Tin tức
4 dạng ung thư đường ruột phổ biến và tầm quan trọng của tầm soát sớm
- 17/12/2024 | Sữa dành cho trẻ đường ruột kém: Mách mẹ cách chọn đúng để con thêm khỏe mạnh
- 16/01/2025 | Mebendazole - Thuốc điều trị ký sinh trùng đường ruột và lưu ý khi dùng
- 04/03/2025 | Bé bị nhiễm trùng đường ruột: Những kiến thức cha mẹ cần biết để xử trí đúng
- 02/04/2025 | Cách bổ sung lợi khuẩn đường ruột cho người lớn, tăng cường tiêu hóa
- 15/04/2025 | Cốm tiêu hóa - Giải pháp hỗ trợ hệ tiêu hóa và tăng cường sức khỏe đường ruột
1. Một số dạng ung thư đường ruột phổ biến
ung thư đại tràng, ung thư ruột non, ung thư trực tràng,... là các dạng ung thư đường ruột thường gặp ở nhiều đối tượng.
1.1. Ung thư đại tràng
Khi tế bào trong thành đại tràng tăng sinh một cách mất kiểm soát, ung thư đại tràng có thể khởi phát. Theo đó, khối u thường bắt đầu từ các polyp tuyến, là các khối u lành tính có thể phát triển thành ung thư nếu không được phát hiện và điều trị.
Ung thư đại tràng là một trong những dạng ung thư đường ruột thường gặp nhất
Ung thư đại tràng có xu hướng phát triển âm thầm trong nhiều năm. Cả nam giới và nữ giới đều có nguy cơ mắc phải căn bệnh này. Trong đó, người trên 55 tuổi, người từng mắc bệnh lý về đại tràng, người béo phì, người hay sử dụng rượu bia,... dễ bị ung thư đại tràng hơn các đối tượng khác.
Triệu chứng có thể xuất hiện ở người bị ung thư đại tràng phải kể đến là:
- Đi ngoài ra máu.
- Hình dáng và kết cấu của phân thay đổi (phân thường lỏng hơn).
- Hay bị tiêu chảy hoặc táo bón.
- Bụng đau quặn thắt.
- Cân nặng giảm bất thường.
- Cơ thể suy nhược, mệt mỏi.
Nếu không phát hiện và điều trị sớm, khối u sẽ di căn đến những bộ phận khác, gây biến chứng nguy hiểm như thủng hoặc tắc ruột, khối u chèn ép gây đau dữ dội.
1.2. Ung thư trực tràng
Ung thư trực tràng cũng là một trong những dạng ung thư đường ruột phổ biến, xuất hiện khi tế bào tại lớp niêm mạc trực tràng tăng sinh quá mức, dẫn đến sự hình thành của các khối u. Bệnh lý này cũng có xu hướng diễn biến trong nhiều năm. Nếu phát hiện trong giai đoạn đầu, tỷ lệ điều trị khỏi thành công, kéo dài thời gian sống cho người bệnh là khá cao.
Chế độ ăn thiếu chất xơ từ rau củ quả có thể là nguyên nhân dẫn đến ung thư trực tràng
Người trên 60 tuổi, người từng mắc polyp đại trực tràng, người bị viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn là đối tượng dễ mắc ung thư trực tràng. Bên cạnh đó, các chế độ ăn nhiều thịt đỏ và giàu chất béo, ít chất xơ, lười hoạt động cũng là một số yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh lý về đường ruột này.
Ở giai đoạn đầu, phần lớn người bệnh đều chưa xuất hiện triệu chứng. Khi bệnh bắt đầu tiến triển, một số triệu chứng thường gặp là:
- Phân lẫn máu hoặc lẫn đàm nhớt.
- Thói quen đi đại tiện thay đổi (táo bón hoặc tiêu chảy).
- Có cảm giác như đi không hết phân.
- Đau bụng, cảm thấy khó chịu ở vùng bụng dưới.
- Sờ thấy khối u tại vùng bụng.
- Cân nặng giảm không rõ lý do.
- Buồn nôn.
1.3. Ung thư ruột non
Ung thư ruột non là một dạng ung thư đường ruột nguy hiểm, khởi phát khi tế bào tại ruột non phát triển mất kiểm soát. Lymphoma, Sarcoma, ung thư biểu mô tuyến,... là một số dạng ung thư ruột non phổ biến.
Đau bụng, tiêu chảy là triệu chứng hay xuất hiện ở người bị ung thư ruột non
Đối tượng có nguy cơ mắc phải căn bệnh nguy hiểm này là người mắc bệnh lý về đường ruột (bệnh Crohn hoặc Celiac), người lạm dụng thuốc lá, rượu, bia,... Triệu chứng thường xuất hiện ở người bệnh là đau bụng, phân lẫn máu, tiêu chảy, da hoặc mắt chuyển vàng, cơ thể mệt mỏi.
1.4. Ung thư phần phụ (ruột thừa)
Khi tế bào tại ruột thừa tăng sinh mất kiểm soát cũng có thể dẫn đến ung thư. Dạng ung thư này tương đối hiếm gặp và hầu như không biểu hiện triệu chứng cảnh báo trong giai đoạn đầu. Nếu không kịp thời điều trị, khối u ác tính có khả năng xâm lấn đến hệ cơ quan khác.
