Tin tức

COPD là gì - Tổng quan về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD

Ngày 27/03/2023
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hay COPD đặc trưng bởi sự thu hẹp dần dần, tắc nghẽn vĩnh viễn đường thở và phổi, gây khó thở. Bài viết sau cung cấp các thông tin về bệnh COPD là gì, cơ chế của bệnh, các yếu tố nguy cơ và hướng điều trị.

1. Bệnh COPD là gì? Các yếu tố rủi ro gây bệnh

Bệnh COPD là gì? Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hay COPD là một bệnh phổi mạn tính phổ biến, là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ ba trên toàn thế giới.

Cơ chế của bệnh: tình trạng viêm phế quản làm cho thành phế quản dày lên, tăng phản ứng tiết chất nhầy, mô phổi bị viêm mạn tính dẫn đến sự đứt gãy các sợ liên kết trong thành phế quản, gây mất cấu trúc thành phế quản làm co thắt phế quản. Ngoài ra, các chất trung gian hóa học cũng gây ra sự co thắt cơ trơn phế quản. Sự co thắt phế quản kéo dài dẫn đến tình trạng ứ khí trong phế nang gây giãn phế nang và dần hình thành các kén khí. Khi kén khí xuất hiện nhiều và kích thước ngày càng lớn sẽ gây ra khí phế thũng

Các thuật ngữ "khí phế thũng" hoặc "viêm phế quản mạn tính" đôi khi được sử dụng để chỉ COPD. Khí phế thũng thường đề cập đến sự phá hủy các tế bào khí trong phổi. Viêm phế quản mạn tính là tình trạng ho mạn tính kèm theo đờm do đường thở bị viêm nhiễm.

Bệnh phổ biến hơn ở những người hút thuốc

Bệnh phổ biến hơn ở những người hút thuốc

Yếu tố nguy cơ chính của COPD là hút thuốc (chủ động hoặc thụ động) với hơn 80% trường hợp. Bên cạnh đó, các yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ phát triển bệnh:

  • Ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời.

  • Tiếp xúc nhiều với bụi và các chất hóa học (silica, bụi than, bụi thực vật, nấm mốc).

  • Phơi nhiễm nghề nghiệp (khoảng 15% COPD).

  • Hút thuốc thụ động.

  • Yếu tố di truyền.

  • Chậm phát triển trong tử cung, sinh non và nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên hoặc nghiêm trọng ở thời thơ ấu khiến phổi không thể phát triển tối đa, tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển của bệnh COPD sau này.

  • Hen suyễn ở trẻ em.

  • Thiếu hụt alpha-1-antitrypsin, một tình trạng di truyền hiếm gặp có thể dẫn đến COPD khi còn trẻ.

2.  Mối liên hệ giữa COPD và các bệnh đi kèm

COPD là một bệnh mạn tính liên quan đến nhiều rối loạn khác. Các bệnh đi kèm có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác nhau và các chức năng khác nhau của cơ thể: chuyển hóa, cơ, tim, tiêu hóa, tâm thần (lo âu, trầm cảm)… 

Trung bình một bệnh nhân COPD có 5 bệnh đi kèm

Trung bình một bệnh nhân COPD có 5 bệnh đi kèm

Nghiên cứu gần đây đã cho phép xem xét 79 bệnh đi kèm được quan sát thấy ở bệnh nhân COPD và chỉ ra rằng 12 trong số đó là yếu tố tiên lượng xấu và làm tăng nguy cơ tử vong trong 5 năm sau: ung thư phổi, tuyến tụy, thực quản hoặc vú, xơ phổi, rung nhĩ, suy tim, bệnh động mạch vành, loét dạ dày tá tràng, xơ gan, đái tháo đường, bệnh lý thần kinh và lo lắng. Hơn nữa, phần lớn bệnh nhân không tử vong vì suy hô hấp mà vì tai biến tim mạch, viêm phổi, ung thư…

Rối loạn chức năng của các cơ xương, đặc biệt là các cơ ở chi dưới, cũng là một bệnh đi kèm, là một yếu tố tiên lượng xấu, không phụ thuộc vào các rối loạn khác.

Mối liên hệ giữa COPD và các bệnh đi kèm dựa trên các cơ chế gây viêm, stress oxy hóa và sự thay đổi các đường truyền tín hiệu phổ biến đối với các chức năng cơ thể khác nhau.

