Tin tức

Bệnh mạch máu ngoại biên: nguyên nhân, triệu chứng và lưu ý trong điều trị

Ngày 13/08/2024
Tham vấn y khoa: ThS. BSNT Trần Tiến Tùng
Bệnh mạch máu ngoại biên là bệnh lý liên quan đến hệ động mạch cung cấp máu nuôi dưỡng các chi. Vậy nguyên nhân gây bệnh mạch máu ngoại biên là gì, triệu chứng và những lưu ý trong điều trị như thế nào, mời bạn đọc cùng tìm hiểu qua các thông tin do Hệ thống Y tế MEDLATEC cung cấp trong bài viết dưới đây.

1. Bệnh mạch máu ngoại biên là gì? 

Mạch máu ngoại biên là những hệ động mạch cung cấp máu và các chất nuôi dưỡng các chi như tay, chân. Các mảng xơ vữa và huyết khối hình thành gây tắc nghẽn mạch máu, cản trở quá trình vận chuyển máu đến các chi là nguyên nhân gây ra bệnh mạch máu ngoại biên. 

Bệnh mạch máu ngoại biên thường do xơ vữa động mạch gây ra, các mảng bám từ các chất béo dư thừa, cholesterol, canxi lắng đọng tại thành mạch dần dần gây hẹp và cản trở quá trình lưu thông máu, khiến máu không đến được các cơ quan cần thiết.


Bệnh mạch máu ngoại biên xảy ra do các mảng xơ vữa và huyết khối hình thành gây tắc nghẽn mạch máu

Ngoài ra còn có một số những yếu tố khác như:

  • Hút thuốc;
  • Bệnh tiểu đường;
  • Huyết áp cao;
  • Béo phì;
  • Nồng độ cholesterol trong máu cao;
  • Người có tiền sử gia đình mắc bệnh mạch máu ngoại biên.

Những triệu chứng thường gặp ở người mắc bệnh bao gồm: 

  • Đau cơ;
  • Tê bì ở bàn chân, bàn tay;
  • Chuột rút ở vùng đùi, hông, bắp chân… 

Nếu các mảng xơ vữa hoặc cục máu đông lớn, các triệu chứng sẽ trở nên nặng thêm bao gồm:

  • Tình trạng đau trở nên nghiêm trọng hơn ngay cả khi nghỉ ngơi, điều này được lý giải do chân không được cung cấp máu đầy đủ;
  • Vết thương ở chân hoặc bàn chân khó lành;
  • Giảm cảm giác hoặc cảm giác lạnh ở chân, thậm chí có thể dẫn tới hoại tử chi.

2. Chẩn đoán bệnh mạch máu ngoại biên 

Để chẩn đoán bệnh mạch máu ngoại biên, các sĩ sẽ tiến hành một số danh mục như sau: 

  • Thăm khám lâm sàng đồng thời kiểm tra mạch ở chân, quan sát màu da, tình trạng lông, móng, đánh giá tình trạng phù nề của các chi tổn thương;
  • Đo chỉ số cổ chân cổ tay cũng thường được chỉ định. Đây là phương pháp không xâm lấn, không gây đau có thể thực hiện nhanh chóng, qua đó bác sĩ đánh giá được tốc độ dòng máu chảy ở chân thông qua việc so sánh áp lực máu ở cổ chân với áp lực máu ở cổ tay. . 

Ngoài ra, một số kỹ thuật cận lâm sàng có thể được chỉ định như:

  • Siêu âm doppler: Sử dụng sóng siêu âm để quan sát lưu lượng máu qua động mạch và đánh giá tốc độ dòng chảy của mạch máu;
  • Chụp cắt lớp vi tính đa dãy (MSCT): Với phương pháp này hình ảnh tổn thương mạch máu được ghi lại rất rõ ràng với độ chính xác khá cao giúp xác định được  các vị trí mạch máu bị tổn thương;
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Kết quả chụp phim cho biết được mức độ tổn thương của mạch máu;
  • Chụp động mạch cản quang: Từ hình ảnh mạch máu được cung cấp dưới màn huỳnh quang, bác sĩ phát hiện và kiểm tra vị trí, mức độ tổn thương của mạch máu.


Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh được ứng dụng rộng rãi trong chẩn đoán bệnh mạch máu ngoại biên 

3. Lưu ý trong điều trị bệnh mạch máu ngoại biên 

Nguyên tắc điều trị bệnh mạch máu ngoại biên là kiểm soát những cơn đau và ngăn ngừa bệnh có những tiến triển xấu bao gồm việc hoại tử dẫn đến cắt cụt chân, nhồi máu cơ timđột quỵ. Có một số phương pháp điều trị bệnh mạch máu ngoại biên phổ biến như sau: 

  • Điều trị bằng thuốc: Việc sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ là rất quan trọng, các triệu chứng của bệnh sẽ diễn biến nghiêm trọng hơn trong trường hợp người bệnh không tuân thủ chỉ định dùng thuốc do bác sĩ cung cấp;
  • Can thiệp điều trị qua đường ống thông: Bao gồm nong mạch hay đặt ống thông stent. Đây là một phương pháp không phẫu thuật, đưa một ống nhỏ vào dưới da đi vào trong mạch máu để lấy cục máu đông, sau đó dùng một quả bóng nhỏ bơm lên trong lòng mạch để nong rộng mạch, giúp máu lưu thông;
  • Phẫu thuật: Trường hợp tắc hoàn toàn một đoạn mạch máu dài và có triệu chứng thiếu máu đến các chi, bác sĩ cần tiến hành phẫu thuật. 


Đa dạng phương pháp được ứng dụng trong điều trị bệnh mạch máu ngoại biên 

Để quá trình điều trị đảm bảo an toàn, mang lại hiệu quả cao, làm chậm sự tiến triển hoặc đẩy lùi triệu chứng của bệnh, người bệnh cần duy trì một lối sống lành mạnh đồng thời thực hiện nghiêm túc theo lời khuyên của bác sĩ, cụ thể như sau: 

  • Duy trì chế độ luyện tập thường xuyên: Luyện tập là phương pháp hiệu quả nhất trong điều việc trị bệnh mạch máu ngoại biên. Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để có một liệu trình điều trị phù hợp nhất với thể trạng của bản thân. Thường xuyên đi bộ, luyện tập các bài tập thể dục chuyên biệt dành cho chân là biện pháp cơ bản nhất giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh sau thời gian ngắn, cụ thể sau vài tháng;
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học: Duy trì một chế độ ăn lành mạnh, giảm chất béo bão hòa, cholesterol, tăng cường các loại rau củ, ngũ cốc nguyên hạt giúp giảm mỡ máu, hạn chế tình trạng xơ vữa động mạch;
  • Không sử dụng thuốc lá: Thuốc lá là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây bệnh mạch máu ngoại biên, nhồi máu cơ tim, đột quỵ… cùng nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe;

Như vậy, các thông tin liên quan đến bệnh mạch máu ngoại biên đã được cung cấp đầy đủ. Điều quan trọng trong quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh đó là sự liên hệ chặt chẽ của người bệnh với đội ngũ y bác sĩ cũng như cơ sở y tế để được hướng dẫn, theo dõi và hỗ trợ kịp thời. 

Bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến quá trình điều trị bệnh mạch máu ngoại biên hoặc cơ thể xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh, người dân hãy liên hệ ngay tới Hệ thống Y tế MEDLATEC thông qua hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ. 

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.