Tin tức

Bong gân ngón tay là gì? Hướng dẫn cách xử trí bong gân tại nhà

Ngày 03/02/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BS Nguyễn Thị Ly
Các trường hợp bị bong gân ngón tay mức độ nhẹ có thể xử lý tại nhà. Còn với mức độ nặng, bạn cần đi thăm khám để được điều trị, tránh để lại hậu quả nghiêm trọng. Dưới đây là 5 cách xử lý nếu chẳng may bị bong gân ở ngón tay để bạn tham khảo và áp dụng.

1. Sơ lược bong gân ngón tay

Bong gân ngón tay xảy ra khi dây chằng hỗ trợ khớp gian đốt ngón gần bị tổn thương như kéo căng, rách. Tổn thương này xảy ra khi vận động, tập luyện, chơi thể thao, mang vác đồ nặng hoặc khi có vật nặng đè lên.

Bong gân ngón tay gây đau nhức và khó cử động ngón tay. Ngoài ra, tại vị trí bong gân có thể bị sưng tấy, bầm tím. Sau 1 - 3 tuần, các triệu chứng này sẽ thuyên giảm và hết. Ở mức độ nặng, người bệnh sẽ xuất hiện tình trạng cứng khớp ngón tay, không thể co duỗi ngón tay hay cầm nắm được. Cùng với đó là nhiều biến chứng khác nếu không điều trị đúng cách. Lúc này, thời gian điều trị có thể lên đến vài tuần, thậm chí vài tháng. 

Chơi thể thao hay khuân đồ nặng có thể làm tổn thương dây chằng ở ngón tay

Chơi thể thao hay khuân đồ nặng có thể làm tổn thương dây chằng ở ngón tay

2. Cách xử lý bong gân ngón tay

Bong gân ngón tay mức độ nhẹ thường không nguy hiểm do các dây chằng tại đây có khả năng tự phục hồi. Dưới đây là 5 cách xử lý khi bị bong gân ở ngón tay.

Để ngón tay nghỉ ngơi

Trong mọi trường hợp bị bong gân, việc nghỉ ngơi là cần thiết. Nếu bị bong gân ở ngón tay, bạn nên để ngón tay nghỉ ngơi trong vài ngày. Trong thời gian này, cố gắng đừng để ngón tay cử động nhiều, đặc biệt là không chơi thể thao hay dùng tay để cầm nắm, khuân vác đồ có kích thước lớn, trọng lượng nặng. Việc này sẽ giúp dây chằng có thời gian để phục hồi, tình trạng bong gân sẽ thuyên giảm và hết. 

Cố định khớp ngón tay

Nếu lo lắng ngón tay bong gân bị va chạm với xung quanh trong khi ngủ hay làm việc, bạn hãy dùng nẹp cố định hoặc băng quấn, băng gạc để bảo vệ khớp ngón tay. Cách làm này vừa giúp ngón tay mau hồi phục, vừa thuận tiện hơn cho bạn trong sinh hoạt hàng ngày. Lưu ý, không nẹp hay quấn quá chặt để tránh ảnh hưởng đến hoạt động lưu thông máu tại vị trí này. 

Ngón tay bị bong gân được băng quấn cố định

Ngón tay bị bong gân được băng quấn cố định 

Chườm nước đá lạnh

Trường hợp bong gân ngón tay gây sưng đau, bạn có thể xử lý bằng cách chườm nước đá lạnh. Bạn chỉ cần dùng những viên đá lạnh cho vào túi nilon hay túi vải rồi chườm tại vị trí bong gân. Hơi lạnh tỏa ra làm tê dây thần kinh, nhờ đó, giảm đau hiệu quả. Ngoài ra, việc này còn giúp giảm lưu thông máu cục bộ nên giảm sưng, giảm bầm tím nhanh chóng.

Lưu ý, thời gian chườm nước đá lạnh chỉ từ 10 - 15 phút/ lần. Sau vài giờ thực hiện chườm lại. Không chườm liên tục trong thời gian lâu hơn để tránh bị bỏng lạnh. Khi cảm giác sưng đau không còn nữa, có thể ngưng chườm nước đá.

Dùng thuốc giảm đau, kháng viêm

Một cách giảm đau khác khi bong gân ngón tay là dùng các loại thuốc giảm đau, kháng viêm không kê đơn. Thuốc bào chế dạng uống hoặc dạng bôi. Hãy tham khảo ý kiến của dược sĩ bán thuốc hoặc hướng dẫn của nhà sản xuất để sử dụng thuốc đúng liều, đúng cách, phòng tránh tác dụng phụ.

