Tin tức
Bác sĩ tư vấn: Cây thuốc nam trị ho có hiệu quả không?
- 22/06/2025 | Bấm huyệt trị ho ngứa cổ có hiệu quả không và lời khuyên từ bác sĩ
- 23/06/2025 | Có nên áp dụng cách trị ho bằng rau tần dày lá không?
- 24/06/2025 | Lá bạc hà trị ho có tốt không? Nên làm gì khi bị ho?
- 26/06/2025 | Những bài thuốc trị ho lâu ngày không khỏi và lời khuyên từ bác sĩ
- 14/07/2025 | Lá hẹ trị ho có tốt không và một số lưu ý khi sử dụng
1. Nguyên nhân gây ho thường gặp
Ho là một phản xạ tự nhiên, giúp cơ thể loại bỏ những chất kích ứng ra khỏi các cơ quan đường hô hấp. Trước khi tìm hiểu về vấn đề cây thuốc nam trị ho có hiệu quả không, bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về một số nguyên nhân gây ho.
Ho có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau và dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến:
- Bệnh cúm: Căn bệnh này cũng do virus tấn công vào cơ quan hô hấp. Ngoài các biểu hiện như sổ mũi, hắt hơi, ho, bệnh nhân còn có thể bị sốt.
- Trào ngược dạ dày – thực quản: Khi dịch vị từ axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản, gây kích ứng niêm mạc và kích hoạt phản xạ ho. Dù đã dùng một số loại thuốc trị ho thông thường, tình trạng ho của bệnh nhân vẫn không được cải thiện.
Ho có thể là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau
- Viêm mũi xoang: Ở những trường hợp này, tình trạng viêm niêm mạc mũi xoang sẽ khiến cho dịch nhầy tiết ra nhiều hơn. Khi dịch chảy xuống họng (chính là tình trạng chảy dịch mũi sau), có thể gây ra triệu chứng ho, nhất là khi người bệnh nằm và tình trạng này thường xuất hiện nhiều vào ban đêm.
- Hen phế quản: Người bệnh hen phế quản thường ho kéo dài và kèm theo đó là triệu chứng khó thở, thở khò khè. Những cơn ho dễ dàng khởi phát nếu bệnh nhân nhiễm siêu vi đường hô hấp hoặc khi người bệnh tiếp xúc với một số yếu tố như khói bụi, không khí lạnh, phấn hoa, lông động vật,...
- Viêm phế quản: Viêm phế quản cũng là một trong những nguyên nhân gây ho rất phổ biến. Người bị viêm phế quản thường gặp phải một số triệu chứng như ho, ho có đờm, khó thở, sốt,...
- Các nguyên nhân khác như giãn phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), ung thư phổi,... hay một số bệnh lý nguy hiểm khác cũng có thể gây ho.
Ngoài những nguyên nhân nêu trên, còn có một số yếu tố làm tăng nguy cơ gây ho chẳng hạn như tác dụng phụ của một số loại thuốc, thói quen hút thuốc lá, thuốc lào hoặc thường xuyên hít khói thuốc thụ động, tình trạng ô nhiễm không khí,...
2. Cây thuốc nam trị ho có hiệu quả không?
Khi bị ho, nhiều người lựa chọn cây thuốc nam trị ho. Vậy phương pháp này có thực sự mang lại hiệu quả hay không?
2.1. Các cây thuốc nam trị ho
Dưới đây là một số cây thuốc nam được nhiều người lựa chọn sử dụng để điều trị khi bị ho:
- Cây tần ô hay cải cúc: Loại cây này có vị hơi đắng, tính mát, có tác dụng làm dịu cổ họng và giảm ho tiêu đờm. Bài thuốc phổ biến từ loại cây này là nấu cải cúc ăn hàng ngày hoặc giã lấy nước uống hay chưng cách thủy cùng với đường phèn và mật ong.
- Cây húng chanh: Trong Đông y, đây là loại dược liệu có tính ấm, vị cay và có mùi thơm. Tác dụng của húng chanh là thanh nhiệt, giải cảm, giải độc, tiêu đờm, chữa ho. Trong loại thảo dược này còn có chứa tinh dầu giàu hoạt chất có khả năng ức chế vi khuẩn và kháng viêm hiệu quả. Húng chanh rửa sạch, đem chưng cách thủy với quất và đường phèn là bài thuốc trị ho được nhiều người áp dụng.
Nhiều người dùng lá húng chanh để trị ho
- Cây cam thảo: Rễ cam thảo có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, giảm viêm, hỗ trợ điều trị ho. Cách trị ho từ cây cam thảo như sau: Bạn chuẩn bị 10g bột cam thảo và quấy cùng với 200ml nước. Sau đó, vắt một nửa quả chanh vào và khuấy đều, nên uống khi còn ấm.
- Dùng gừng tươi: Đây là loại dược liệu cay nóng và có thể làm ấm tỳ vị. Gừng tươi có thể chữa ho do một số nguyên nhân thường gặp như cảm lạnh, cảm cúm,... Tuy nhiên, không dùng gừng tươi cho những người bị say nắng, nhiệt miệng hoặc có vấn đề về huyết áp cao.
Bạn có thể dùng 60g gừng tươi rửa sạch. Sau đó, giã gừng và cho vào nấu cùng khoảng 0,5 lít nước. Đun hỗn hợp này trong khoảng 30 phút. Sau đó, cho thêm một chút mật ong là có thể dùng được.
2.2. Dùng cây thuốc nam trị ho có hiệu quả không?
Những bài thuốc từ cây thuốc nam trị ho thường là kinh nghiệm dân gian, chưa được khoa học chứng minh. Do đó, hiệu quả của những bài thuốc này vẫn chưa thể được khẳng định. Nó có thể mang lại hiệu quả với người này, nhưng chưa chắc đã hiệu quả với người kia.
Phần lớn các loại thảo dược đều lành tính nhưng nếu bạn sử dụng không đúng cách, không đúng đối tượng, bạn vẫn có thể gặp phải những nguy cơ rủi ro nhất định. Đặc biệt, những đối tượng bệnh nhân là trẻ nhỏ, hệ miễn dịch của trẻ còn rất kém, việc tự ý dùng những cây thuốc này có thể gây ra những biến chứng rất nghiêm trọng.
Đối với những trường hợp bị ho do các bệnh lý nguy hiểm, việc trì hoãn thăm khám và tự ý điều trị bằng các bài thuốc tại nhà có thể khiến bệnh tiến triển ngày càng nặng và người bệnh có thể mất đi cơ hội điều trị bệnh hiệu quả.
Một số bài thuốc trị ho dân gian thường mất rất nhiều thời gian mới có thể mang lại hiệu quả như mong đợi. Do đó, nếu muốn sử dụng cây thuốc nam trị ho, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ để nhận được lời khuyên cụ thể.
Bạn nên đi khám nếu bị ho kéo dài kèm theo triệu chứng bất thường
Trên đây là một số thông tin về cây thuốc nam trị ho. Các bài thuốc trong bài viết chỉ mang tính tham khảo và người bệnh không nên tự ý áp dụng khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.
Lời khuyên cho bạn là hãy đi khám nếu bị ho, nhất là khi kèm theo một số triệu chứng bất thường khác để được các bác sĩ chẩn đoán và lên phác đồ điều trị phù hợp.
Để được đặt lịch khám sớm tại Chuyên khoa Tai mũi họng của Hệ thống Y tế MEDLATEC, quý khách vui lòng gọi đến tổng đài 1900 56 56 56, đội ngũ tư vấn viên luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
