Tin tức
Amidan có đốm trắng: nguyên nhân và cách điều trị
- 27/07/2021 | Bệnh viêm amidan nguy hiểm như thế nào? Khi nào cắt amidan cho trẻ?
- 14/08/2021 | Cẩm nang mọi điều cần biết về bệnh áp xe amidan
- 10/09/2021 | Nếu bị sưng amidan, đau họng kéo dài có nguy hiểm không
1. Amidan có đốm trắng có phải là dấu hiệu bất thường?
Amidan thực chất là hạch bạch huyết, có vai trò quan trọng trong bảo vệ sức khỏe chống lại sự nhiễm trùng. Và sự xuất hiện của những đốm trắng này thường là mủ hình thành khi tế bào bạch cầu tiêu diệt vi khuẩn, virus tấn công vào các mô trong cổ họng.
Amidan có thể xuất hiện các đốm trắng do nhiễm trùng
Vì thế, Amidan có đốm trắng thường gặp khi người bệnh mắc bệnh viêm họng, nhất là viêm họng liên cầu khuẩn, tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng hoặc do bệnh nhiễm trùng khác.
Ngoài xuất hiện đốm trắng trên Amidan thì người bệnh có thể gặp những đốm này ở cả miệng hoặc xung quanh vùng Amidan. Ở những vùng xuất hiện vệt trắng, người bệnh có cảm giác ngứa cổ họng, khó nuốt thức ăn, đau khi nuốt, nghẹt mũi, đau họng, hắt hơi, ho, sốt, khó thở,… Lúc này nên đi khám để xác định nguyên nhân, điều trị sớm tránh ảnh hưởng đến Amidan cũng như sức khỏe chung.
2. Vì sao Amidan có đốm trắng?
Amidan có đốm trắng có thể do nhiều nguyên nhân sau:
2.1. Viêm Amidan
Amidan là hạch bạch huyết có nhiệm vụ quan trọng trong bảo vệ sức khỏe khỏi sự nhiễm trùng, song do nằm ở vị trí ngay hầu họng nên cũng dễ bị virus, vi khuẩn tấn công hơn. Vì thế, Amidan cũng hoàn toàn có thể bị nhiễm trùng. Khi bị nhiễm trùng, Amidan sẽ tạo ra nhiều cục mủ trắng hơn, gây hình thành vệt trắng có thể nhìn thấy được.
Mủ trắng do tế bào bạch cầu chống lại vi khuẩn
Viêm Amidan không phải là bệnh lý quá nguy hiểm, song cần nghỉ ngơi, điều trị sớm để tránh gây viêm mạn tính ảnh hưởng đến sức khỏe.
2.2. Nấm miệng
Mảng trắng xuất hiện trên Amidan có thể do nhiễm nấm gây ra, đặc điểm là xuất hiện cả mảng trắng ở nhiều vùng khác của khoang miệng và hầu họng. Những mảng trắng này là môi trường để nấm sinh sôi, thường bám chắc vào niêm mạc Amidan ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
2.3. Sỏi Amidan
Sỏi Amidan thực chất là những mảnh vụn cứng chứa vi khuẩn, dịch nhầy, mẩu vụn thức ăn, tế bào chết tích tụ theo thời gian bám vào Amidan. Những mảnh vụn này là môi trường thuận lợi để vi sinh vật phát triển gây bệnh, do đó cần sớm loại bỏ ngay từ khi xuất hiện.
2.4. Viêm họng
Ngoài viêm Amidan thì viêm họng cũng thường gây xuất hiện mảng trắng trên Amidan, ngoài ra còn gây đau rát họng. NHất là viêm họng là vi khuẩn liên cầu, triệu chứng viêm thường nặng kèm theo nổi hạch lympho ở cổ và sưng to Amidan kèm theo sốt.
2.5. Bệnh tăng bạch cầu đơn nhân
Đây là bệnh lý không thường gặp do nhiễm virus Epstein barr, gây ra các triệu chứng tương tự như cảm cúm như: sốt, mệt mỏi, đau đầu,… Đặc biệt, virus này còn gây xuất hiện những mảng mủ trong cổ họng, nhất là vùng xung quanh Amidan.
