Các tin tức tại MEDlatec
Xương bị vôi hóa: nguyên nhân và phương pháp điều trị
- 07/06/2021 | 6 bài tập cơ xương khớp giúp cơ thể luôn khỏe mạnh và dẻo dai
- 29/05/2021 | Người cao tuổi cần phòng tránh sớm bệnh cơ xương khớp như thế nào?
- 01/07/2021 | Bệnh nhân bị thoái hóa xương khớp nên ăn gì?
1. Các dạng xương bị vôi hóa thường gặp
Thực tế bất cứ vùng xương nào cũng có thể bị vôi hóa do nhiều nguyên nhân khác nhau, song cột sống là khu vực dễ bị vôi hóa nhất do hoạt động nhiều, dễ bị tổn thương.
Xương vôi hóa là một dạng thoái hóa xương khớp
Hai dạng vôi hóa xương cột sống thường gặp nhất bao gồm:
1.1. Vôi hóa cột sống cổ
Cột sống cổ là khu vực chịu trách nhiệm cho hoạt động xoay, ngửa, gập, cúi hay giữ thăng bằng trước trọng lượng của phần đầu gây ra. Vôi hóa cột sống cổ có thể do chấn thương hoặc tư thế nằm, ngồi không tốt khiến cổ - vai - gáy bị tổn thương.
1.2. Vôi hóa cột sống lưng
Bên cạnh vùng cột sống cổ, cột sống lưng dễ bị thoái hóa và vôi hóa nhất bởi phần này phải chịu áp lực rất lớn từ trọng lượng cơ thể tạo ra. Ngoài ra, các hoạt động thường ngày từ đi, ngồi, nằm, mang vác,… đều có thể gây tổn thương cột sống lưng và hình thành vôi hóa.
Độ tuổi xương khớp bắt đầu lão hóa nhanh là trên 40 tuổi, tỉ lệ người bệnh xương bị vôi hóa cũng chủ yếu rơi vào nhóm tuổi này. Tuy nhiên hiện nay, thoái hóa, vôi hóa xương ngày càng xuất hiện nhiều ở người trẻ tuổi, chủ yếu là nhóm người đặc thù nghề nghiệp, thói quen ngồi nhiều, ít vận động trong thời gian dài.
Xương bị vôi hóa gặp ở nhóm người ngồi nhiều
Dù xương bị vôi hóa gặp ở vị trí nào cũng đều ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, gây đau nhức nghiêm trọng và giảm vận động. Vì thế, phát hiện và điều trị sớm là vô cùng quan trọng để giảm hậu quả do bệnh gây ra.
2. Bác sĩ giải đáp chi tiết: Vì sao xương bị vôi hóa?
Xương bị vôi hóa là một dạng bệnh lý thoái hóa xương, tuy nhiên đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được rõ nguyên nhân. Các nguyên nhân được cho là có liên quan đến tình trạng vôi hóa của xương bao gồm:
2.1. Tuổi tác
Tuổi tác được cho là nguyên nhân chính dẫn đến vôi hóa xương cũng như nhiều bệnh thoái hóa xương khác. Tuổi càng cao, hệ xương khớp do hoạt động trong thời gian dài bắt đầu suy yếu, tình trạng thoái hóa xương sẽ xảy ra. Ở những người ít vận động, làm việc hoặc ngủ sai tư thế, làm các công việc nặng nhọc, vận động cơ xương nhiều,… dễ và sớm bị thoái hóa xương hơn.
2.2. Chấn thương
Ngoài lão hóa do tuổi tác, vôi hóa xương còn xảy ra sau chấn thương tại chỗ hoặc chấn thương ảnh hưởng.
Đôi khi, xương bị vôi hóa là một dạng biểu hiện của bệnh lý thoái hóa xương khớp như: thoái hóa cột sống cổ, thoái hóa cột sống lưng, thoái hóa khớp và dây chằng,… Đây là bệnh lý ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và hoạt động của cơ xương khớp do chèn ép lên dây thần kinh.