Đi thăm khám bác sĩ

Các cách xử lý trên chỉ được áp dụng với trường hợp bong gân ngón tay mức độ nhẹ. Nếu ngón tay bong gân đi kèm các triệu chứng dưới đây, bạn cần gặp bác sĩ để được điều trị:

  • Bong gân ngón tay kéo dài trên 2 tuần.
  • Ngón tay đau dữ dội và cảm giác đau gia tăng theo thời gian.
  • Không thể co hoặc duỗi hoàn toàn ngón tay (cứng khớp). 
  • Ngón tay sưng tấy, phù nề, biến dạng, cong vẹo.
  • Ngón tay tê liệt, mất cảm giác. 
  • Bị bong gân kèm theo sốt.

Bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ nếu bị bong gân mức độ nặng ở ngón tay

Bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ nếu bị bong gân mức độ nặng ở ngón tay

3. Chẩn đoán, điều trị bong gân ngón tay

Bác sĩ chẩn đoán bong gân ngón tay bằng cách kiểm tra ngón tay, chụp X-quang để xác định xương ngón tay có bị gãy hay không, chụp cộng hưởng từ MRI để đánh giá mức độ tổn thương của dây chằng. Tùy tình trạng cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị sau.

  • Kê thuốc giảm đau, kháng viêm. 
  • Nẹp cố định ngón tay, thường là nẹp ngón tay bị bong gân chung với các ngón tay khác để cố định ngón tay cần điều trị. Thông thường, thời gian nẹp cố định ngón tay cái sẽ lâu hơn các ngón tay còn lại.
  • Trường hợp xác định dây chằng bị rách, phương pháp điều trị hiệu quả nhất là phẫu thuật. Mục đích của phẫu thuật là tái tạo lại dây chằng bị tổn thương, phục hồi chức năng của ngón tay. 

4. Phòng tránh bong gân ngón tay 

Bong gân ngón tay rất dễ xảy ra bởi chúng ta sử dụng bàn tay trong hầu hết các hoạt động, sinh hoạt hàng ngày. Vì vậy, cần chủ động phòng tránh bong gân ở ngón tay bằng những cách sau.

  • Dùng thiết bị bảo hộ lao động: Nếu tính chất công việc thường xuyên tiếp xúc ngón tay, hoặc là người hay chơi thể thao, bạn hãy dùng đai bảo hộ để bảo vệ ngón tay. Hay đơn giản hơn là cuốn ép các ngón tay để phòng tránh va chạm, chấn thương gây bong gân.
  • Sử dụng các thiết bị hỗ trợ đi đứng: Người già, người bệnh, người đi lại khó khăn nên sử dụng các thiết bị hỗ trợ đi đứng để phòng tránh té ngã. Bởi khi bị té ngã dễ xảy ra va chạm với ngón tay hoặc có xu hướng dùng tay để chống xuống đất, gây bong gân ngón tay.
  • Cho trẻ chơi bộ môn thể thao phù hợp: Với trẻ nhỏ, cần chú quan sát, giám sát trẻ khi tham gia các hoạt động thể chất, vui chơi giải trí. Chỉ cho trẻ chơi những bộ môn, trò chơi phù hợp với lứa tuổi và hướng dẫn trẻ chơi đúng cách. 
  • Tăng cường thể lực: Tích cực vận động, tập luyện để gia tăng thể lực, sự linh hoạt và dẻo dai của xương khớp. Việc này giúp bạn phòng tránh tối đa các sự cố chấn thương xảy ra khi tập thể thao, rèn luyện thể chất. 
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học: Bạn nên ăn uống đủ chất, tăng cường bổ sung các thực phẩm chứa nhiều vitamin, khoáng chất có lợi cho xương khớp như trứng, cá, hải sản, sữa, rau xanh, trái cây,… 

Tập luyện mỗi ngày để tăng cường sức khỏe xương khớp và thể lực

Tập luyện mỗi ngày để tăng cường sức khỏe xương khớp và thể lực

Bằng những cách trên, bạn có thể chủ động phòng ngừa bong gân ngón tay. Để được thăm khám chuyên sâu khi nghi ngờ bị bong gân, bạn hãy đến gặp bác sĩ Chuyên khoa Cơ Xương khớp của Hệ thống Y tế MEDLATEC.

Quý khách có thể gọi hotline 1900 56 56 56 để đăng ký lịch khám trước.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