Bệnh tăng bạch cầu đơn nhân gây đốm trắng mủ ở Amidan
Dựa trên các dấu hiệu bệnh kèm theo, bác sĩ có thể chẩn đoán Amidan có đốm trắng do bệnh lý nào và từ đó có biện pháp điều trị hiệu quả. Thông thường, đốm trắng xuất hiện trên Amidan dễ gặp hơn ở những người có sức đề kháng yếu, tiếp xúc với nhiều đối tượng có nguy cơ nhiễm khuẩn hô hấp cao.
3. Loại bỏ đốm trắng ở Amidan như thế nào?
Amidan có đốm trắng thường dễ dàng được loại bỏ bằng các biện pháp đơn giản sau:
3.1. Loại bỏ sỏi Amidan
Nếu đốm trắng trên Amidan là do sỏi, tốt nhất nên loại bỏ sớm để giảm đau, giảm nguy cơ sỏi phát triển gây tổn thương Amidan. Có thể dùng tăm bông, que tăm nhỏ để loại bỏ sỏi nếu không khiến bạn quá đau đớn. Nếu gặp khó khăn, hãy đến gặp bác sĩ sẽ được thực hiện với sự hỗ trợ của dụng cụ y tế, đẩy sỏi ra ngoài dễ dàng và ít gây đau đớn hơn.
3.2. Súc miệng nước muối
Amidan có đốm trắng là dấu hiệu của nhiễm trùng cổ họng, vì thế cần vệ sinh, sát khuẩn họng bằng nước muối ấm. Khi vi khuẩn bị loại bỏ, các đốm trắng trên Amidan cũng sẽ dần biến mất. Lưu ý cần ngậm và súc sạch cổ họng với nước muối mới có thể sát khuẩn hiệu quả và toàn bộ. Lặp lại nhiều lần trong ngày đến khi triệu chứng sưng viêm, ngứa cổ họng được cải thiện đáng kể.
Súc miệng bằng nước muối ấm giúp giảm viêm Amidan
3.3. Hít thở không khí trong lành
Viêm Amidan và các bệnh hô hấp chủ yếu do nhiễm khuẩn kết hợp với tác động xấu từ môi trường, vì thế hãy tạo bầu không khí trong lành để hít thở, nghỉ ngơi. Nên tránh mùi nước hoa, khói thuốc hoặc hóa chất càng khiến cổ họng và Amidan của bạn bị tổn thương nhiều hơn. Ngoài ra, cũng cần làm ẩm bầu không khí để giảm cảm giác khó chịu do nhiễm trùng ở họng cũng như giảm sự tấn công của vi khuẩn gây bệnh.
3.4. Uống nước ấm đều đặn trong ngày
Khi bị đau họng nói chung và Amidan có đốm trắng nói riêng, tốt nhất hãy thay thế nước uống hàng ngày bằng nước ấm, soup ấm, trà ấm,… để làm sạch và làm dịu viêm ở họng. Khi đó, cảm giác khó chịu cũng như đốm trắng ở Amidan sẽ được cải thiện tốt hơn.
Nếu viêm Amidan kéo dài nên sớm đi thăm khám
Nếu bị nhiễm trùng nặng, bệnh nhân cần tới bệnh viện để được điều trị y khoa, vừa loại bỏ đốm trắng ở Amidan vừa bảo vệ sức khỏe của bạn. Hầu hết bệnh do vi khuẩn nên kháng sinh thường dùng để điều trị, trong trường hợp Amidan viêm nặng, không còn đáp ứng chức năng thì cắt bỏ Amidan có thể được chỉ định.
Như vậy, Amidan có đốm trắng thường là dấu hiệu của nhiễm trùng hô hấp như viêm họng, viêm Amidan,… không quá nguy hiểm. Tuy nhiên không nên chủ quan, cần điều trị sớm các bệnh lý hô hấp này để bảo vệ Amidan cũng như sức khỏe của bản thân tốt nhất. Nếu cần tư vấn thêm về triệu chứng bệnh này, hãy liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!