa và gây ổ áp xe quanh hạnh nhân khẩu cái (Fusobacterium, Peptostreptococcus),…
Hình ảnh áp xe chân răng
+ Ở phổi: Vi khuẩn (Fusobacterium, Peptostreptococcus,…) đi từ đường hô hấp trên gây viêm phổi hoại tử, viêm mủ màng phổi và áp xe phổi. Trường hợp nhiễm trùng tại phổi do vi khuẩn mà chưa ứ mủ màng phổi thường chỉ cần điều trị bằng kháng sinh.
+ Tại hệ thần kinh trung ương: Thường do nhiễm vi khuẩn từ viêm xoang, viêm tai, viêm phổi hoặc trực tiếp từ máu. Tại đây, chúng gây nên những ổ áp xe não, viêm tắc tĩnh mạch, ứ mủ dưới màng cứng. Để điều trị bệnh nhân không chỉ sử dụng kháng sinh mà có thể phải can thiệp phẫu thuật (mổ dẫn lưu).
+ Trong ổ bụng: Vi khuẩn thường là tác nhân gây áp xe ổ bụng do chấn thương đại tràng, áp xe quanh trực tràng, viêm ruột thừa, áp xe gan và viêm túi mật,… Tuy nhiên, ngoài tác nhân là vi khuẩn kỵ khí thì còn có thể đi cùng với vi khuẩn gram âm ái khí hay một số cầu khuẩn gram dương khác. Việc điều trị khó khăn hơn và phải dùng kháng sinh phối hợp.
Viêm đại tràng do Clodtridium
+ Bộ phận sinh dục: Chủ yếu do Bacteroides, Peptostreptococcus, Clostridium, Lactobacillus,... gây viêm tại chỗ và lan rộng ra, có thể gây áp xe vòi trứng, buồng trứng và tiểu khung. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể phải cắt vòi trứng, buồng trứng, tử cung và có thể dẫn đến tử vong.
+ Nhiễm khuẩn huyết: vi khuẩn xuất hiện trong máu thường có nguồn gốc từ khoang miệng, đường tiêu hóa, đường dinh dục nữ,…
+ Viêm nội tâm mạc: chủ yếu do liên cầu kỵ khí và bán kỵ khí đi từ khoang miệng, đường tiêu hóa, đường sinh dục nữ,… gây lên.
+ Da và mô mềm: nhiễm trùng xuất hiện sau chấn thương, sau phẫu thuật khi không cung cấp đủ máu và oxy cho mô. Tại vị trí tổn thương có thể gặp hoại tử mô tiến triển và có mùi hôi/ thối.
3. Khi nào thì nghĩ đến nhiễm trùng do vi khuẩn kỵ khí?
Dấu hiệu điển hình nghĩ tới nhiễm trùng do vi khuẩn:
+ Đa vi khuẩn.
+ Tạo ổ mủ áp xe kín.
+ Tổ chức và ổ mủ có mùi hôi.
+ Viêm tắc tĩnh mạch nhiễm khuẩn.
+ Nhiễm khuẩn huyết.
+ Nhiễm trùng sau khi dùng kháng sinh nhóm aminosid.
+ Ổ nhiễm trùng mà các phương pháp nuôi cấy hiếu khí thông thường không phát hiện ra vi khuẩn.
4. Phát hiện vi khuẩn kỵ khí gây bệnh bằng phương pháp nuôi cấy định danh
Ý nghĩa xét nghiệm
Phát hiện vi khuẩn kỵ khí (bắt buộc hay tùy tiện) gây bệnh dựa vào đặc điểm nuôi cấy đặc trưng, tính chất chuyển hóa, các đặc điểm về hình thái học và có thể kết hợp với tính chất kháng nguyên của vi khuẩn.
Từ kết quả kháng sinh đồ bác sĩ có thể sử dụng các loại kháng sinh phù hợp để điều trị.
Mẫu bệnh phẩm
Tất cả các loại bệnh phẩm được chỉ định nuôi cấy tìm vi khuẩn kỵ khí gây bệnh, chủ yếu là máu, mủ và dịch viêm,…
Lấy bệnh phẩm:
+ Máu: thực hiện kỹ thuật lấy bệnh phẩm cấy máu.
+ Mủ hay dịch viêm:
Sát khuẩn vị trí lấy mẫu, dùng bơm tiêm vô trùng hút mủ/dịch (càng nhiều càng tốt) và đậy chặt nắp.
Sử dụng bơm kim tiêm chọc hút ổ áp xe
Nếu lấy vào ống nghiệm vô khuẩn thì phải lấy gần đầy, chỉ để ít khoảng không, đậy chặt nắp.
Trường hợp do mủ quá ít, có thể lấy bằng tăm bông vô khuẩn và đậy chặt nắp.
+ Đối với hoại tử sinh hơi, nên cắt phần cơ nằm giữa tổ chức hoại tử và tổ chức lành, không lấy phần tổ chức đã bị hoại tử hoàn toàn.
Vận chuyển và bảo quản
Chuyển ngay bệnh phẩm đến phòng xét nghiệm, không quá 15 phút hoăc bảo quản trong môi trường vận chuyển chuyên dụng.
Quy trình xét nghiệm
+ Mẫu bệnh phẩm được nuôi cấy vào môi trường phân lập, ủ ấm 18 - 24h, trong điều kiện kỵ khí.
+ Sau nuôi cấy 18 - 24h, xuất hiện khuẩn lạc mọc tiến hành định danh và làm kháng sinh đồ.
5. Xét nghiệm tìm vi khuẩn kỵ khí ở đâu chính xác?
Vi khuẩn kỵ khí khó nuôi cấy và chẩn đoán, cần sử dụng kỹ thuật chuyên sâu và trang thiết bị hiện đại.
Một số địa chỉ tin cậy có thể phát hiện và chẩn đoán vi khuẩn gây bệnh hiện nay là cơ sở y tế đầu ngành như: Bệnh viện nhiệt đới Trung Ương, Bệnh viện Nhi trung Ương,… hay cơ sở tư nhân uy tín và chất lượng như Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.
MEDLATEC vinh dự là một trong những bệnh viện hoàn thiện tiêu chuẩn ISO 15189 cho hệ thống quản lý Phòng thí nghiệm và xét nghiệm y tế được tổ chức Quốc tế NQA công nhận.
Bạn có thể đến khám trực tiếp tại:
1. Số 42 - 44 Nghĩa Dũng, Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam
2. Số 99 Trích Sài, Tây Hồ, Hà Nội
3. Số 03 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội.
Hoặc khi cần đăng ký qua tổng đài 1900 56 56 56, nhân viên Bệnh viện sẽ đến tận nơi lấy mẫu với cam kết chất lượng xét nghiệm chính xác, thời gian trả kết quả kịp thời và tinh thần phục vụ tận tâm, chuyên nghiệp.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!