Tin tức
Các khớp nào thường bị bong gân và biện pháp phòng tránh
- 26/02/2022 | Tại sao lại bị bong gân? Chẩn đoán và cách trị bong gân hiệu quả
- 10/08/2022 | Hướng dẫn xử trí khi bị bong gân mắt cá chân
- 12/11/2024 | Bong gân cổ chân: Nhận diện và cách xử trí hiệu quả
1. Bong gân là gì và cách nhận biết
Trong cơ thể người, các xương được liên kết (kết nối) với nhau qua các dải mô gọi là dây chằng. Nếu dây chằng bị tổn thương (kéo căng, kéo giãn quá mức, rách) sẽ gây ra cảm giác đau, kèm theo đó là khả năng vận động suy giảm, thậm chí mất khả năng vận động. Trường hợp này được gọi là bong gân. Các dấu hiệu nhận biết bong gân bao gồm:
Đau
Một trong những dấu hiệu điển hình nhất của bong gân là đau, cụ thể là đau đột ngột ngay tại vị trí chấn thương. Cơn đau sẽ rất dữ dội lúc đầu, sau đó chuyển dần sang đau âm ỉ. Tuy nhiên, cảm giác đau tăng lên rất nhanh nếu bạn vận động hay chạm vào chỗ chấn thương.
Bong gân sẽ gây đau và ảnh hưởng đến khả năng vận động
Sưng
Không giống như đau, tình trạng sưng sẽ xảy ra sau khi bị chấn thương vài giờ. Mức độ sưng tùy thuộc vào vị trí bong gân và ngoại lực tác động.
Bầm tím
Dấu hiệu này xuất hiện sau tình trạng đau và sưng. Sở dĩ có vết bầm tím là do khi ngoại lực tác động, các mạch máu ở vị trí chấn thương sẽ bị tổn thương, vỡ dẫn đến xuất huyết trong. Máu chảy ra từ mạch máu từ từ ngấm đến da nên khi nhìn vào sẽ thấy vết bầm tím.
Giảm khả năng vận động
Đây vừa là dấu hiệu, vừa là “hệ quả” của bong gân. Dây chằng lúc này không còn làm tốt nhiệm vụ kết nối các xương với nhau, khớp sẽ bị đau khi vận động. Vì vậy, bạn không thể hoặc gặp khó khăn khi đi đứng, vận động.
2. Các khớp nào thường bị bong gân?
Khớp nào hoạt động càng nhiều, nguy cơ bị bong gân sẽ càng cao. Vậy cụ thể các khớp nào thường bị bong gân nhất trên cơ thể?
Khớp cổ tay
Hầu hết các hoạt động thường ngày của chúng ta đều sử dụng khớp cổ tay. Vì vậy, đây chính là một trong các khớp dễ bị bong gân nhất, đặc biệt là khi bạn xoay, duỗi cổ tay quá nhanh, quá mạnh.
Ngoài ra, bong gân khớp cổ tay còn xảy trong các tình huống như bạn dùng tay để khuân vác đồ nặng, ngã từ trên cao và chống tay khi tiếp đất, chơi thể thao hay tập luyện các bộ môn sử dụng tay. Nhiều trường hợp bong gân khớp cổ tay và gãy xương cổ tay khá giống nhau nên dễ bị nhầm lẫn.
Bong gân khớp cổ tay rất phổ biến
Khớp cổ chân
Tương tự, khớp cổ chân cũng rất dễ bị bong gân vì đây là khớp vận động nhiều nhất. Khi bị bong gân khớp cổ chân, bạn sẽ cảm thấy rất đau tại vị trí kết nối giữa xương ống chân với xương bàn chân, cùng với đó là hiện tượng sưng, bầm tím, bàn chân khó gập và đi lại cực kỳ khó khăn, thậm chí không thể đi lại nếu bong gân nặng.
Đa số các trường hợp bong gân xảy ra ở khớp cổ chân. Những người chơi các bộ môn như bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ hay luyện tập bằng cách chạy bộ, đạp xe rất dễ gặp chấn thương này.
