Tin tức

Suy tim phải: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 30/11/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Trần Thị Kim Ngọc
Suy tim phải là tình trạng tim không thể bơm máu hiệu quả vào phổi và cơ thể, suy tim phải có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng như phù nề, khó thở, mệt mỏi và các vấn đề về tuần hoàn. Mặc dù không phải tất cả nguyên nhân gây suy tim phải đều có thể chữa khỏi, nhưng nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh có thể cải thiện triệu chứng và nâng cao chất lượng sống.

1. Suy tim phải là gì?

Suy tim phải là một tình trạng bệnh lý xảy ra khi tâm thất phải của tim bị suy yếu và không còn khả năng bơm máu lên phổi một cách hiệu quả. Điều này dẫn đến máu ứ đọng lại gây ứ dịch ngoại vi và từ đó gây phù phụ thuộc tư thế (chân và mắt cá ở những bệnh nhân đi lại được) và các tạng trong ổ bụng.

Các triệu chứng của suy tim phải có thể bao gồm:

  • Sưng phù ở các vùng như bàn chân, cẳng chân, mắt cá chân, bụng, gan;
  • Giảm bài tiết nước tiểu do máu qua thận ít;
  • Khó thở và sưng tĩnh mạch cổ;

Khó thở là một trong những dấu hiệu của suy tim phải

Khó thở là một trong những dấu hiệu của suy tim phải 

  • Mạch nhanh, đau ngực;
  • Da xanh tím ở người suy tim nặng;
  • Tinh thần mệt mỏi, bối rối, và dễ quên.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy tim phải, dưới đây là một số những nguyên nhân phổ biến: 

  • Suy tim trái: Khi tim trái không bơm máu hiệu quả, máu ứ lại ở phổi, tạo áp lực lên tim phải, gây suy tim phải;
  • Bệnh phổi mạn tính: Các bệnh như COPD, thuyên tắc phổi làm tăng áp lực trong động mạch phổi, khiến tâm thất phải phải làm việc quá sức;

Bệnh phổi mạn tính được xác định là nguyên nhân của tình trạng suy tim phải

Bệnh phổi mạn tính được xác định là nguyên nhân của tình trạng suy tim phải 

  • Nhồi máu cơ tim: Tắc nghẽn động mạch tim có thể gây suy tim trái, hoặc trực tiếp gây suy tim phải nếu tâm thất phải bị ảnh hưởng;
  • Hẹp van ba lá: Hẹp van ba lá làm máu dồn lại trong tâm nhĩ phải và tĩnh mạch ngoại vi, gây suy tim phải;
  • Hở van ba lá: Khi van ba lá không đóng kín, máu chảy ngược vào tâm nhĩ phải, gây quá tải cho tâm thất phải;
  • Co thắt màng ngoài tim: Viêm hoặc dày lên màng ngoài tim làm giảm khả năng bơm máu của tim;
  • Dị tật tim bẩm sinh: Một số dị tật làm thay đổi lưu lượng máu, ảnh hưởng đến chức năng tâm thất phải.

2. Phương pháp chẩn đoán suy tim phải

Thăm khám lâm sàng để chẩn đoán suy tim phải

Để chẩn đoán bệnh nhân mắc suy tim phải, bác sĩ sẽ hỏi kỹ về tiền sử bệnh lý, đặc biệt là các bệnh lý nền như suy tim trái, bệnh phổi mạn tính hoặc dị tật tim bẩm sinh đồng thời bác sĩ cũng sẽ kiểm tra tim và toàn thân để tìm các dấu hiệu gợi ý suy tim phải, như: dấu hiệu lớn thất phải và các dấu hiệu sung huyết hệ thống như phù, gan to, tĩnh mạch cổ nổi,…

Các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán xác định suy tim phải

Sau khi đã có chẩn đoán sơ bộ nghi ngờ bệnh nhân mắc suy tim phải, bác sĩ sẽ chỉ định thêm một số xét nghiệm để chẩn đoán 

  • Điện tâm đồ: Giúp phát hiện dấu hiệu phì đại tim phải, thiếu máu cơ tim, hoặc thuyên tắc phổi;

Điện tâm đồ được ứng dụng trong chẩn đoán suy tim phải

Điện tâm đồ được ứng dụng trong chẩn đoán suy tim phải 

  • X-quang tim phổi: Phát hiện tổn thương phổi (nếu có) và dấu hiệu lớn thất phải;
  • Siêu âm tim: Là xét nghiệm chính xác nhất để đánh giá chức năng và cấu trúc tim phải, đồng thời phát hiện nguyên nhân như suy tim trái, thuyên tắc phổi, hở van ba lá, hoặc tăng áp động mạch phổi;
  • Peptide lợi niệu (BNP, NT-proBNP, MR-proANP): Mức độ của các chất này trong máu tăng cao khi suy tim phải.

