Tin tức

Giải đáp băn khoăn: tai biến và đột quỵ liệu có phải là một bệnh hay không?

Ngày 27/06/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Tai biến và đột quỵ là bệnh lý được nhiều người biết đến bởi những di chứng có thể gặp phải. Tuy nhiên, đây có phải là cùng một bệnh lý hay không thì vẫn là vấn đề gây thắc mắc của nhiều người. Dưới đây, MEDLATEC sẽ giúp bạn tìm hiểu vấn đề này.

1. Tai biến và đột quỵ có phải là một bệnh hay không?

Tai biến và đột quỵ là hai tên gọi khác nhau nên nhiều người nghĩ rằng đây là hai bệnh lý. Thực chất, cả hai tên gọi này đều nhằm nói đến một bệnh cảnh duy nhất là tình trạng tắc nghẽn hoặc vỡ mạch máu não xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau. Kết quả của tình trạng đó là tế bào não không được cung cấp đủ máu và oxy nên bị mất đi dưỡng chất cần thiết để hoạt động, não bị tổn thương.

Tai biến và đột quỵ là hai thuật ngữ cùng chỉ chung một bệnh

Tai biến và đột quỵ là hai thuật ngữ cùng chỉ chung một bệnh

Điều khác nhau giữa hai tên gọi này là:

- Tai biến mạch máu não: tên gọi hướng đến nơi phát sinh bệnh cảnh, cho thấy tình trạng mạch máu đi nuôi tế bào não bị vỡ hoặc tắc nghẽn.

- Đột quỵ: phản ánh tình trạng bệnh cấp tính.

Nguyên nhân khiến nhiều người nhầm lẫn tai biến và đột quỵ chủ yếu là do:

- Nhầm lẫn đột quỵ là thuật ngữ dùng để chỉ bệnh lý tim mạch, không phải là bệnh lý ở não.

- Đột quỵ chỉ xảy ra ở người già, không xảy ra ở giới trẻ.

Đây là lý do khiến cho bệnh không được quan tâm đúng cách, thiếu phương pháp phòng ngừa, kiểm soát bệnh hiệu quả.

Cần lưu ý rằng, dù tên gọi là tai biến hay đột quỵ thì đây cũng là bệnh lý gây nguy hiểm trực tiếp đến sự sống. Bất cứ bệnh nhân đột quỵ nào cũng có nguy cơ phải đối mặt với các di chứng liệt, trí tuệ sa sút, thậm chí tử vong. Đã có không ít thống kê chỉ ra đây là nguyên nhân thứ hai dẫn đến tử vong trên toàn thế giới.

Đột quỵ (tai biến) có thể xảy ra với mọi độ tuổi nhưng thường gặp nhất ở người già, độ tuổi từ 65 trở đi. Hiện nay, bệnh lý này đang có xu hướng trẻ hóa đối tượng mắc phải bởi tỷ lệ người trẻ tuổi bị đột quỵ ngày càng nhiều.

2. Các dạng của đột quỵ (tai biến)

Mô phỏng giúp hình dung về 2 dạng đột quỵ

Mô phỏng giúp hình dung về 2 dạng đột quỵ

Tai biến và đột quỵ đều chỉ một bệnh lý, được phân thành 2 dạng sau:

2.1. Đột quỵ nhồi máu não

Dạng đột quỵ này chiếm 80% các trường hợp đột quỵ, xuất phát từ sự tắc nghẽn động mạch não do có huyết khối ngăn chặn lưu thông máu. Một số hiếm bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch, thường gặp ở nữ giới trẻ tuổi ở giai đoạn sau sinh, mang thai hoặc dùng thuốc tránh thai.

Ngoài ra, nguy cơ đột quỵ cũng có thể đến với những người có các vấn đề về tim mạch như: xơ vữa, rung nhĩ, bóc tách động mạch đốt sống hoặc động mạch cảnh,... 

2.2. Đột quỵ xuất huyết não

Tỷ lệ người bị đột quỵ xuất huyết não ít hơn so với đột quỵ nhồi máu não (chiếm khoảng 20% các trường hợp đột quỵ). Bệnh lý này xảy ra khi mạch máu não bị phình bất thường hoặc vỡ động mạch máu não. Cơn đột quỵ xuất huyết não rất dễ dẫn đến chấn thương hoặc dị dạng mạch máu não, khối u não. 

