Tin tức
3 tháng đầu thai nhi sống bằng gì? Mẹ bầu nên bổ sung những gì?
- 29/02/2024 | Gợi ý thực đơn cho bà bầu 3 tháng đầu dinh dưỡng an toàn
- 01/11/2023 | Xét nghiệm sàng lọc 3 tháng đầu thai kỳ quan trọng như thế nào?
- 15/09/2024 | Bà bầu không nên ăn gì trong 3 tháng đầu để giúp thai nhi phòng tránh dị tật bẩm sinh?
- 09/10/2024 | Co thắt tử cung khi mang thai ở 3 tháng đầu: Mức độ nguy hiểm và nguyên nhân
1. 3 tháng đầu thai nhi phát triển ra sao?
Trước khi giải đáp vấn đề “3 tháng đầu thai nhi sống bằng gì”, chúng tôi sẽ giúp các mẹ bầu hiểu rõ thai nhi sẽ thay đổi như thế nào ở thời kỳ này:
- Tuần thứ 1 và 2: Đây là giai đoạn chuẩn bị cho thai kỳ, nghĩa là chưa xảy ra sự thụ tinh. Tuy nhiên, thời gian này vẫn được tính vào giai đoạn mang thai.
Qua mỗi giai đoạn thai nhi sẽ có sự phát triển và thay đổi rất nhiều
- Tuần thứ 3: Đây là thời kỳ thụ thai. Nếu có một trứng được thụ tinh sẽ tạo thành một hợp tử. Trong trường hợp có nhiều trứng được thụ tinh hoặc một trứng được thụ tinh phân chia thành 2 thì sẽ có nhiều hơn 1 hợp tử được hình thành. Hợp tử được hình thành sẽ đi vào buồng tử cung, đồng thời phân chia để tạo thành phôi dâu.
- Tuần thứ 4: Túi phôi phân chia và ăn sâu vào niêm mạc tử cung.
- Tuần thứ 5: Nồng độ HCG sẽ tăng lên nhanh chóng. Lượng estrogen và progesterone cũng tăng cao làm dừng chu kỳ kinh.
- Tuần thứ 6: Ống thần kinh đóng lại. Thai nhi bắt đầu phát triển nhanh về các cơ quan nội tạng, bao gồm não, tủy, tim,... và nhiều bộ phận trên cơ thể. Lúc này, thân hình của thai nhi bắt đầu cong như chữ C.
- Tuần thứ 7: Não và mặt của thai nhi lớn dần lên.
- Tuần thứ 8: Mũi, chồi chi và các ngón tay của thai nhi hình thành. Có thể quan sát rõ được tai và mắt của thai nhi. Cổ và thân mình của thai đã có thể duỗi thẳng.
- Tuần thứ 9: Ngón chân, mí mắt thai nhi hình thành. Đầu của thai nhi đã khá lớn nhưng cằm vẫn chưa phát triển toàn diện.
- Tuần thứ 10: Lúc này, thai nhi đã có thể gập khuỷu tay lại. Đồng thời, đã có thể quan sát được dây rốn vào thời điểm này.
- Tuần thứ 11: Bộ phận sinh dục thai nhi phát triển
- Tuần thứ 12: Móng tay của thai nhi hình thành. Hệ thống ruột cũng phát triển và thai nhi đã bắt cử động tự thân. Sức khỏe của mẹ và thai nhi rất dễ bị tác động trong giai đoạn này. Đối với những mẹ bầu có tiền sử sảy thai thì cần đặc biệt cẩn trọng giai đoạn này.
2. 3 tháng đầu thai nhi sống bằng gì?
Rất nhiều mẹ bầu thắc mắc “3 tháng đầu thai nhi sống bằng gì” vì thời điểm này nhau thai – nguồn dinh dưỡng chủ yếu của thai nhi chưa được phát triển toàn diện. Nguồn dinh dưỡng của thai nhi trong 3 tháng đầu có thể chia thành 2 giai đoạn như sau:
- Giai đoạn 1: Tuần thứ 3 của thai kỳ: Đây là thời kỳ hợp tử đã được hình thành và di chuyển đến tử cung để làm tổ. Năng lượng dự trữ trong trứng chính là nguồn dinh dưỡng chính của thai nhi.
