Tin tức

Ăn bơ có béo không? Hướng dẫn cách ăn bơ “càng ăn càng gầy”

Ngày 11/10/2024
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thị Nhung
Câu hỏi "Ăn bơ có béo không?" là mối quan tâm phổ biến của nhiều người khi cân nhắc việc đưa loại trái cây này vào chế độ ăn. Một số người lầm tưởng rằng ăn bơ sẽ dễ tăng cân do hương vị béo ngậy từ quả bơ và các món từ bơ như: chè bơ, sinh tố bơ, bơ dầm,... Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng bơ thực chất có thể hỗ trợ giảm cân hiệu quả nếu được sử dụng đúng cách, giúp bạn duy trì vóc dáng thon gọn.

1. Thành phần dinh dưỡng và lợi ích của quả bơ với sức khỏe

Quả bơ là một loại trái cây được nhiều người yêu thích nhờ hương vị thơm ngon và béo ngậy, thường xuất hiện trong các món như sinh tố, bơ dầm, chè, salad hay bánh mì nướng,... Không chỉ hấp dẫn về mặt hương vị, bơ còn giàu các thành phần dinh dưỡng quan trọng, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Trong quả bơ chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng

Trong quả bơ chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng

Dưới đây là chi tiết các thành phần dinh dưỡng nổi bật có trong quả bơ:

  • Chất béo không bão hòa đơn: Bơ chứa khoảng 15g chất béo, chủ yếu là chất béo không bão hòa đơn, như axit oleic – loại chất béo tốt cho tim mạch. Chất béo này giúp làm giảm mức cholesterol LDL (cholesterol “xấu”) và tăng cường cholesterol HDL (cholesterol “tốt”), từ đó bảo vệ sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
  • Chất xơ: Một quả bơ trung bình chứa khoảng 10g chất xơ, chiếm 40% lượng chất xơ khuyến nghị hàng ngày. Chất xơ hỗ trợ hệ tiêu hóa, điều hòa lượng đường trong máu, giúp duy trì cảm giác no lâu, hỗ trợ hiệu quả trong việc kiểm soát cân nặng.
  • Vitamin K: Bơ là nguồn cung cấp vitamin K dồi dào, với khoảng 26% nhu cầu hàng ngày trong một quả. Vitamin K có vai trò thiết yếu trong việc hỗ trợ quá trình đông máu và giúp xương luôn khỏe mạnh.
  • Kali: Hàm lượng kali trong quả bơ thậm chí cao hơn cả chuối, với khoảng 14% lượng kali cần thiết mỗi ngày. Kali giúp cân bằng điện giải, hỗ trợ chức năng tim mạch, giảm huyết áp và duy trì sức khỏe của cơ bắp.
  • Vitamin E: Là một chất chống oxy hóa mạnh, vitamin E trong bơ giúp bảo vệ tế bào khỏi sự hư tổn, hỗ trợ làn da khỏe mạnh và tăng cường hệ miễn dịch.
  • Vitamin C: Bơ chứa khoảng 17% nhu cầu vitamin C hàng ngày của cơ thể, giúp tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện hấp thu sắt và hỗ trợ quá trình sản xuất collagen cho làn da và xương.
  • Folate (Vitamin B9): Bơ chứa khoảng 20% lượng folate cần thiết, giúp hỗ trợ quá trình tạo ADN và duy trì chức năng của tế bào, đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ mang thai.
  • Các vitamin nhóm B khác: Bơ cung cấp nhiều vitamin B khác như B5 và B6, đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa năng lượng từ thực phẩm và duy trì chức năng hệ thần kinh.
  • Magie: Magie chiếm khoảng 4% khối lượng 1 quả bơ, tương đương 15mg. Chất dinh dưỡng này giúp hỗ trợ chức năng cơ bắp, điều hòa huyết áp và duy trì sức khỏe của xương và răng.

Bên cạnh những chất dinh dưỡng trên, bơ còn chứa một số hợp chất chống oxy hóa như lutein và zeaxanthin, giúp bảo vệ mắt khỏi tia UV và giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng. 

Nhờ vào sự kết hợp phong phú của các thành phần dinh dưỡng, quả bơ không chỉ ngon miệng mà còn mang lại lợi ích toàn diện cho sức khỏe.

2. Giải đáp: Ăn bơ có béo không? Ăn bơ với sữa có béo không? Ăn bơ với đường có béo không?

Một quả bơ trung bình (khoảng 150g) cung cấp từ 240 đến 250 calo. Mặc dù lượng calo này khá cao, nhưng nếu ăn bơ với liều lượng hợp lý sẽ không gây tăng cân. Thực tế, một số nghiên cứu cho thấy những người ăn bơ thường xuyên có chỉ số BMI thấp hơn và ít nguy cơ béo phì hơn.

Câu hỏi “ăn bơ có béo không” là nỗi lo của nhiều người “mê” bơ

Câu hỏi “ăn bơ có béo không” là nỗi lo của nhiều người “mê” bơ

Điều này là do bơ không chỉ giàu dinh dưỡng mà còn giúp cân bằng năng lượng nhờ vào tác dụng của chất béo lành mạnhchất xơ

  • Chất béo trong bơ chủ yếu là chất béo không bão hòa đơn, một loại chất béo tốt cho sức khỏe, không làm tăng nguy cơ thừa cân hay béo phì. Ngược lại, còn đóng vai trò giúp cơ thể no lâu hơn, ngăn ngừa tình trạng ăn vặt không cần thiết. Điều này đặc biệt hữu ích trong chế độ ăn kiêng giảm cân, khi việc kiểm soát cảm giác đói là một yếu tố quan trọng. 
  • Ngoài ra, bơ cũng chứa nhiều chất xơ, với khoảng 10g chất xơ trong mỗi quả bơ, giúp cải thiện tiêu hóa và điều chỉnh quá trình trao đổi chất, hỗ trợ kiểm soát cân nặng.