Về mặt phân loại, ung thư phần phụ hay ruột thừa gồm một số dạng chính như:
- Ung thư biểu mô ruột kết.
- Ung thư biểu mô tế bào gốc.
- Ung thư biểu mô tế bào dạng vòng Signet.
- Ung thư niêm mạc ruột thừa.
- U thần kinh nội tiết.
Trong phần lớn trường hợp, ung thư ruột thừa thường không di căn đến các khu vực bên ngoài khoang bụng. Chính vì vậy nếu phát hiện sớm, khả năng điều trị thành công và kéo dài sự sống cho người bệnh là rất khả quan.
Nếu mới ở giai đoạn đầu, phần lớn người bệnh đều chưa xuất hiện triệu chứng. Khi khối u phát triển, gây ảnh hưởng, triệu chứng mới dần rõ nét. Theo đó, một số dấu hiệu người bệnh có thể cảm nhận là đau bụng theo từng cơn, chướng bụng, nhanh cảm thấy no, buồn nôn, cơ thể lên cơn sốt, thành bụng to cứng, hay bị táo bón hoặc tiêu chảy.
2. Mức độ nguy hiểm của ung thư đường ruột
Ung thư tiêu hóa nói chung hay ung thư đường ruột nói riêng rất nguy hiểm. Theo đó, tỷ lệ tử vong ở người bệnh tương đối cao nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Khi khối u phát triển lớn, nó có thể chèn ép, gây ra nhiều triệu chứng khó chịu khiến chất lượng đời sống của người bệnh bị suy giảm.
3. Một số phương pháp tầm soát
Với ung thư đường ruột, phương pháp tầm soát, sàng lọc được chỉ định thường là:
- Xét nghiệm máu: Giúp kiểm tra sự thay đổi của những chỉ số quan trọng như CA 19-9, CEA. Thông thường nếu xuất hiện khối u tại đường tiêu hóa, CEA có xu hướng tăng.
- Siêu âm vùng bụng: Phương pháp giúp phát hiện vị trí cũng như kích thước của khối u.
- Nội soi đại tràng: Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh này cho phép bác sĩ quan sát phía trong đại tràng, giúp phát hiện bất thường như polyp, kết hợp sinh thiết kịp thời. Người trên 50 tuổi, người có nguy cơ mắc ung thư đại tràng nên thực hiện nội soi theo chỉ định.
- Chụp X-quang: Kỹ thuật này hỗ trợ bác sĩ xác định vùng tổn thương, khối u xuất hiện trong đường ruột.
Nội soi đại tràng giúp tầm soát ung thư đại tràng và một số bệnh lý khác
4. Các phương pháp điều trị
Tùy từng dạng ung thư, giai đoạn tiến triển, thể trạng sức khỏe,... bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp. Phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, điều trị trúng đích, liệu pháp miễn dịch vẫn là những phương pháp điều trị phổ biến được áp dụng.
Trong đó, cắt tách dưới niêm mạc qua nội soi (ESD) là kỹ thuật điều trị ung thư tiêu hóa giai đoạn đầu được ưu tiên chỉ định trong nhiều trường hợp. Đây là phương pháp nội soi tiên tiến hỗ trợ loại bỏ hoàn toàn khối u tại niêm mạc và dưới niêm mạc.
Hình ảnh polyp trực tràng phóng đại
Ưu điểm của ESD là ít gây xâm lấn, giúp hạn chế tình trạng chảy máu, bảo toàn hiệu quả đường ruột, thời gian tiến hành nhanh. Theo đó, bệnh nhân chỉ phải nằm viện từ 2 đến 3 ngày, rút ngắn đáng kể so với 10 ngày khi thực hiện phẫu thuật thông thường. Khối u sau khi bị loại bỏ sẽ được đem đi làm sinh thiết, giúp xác định đặc điểm tế bào.
Mặc dù vậy, ESD là kỹ thuật tương đối khó thực hiện, yêu cầu thiết bị chuyên dụng. Đội ngũ y bác sĩ tiến hành cũng phải có chuyên môn và tay nghề cao.
Tại Trung tâm Tiêu hóa của Hệ thống Y tế MEDLATEC, đơn vị đã đầu tư hệ thống nội soi phóng đại Olympus X1 CV 1500 tiên tiến. Thiết bị này, bác sĩ có thể quan sát bề mặt niêm mạc với độ phóng đại gấp 520 lần. Cùng với đó là sự hỗ trợ của đội ngũ y bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm.
Như vậy, MEDLATEC đã tổng hợp đến bạn 4 dạng ung thư đường ruột phổ biến, phương pháp tầm soát và điều trị. Nếu kịp thời phát hiện và điều trị trong giai đoạn đầu, người bệnh vẫn có thể duy trì cuộc sống bình thường. Để đặt lịch khám tại MEDLATEC, Quý khách vui lòng liên hệ theo số 1900 56 56 56 để được hỗ trợ chi tiết hơn.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
