Tin tức

Bệnh van động mạch chủ hai mảnh có thể gây biến chứng nguy hiểm

Ngày 25/05/2021
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Van động mạch chủ hai mảnh là một dạng khiếm khuyết bẩm sinh nhưng thường không phát hiện ở trẻ nhỏ do không gây triệu chứng nào cho đến tuổi trưởng thành. Song cũng có nhiều người bị van động mạch chủ hai mảnh nhưng sống cả đời không gặp triệu chứng gì. Khi khởi phát triệu chứng, cần chẩn đoán và phẫu thuật can thiệp để đảm bảo sức khỏe cho người bệnh. 

1. Bệnh van động mạch chủ hai mảnh và triệu chứng

Van động mạch chủ hay van 3 lá nằm tại vị trí giữa động mạch chủ và tâm thất trái, thực hiện nhiệm vụ như van 1 chiều cho máu từ tim chảy ra động mạch chủ. Hoạt động đóng, mở nhịp nhàng của van này rất quan trọng để tim điều chỉnh lưu lượng máu ra phù hợp cũng như ngăn cản máu chảy ngược lại tim.

Van động mạch chủ hai mảnh là dị tật bẩm sinh

Van động mạch chủ hai mảnh là dị tật bẩm sinh

Bình thường, van động mạch chủ của trái tim có 3 lá, song ở người mắc bệnh van động mạch chủ hai mảnh có khiếm khuyết bẩm sinh nên chỉ còn 2 mảnh lá van. Cũng có dạng khiếm khuyết khác khi van động mạch chủ chỉ có 1 lá hoặc 4 lá song rất hiếm, dạng 2 mảnh lá van vẫn phổ biến hơn cả.

Bệnh van động mạch chủ hai mảnh khiến cho van không thể mở rộng hoàn toàn, có thể dẫn tới hẹp van động mạch chủ và giảm lưu lượng máu nuôi mà tim cung cấp cho cơ thể. Nếu khiếm khuyết khiến van động mạch chủ không thể đóng kín, máu có thể chảy ngược vào tâm thất trái dễ gây ra tình trạng: Phình động mạch chủ, tăng giảm huyết áp không ổn định, bóc tách động mạch chủ,…

Mặc dù là khiếm khuyết tim bẩm sinh song đa phần trẻ mắc van động mạch chủ hai mảnh không có nghiêm trọng, vẫn có sức khỏe và hoạt động bình thường trong nhiều năm. Trường hợp trẻ mắc bệnh bị suy tim sung huyết từ nhỏ là rất hiếm gặp, song không nên coi thường nếu có triệu chứng tim bất thường.

Nhiều trẻ bị van động mạch chủ hai mảnh không có triệu chứng

Nhiều trẻ bị van động mạch chủ hai mảnh không có triệu chứng

Nhiều người bị van động mạch chủ hai mảnh đến khi trưởng thành mới có triệu chứng. Nguyên nhân do theo thời gian, canxi lắng đọng trên và xung quanh khiến lá van cứng, hẹp lại. Lúc này việc bơm máu của tim ra ngoài sẽ khó khăn hơn nhiều, tim phải hoạt động nhiều hơn nếu kéo dài dễ dẫn tới suy tim. Triệu chứng do hẹp van động mạch chủ thường gặp là: đau ngực, chóng mặt, thở nông, ngất xỉu khi lưu lượng máu nuôi lên não không đủ.

Ngoài ra, ở bệnh nhân mắc van động mạch chủ hai mảnh không đóng mở hoàn toàn, máu có thể chảy ngược vào tâm thất trái, khiến tim phải bơm máu ra thêm 1 lần. Tình trạng này dễ khiến tâm thất trái bị giãn ra, phình to, triệu chứng là khó thở khi hoạt động gắng sức.

Bệnh van động mạch chủ hai mảnh càng tiến triển nặng thì triệu chứng càng xuất hiện với tần suất dày hơn, thậm chí cả khi nghỉ ngơi, không vận động. Lúc này, cần chẩn đoán và can thiệp tránh van động mạch chủ hai mảnh gây ra biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.

2. Bệnh van động mạch chủ hai mảnh gây biến chứng gì?

Khoảng 30% bệnh nhân mắc bệnh van động mạch chủ hai mảnh sẽ phát triển thành biến chứng nghiêm trọng theo thời gian, vì thế cần theo dõi liên tục sự thay đổi của van tim và can thiệp khi cần thiết. Biến chứng gặp phải có thể khiến bệnh nhân tử vong:

2.1. Suy tim

Khi van động mạch chủ hai mảnh gây hẹp van tim trong thời gian dài, tâm thất trái phải bơm mạnh hơn khiến thành dày hơn. Hậu quả là tình trạng tâm thất phì đại, năng suất bơm của tim giảm dần và cuối cùng là suy tim. 