Số ít trường hợp bệnh nhân đột quỵ xuất huyết não bề mặt tự phát do bệnh mạch máu não amyloid.

3. Xử trí ban đầu với bệnh nhân đột quỵ (tai biến)

Không có sự khác nhau giữa triệu chứng tai biến và đột quỵ bởi đây là tên gọi chung của một bệnh lý. Mặt khác, người bệnh cũng không thể tự nhận diện được tình trạng mình gặp phải là đột quỵ hay thiếu máu não thoáng qua. Vì thế, khi những người xung quanh phát hiện ra các triệu chứng của đột quỵ như: méo mặt, cánh tay tê yếu không giơ lên được, rối loạn khả năng ngôn ngữ, thị lực mờ, mất thăng bằng, ngã gục,... thì cần nhanh chóng sơ cứu cho người bệnh bằng cách:

- Gọi xe cấp cứu ngay hoặc nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.

- Đỡ để người bệnh nằm xuống mà không gặp phải bất cứ chấn thương nào sau đó đặt cho người bệnh ở tư thế nằm nghiêng về một bên, phần đầu hơi cao so với toàn thân để giúp máu được lưu thông.

- Trường hợp bệnh nhân nôn hoặc chảy dãi, hãy lấy một chiếc khăn sạch quấn vào đầu ngón tay trỏ của mình rồi luồn vào trong miệng bệnh nhân để móc sạch đờm, dãi ra giúp bệnh nhân tránh bị sặc.

- Mở cúc và nới lỏng áo quần cho bệnh nhân dễ thở.

- Nếu bệnh nhân hôn mê, hãy kiểm tra nhịp thở liên tục kết hợp xoa bóp tim bên ngoài lồng ngực. Trường hợp bệnh nhân ngừng thở cần tiến hành hô hấp nhân tạo. 

4. Đột quỵ có thể phòng ngừa được

Tầm soát định kỳ giúp nhận diện đột quỵ sớm để kịp thời ngăn chặn di chứng

Tầm soát định kỳ giúp nhận diện đột quỵ sớm để kịp thời ngăn chặn di chứng

Đột quỵ hoàn toàn có thể được phòng ngừa bằng cách chủ động thực hiện các biện pháp:

- Kiểm soát xuất huyết não và các yếu tố nguy cơ

Bệnh tim mạch, huyết áp cao, tiểu đường, béo phì,... thuộc nhóm nguy cơ gây đột quỵ. Vì thế, người mắc bệnh lý này cần kiểm soát tốt bệnh mắc phải kết hợp khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị đột quỵ kịp thời.

- Thói quen sống lành mạnh

+ Nên ăn nhiều trái cây, rau xanh, cá, ngũ cốc; tránh các thức ăn nhiều chất đạm, chất béo, thức ăn được chế biến sẵn, thức ăn quá mặn.

+ Vận động thường xuyên: đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội, tập yoga,…

+ Tránh căng thẳng, lo lắng, stress.

+ Tránh thức khuya, mất ngủ.

+ Hạn chế tối đa bia rượu.

+ Không hút thuốc lá.

+ Tránh tắm đêm.

- Chủ động chăm sóc não bộ, bảo vệ các tế bào thần kinh, mạch máu.

- Thực hiện tầm soát đột quỵ định kỳ tại cơ sở y tế uy tín, đặc biệt là người thuộc nhóm nguy cơ cao như: bệnh tim mạch, huyết áp cao, thần kinh, mạch máu, tiểu đường,...

Từ những chia sẻ ở trên hy vọng bạn đã biết được tai biến và đột quỵ không phải là 2 bệnh lý mà chỉ là tên gọi khác của một bệnh lý có mức độ nguy hiểm cao bởi những ảnh hưởng mà nó gây ra đối với khả năng vận động, trí não và sự sống của con người. Vì thế, phòng ngừa, tầm soát yếu tố nguy cơ là cách tốt nhất để phát hiện và có biện pháp ngăn chặn sớm di chứng đột quỵ.

Để đặt lịch thăm khám, tầm soát đột quỵ cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC, quý khách hàng vui lòng liên hệ tổng đài 1900 56 56 56.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.