Tin tức
Bệnh bạch hầu có nguy hiểm không? Cách thức phòng chống bệnh lý
- 13/04/2021 | Xét nghiệm chẩn đoán bệnh bạch hầu như thế nào?
- 28/01/2021 | Mức độ nguy hiểm của dịch bạch hầu và cách phòng tránh
- 10/07/2024 | Dấu hiệu bệnh bạch hầu không thể bỏ qua và cách điều trị bệnh hiệu quả
- 10/07/2024 | Bệnh bạch hầu lây lan nhanh chóng, biến chứng nguy hiểm - Nỗ lực đẩy lùi căn bệnh truyền nhi...
1. Tổng quan về bệnh bạch hầu
Bạch hầu là một dạng bệnh lý nhiễm khuẩn cấp tính với các giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản và mũi, ngoài ra cũng có thể xuất hiện ở vùng da và niêm mạc khác như kết mạc mắt, bộ phận sinh dục. Bệnh có thể gây nên tình trạng nhiễm trùng và nhiễm độc với những tổn thương nghiêm trọng do các ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây nên.
Bệnh bạch hầu có thể gây biến chứng nguy hiểm
Từ xưa, bạch hầu đã có mặt ở mọi quốc gia trên thế giới, tạo nên những đại dịch bệnh lớn, cực kỳ nghiêm trọng, đặc biệt với trẻ em do chưa có nguồn vắc xin dự phòng. Đến năm 1923, khi vắc xin ra đời và được sản xuất thì mức độ nghiêm trọng của bệnh lý này mới thay đổi.
Bệnh lý có xu hướng phát triển khi trời trở lạnh, ở khu vực ôn đới. Bệnh có đặc tính theo mùa, phát tán và có thể trở thành dịch, đặc biệt nguy hiểm với trẻ em dưới 15 tuổi chưa được tiêm vắc xin đầy đủ.
Ở Việt Nam, bệnh bạch hầu đã từng bùng phát ở các tỉnh thành có mật độ dân cư cao khi chưa có vắc xin phòng bệnh. Dịch bệnh thường xuất hiện vào các tháng 8, tháng 9 và tháng 10. Khi vắc xin phòng bạch hầu xuất hiện, tỷ lệ mắc bệnh ở nước ta cũng đã giảm dần từ 3,95/100.000 người vào năm 1985 xuống còn khoảng 0,14/100.000 người vào năm 2.000.
2. Vi khuẩn gây bệnh bạch hầu và phương thức lây bệnh
Vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae thuộc họ Corynebacteriaceae chính là tác nhân gây bệnh chính. Vi khuẩn gây bệnh bạch hầu được chia làm 3 type bao gồm Gravis, Mitis và Intermedius.
Vi khuẩn bạch hầu có thể lây lan nhanh qua tiếp xúc hàng ngày
Vi khuẩn bạch hầu là một loại vi khuẩn gram (+) hình dạng điển hình nhất là các trực khuẩn có 1 hoặc 2 đầu phình to ra, chiều dài khoảng 2 - 6 µm và chiều rộng khoảng 0,5 - 1µm. Loại vi khuẩn này không sinh nha bào và không có tính di động.
Vi khuẩn bạch hầu có thể tồn tại rất lâu ở bên ngoài cơ thể và có khả năng chịu được sự khô lạnh. Nếu chúng được chất nhầy bao phủ và bảo vệ thì có thể sống được ở trên đồ vật trong khoảng vài ngày cho đến vài tuần. Trong khi đó, ở bề mặt vải, vi khuẩn bạch hầu có thể tồn tại trong 30 ngày, ở trong sữa và nước uống là 20 ngày và trong tử thi là khoảng 2 tuần.
Loại vi khuẩn này khá nhạy cảm, khi ở dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp, chúng sẽ chết chỉ sau vài giờ. Trong trường hợp ánh sáng mặt trời bị khuếch tán thì chúng sẽ bị tiêu diệt khoảng vài ngày sau đó. Với nền nhiệt khoảng 58 độ C, vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt chỉ trong 10 phút, ở phenol 1% và nồng độ cồn 60 độ là khoảng 1 phút.
Vi khuẩn bạch hầu trên người bệnh lây sang người khỏe mạnh qua đường hô hấp. Ngoài ra, người bình thường cũng có thể nhiễm vi khuẩn khi tiếp xúc với những đồ vật có dính chất dịch (như các hạt nước bọt và dịch bài tiết đường hô hấp) của người bệnh.
3. Bệnh bạch hầu có nguy hiểm không?
Thời gian đầu nhiễm bệnh, người bệnh thường chỉ cảm thấy mệt mỏi và khó chịu. Thế nhưng, dần dần, bệnh sẽ phát triển và trở nên nghiêm trọng hơn. Cụ thể là thấy có biểu hiện đau họng, họng đỏ, mũi và thanh quản cũng rất khó chịu, hạch nổi ở cổ, da xanh tái và thường thấy mệt mỏi. Sau khoảng 2 đến 3 ngày thì ở hầu họng có xuất hiện những mảng bám có màu xám, tự gỡ có thể gây chảy máu vùng niêm mạc họng.