Vôi hóa gây hình thành chồi gai ở xương
Hiện tượng vôi hóa gây hình thành các chồi gai, chồi xương ở dây chằng cạnh sống, thân các đốt sống. Khi kích thước các gai vôi hóa này lớn, chúng sẽ chèn ép lên các dây thần kinh cũng như thụ thể cảm giác, gây đau cổ, đau lưng. Đôi khi đau do vôi hóa còn lan đến vai, tay, chân nếu dây thần kinh liên quan bị chèn ép hay tổn thương.
Nhìn chung, vôi hóa xương khớp là dạng thoái hóa khớp khá thường gặp ở lứa tuổi trung niên, song không ít người trẻ cũng mắc căn bệnh này. Vì thế việc điều trị là cần thiết và phải thực hiện càng sớm càng tốt, nếu không sẽ gây biến chứng nặng không thể phục hồi.
3. Xương bị vôi hóa có điều trị được không?
Hiện nay chưa có phương pháp nào có tác dụng điều trị vôi hóa xương triệt để, bệnh nhân chủ yếu được điều trị giảm đau, cải thiện chức năng và hoạt động của xương khớp. Ngoài ra, lựa chọn phương pháp điều trị xương bị vôi hóa còn phụ thuộc vào nguyên nhân. Nếu vôi hóa xương do chấn thương, thời gian điều trị là yếu tố quan trọng, phát hiện và điều trị sớm, kết hợp với luyện tập sẽ đem lại kết quả tốt.
Ngoài ra, vôi hóa do chấn thương cũng có thể thực hiện phẫu thuật để phục hồi chức năng xương khớp. Tuy nhiên, phẫu thuật có tỉ lệ rủi ro nhất định, ngoài ra còn có thể thúc đẩy tình trạng cốt hóa xương xảy ra nên cần cân nhắc kỹ lưỡng.
Chỉ có thể điều trị cải thiện và giảm đau do xương bị vôi hóa
Với các trường hợp xương bị vôi hóa do tuổi tác, phương pháp điều trị không dùng thuốc hoặc dùng thuốc tùy thuộc vào mức độ triệu chứng. Khi vôi hóa nặng và đã xảy ra trong thời gian dài, nó dễ gây chèn ép thần kinh và khiến người bệnh đau nhiều.
3.1. Điều trị vôi hóa xương không dùng thuốc
Phương pháp này tập trung vào cải thiện triệu chứng, làm chậm quá trình thoái hóa cũng như vôi hóa xương, đồng thời làm giãn các gân cơ bị vôi hóa gây đau. Trong đó, tập thể thao, vận động và vật lý trị liệu là những phương pháp đem lại hiệu quả tốt nhưng cần kiên trì và thực hiện đúng phương pháp.
Ngoài ra, có thể điều trị bằng sử dụng tia hồng ngoại, chiếu đèn vào vùng xương bị vôi hóa để giảm đau. Tác dụng giảm đau này có thể không kéo dài song cũng giúp người bệnh bớt đau, giảm tình trạng phụ thuộc thuốc.
3.2. Điều trị vôi hóa xương bằng thuốc
Thực tế, thuốc điều trị vôi hóa xương chủ yếu là các thuốc các tác dụng giảm đau, không điều trị bệnh triệt để. Trong khi đó, không thể dùng thuốc giảm đau kéo dài do ảnh hưởng đến dạ dày và sức khỏe. Chỉ trong các trường hợp bệnh nhân bị đau nhiều, các phương pháp điều trị không dùng thuốc không đáp ứng tốt, bác sĩ mới chỉ định dùng thuốc giảm đau hỗ trợ.
Để hạn chế tác dụng phụ, bệnh nhân vôi hóa xương bắt buộc phải tuân thủ hướng dẫn sử dụng thuốc của bác sĩ. Không được lạm dụng thuốc giảm đau và cần kết hợp điều trị với phương pháp khác.
Không nên lạm dụng thuốc giảm đau trong điều trị xương bị vôi hóa
Dù không thể điều trị triệt để song tích cực luyện tập, vật lý trị liệu, ăn uống đủ chất thì triệu chứng vôi hóa xương sẽ được cải thiện. Người bệnh có thể không gặp phải tình trạng đau nhiều, đau liên tục và có cuộc sống, sinh hoạt trở lại bình thường.
Nếu cần tư vấn thêm, liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ hoàn toàn miễn phí.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!