Tin tức
Cách bổ sung lợi khuẩn đường ruột cho người lớn, tăng cường tiêu hóa
- 11/06/2021 | Bổ sung lợi khuẩn cho trẻ - điều mà hầu hết các bậc cha mẹ đều bỏ quên!
- 07/07/2024 | Xịt mũi họng lợi khuẩn Subavax - Những điều cần biết trước khi sử dụng
1. Hệ vi sinh đường ruột có vai trò gì?
Hệ vi sinh đường ruột chứa hàng nghìn tỷ vi khuẩn, nấm men và virus cư trú trong đường tiêu hoá, chủ yếu ở ruột già. Hệ vi sinh vật này có số lượng tế bào tương đương hoặc thậm chí vượt quá tổng số tế bào trong cơ thể.
Hệ vi sinh đường ruột chia làm 2 nhóm lớn, bao gồm lợi khuẩn (probiotics) và hại khuẩn. Khi có sự cân bằng giữa lợi khuẩn và hại khuẩn, trong đó lợi khuẩn chiếm ưu thế, khi đó cơ thể có hệ vi sinh khỏe mạnh, tiêu hoá tốt.
Hệ vi sinh đường ruột chia làm 2 nhóm lớn bao gồm lợi khuẩn (probiotics) và hại khuẩn
1.1. Lợi khuẩn (probiotics)
Lợi khuẩn (probiotics) là các vi sinh vật sống có lợi cho sức khỏe tiêu hóa và sức khỏe tổng thể:
- Lợi khuẩn giúp hỗ trợ phân giải thức ăn và hấp thu các chất dinh dưỡng cho cơ thể, đặc biệt là vitamin B12, vitamin K,...
- Lợi khuẩn có trong đường ruột còn có tác dụng ngăn ngừa táo bón, tiêu chảy do mất cân bằng hệ vi sinh hoặc tác dụng phụ của thuốc kháng sinh.
- Đồng thời, có khoảng 70% hệ miễn dịch nằm trong ruột, lợi khuẩn kích thích sản xuất kháng thể và ức chế vi khuẩn gây bệnh như Salmonella, E. coli,...
Một số loại lợi khuẩn tốt cho hệ tiêu hoá có thể kể đến như:
- Lactobacillus hỗ trợ tiêu hóa lactose, giảm tiêu chảy do kháng sinh, tăng cường miễn dịch. Lactobacillus có nhiều trong sữa chua, kim chi, dưa muối, thực phẩm lên men,…
- Bifidobacterium ngăn ngừa viêm ruột, tăng cường hấp thu dinh dưỡng. Lợi khuẩn này có nhiều trong sữa chua probiotic, phô mai,,…
- Saccharomyces boulardii giúp ngăn ngừa tiêu chảy do kháng sinh, hỗ trợ điều trị hội chứng ruột kích thích, có nhiều trong các sản phẩm men vi sinh chuyên biệt.
Một số loại lợi khuẩn tốt cho hệ tiêu hoá
1.2. Hại khuẩn
Trái ngược với lợi khuẩn, hại khuẩn là những vi sinh vật có hại cho cơ thể và chức năng tiêu hoá. Chúng gây ra các rối loạn tiêu hóa, viêm nhiễm đường ruột và suy giảm miễn dịch:
- Các loại vi khuẩn như Salmonella và C. difficile có thể gây viêm ruột, tiêu chảy nặng cho con người.
- Hại khuẩn làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, dẫn tới lên men và sản sinh khí trong ruột, gây ra các biểu hiện đầy hơi, khó tiêu.
- Hại khuẩn còn gây mất cân bằng vi sinh đường ruột, giảm miễn dịch và tăng nguy cơ viêm nhiễm đường ruột.
Một số loại hại khuẩn phổ biến bao gồm Escherichia coli (một số chủng gây bệnh), Salmonella, Clostridium difficile và Helicobacter pylori.
2. Khi nào cần bổ sung lợi khuẩn đường ruột cho người lớn?
Việc bổ sung lợi khuẩn là điều cần thiết trong nhiều trường hợp, đặc biệt khi hệ vi sinh đường ruột bị mất cân bằng. Dưới đây là những trường hợp cụ thể mà bạn cần bổ sung lợi khuẩn (tuy nhiên, bạn cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung các loại lợi khuẩn này):
2.1. Khi gặp vấn đề về tiêu hóa
Nếu bạn đang gặp các vấn đề tiêu hoá như tiêu chảy, táo bón, đầy hơi, chướng bụng,… có thể là một trong những dấu hiệu của mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Khi đó, bổ sung lợi khuẩn sẽ là giải pháp giúp cải thiện tiêu hóa, làm mềm phân và giảm tình trạng tiêu chảy. Ngoài ra, các nghiên cứu cũng cho thấy lợi khuẩn giúp làm giảm triệu chứng trong bệnh lý viêm ruột, hội chứng ruột kích thích,…
2.2. Sau khi sử dụng kháng sinh
Kháng sinh điều trị được nhiều bệnh lý do viêm nhiễm gây nên, nhưng kháng sinh cũng có thể tiêu diệt lợi khuẩn, làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Điều này dẫn đến các rối loạn tiêu hoá kéo dài, cần bổ sung lợi khuẩn nhằm khôi phục hệ vi sinh và bảo vệ niêm mạc ruột.
