Tin tức
Bệnh thiếu máu cơ tim có nguy hiểm không và bệnh nhân nên ăn gì?
- 28/01/2021 | Điểm danh ngay 5+ triệu chứng nhồi máu cơ tim điển hình nhất
- 15/02/2021 | Phương pháp sơ cứu nhồi máu cơ tim ai cũng nên biết
- 05/02/2021 | Nhồi máu cơ tim gây nguy hiểm như thế nào?
1. Thiếu máu cơ tim là gì?
Thiếu máu cơ tim là bệnh lý miêu tả tình trạng giảm lưu lượng máu nuôi dưỡng đến cơ tim, khiến tim không nhận đủ năng lượng cho hoạt động co bóp tuần hoàn máu. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do lòng mạch vành dẫn máu hình thành các mảng xơ vữa che khuất, khiến máu khó lưu thông hơn.
Thiếu máu cơ tim thường do hẹp tắc mạch vành
Nguy hiểm hơn khi các mảng xơ vữa này vỡ ra, tích tụ với tế bào máu hình thành cục máu đông làm tắc nghẽn mạch vành, có thể biến chứng thành nhồi máu cơ tim.
Thiếu máu cơ tim có triệu chứng đặc trưng là xuất hiện những cơn đau thắt vùng ngực trái - khu vực trái tim. Tuy nhiên ở một số bệnh nhân, thiếu máu cơ tim không có biểu hiện, bệnh khó phát hiện và kiểm soát nên cũng nguy hiểm hơn.
2. Bác sĩ trả lời: Thiếu máu cơ tim có nguy hiểm không?
Thiếu máu cơ tim và triệu chứng của bệnh có thể chưa ảnh hưởng quá nhiều tới sức khỏe của người bệnh. Tuy nhiên theo thời gian, bệnh tiến triển nặng hơn, khi tim không được cung cấp đủ oxy và dinh dưỡng kéo dài sẽ bị suy giảm chức năng. Lúc này bệnh nhân phải đối mặt với nhiều vấn đề tim mạch như: rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, suy tim,…
Trong đó, biến chứng nhồi máu cơ tim có tỉ lệ tử vong rất cao, nhất là xảy ra ở bệnh nhân không có chuẩn bị y tế trước. Sự tắc nghẽn đột ngột của động mạch vành do huyết khối gây ra càng kéo dài, tính mạng của người bệnh càng bị đe dọa. Dù được cứu sống song tỉ lệ biến chứng sau nhồi máu cơ tim cũng rất cao.
Thiếu máu cơ tim có thể gây ra cơn nhồi máu cơ tim, đe dọa tính mạng người bệnh
Như vậy, cần nhận thức thiếu máu cơ tim là bệnh lý tim mạch nguy hiểm, cần đặc biệt lưu ý trong điều trị, kiểm soát và phòng ngừa. Nếu bản thân hoặc người xung quanh có dấu hiệu của tình trạng thiếu máu cơ tim cấp với căn đau thắt ngực, thiếu oxy,… thì đầu tiên hãy dừng mọi công việc. Gọi cấp cứu để bệnh nhân được chăm sóc y tế kịp thời, phòng ngừa nhồi máu cơ tim.
3. Thiếu máu cơ tim nên ăn gì?
Nguyên nhân chủ yếu gây thiếu máu cơ tim là sự hình thành và tích tụ của các mảng xơ vữa động mạch - bản chất là cholesterol lắng đọng quanh thành mạch vành. Để kiểm soát sự dày lên của các mảng xơ vữa này, giúp mạch máu nuôi tim không bị tắc nghẽn thì ngoài dùng thuốc điều trị, chế độ ăn uống giữ vai trò vô cùng quan trọng.