Câu trả lời cho thắc mắc bệnh bạch hầu có nguy hiểm không là có
Ngoài vùng hầu họng, vi khuẩn bạch hầu cũng gây nên nhiều thương tổn cho các cơ quan khác như thận, tim mạch và cả hệ thần kinh trung ương. Hai dạng biến chứng phổ biến nhất được ghi nhận ở những trường hợp mắc bệnh thường là viêm cơ tim và tình trạng viêm dây thần kinh. Đây được xem là hai biến chứng cực kỳ nguy hiểm cần được lưu ý. Nhiều trường hợp nặng hơn, bệnh nhân có thể bị liệt phần cơ hoành và gây nên tình trạng viêm phổi và bị suy hô hấp cấp.
Bên cạnh đó, trên toàn thế giới cũng đã ghi nhận thêm một vài dạng biến chứng khác của bệnh lý. Một trong số đó có thể kể đến như: viêm kết mạc mắt, tắc nghẽn đường hô hấp,...
Với trẻ em, bạch hầu thanh quản là thể nặng, có thể gây nhiễm độc thần kinh, viêm cơ tim,... với tỷ lệ tử vong khoảng 5 - 10%. Nếu điều trị sớm, bệnh có thể khỏi nhưng có người bệnh tử vong trong khoảng 6 - 10 ngày khi điều trị muộn hoặc bệnh đã trở nặng.
4. Các biện pháp xét nghiệm bệnh bạch hầu
Để chẩn đoán bệnh bạch hầu, các phương pháp xét nghiệm hiện đang được áp dụng bao gồm:
- Xét nghiệm nhuộm Gram: Nhằm mục đích xác định hình thể, kích thước, tính chất bắt màu và cách thức sắp xếp của các vi khuẩn. Hình ảnh xét nghiệm không cho kết quả xác định chính xác đó là vi khuẩn bạch hầu. Thay vào đó, khi kết quả dương tính, người bệnh cần thực hiện thêm xét nghiệm nuôi cấy định danh hoặc xét nghiệm bằng phương pháp PCR để khẳng định.
- Xét nghiệm nuôi cấy phân lập và định danh: Giúp phát hiện căn nguyên của vi khuẩn gây nên tình trạng nhiễm trùng và xác định tính nhạy cảm hoặc kháng thuốc của những căn nguyên đó. Kết quả xét nghiệm cho biết chính xác được căn nguyên gây bệnh với mức độ là chi hoặc loài và đưa ra được kết quả kháng sinh đồ cho việc điều trị kháng sinh.
- Xét nghiệm bằng phương pháp PCR: Giúp xác định vi khuẩn gây bệnh thông qua việc phát hiện DNA của vi khuẩn C. diphtheriae. Với kỹ thuật multiplex PCR, bác sĩ có thể phát hiện được các gen mã hóa tiểu phần A và B của các độc tố vi khuẩn gây bệnh.
- Huyết thanh học: Không phải là cách thức để chẩn đoán và chỉ sử dụng để đánh giá tình trạng của kháng thể kháng độc tố bạch hầu. Phương pháp này thường được sử dụng để phục vụ cho việc nghiên cứu.
Các biện pháp xét nghiệm bệnh bạch hầu đang được triển khai
5. Cách thức phòng chống dịch bệnh
Để phòng dịch bệnh bạch hầu, chúng ta có thể áp dụng các phương pháp như sau:
- Vệ sinh sạch sẽ các khu vực sinh hoạt, làm việc, đảm bảo phòng ốc luôn được thông thoáng và có đủ ánh sáng.
- Đối với những khu vực đã từng có bạch hầu thì cần tăng cường giám sát và sớm phát hiện những ca bị viêm họng giả mạc.
- Tiêm phòng bệnh đầy đủ, nhất là trẻ em.
6. Địa chỉ thăm khám và xét nghiệm bệnh bạch hầu uy tín
Bạch hầu là bệnh lý nguy hiểm. Vì vậy, mỗi cá nhân cần có cho mình những kiến thức phòng bệnh hiệu quả. Nếu thấy có biểu hiện nghi ngờ, bạn nên đến các cơ sở y tế uy tín để tiến hành thăm khám và điều trị sớm (nếu mắc bệnh) để phòng các biến chứng nguy hiểm về sau.
Một địa chỉ y tế uy tín bạn có thể lựa chọn để thăm khám là Hệ thống Y tế MEDLATEC với những thế mạnh nổi bật như:
- Đội ngũ chuyên gia, bác sĩ và nhân viên y tế giỏi.
- Trung tâm xét nghiệm ISO 15189:2012 và được cấp chứng chỉ CAP (Hoa Kỳ).
- Hệ thống máy chẩn đoán hình ảnh tiên tiến như siêu âm, nội soi, X-quang, MRI, CT Scan,... được nhập khẩu tại Đức, Thụy Sĩ, Hoa Kỳ.
Hiện nay, MEDLATEC có thể đáp ứng đầy đủ những xét nghiệm chẩn đoán bạch hầu với chất lượng và độ chính xác cao.
MEDLATEC cung cấp dịch vụ xét nghiệm chất lượng và chính xác với trang thiết bị hiện đại
Trên đây là tổng hợp những thông tin về chủ đề bệnh bạch hầu có nguy hiểm không đang được rất nhiều người quan tâm. Để bảo vệ sức khỏe của mình, mỗi cá nhân hãy tự chủ động tiêm phòng và xét nghiệm khi có biểu hiện nghi ngờ để có phương án phòng và điều trị tốt nhất. Để đặt lịch xét nghiệm hoặc thăm khám tại MEDLATEC, Quý khách vui lòng liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!