Kháng sinh tiêu diệt cả vi khuẩn có hại lẫn vi khuẩn có lợi, làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột
2.3. Khi hệ miễn dịch bị suy yếu
Theo các nghiên cứu cho thấy, có khoảng 70% hệ miễn dịch nằm ở đường ruột. Vậy nên, nếu bạn thường xuyên bị ốm vặt, cảm cúm hoặc viêm nhiễm,... có thể hệ vi sinh đường ruột đang bị mất cân bằng. Bổ sung lợi khuẩn đường ruột cho người lớn sẽ giúp tăng cường miễn dịch, hỗ trợ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh.
2.4. Khi cơ thể căng thẳng, stress kéo dài
Căng thẳng kéo dài cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến hệ thần kinh ruột, gây rối loạn tiêu hóa và mất cân bằng hệ vi sinh. Một số loại lợi khuẩn (Lactobacillus và Bifidobacterium) có tác dụng điều hòa trục não-ruột, giúp giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng.
2.5. Khi chế độ ăn uống thiếu lành mạnh
Nếu bạn có chế độ ăn uống không khoa học, ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, dầu mỡ, ít rau xanh, ít chất xơ, thường xuyên uống rượu bia,… có thể gây giảm lợi khuẩn trong đường ruột. Khi đó, cần bổ sung lợi khuẩn giúp cải thiện hệ vi sinh đường ruột, hỗ trợ tiêu hoá tốt hơn.
2.6. Khi có các bệnh lý đường ruột mạn tính
Bên cạnh đó, bổ sung lợi khuẩn đường ruột cho người lớn cũng cần thiết với những ai đang gặp phải các bệnh lý viêm đại tràng, viêm loét dạ dày, bệnh Crohn... giúp giảm triệu chứng và hỗ trợ điều trị.
3. Cách bổ sung lợi khuẩn đường ruột cho người lớn
Bổ sung lợi khuẩn đúng cách giúp cải thiện hệ tiêu hóa, tăng cường miễn dịch và nâng cao sức khỏe tổng thể cho bạn. Một số phương pháp bổ sung lợi khuẩn hiệu quả mà bạn có thể tham khảo như:
3.1. Bổ sung lợi khuẩn từ thực phẩm
Các loại thực phẩm chứa nhiều lợi khuẩn đường ruột như:
- Sữa chua: Chứa nhiều Lactobacillus và Bifidobacterium, giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột hiệu quả.
- Kim chi, dưa muối, rau củ quả muối chua: Có nhiều vi khuẩn lên men tự nhiên.
- Phô mai lên men: Phô mai Gouda, Cheddar giúp bổ sung lợi khuẩn tốt.
- Kombucha (trà lên men): Giàu probiotics và acid hữu cơ hỗ trợ tiêu hóa.
- Miso và Natto: Thực phẩm lên men truyền thống của Nhật Bản, chứa nhiều lợi khuẩn có lợi.
Một số loại thực phẩm chứa nhiều lợi khuẩn tốt cho đường ruột
3.2. Bổ sung lợi khuẩn từ thực phẩm chức năng
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), liều probiotic hiệu quả cho đường ruột là từ 1 - 10 tỷ CFU/ngày. Bạn có thể bổ sung lợi khuẩn từ thực phẩm chức năng có các chủng lợi khuẩn phổ biến: Lactobacillus acidophilus, Bifidobacterium lactis, Saccharomyces boulardii… Các sản phẩm bổ sung lợi khuẩn nên uống trước bữa ăn 30 phút hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ.
3.3. Kết hợp với prebiotics (chất xơ hòa tan)
Bên cạnh việc bổ sung lợi khuẩn, bạn cần kết hợp với prebiotics (chất xơ hoà tan). Đây là thức ăn cho lợi khuẩn, giúp chúng phát triển mạnh. Các thực phẩm giàu prebiotics gồm chuối, hành tây, tỏi, măng tây, yến mạch, hạt lanh, lúa mạch, rau xanh và các loại đậu,...
4. Những lưu ý khi bổ sung lợi khuẩn
Khi bổ sung lợi khuẩn đường ruột cho người lớn, bạn cần lưu ý một số điều sau:
- Không nên lạm dụng việc bổ sung lợi khuẩn đường ruột cho người lớn, vì dùng quá nhiều có thể gây đầy hơi, chướng bụng.
- Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng các loại lợi khuẩn, đặc biệt ở những người suy giảm miễn dịch nặng.
- Probiotic dễ bị tiêu diệt ở nhiệt độ cao, vì vậy bạn cần bảo quản men ở nhiệt độ mát.
- Cần bổ sung lợi khuẩn kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ chất.
- Hạn chế việc dùng kháng sinh trừ khi thực sự cần thiết.
- Kiểm soát căng thẳng, stress bằng cách thư giãn, thiền, yoga, tập thể dục,...
- Ngủ đủ giấc (7 - 8 tiếng/ngày) để hệ vi sinh đường ruột luôn hoạt động ổn định.
Duy trì sức khỏe tiêu hóa không chỉ phụ thuộc vào việc bổ sung lợi khuẩn mà còn cần một chế độ ăn uống lành mạnh, tập luyện thể dục và thói quen sinh hoạt khoa học. Nếu gặp các vấn đề tiêu hóa kéo dài, bạn nên đi khám chuyên khoa tiêu hóa để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Hệ thống Y tế MEDLATEC là địa chỉ uy tín với đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, trang thiết bị hiện đại, giúp bạn kiểm tra sức khỏe đường ruột chính xác và hiệu quả. Mọi thông tin cần tư vấn và đặt lịch khám, quý khách hàng vui lòng liên hệ hotline: 1900 56 56 56.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