Xét nghiệm bổ sung để xác định nguyên nhân gây suy tim phải

Tùy vào các dấu hiệu lâm sàng, bác sĩ có thể yêu cầu một số xét nghiệm bổ sung để làm rõ nguyên nhân suy tim phải:

  • Thuyên tắc phổi: Xét nghiệm D-dimer, CT-scan động mạch phổi;
  • Nhồi máu cơ tim thất phải: Xét nghiệm troponin tim, chụp mạch vành;
  • Bệnh phổi mạn tính: CT-scan ngực có cản quang;
  • Tăng áp động mạch phổi nguyên phát: Xạ hình thông khí tưới máu, thông tim;
  • Bệnh cơ tim loạn sản thất phải: Holter ECG, MRI tim, xét nghiệm gen.

Xét nghiệm đánh giá hậu quả của suy tim phải

Để hỗ trợ trong việc điều trị và theo dõi, các xét nghiệm sau có thể được chỉ định:

  • Chức năng thận: Xét nghiệm BUN, Creatinine máu;
  • Ion đồ máu: Xét nghiệm các chỉ số Na, K, Cl;
  • Chức năng gan: Xét nghiệm AST, ALT, bilirubin;
  • Lactate máu: Đo lường nồng độ lactate trong máu;
  • Khí máu động mạch: Đánh giá mức độ oxy và pH trong máu động mạch.

3. Điều trị suy tim phải 

Phương pháp điều trị suy tim phải sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể và mức độ bệnh. Mặc dù không phải tất cả nguyên nhân gây suy tim phải đều có thể chữa khỏi, nhưng các triệu chứng vẫn có thể được cải thiện đáng kể. Điều trị thường bao gồm kết hợp thay đổi lối sống, sử dụng thuốc và các thiết bị hỗ trợ tim, giúp người bệnh kiểm soát tình trạng bệnh hiệu quả hơn.

Thay đổi lối sống

Để cải thiện triệu chứng và làm chậm sự tiến triển của bệnh, người bệnh suy tim phải nên thực hiện một số thay đổi trong sinh hoạt, đặc biệt khi bệnh ở mức nhẹ:

  • Bỏ thuốc lá và hạn chế rượu bia, cà phê;
  • Chế độ ăn uống lành mạnh, tốt cho tim mạch;
  • Ngủ đủ giấc vào ban đêm để cơ thể hồi phục;
  • Tuân thủ hướng dẫn về hoạt động tình dục, tránh căng thẳng quá mức;
  • Thực hành yoga hoặc thiền để giảm stress và duy trì tinh thần thoải mái.

Sử dụng thuốc

Thuốc đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chức năng tim, điều trị triệu chứng liên quan đến nhịp tim, huyết áp và ứ nước. Các thuốc này giúp:

  • Giảm giữ nước và mất điện giải;
  • Giãn mạch máu, cải thiện lưu thông máu;
  • Ổn định nhịp tim và huyết áp;
  • Giảm sưng tấy và ngăn ngừa cục máu đông;
  • Giảm cholesterol.

Người bệnh điều trị suy tim phải có thể được yêu cầu sử dụng thuốc

Người bệnh điều trị suy tim phải có thể được yêu cầu sử dụng thuốc 

Một số loại thuốc thường được kê đơn bao gồm: Thuốc chẹn beta, thuốc lợi tiểu, thuốc giãn mạch phổi, digoxin, thuốc giãn mạch.

Thiết bị hỗ trợ tim

Bên cạnh việc dùng thuốc, bệnh nhân có thể được kết hợp sử dụng các thiết bị hỗ trợ điều trị suy tim phải như:

  • Liệu pháp tái đồng bộ tim (CRT);
  • Máy khử rung tim cấy ghép (ICD);
  • Thiết bị hỗ trợ thất trái (LVAD).

Phẫu thuật và ghép tim

Trong những trường hợp suy tim phải nặng, phẫu thuật có thể là lựa chọn cuối cùng:

  • Cấy ghép thiết bị hỗ trợ tâm thất (VAD): Hỗ trợ tim bơm máu hiệu quả hơn;
  • Phẫu thuật ghép tim: Thay thế trái tim bị tổn thương bằng một trái tim khỏe mạnh từ người hiến tặng.

Trong trường hợp xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo bệnh lý suy tim phải, người dân cần chủ động thăm khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Với năng lực chuyên môn vượt trội, quy tụ đội ngũ chuyên gia, y bác sĩ chuyên khoa Tim mạch giàu kinh nghiệm cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại, Hệ thống Y tế MEDLATEC đáp ứng chẩn đoán chính xác, điều trị hiệu quả tình trạng suy tim phải nói riêng và bệnh lý tim mạch nói chung. 

Người dân có nhu cầu thăm khám hoặc tư vấn chi tiết về bệnh lý vui lòng liên hệ tới Tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ. 

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