Các yếu tố dễ khiến suy tim ở bệnh nhân van động mạch chủ hai mảnh tới sớm hơn bao gồm: Nồng độ Cholesterol trong máu cao, chăm sóc sức khỏe tim mạch không tốt, hút thuốc lá,…

2.2. Phình và bóc tách động mạch chủ

Tình trạng rối loạn mô liên kết do van động mạch chủ hai mảnh dễ khiến lớp nội mô lót bên trong lòng động mạch thoái hóa dần, dễ bị giãn ra và bóc tách khỏi các lớp khác, đặc biệt là khi huyết áp tăng cao. Cuối cùng, khi động mạch chủ bị giãn quá mức có thể phình ra, hình thành ở túi phình tại vị trí thành động mạch. 

Vị trí phình thành có thể vỡ ra hoặc bong tách, nghĩa là khi các lớp mô bên trong và bên ngoài động mạch tách rời nhau. Đây là hai biến chứng khẩn cấp, nếu không can thiệp sớm có thể gây tử vong.

3. Điều trị van động mạch chủ hai mảnh như thế nào?

Rất hiếm gặp trẻ sơ sinh bị van động mạch chủ hai mảnh nghiêm trọng song các trường hợp này phải phẫu thuật ngay. Bệnh nhân trưởng thành có triệu chứng hoặc biến chứng cũng cần phẫu thuật để xử lý triệt để tình trạng bệnh.

Phẫu thuật thay thế van động mạch chủ thường được thực hiện

Phẫu thuật thay thế van động mạch chủ thường được thực hiện

Các phương pháp phẫu thuật điều trị có thể áp dụng tùy theo tình trạng bệnh là:

Thay van động mạch chủ

Khi van động mạch chủ cũ vôi hóa, hỏng không thể phục hồi và thực hiện được chức năng của mình, bắt buộc phải thay van. Nguồn van thay thế có thể là van cơ học hoặc van từ mô tim của lợn, bò hay người. Van sinh học được thay thế này thường không bền, nhanh thoái hóa theo thời gian nên phải theo dõi thường xuyên, tiếp tục thay thế khi cần thiết.

Ngoài ra, bệnh nhân thay van động mạch chủ phải uống thuốc chống đông máu duy trì suốt đời để ngăn hình thành cục máu đông.

Phẫu thuật sửa chữa van động mạch chủ

Phẫu thuật này không thường áp dụng trong điều trị bệnh van động mạch chủ hai mảnh, do khả năng phục hồi sữa chưa không cao. Kỹ thuật can thiệp thường là tách lá van bị dính lại với nhau, tái định hình hoặc loại bỏ mô phát triển quá mức.

Phẫu thuật nong van bằng bóng

Một bong bóng gắn được đưa vào động mạch chủ qua động mạch háng nhằm thực hiện nhiệm vụ mở rộng động mạch chủ bị tắc hẹp. Quả bóng ban đầu kích thước nhỏ được đưa vào, sau đó bơm phồng lên tại vị trí hẹp và cuối cùng được đưa ra ngoài bằng ống thông.

Phẫu thuật này thường áp dụng cho trẻ bị van động mạch chủ hai mảnh có tình trạng hẹp van động mạch chủ, song van có xu hướng hẹp lại khi trưởng thành.

Khi bị van động mạch chủ hai mảnh, bệnh nhân nên thường xuyên thăm khám, theo dõi tình trạng bệnh

Khi bị van động mạch chủ hai mảnh, bệnh nhân nên thường xuyên thăm khám, theo dõi tình trạng bệnh

Phẫu thuật gốc động mạch chủ

Trong kỹ thuật này, bác sĩ sẽ can thiệp loại bỏ phần động mạch chủ phình to, sau đó thay thế bằng ống ghép hoặc khâu nối trực tiếp. Đồng thời van động mạch chủ cũng được sửa chữa và thay thế.

Khi có chẩn đoán van động mạch chủ hai mảnh, bệnh nhân nên thường xuyên thăm khám, theo dõi tình trạng bệnh và có thể phải điều trị lâu dài. Bệnh có tính di truyền nên người nhà bệnh nhân, nhất là trẻ nhỏ nên được kiểm tra tầm soát nguy cơ mắc bệnh. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