Tin tức

Amidan là gì? Làm cách nào để giữ cho Amidan luôn khỏe?

Ngày 08/10/2020
Tham vấn y khoa: ThS.BS Hoàng Thị Thúy
Amidan là một bộ phận quan trọng thuộc cơ quan hô hấp của con người. Thế nhưng, cửa ngõ hô hấp này lại rất dễ bị vi khuẩn tấn công nhất là khi sức đề kháng cơ thể suy yếu. Vậy bạn đã thực sự hiểu Amidan là gì? Amidan có vai trò như thế nào trong hô hấp? Làm sao để giữ gìn cho bộ phận này luôn khỏe? Câu trả lời sẽ có đầy đủ trong bài viết dưới đây.

1. Amidan là gì?

Mỗi người trong cuộc đời không thể tránh khỏi từng bị viêm Amidan ít nhất một lần. Đặc biệt là trẻ em rất hay gặp phải các bệnh liên quan đến cơ quan này. Điều này gây khó hiểu cho các phụ huynh và người bệnh vì chưa rõ về Amidan.

Amidan là hệ thống phòng ngự tại hầu họng của cơ thể

Amidan là hệ thống phòng ngự tại hầu họng của cơ thể

1.1. Amidan là gì? Vị trí của Amidan nằm ở đâu?

Amidan là một tổ chức lympho, hay còn gọi là bạch huyết nằm ở vị trí sau hầu họng. Vị trí này là nơi giao nhau giữa đường hô hấp và đường đi ăn uống. Nằm ở chỗ trọng yếu vậy nên Amidan thường xuyên chịu sự tấn công của các virus, vi khuẩn và nấm.

Amidan vốn bao gồm 6 khối, xếp thành vòng tròn kín quanh cửa hầu. Đó là: Amidan vòm (còn gọi là VA), Amidan vòi, Amidan khẩu cái, Amidan lưỡi. Trong đó, Amidan khẩu cái là bộ phận thường xuyên bị tác động từ virus và vi khuẩn. Khi nhắc đến viêm Amidan nói chung thường là chỉ viêm Amidan khẩu cái.

1.2. Vai trò quan trọng của Amidan

Amidan đóng vai trò như một bộ giáp giúp bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập từ môi trường bên ngoài. Đó là những vi khuẩn, virus gây bệnh, tấn công cơ thể từ đường miệng. Cơ chế bảo vệ của Amidan là nhận diện vi khuẩn. Sau đó sẽ tiết ra các chất tạo kháng thể để tiêu diệt vi khuẩn ngay lúc đó và khi chúng tái xâm nhập. Hoạt động miễn dịch được diễn ra tại Amidan như chiến tuyến đầu tiên trước những nguy hiểm từ bên ngoài.

Amidan sưng tấy khi gặp vi khuẩn và virus tấn công

Amidan sưng tấy khi gặp vi khuẩn và virus tấn công

Vai trò của Amidan đặc biệt quan trọng với trẻ em, nhất là lứa tuổi từ 4 - 10 tuổi. Amidan vòm sẽ phát triển to lên trong giai đoạn này để tạo miễn dịch chống lại các tác nhân gây hại. Do đó, trẻ em rất dễ bị viêm VA vì đây là cửa ngõ tiếp xúc đầu tiên và trực tiếp virus, vi khuẩn từ thức ăn và không khí. Cho đến trước khi dậy thì, VA mới thoái triển và teo nhỏ lại.

2. Các bệnh thường gặp với Amidan

Với vai trò là lớp phòng vệ đầu tiên, nhất là hít thở và ăn uống là hoạt động không bao giờ ngừng của cơ thể, Amidan rất dễ bị nhiễm bệnh. Thêm vào đó, cấu tạo nhiều ngăn, hốc của Amidan khiến cho bụi bẩn và vi khuẩn trú ngụ và phát triển. Thông thường sẽ xuất hiện những bệnh lý nhẹ như viêm Amidan và nặng hơn là ung thư Amidan.

2.1. Viêm Amidan

Viêm Amidan là bệnh phổ biến ở cả trẻ em và người lớn, được chia ra làm hai loại viêm Amidan cấp tính và viêm Amidan mạn tính.

Dấu hiệu cho thấy bạn bị viêm Amidan

Dấu hiệu cho thấy bạn bị viêm Amidan

2.1.1. viêm Amidan cấp tính

Triệu chứng điển hình của bệnh là Amidan khẩu cái ở hai bên vòng họng tấy đỏ, xung huyết kèm tiết dịch. Tùy thuộc vào mức độ nhiễm trùng mà bệnh nhân có thể kèm sốt cao trên 39 độ, sưng hạch tại cổ hoặc hàm, nhức đầu và nhức tai. Tại Amidan có các đốm nốt màu trắng hoặc vàng, đó là những đốm mủ hoặc hạt.

Viêm Amidan cấp tính nếu không được chữa trị kịp thời sẽ lây sang các cơ quan khác như thanh quản, khí quản, tai mũi họng. Nếu tái đi tái lại nhiều lần sẽ gây ra viêm Amidan mạn tính.

2.1.2. Viêm Amidan mạn tính

Viêm Amidan mạn tính triệu chứng không điển hình như viêm Amidan cấp tính. Nó âm thầm, nhẹ nhàng và ảnh hương không lớn tới nếp sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên lại tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và biến chứng nặng khi gặp tác động từ bên ngoài khiến ổ viêm sưng cấp.

