Tin tức
Bà bầu bị sởi phải làm sao? Hướng điều trị thế nào?
- 01/04/2025 | Cách phòng chống bệnh sởi ở trẻ em: Ba mẹ cần biết gì?
- 13/04/2025 | Kịp thời điều trị cho bệnh nhân mắc sởi bội nhiễm, chuyên gia cảnh báo biến chứng của bệnh t...
- 16/04/2025 | Góc giải đáp thắc mắc: Trẻ đã bị sởi có cần tiêm phòng nữa không?
1. Những đối tượng đặc biệt cần lưu ý khi mắc sởi
Sởi là một bệnh truyền nhiễm có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt đối với những đối tượng có hệ miễn dịch yếu hoặc có tình trạng sức khỏe đặc biệt, cụ thể như sau:
Phụ nữ mang thai
Mẹ bầu có thể đối diện với nguy cơ sảy thai, sinh non, thai chết lưu hoặc thai nhi nhẹ cân. Bên cạnh đó là hàng loạt các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não.
Phụ nữ mang thai có nguy cơ gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm khi mắc sởi
Trẻ em dưới 5 tuổi
Trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh: Trẻ em, đặc biệt là dưới 5 tuổi, có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, dễ bị nhiễm virus sởi khi tiếp xúc với người bệnh. Ngoài ra. trẻ em có thể đối mặt với các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm tai giữa, và viêm não, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời.
Người có hệ miễn dịch yếu
Người bị HIV/AIDS, ung thư, hoặc những người đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch như thuốc điều trị bệnh tự miễn hoặc sau ghép tạng có khả năng chống lại virus kém hơn và dễ gặp biến chứng nặng khi mắc sởi.
Người già và người có sức khỏe yếu
Người già, đặc biệt là những người có bệnh nền như bệnh tim mạch, tiểu đường hoặc các bệnh hô hấp, dễ gặp biến chứng khi mắc sởi.
Người chưa tiêm phòng
Những người chưa tiêm vắc xin sởi hoặc chưa tiêm đầy đủ mũi vacxin theo lịch trình có nguy cơ cao mắc bệnh sởi và phải đối mặt với các biến chứng nguy hiểm.
2. Bà bầu bị sởi phải làm sao?
Như đã thông tin ở trên, bà bầu là một trong những đối tượng có nguy cơ cao mắc sởi cũng như gặp phải các biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra. Do đó, băn khoăn bà bầu bị sởi phải làm sao được nhiều chị em đặt ra và quan tâm tìm hiểu.
Trên thực tế, bà bầu mắc sởi là một tình huống nghiêm trọng và cần được xử lý nhanh chóng để bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Dưới đây là những bước cần thực hiện nếu bà bầu bị mắc sởi:
Đi khám bác sĩ ngay lập tức
Nếu bà bầu có dấu hiệu mắc sởi (sốt, phát ban, ho, viêm mũi, viêm mắt), cần đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị. Bác sĩ sẽ đưa ra các biện pháp điều trị thích hợp dựa trên tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Mẹ bầu cần tiến hành thăm khám kịp thời khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc sởi
Điều trị triệu chứng và chăm sóc hỗ trợ
- Bà bầu có thể được bác sĩ kê thuốc giảm sốt an toàn như paracetamol để kiểm soát cơn sốt theo chỉ định của bác sĩ;
- Để tránh mất nước, bà bầu cần bổ sung đủ nước cho cơ thể. Hoặc trường hợp nặng hơn để tránh mất nước thì bác sỹ bù dung dịch bằng đường uống hoặc truyền;
- Nghỉ ngơi là một phần quan trọng trong quá trình điều trị để cơ thể có thể hồi phục nhanh chóng; kết hợp chế độ ăn giàu vitamin C để tăng cường sức đề kháng.
Theo dõi sức khỏe của thai nhi
- Bác sĩ có thể yêu cầu siêu âm để theo dõi sức khỏe của thai nhi và phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường;
- Để xác định mức độ bệnh và đánh giá tình trạng sức khỏe của mẹ, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm máu.
3. Bà bầu phòng ngừa bệnh sởi bằng cách nào?
Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa chị em cần áp dụng:
Tiêm phòng sởi trước khi mang thai
Việc tiêm phòng trước khi mang thai ít nhất 3 tháng giúp mẹ bầu phòng ngừa nguy cơ mắc sởi và an tâm trong thai kỳ. Vắc xin sởi giúp cơ thể bạn tạo ra miễn dịch bảo vệ khỏi virus sởi.
Tiêm phòng sởi trước khi mang thai để phòng ngừa bệnh hiệu quả
Tránh tiếp xúc với người mắc sởi
Sởi lây lan qua các giọt bắn trong không khí khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Do đó, bà bầu nên tránh tiếp xúc với người mắc sởi hoặc nghi ngờ mắc sởi, đặc biệt trong những tháng đầu của thai kỳ khi thai nhi đang phát triển rất nhạy cảm. Nếu có thể, hạn chế đến những nơi đông người, bệnh viện hoặc trường học, nơi dễ xảy ra lây lan dịch bệnh sởi.
Đảm bảo vệ sinh cá nhân
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch là cách đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa sự lây lan của virus, đặc biệt sau khi tiếp xúc với người khác hoặc các vật dụng công cộng. Nếu phải ra ngoài hoặc tiếp xúc với những người xung quanh, bà bầu có thể đeo khẩu trang để giảm nguy cơ tiếp xúc với các giọt bắn có chứa virus sởi.
Tăng cường hệ miễn dịch
Một chế độ ăn uống cân đối, đầy đủ vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin C, có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch, giúp bà bầu phòng ngừa nhiều loại bệnh, trong đó có sởi. Việc ngủ đủ giấc và giảm căng thẳng cũng rất quan trọng để duy trì sức khỏe và hệ miễn dịch mạnh mẽ, giảm nguy cơ mắc bệnh.
Theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe
Việc khám thai định kỳ và kiểm tra sức khỏe toàn diện giúp phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe của mẹ và bé. Nếu có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh sởi, bà bầu cần thông báo ngay cho bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Trên đây là toàn bộ thông tin giải đáp chi tiết cho thắc mắc bà bầu bị sởi phải làm sao, hy vọng giúp ích cho chị em phụ nữ trong quá trình chăm sóc, bảo vệ sức khỏe trong suốt thai kỳ. Nếu có thắc mắc cần giải đáp hoặc nhu cầu thăm khám, kiểm tra sức khỏe, mẹ bầu hãy liên hệ tới Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ kịp thời.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