Tuy nhiên, nếu ăn bơ quá mức hoặc kết hợp với các thực phẩm giàu calo như đường, sữa đặc hoặc phô mai, bạn có thể nạp nhiều calo hơn so với nhu cầu cơ thể và dễ dẫn đến tăng cân. Vì vậy, để bơ phát huy tác dụng trong chế độ ăn kiêng, cần điều chỉnh khẩu phần hợp lý và tránh kết hợp bơ với những thực phẩm giàu calo không tốt cho sức khỏe.

3. Hướng dẫn cách ăn bơ giúp giảm cân

Để bơ có thể giúp bạn giảm cân hiệu quả, điều quan trọng là sử dụng bơ một cách hợp lý và và khoa học. Dưới đây là một số hướng dẫn cách ăn bơ giúp giảm cân hiệu quả:

3.1. Kiểm soát khẩu phần ăn

Dù bơ mang lại nhiều lợi ích, việc quản lý khẩu phần ăn vẫn là yếu tố cần thiết. Bạn chỉ nên tiêu thụ một phần bơ nhỏ mỗi ngày, khoảng 1/4 đến 1/2 quả, để đảm bảo không vượt quá lượng calo cần thiết. Dù là chất béo lành mạnh, nhưng nếu ăn quá nhiều bơ, bạn vẫn có thể nạp thêm lượng calo không mong muốn.

3.2. Lưu ý về thời điểm sử dụng bơ

Để tránh tăng cân, tốt nhất nên ăn bơ vào buổi sáng hoặc giữa buổi chiều, khi cơ thể cần nạp năng lượng cho các hoạt động trong ngày. Đồng thời, vào thời điểm này, bạn vẫn còn đủ thời gian để đốt cháy hết lượng calo cao đã tiêu thụ từ quả bơ. Hạn chế ăn bơ vào buổi tối muộn vì lúc này cơ thể ít hoạt động, dễ dẫn đến tích tụ mỡ thừa.

3.3. Kết hợp bơ với các thực phẩm lành mạnh, ít calo

Một số công thức ăn bơ giảm cân được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị:

3.3.1. Bơ nguyên chất

Cách đơn giản và tốt cho sức khỏe nhất là ăn bơ tươi mà không cần bổ sung đường, sữa hay các loại phụ gia khác. Bơ nguyên chất giữ nguyên hàm lượng chất xơ và chất béo lành mạnh, giúp bạn cảm thấy no lâu và hạn chế cơn đói. 

3.3.2. Salad bơ và rau củ

Công thức này không chỉ ngon miệng mà còn cung cấp nhiều chất xơ và vitamin giúp no lâu, giảm cảm giác thèm ăn:

  • Nguyên liệu: 1/2 quả bơ, dưa chuột, cà chua bi, rau xà lách, 1 muỗng dầu olive, muối và tiêu.
  • Cách làm: Thái nhỏ bơ, dưa chuột và cà chua bi, sau đó trộn với rau xà lách. Rưới dầu olive lên và nêm nếm bằng muối, tiêu. Đây là món salad lý tưởng cho bữa trưa hoặc bữa tối nhẹ, giúp cung cấp chất béo tốt và giảm thiểu calo.

3.3.3. Sinh tố bơ với sữa hạt

Sinh tố bơ truyền thống thường có nhiều calo vì chứa sữa đặc, nhưng khi thay bằng sữa hạt, món này sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn mà vẫn giàu dinh dưỡng:

Sinh tố bơ là món ăn yêu thích của nhiều người

Sinh tố bơ là món ăn yêu thích của nhiều người

  • Nguyên liệu: 1/2 quả bơ, 200ml sữa hạnh nhân (hoặc sữa đậu nành không đường), 1 thìa hạt chia, và 1 thìa mật ong (tùy chọn).
  • Cách làm: Xay nhuyễn bơ với sữa hạnh nhân và hạt chia. Nếu muốn có vị ngọt tự nhiên, bạn có thể thêm một chút mật ong. Sinh tố này cung cấp chất béo lành mạnh, protein và chất xơ, giúp bạn no lâu và kiềm chế cơn thèm ăn hiệu quả.

3.3.4. Bánh mì nướng bơ với trứng

Đây là một bữa sáng giàu năng lượng nhưng ít calo, giúp bạn cảm thấy no đến tận trưa:

  • Nguyên liệu: 1/2 quả bơ, 1 lát bánh mì nguyên cám, 1 quả trứng luộc, một ít muối và tiêu.
  • Cách làm: Nghiền bơ và phết lên lát bánh mì nguyên cám đã nướng. Đặt trứng luộc cắt mỏng lên trên, rồi rắc nhẹ muối và tiêu để tăng hương vị. Sự kết hợp giữa chất béo tốt từ bơ, protein từ trứng và chất xơ từ bánh mì nguyên cám sẽ cung cấp năng lượng đầy đủ mà không lo tăng cân.

Bằng các cách này, bạn vừa tận hưởng được hương vị tuyệt vời của bơ vừa dễ dàng kiểm soát cân nặng của bản thân.

Như vậy, bài viết trên đã giúp bạn giải đáp thắc mắc “ăn bơ có béo không” và hướng dẫn cách ăn bơ cho thon dáng, gọn eo. Nếu cần tư vấn về các dịch vụ y tế tại MEDLATEC, bạn đọc vui liên hệ hotline để được hỗ trợ nhanh chóng: 1900 56 56 56.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.