Tin tức

Bệnh bụi phổi: Triệu chứng và cách điều trị

Ngày 21/11/2024
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Phương Dung
Bụi phổi không được phát hiện và điều trị sớm có thể gây xơ cứng buồng phổi, giảm khả năng lao động và nguy hiểm đến tính mạng. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn biết cách nhận biết triệu chứng và tham khảo các phương pháp điều trị bệnh bụi phổi.

1. Bệnh bụi phổi là bệnh như thế nào?

Căn bệnh này thuộc nhóm bệnh lý kẽ phổi và dễ gặp phải do đặc thù công việc nên thường được gọi là bệnh phổi nghề nghiệp. Bệnh bụi phổi xảy ra khi người bệnh hít phải một số loại bụi. Lượng bụi này tích tụ lại trong phổi và làm tổn thương phổi. Khi không thể loại bỏ hết lượng bụi này, phổi có thể bị viêm và hình thành các mô sẹo. Không những vậy, bệnh có thể khiến cho những mạch máu và túi khí trong phổi bị tổn thương, gây ra bệnh phổi kẽ khiến bệnh nhân gặp phải biểu hiện khó thở

Người bệnh có biểu hiện khó thở

Người bệnh có biểu hiện khó thở

Tùy thuộc vào loại bụi trong phổi của bệnh nhân mà có thể phân loại bệnh thành những dạng khác nhau, phổ biến hơn cả là bụi phổi amiăng và bụi phổi silic hay bụi phổi công nhân than. Theo thống kê của Bộ Y tế, Bệnh bụi phổi chiếm 74% của nhóm bệnh nghề nghiệp nằm trong danh mục thanh toán bảo hiểm y tế. 

Ở những trường hợp phức tạp và nghiêm trọng, bệnh có thể gây ra nhiều mô sẹo ở phổi, được gọi là tình trạng xơ phổi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đơn giản hơn, bệnh gây ra những nốt mô sẹo nhỏ giống như các dạng vòng tròn và được gọi là nốt sần. 

Phần lớn các trường hợp bị bệnh bụi phổi thường hình thành bệnh sau nhiều năm tiếp xúc với bụi. Bên cạnh đó, một số trường hợp lại phát triển bệnh khá nhanh, chỉ sau một thời gian ngắn, khi bệnh nhân hít phải một lượng bụi lớn vào phổi, nhất là loại bụi silic. Lúc này, bệnh có thể gây ra tình trạng suy phổi, viêm phế quản mạn tính, suy tim, tổn thương nhiều cơ quan nội tạng và có thể đe dọa tính mạng người bệnh. 

2. Triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh bụi phổi

Triệu chứng của bệnh bụi phổi nặng hay nhẹ phụ thuộc vào mức độ bệnh và loại bụi gây bệnh. Dưới đây là những triệu chứng bệnh thường gặp: 

- Người bệnh có biểu hiện ho khan, ho khạc ra đờm màu đen, ho ra máu, 

- Hay bị đau nhói, tức ngực. 

- Có cảm giác khó thở, hụt hơi. 

Nguyên nhân chính gây ra bệnh bụi phổi là do bệnh nhân thường xuyên tiếp xúc với những loại vật liệu dễ phân tán nhỏ như amiăng, bụi than, silic có khả năng xâm nhập vào phổi. Bệnh thường hình thành sau khoảng 5-10 năm tính từ thời điểm bệnh nhân thường xuyên tiếp xúc với loại bụi này.  

Sống trong môi trường khói bụi dễ bị bệnh bụi phổi

Sống trong môi trường khói bụi dễ bị bệnh bụi phổi

Bệnh có thể gây ra biến chứng nguy hiểm nếu không phát hiện sớm. Vì thế, khi có những biểu hiện bất thường như ho dai dẳng, khó thở, ho khan, ho có đờm đen,... bạn nên đi khám sớm. Đặc biệt, nếu nằm trong nhóm có nguy cơ cao bị bệnh bụi phổi, bạn nên đi khám định kỳ để phát hiện sớm bất thường và có phương pháp xử trí kịp thời, hiệu quả. 

3. Điều trị bệnh bụi phổi bằng cách nào?