- Giai đoạn 2: Từ tuần thai thứ 4 - tuần 12: Bắt đầu từ tuần thai thứ 4, thai nhi sẽ được nuôi dưỡng từ nguồn dinh dưỡng của nội mạc tử cung. Ngoài ra, trong giai đoạn này, các hormone như HCG, progesterone và estrogen cũng là yếu tố có ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển của thai nhi.
Giai đoạn 3 tháng đầu, thai nhi được nuôi dưỡng từ nguồn dinh dưỡng của nội mạc tử cung
Trong đó:
+ HCG được sản sinh sau quá trình thụ thai. Nhiệm vụ của nó là duy trì hoàng thể, tổng hợp progesterone, estrogen, bên cạnh đó là hỗ trợ nội mạc tử cung để nuôi dưỡng thai nhi.
+ Estrogen: Giúp cho tử cung phát triển, đồng thời giúp duy trì niêm mạc tử cung và cũng là yếu tố rất cần thiết các cơ quan của thai phát triển.
+ Progesterone: Có vai trò duy trì bào thai.
3. Mẹ bầu cần bổ sung gì trong 3 tháng đầu?
Ngoài thắc mắc “3 tháng đầu thai nhi sống bằng gì” thì chế độ dinh dưỡng của mẹ cũng là vấn đề mà rất nhiều người quan tâm. Dưới đây là những lưu ý dành cho mẹ bầu trong 3 tháng đầu:
- Năng lượng: Mẹ bầu nên bổ sung khoảng 2300 - 2400 kcal/ngày trong giai đoạn 3 tháng đầu tiên của thai kỳ.
- Axit folic: Đây là loại dưỡng chất cần được bổ sung để phòng ngừa nguy cơ dị tật thai nhi. Mẹ bầu có thể bổ sung qua thực phẩm như thịt gia cầm, cải xanh, ngũ cốc hoặc dùng viên uống bổ sung theo yêu cầu của bác sĩ.
- Protein: Đây là dưỡng chất rất quan trọng để mô bào thai phát triển. Những thực phẩm có chứa nhiều protein mẹ bầu nên bổ sung là cá, đậu, trứng, thịt nạc, thịt gà, sữa,... Mẹ bầu nên bổ sung 85 - 90g protein/ngày.
Mẹ bầu cần bổ sung protein trong thai kỳ
- Sắt: Mẹ bầu cần được bổ sung sắt để phòng ngừa thiếu máu. Chị em có thể bổ sung các thực phẩm có chứa nhiều sắt như thịt đỏ, các loại hạt, rau xanh,... và có thể bổ sung thêm viên uống theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Vitamin A: Những loại thực phẩm có chứa vitamin A mà mẹ bầu có thể lựa chọn để bổ sung trong thực đơn mỗi ngày là thịt, trứng, gan động vật, các loại củ màu vàng hoặc đỏ, rau xanh đậm,... Chị em nên bổ sung khoảng 600mcg vitamin A/ngày.
- Canxi và vitamin D: Là những chất dinh dưỡng quan trọng trong việc hình thành hệ thống xương khớp của thai nhi. Những loại thực phẩm có nhiều canxi như tôm, cá, cua, trứng, sữa, rau xanh,.. Bên cạnh đó, bạn nên tắm nắng sớm để hấp thụ vitamin D. Lưu ý chỉ nên tắm nắng vào buổi sáng sớm. Phơi nắng khi tia nắng mạnh hơn sẽ không tốt cho làn da và sức khỏe của mẹ bầu.
- Ngoài ra, mẹ bầu nên bổ sung Vitamin C, magie, kẽm, selen, i-ốt, DHA/EPA,...
Mẹ bầu nên thường xuyên thăm khám thai theo chỉ dẫn của bác sĩ
Hi vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ “3 tháng đầu thai nhi sống bằng gì” và một số lưu ý về chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu. Nếu cần tìm hiểu thêm hoặc có nhu cầu đặt lịch thăm khám thai, kiểm tra sức khỏe, mời bạn liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được các tổng đài viên hướng dẫn cụ thể.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!