Một số trường hợp viêm Amidan gây nổi hạch ở hai bên cổ

Một số trường hợp viêm Amidan gây nổi hạch ở hai bên cổ

Triệu chứng của viêm Amidan mạn tính:

  • Mùi hôi ở hơi thở của người bệnh. Cho dù có vệ sinh sạch sẽ nhưng mùi hôi đến từ các hốc viêm vẫn gây khó chịu với người đối diện.

  • Có cảm giác vướng tại cổ họng khi nuốt.

  • Thấy sốt nhẹ về chiều.

  • Thường ho từng cơn dài vào buổi sáng khi ngủ dậy, giọng có thể hơi khàn nhẹ.

2.1.3. Viêm VA

Đây là dạng viêm Amidan vòm thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi. Đôi lúc cũng gặp ở trẻ lớn hơn nhưng hiếm do VA đã teo lại ở người trường thành. Triệu chứng của viêm VA thường bắt đầu với những tiếng thở to khi đi ngủ kèm theo hơi thở hôi. Tuy nhiên, triệu chứng này thường bị bỏ qua do không rõ rệt. Thường đến khi trẻ sốt cao trên 39 độ mới được chú ý, khi đó bệnh đã khởi phát được vài ngày.

Trẻ thường sốt cao khi bị viêm VA

Trẻ thường sốt cao khi bị viêm VA

Thông thường sẽ có dấu hiệu đi kèm như trẻ mệt mỏi, nôn trớ, kém ăn. Bệnh sẽ nhanh chóng lan lên mũi với triệu chứng chảy nước mũi, dịch dần chuyển từ trong sang xanh hoặc vàng.

Cách điều trị các bệnh về Amidan cấp thông thường sẽ phải dùng đến kháng sinh để ức chế hoạt động vi khuẩn. Ngoài ra cần đến thuốc hạ sốt, thuốc súc miệng hoặc nhỏ mũi để điều trị triệu chứng tại chỗ. Với VA mạn tính, nếu gây khó khăn trong sinh hoạt có thể cân nhắc phẫu thuật cắt bỏ VA.

3. Các phương pháp giữ cho Amidan luôn khỏe

Amidan được ví như lớp phòng tuyến đầu tiên bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây hại từ môi trường. Lớp bảo vệ đó đó khỏe thì cơ thể mới an toàn. Với vai trò là nguồn tạo miễn dịch tại chỗ, chúng ta cần giữ cho Amidan khỏe để chống chọi lại mọi sự xâm nhập. Các phương pháp dưới đây sẽ giúp phòng và hỗ trợ điều trị các bệnh thông thường về Amidan.

3.1. Giữ ấm cho họng

Hạn chế sử dụng các đồ uống lạnh như kem, nước đá, đặc biệt khi vừa đi từ ngoài trời nóng vào. Khi đó sự thay đổi đột ngột nhiệt độ sẽ khiến cơ thể yếu đi và dễ bị virus vi khuẩn có sẵn trong họng tấn công.

Vào thời tiết lạnh, nên mang quàng khăn, giữ ấm đủ cho cơ thể. Không nên che chắn quá kín để hấp hơi, đổ mồ hôi bên trong người.

3.2. Giữ vệ sinh khoang miệng

Thường xuyên đánh răng đúng cách, súc miệng với nước muối sinh lý ấm để làm sạch và phòng ngừa vi khuẩn virus.

Giữ vệ sinh răng miệng giúp hỗ trợ bảo vệ Amidan

Giữ vệ sinh răng miệng giúp hỗ trợ bảo vệ Amidan

3.3. Giữ vệ sinh không khí

Thường xuyên dọn sạch nhà cửa, không gian sống, tăng cường lưu thông không khí trong nhà. Điều này giúp loại bỏ các vi khuẩn, virus tích tụ trong nhà, loại trừ bụi bặm để mũi luôn được hít thở không khí trong lành. Khi lưu thông trên đường nên đeo khẩu trang để tránh khói bụi ô nhiễm.

3.4. Nâng cao sức đề kháng

Nâng cao sức đề kháng cơ thể bằng việc ăn uống đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng. Uống đủ nước hàng ngày để tránh cho cổ họng khô. Đồng thời mỗi ngày nên duy trì tối thiểu 30 phút tập luyện thể thao giúp cơ thể luôn khỏe mạnh

3.5. Điều trị tích cực các bệnh về hô hấp và răng -hàm-mặt khi gặp phải

Mỗi khi bạn mắc phải các bệnh về hô hấp hoặc răng hàm mặt, hãy nên đi khám và điều trị triệt để. Điều này sẽ giúp kiểm soát được bệnh không để lây nhiễm chéo sang Amidan. Đồng thời cũng chữa dứt điểm bệnh, tránh những biến chứng không tốt đến sức khỏe.

Vậy chúng ta đã hiểu Amidan là gì và sự quan trọng của nó với sức khỏe của chúng ta như thế nào. Amidan chính là cơ chế phòng ngự đầu tiên của cơ thể. Đó là nơi sản sinh ra những kháng thể đầu tiên chống lại tác nhân có hại từ môi trường. Vì thế đừng để Amidan phải chiến đấu một mình. Hãy giữ gìn cho Amidan luôn khỏe, cũng như giữ gìn cho sức khỏe của chính bản thân mình.

Từ khoá: Amidan viêm amidan

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