Khớp đầu gối
Ngoài 2 khớp kể trên thì các khớp nào thường bị bong gân nữa? Đó chính là khớp đầu gối. Đây là nơi tập trung 4 nhóm dây chằng chính là dây chằng bên trong, dây chằng bên ngoài, dây chằng chéo trước, dây chằng chéo sau. Khi một trong các dây chằng này bị tổn thương sẽ dẫn đến bong gân đầu gối.
Khi bị bong gân đầu gối, bạn sẽ khó đứng vững, dễ mất thăng bằng. Ngoài ra, cảm giác đau không chỉ tại đầu gối mà còn lan rộng lên đùi và xuống cẳng chân. Khi cử động vùng đầu gối, có thể nghe rõ tiếng lạo xạo bên trong. Bong gân đầu gối dễ xảy ra với những người chơi bóng đá hay tham gia vào các trò chơi vận động đòi hỏi sự di chuyển linh hoạt.
Bong gân đầu gối khiến bạn không thể đi hay đứng
3. Biện pháp phòng tránh bong gân
Ngoài tìm hiểu các khớp nào thường bị bong gân, nhiều người còn quan tâm đến biện pháp phòng tránh bong gân, nhất là với những người hay chơi thể thao, tập luyện. Nói chung, bong gân dễ xảy ra nhưng bạn có thể phòng tránh được nếu thực hiện tốt các hướng dẫn sau.
Thường xuyên tập luyện
Khi bạn vận động, tập luyện thường xuyên, hệ xương khớp sẽ “thích nghi” với việc này và trở nên linh hoạt, dẻo dai hơn. Ngoài ra, bạn gia tăng từ từ thời gian tập luyện, mức độ tập luyện mỗi ngày sẽ giúp tăng thể lực và hạn chế được các sự cố chấn thương, trong đó có bong gân. Vì vậy, hãy cố gắng duy trì việc tập luyện ít nhất 30 phút mỗi ngày.
Khởi động trước khi tập luyện
Đây là việc bắt buộc, bất kể bạn chơi môn thể thao nào hay luyện tập bộ môn nào. Khởi động giúp làm nóng cơ thể, nhịp tim tăng từ từ, cơ khớp giãn nhẹ nhàng, nhờ đó, phòng tránh chấn thương và các rủi ro khác. Thời gian khởi động khoảng 10 phút, tùy thuộc vào từng bộ môn. Các động tác khởi động bao gồm xoay khớp, duỗi cơ, chạy bộ nhẹ nhàng tại chỗ.
Mang giày và thiết bị bảo hộ phù hợp
Giày đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn và hiệu quả khi tập luyện. Bạn nên chọn giày vừa vặn với chân, tạo cảm giác thoải mái và dễ dàng vận động. Ngoài ra, nên chọn giày chất liệu mềm mại, êm ái, thông thoáng. Đặc biệt, ưu tiên loại giày có khả năng bám dính tốt trên mọi bề mặt. Đối với các bộ môn yêu cầu thiết bị bảo hộ cần trang bị và sử dụng đầy đủ.
Bạn nên chú ý chọn giày thể thao khi tập luyện
Nghỉ giải lao hợp lý
Điều này là rất quan trọng khi bạn tập luyện cường độ cao trong nhiều giờ. Hãy dành thời gian nghỉ giải lao hợp lý giữa các buổi tập. Việc này giúp cơ khớp được phục hồi, tránh tình trạng bị kéo căng, giãn quá mức dẫn đến bong gân.
Kiểm soát tốt cân nặng
Các sự cố chấn thương hay tai nạn chấn thương dễ xảy ra với người thừa cân, béo phì bởi những người này gặp nhiều khó khăn trong việc giữ thăng bằng cơ thể, đi đứng chậm chạp, kém linh hoạt. Do đó, bạn cần kiểm soát tốt cân nặng của mình, tránh để xảy ra tình trạng chấn thương gây bong gân.
Hy vọng bài viết trên giúp bạn giải đáp các khớp nào thường bị bong gân và cách phòng tránh. Để thăm khám, kiểm tra và điều trị bệnh xương khớp hiệu quả, bạn có thể lựa chọn Chuyên khoa Cơ Xương khớp của Hệ thống Y tế MEDLATEC.
Quý khách có thể đặt lịch trước ngay từ bây giờ qua hotline 1900 56 56 56.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!