3. Các triệu chứng của bệnh COPD

COPD phát triển ngấm ngầm và các dấu hiệu lâm sàng thường bị bỏ qua. Các triệu chứng sớm nhất là ho và khạc đờm mạn tính (viêm phế quản mạn tính), sau đó khó thở bắt đầu dần dần, một số hoạt động hàng ngày ngày càng trở nên khó thực hiện và hoạt động thể chất giảm đi, đôi khi rất đáng kể. 

COPD ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày của người bệnh

COPD ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày của người bệnh

Sự tiến triển này có thể xen kẽ với các đợt cấp: đây là những đợt ho nặng hơn, khạc đờm và khó thở có thể phải nhập viện.

4. Chẩn đoán và phương pháp điều trị

COPD không thể chữa khỏi, nhưng việc chẩn đoán và điều trị sớm là rất quan trọng để làm chậm sự tiến triển của bệnh và giảm nguy cơ các đợt cấp. Vì vậy, nếu nhận thấy các triệu chứng điển hình của bệnh, nên đến bệnh viện để kiểm tra sớm.

Phát hiện sớm và áp dụng các phương pháp điều trị để ngăn sự tiến triển của bệnh

Phát hiện sớm và áp dụng các phương pháp điều trị để ngăn sự tiến triển của bệnh

Để chẩn đoán COPD, bác sĩ chỉ định thực hiện xét nghiệm thăm dò chức năng hô hấp, để đo thể tích khí trao đổi trong quá trình thở và mức độ tắc nghẽn phế quản. Ngoài ra còn có các xét nghiệm khác: đo khí trong máu, chụp X-quang ngực để quan sát tổn thương phổi. Các phương pháp điều trị cho bệnh nhân mắc COPD là:

  • Cai thuốc lá.

  • Dùng thuốc.

  • Phục hồi chức năng hô hấp.

  • Luyện tập thể dục đều đặn.

Sau khi được chẩn đoán mắc bệnh COPD, bước đầu tiên là bỏ hút thuốc và/hoặc ngừng tiếp xúc với các chất thúc đẩy bệnh.

Sử dụng thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn hoặc dài, làm giãn đường thở và cải thiện luồng không khí. Phương pháp điều trị này có thể được kết hợp với corticosteroid để giảm viêm cục bộ trong trường hợp các đợt cấp lặp đi lặp lại và các triệu chứng đáng kể. Ngoài ra, Một số loại thuốc dạng hít có thể làm giảm các triệu chứng và ngăn ngừa các đợt cấp.

Đối với các trường hợp COPD nặng, liệu pháp oxy dài hạn là cần thiết, nên được dùng ít nhất 15 giờ mỗi ngày để cải thiện khả năng sống sót.

Phục hồi chức năng phổi rất hữu ích cho tất cả các bệnh nhân hạn chế trong các hoạt động hàng ngày, thường là từ mức độ nghiêm trọng của bệnh ở giai đoạn II. Phục hồi bao gồm tập luyện cơ bắp (độ bền và tăng cường sức mạnh của các cơ ngoại vi, thăng bằng, tư thế), giáo dục trị liệu (ngừng hút thuốc, tuân thủ điều trị, cân bằng dinh dưỡng, kiểm soát các đợt cấp,...) và vật lý trị liệu hô hấp. Do đó, hoạt động thể chất thường xuyên và phù hợp dường như là điều cần thiết để làm chậm sự tiến triển của bệnh.

Tiêm phòng cúm được khuyến cáo hàng năm cho bệnh nhân COPD. Tiêm phòng phế cầu khuẩn cũng được khuyến nghị cho bệnh nhân bị suy hô hấp mạn tính.

Trên đây là những thông tin hữu ích trả lời cho câu hỏi: “COPD là gì?” cũng như các triệu chứng, yếu tố nguy cơ hình thành bệnh, phương pháp chẩn đoán và hướng điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. 

Ngoài ra, nếu bạn nhận thấy các biểu hiện sức khỏe bất thường hoặc thuộc các yếu tố nguy cơ nêu trên, hãy đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được các bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm tư vấn, thăm khám và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp. Ngoài ra, bạn có thể gọi đến số tổng đài sau của bệnh viện - 1900 56 56 56 để được tư vấn và giải đáp các thắc mắc, hoặc đặt lịch khám nhanh chóng.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.