Nguyên tắc xây dựng chế độ ăn cho người bị thiếu máu cơ tim là kiểm soát nghiêm ngặt lượng chất béo xấu hấp thu, tăng cường chất béo tốt, chất oxy hóa và các chất giúp giảm hình thành xơ vữa và cục máu đông. Cụ thể, dưới đây là nhóm các thực phẩm mà các chuyên gia dinh dưỡng khuyên dùng để kiểm soát thiếu máu cơ tim:
Thực phẩm giàu chất xơ giúp kiểm soát cholesterol máu tốt hơn
3.1. Rau xanh, hoa quả tươi và thực phẩm giàu chất xơ
Mặc dù cơ thể không thể tiêu hóa chất xơ nhưng chất xơ đem lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe như: đem lại cảm giác no lâu, giảm cảm giác thèm ăn, hỗ trợ tiêu hóa, giảm cholesterol trong máu,… Vì thế bệnh nhân thiếu máu cơ tim không thể bỏ qua những thực phẩm giàu chất xơ như:
-
Các loại ngũ cốc nguyên hạt: yến mạch, lúa mạch, các loại đỗ,…
-
Rau xanh và hoa quả tươi, bên cạnh chất xơ thì thực phẩm này rất dồi dào vitamin và khoáng chất tốt cho tim mạch như: vitamin C, vitamin A, Canxi, Kali,…
3.2. Thực phẩm bổ sung Omega-3
Omega-3 là một loại acid béo, tuy nhiên nó được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích trong nhiều chế độ ăn khoa học. Những nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, omega-3 rất có ích cho tim mạch và những người mắc bệnh tim mạch.
Cụ thể với bệnh lý thiếu máu cơ tim, bổ sung omega-3 giúp giảm sự tích tụ mảng bám động mạch, giảm tắc nghẽn mạch máu và kiểm soát nhịp tim tốt hơn. Trong tự nhiên, omega-3 có trong nhiều loại thực phẩm, nhất là các loại cá béo như: cá hồi, cá mòi, cá trích, cá thu, cá ngừ,…
Người bình thường được khuyến cáo nên ăn cá ít nhất 1 tuần 2 lần, với bệnh nhân thiếu máu cơ tim cần bổ sung nhiều hơn omega-3 từ thực phẩm này để kiểm soát mỡ máu tốt hơn. Ngoài bổ sung tự nhiên, bệnh nhân có thể trao đổi với bác sĩ để xem xét bổ sung dầu cá từ thực phẩm chức năng.
Cá béo rất tốt cho người mắc bệnh tim mạch
3.3. Sữa không béo hoặc ít béo
Sữa cung cấp cho con người rất nhiều chất dinh dưỡng quan trọng, đặc biệt với người bệnh. Tuy nhiên bệnh nhân thiếu máu cơ tim được khuyến cáo nên chọn sữa ít béo hoặc sữa không béo để hạn chế lượng chất béo xấu tiêu thụ.
Ngoài ra, các chế phẩm từ sữa với hàm lượng chất béo được kiểm soát cũng được khuyến khích như: phô mai ít béo, sữa chua không béo,…
Bên cạnh những nhóm thực phẩm tốt trên, người bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ cũng cần lưu ý hạn chế ăn các loại thực phẩm sau:
-
Thịt đỏ: Thịt đỏ chứa nhiều protein nhưng cũng nhiều chất béo xấu, vì thế nên hạn chế bằng cách cân nhắc ăn 1 bữa không có thịt mỗi ngày. Thay vì thịt đỏ, người bệnh nên ăn thịt giàu protein khác như cá, thịt gia cầm, thịt trắng,…
-
Muối: Muối làm tăng huyết áp, tăng nguy cơ biến chứng từ thiếu máu cơ tim cục bộ nên cần giảm muối trong chế độ ăn.
-
Thực phẩm giàu chất béo bão hòa và đường như: đồ chiên rán, thực phẩm chế biến sẵn, thức uống có gas, bánh kẹo chứa nhiều đường tổng hợp,…
Đi bộ giúp tăng tuần hoàn máu và sức khỏe tim mạch
Bệnh thiếu máu cơ tim hoàn toàn có thể được kiểm soát tốt nếu bệnh nhân tuân thủ điều trị, chăm sóc với chế độ ăn uống, luyện tập thể thao và làm việc nghỉ ngơi hợp lý. Đặc biệt, người bệnh thiếu máu cơ tim được khuyến cáo nên đi bộ tối thiểu 30 phút mỗi ngày, đều đặn 5 buổi/tuần để tăng cường tuần hoàn tim tốt hơn.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!