Tin tức
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính: những thông tin cơ bản cần lưu ý
- 11/05/2021 | Chuyên gia hướng dẫn thở khi bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
- 27/08/2024 | Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nguyên nhân và cách phòng tránh
- 27/03/2023 | COPD là gì - Tổng quan về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD
1. Nguyên nhân gây nên bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
1.1. Hút thuốc lá
Nguyên nhân phổ biến nhất gây nên tắc nghẽn phổi mạn tính phải kể đến hút thuốc lá. Các loại hóa chất độc hại có trong thuốc lá như: nicotine, carbon monoxide, các chất gây kích ứng,... khi đi vào phổi sẽ gây co thắt đường hô hấp và làm cho hoạt động chức năng của phổi bị suy giảm.
Không chỉ có vậy, carbon monoxide trong thuốc lá hấp thụ vào máu còn thay thế cho oxygen, làm giảm khả năng cung cấp oxy cho cơ thể. Kết quả là, các tế bào và mô trong cơ thể không nhận được đủ lượng oxy cần cho hoạt động hàng ngày nên suy giảm chức năng của các cơ quan, đặc biệt là phổi.
Những nguyên nhân chính dẫn đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
1.2. Tiếp xúc với chất gây ô nhiễm không khí
Tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm không khí cũng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Các chất ô nhiễm như khói xe, bụi công nghiệp, hóa chất,... có thể chứa chất độc hại ảnh hưởng đến phổi.
Khi các hạt bụi, các loại hóa chất xâm nhập vào phổi sẽ gây tắc nghẽn và viêm nhiễm khí quản, tổn thương mô và tế bào phổi và làm suy giảm chức năng phổi.
2. Triệu chứng nhận diện phổi tắc nghẽn mạn tính
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường phát triển dần dần và có thể không được nhận biết ngay từ đầu. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển, các triệu chứng sau đây thường trở nên rõ ràng:
Bệnh nhân bị phổi tắc nghẽn mạn tính thường ho nhiều vào buổi sáng và cảm thấy khó thở
2.1. Khó thở
Khó thở là một trong những triệu chứng chính của phổi tắc nghẽn mạn tính và thường là triệu chứng đầu tiên mà người bệnh nhận thấy. Ban đầu, khó thở có thể chỉ xảy ra khi vận động nặng như tập thể dục hoặc leo cầu thang.
Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển, khó thở có thể trở nên nghiêm trọng hơn, thậm chí dù nằm nghỉ hay đi bộ nhẹ nhàng người bệnh cũng bị khó thở. Đối với giai đoạn cuối của bệnh, người bệnh có thể đối diện với nguy cơ suy hô hấp hoặc tử vong.
2.2. Ho
Ho là một triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và thường ho nhiều vào buổi sáng. Ho có thể xuất phát từ viêm nhiễm trong đường hô hấp hoặc do sự phát triển của đờm. Bệnh nhân thường ho khạc nhiều đờm. Tùy vào tình trạng nhiễm trùng hay không mà đờm có thể có màu trắng hay xanh, vàng, nâu,...
2.3. Mệt mỏi
Người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường cảm thấy mệt mỏi và không có năng lượng ngay cả khi họ không làm bất kỳ hoạt động nào. Khó thở và việc cố gắng để hít thở có thể làm tăng cảm giác mệt mỏi cho người bệnh.
2.4. Đau ngực
Đau ngực có thể xuất phát từ viêm nhiễm trong phổi hoặc do sự căng thẳng của cơ trơn xung quanh đường hô hấp.
Ngoài ra, tình trạng hút thuốc lá nhiều năm cũng gây tác động xấu đến mạch vành nuôi dưỡng cơ tim, từ đó có thể gây ra các cơn đau thắt ngực.
Tình trạng các cơ tim thiếu Oxy do phổi hoạt động kém cũng có thể dẫn đến tình trạng đau ngực.
Trong giai đoạn tiến triển của bệnh, người bị phổi tắc nghẽn mạn tính còn có thể gặp phải các triệu chứng khác như đau đầu, giảm cân không lý do và có đờm đặc trong cổ họng.
3. Phương pháp điều trị và phòng ngừa bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
3.1. Điều trị
Muốn điều trị hiệu quả phổi tắc nghẽn mạn tính người bệnh cần dừng hút thuốc lá
- Dừng hút thuốc lá
Đây là bước quan trọng nhất trong quá trình điều trị phổi tắc nghẽn mạn tính. Ngừng hút thuốc lá có thể ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh và cải thiện chức năng phổi. Vì thế, người bệnh thường sẽ được hỗ trợ thực hiện các biện pháp phù hợp để dừng hút thuốc.
- Dùng thuốc
Để giảm viêm nhiễm và mở rộng đường thở, bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng các thuốc giãn cơ trơn phế quản và chống viêm theo phác đồ được khuyến cáo. Các loại thuốc này có thể được sử dụng dạng uống hoặc dùng cùng máy khí dung. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và thể trạng của từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định phù hợp.
- Liệu pháp oxy
Nếu mức oxy trong máu của người bệnh quá thấp có thể sẽ được bác sĩ chỉ định nhận oxy bổ sung thông qua sự hỗ trợ của máy thở hoặc mặt nạ thở. Điều này sẽ giúp cải thiện khả năng thở cho người bệnh, giúp họ bớt cảm giác mệt mỏi do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
- Phục hồi chức năng
Người bệnh sẽ được hướng dẫn các bài tập phù hợp như: thở cơ hoành, mím môi,... để phục hồi chức năng hô hấp.
- Phẫu thuật
Khi các phương pháp điều trị trên đây không có hiệu quả, bệnh tiến triển nặng thì khả năng cao người bệnh sẽ cần phẫu thuật. Thông qua phẫu thuật, bác sĩ sẽ đặt van phế quản một chiều giúp giảm thể tích phổi hoặc tiến hành ghép phổi.
- Thực hiện các biện pháp hỗ trợ
Bên cạnh các phương pháp can thiệp y tế, người bệnh cũng cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh và tập thể dục điều độ. Tập thể dục giúp tăng khả năng hô hấp và cải thiện sức mạnh cơ bắp; chế độ dinh dưỡng cân đối giúp cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Đây chính là phương pháp hỗ trợ để chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người bệnh được cải thiện.
3.2. Phòng ngừa
Dừng hút thuốc lá là giải pháp tốt nhất để ngăn chặn nguy cơ tái phát và phòng ngừa bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Vì thế, dù chưa mắc hay đã từng mắc bệnh lý này thì đây vẫn là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của mỗi người trước các bệnh lý về phổi.
Ngoài ra, phơi nhiễm nghề nghiệp với khói hóa chất và bụi cũng là yếu tố rủi ro đối với bệnh lý này. Do đó, nếu bạn làm việc với loại chất gây độc phổi thì hãy cố gắng có biện pháp bảo hộ tốt nhất để bảo vệ phổi.
Nếu còn thắc mắc nào khác hay có nhu cầu thăm khám, chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, quý khách hàng có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được giải đáp và hướng dẫn đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!