Ngoài thăm khám triệu chứng và khai thác tiền sử bệnh, các thông tin liên quan, nhất là đặc thù công việc của người bệnh, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện chụp chụp X-quang phổi, chụp CT ngực, xét nghiệm khí máu,... và một số xét nghiệm cần thiết khác để chẩn đoán bệnh chính xác. 

Chụp X-quang giúp phát hiện sớm bất thường ở phổi

Chụp X-quang giúp phát hiện sớm bất thường ở phổi

Hiện nay, chưa có phương pháp nào có thể điều trị dứt điểm bệnh bụi phổi. Một số phương pháp được áp dụng phổ biến hiện nay đều nhằm mục đích cải thiện triệu chứng của bệnh và ngăn ngừa tình trạng bệnh tiến triển nặng, gây biến chứng nguy hiểm, bao gồm dùng kháng sinh, rửa phổi hoặc thở oxy. 

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần lưu ý một số vấn đề sau: 

- Hạn chế tiếp xúc với bụi: Nếu do đặc thù công việc, bạn nên thực hiện các biện pháp bảo vệ đường thở bằng cách trang bị đầy đủ đồ bảo hộ như quần áo, kính mắt, khẩu trang chống bụi theo đúng chỉ dẫn của nhà sản xuất và đặc biệt là cần thăm khám định kỳ để phát hiện bệnh sớm. 

- Không tiếp xúc với khói thuốc lá. 

- Những trường hợp bệnh nghiêm trọng với biểu hiện khó thở, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân thở oxy, thở máy.

- Dùng thuốc giãn phế quản để mở các đoạn phổi, nhằm cải thiện tình trạng khó thở. Lưu ý, bệnh nhân chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ. Tự ý dùng thuốc hoặc sử dụng không đúng cách có thể gây nguy hiểm và gặp phải những tác dụng không mong muốn. 

- Bệnh nhân cần nghỉ ngơi và hạn chế làm việc quá sức. 

- Nên thực hiện chế độ ăn uống khoa học, cung cấp đầy đủ các loại dưỡng chất cho cơ thể. Người bệnh không nên ăn quá no để hạn chế gây ra tình trạng khó thở. Tốt nhất nên chia thành từng bữa nhỏ để cảm thấy dễ chịu và thoải mái hơn sau ăn. 

- Hãy thường xuyên luyện tập thể dục, đặc biệt là những bài tập thở để hỗ trợ chức năng hoạt động của phổi. Bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về những bài tập phù hợp với tình trạng của mình. 

4. Cách phòng ngừa bệnh bụi phổi

Phòng ngừa bệnh bụi phổi là một vấn đề rất quan trọng vì hiện nay, chưa có phương pháp nào có thể điều trị triệt để căn bệnh này. Để phòng ngừa bệnh, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau: 

- Tiêm phòng đầy đủ để bảo vệ sức khỏe. 

- Thường xuyên đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Cần đeo khẩu trang đúng cách và lựa chọn loại khẩu trang chất lượng tốt để hạn chế tối đa bụi xâm nhập vào phổi. 

Đeo khẩu trang là cách giúp bạn hạn chế hít phải khói bụi

Đeo khẩu trang là cách giúp bạn hạn chế hít phải khói bụi

- Sau khi tiếp xúc với bụi bẩn, bạn nên rửa tay với xà phòng. 

- Không nên dùng thuốc lá. 

- Khám sức khỏe định kỳ: Đây là cách giúp bạn phát hiện sớm những vấn đề sức khỏe và có phương án điều trị kịp thời. 

- Nếu thường xuyên phải làm việc trong môi trường bụi bẩn thì bạn nên đeo khẩu trang và mặc trang phục bảo hộ đầy đủ để phòng ngừa hít phải nhiều khói bụi. 

- Khi có triệu chứng bất thường, bạn nên đến ngay các cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám và điều trị bệnh. 

Bệnh bụi phổi dễ gặp phải khi bạn thường xuyên phải tiếp xúc với khói bụi. Căn bệnh này còn có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng. Do đó, bạn không nên chủ quan nếu có biểu hiện bất thường. Nếu có nhu cầu đặt lịch khám với các bác sĩ chuyên khoa Hô hấp của Hệ thống Y tế MEDLATEC, mời bạn liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 để được tư vấn nhanh chóng, chính xác. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