Tin tức

Biện pháp phòng ngừa viêm gan A dành cho tất cả mọi người

Ngày 21/07/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Viêm gan A tuy không là bệnh lý nguy hiểm như các bệnh viêm gan virus khác nhưng nó lại có khả năng lây nhiễm nhanh, gây mệt mỏi ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, học tập và công việc của người bệnh. Một số trường hợp viêm gan A có thể sẽ phải đối diện với các biến chứng khôn lường. Vì thế chủ động biết các biện pháp phòng ngừa viêm gan A là cách tốt nhất để bảo vệ mình trước bệnh lý này.

1. Bệnh viêm gan A - những điều nên biết

1.1. Viêm gan A là bệnh gì

Viêm gan A là loại viêm gan do virus Hepatitis A Virus (HAV) gây nên, khiến cho tế bào biểu mô gan bị tổn thương, chức năng gan bị suy giảm. Đây là bệnh lý dễ lây truyền từ người sang người theo đường bài tiết và tiêu hóa. Thực phẩm nhiễm virus chưa được nấu kỹ và nguồn nước ô nhiễm chính là cơ hội để virus HAV sinh sôi. 

biện pháp phòng ngừa viêm gan A

Dùng nguồn nước ô nhiễm dễ bị lây virus viêm gan A

Thời điểm virus viêm gan A dễ lây nhiễm nhất là hai tuần trước khi nó xuất hiện triệu chứng ở người bệnh và sau khi đã bị vàng da 1 tuần. Một người không thể bị tái diễn viêm gan A sau khi đã bị nhiễm bệnh lý này và đã được điều trị khỏi nhưng có nhiều loại virus gây viêm gan khác nhau nên đã bị viêm gan A không có nghĩa là sẽ không bị các loại viêm gan virus khác.

1.2. Vì sao bị bệnh viêm gan A

Như đã nói ở trên, tác nhân chính gây nên bệnh viêm gan A chính là virus HAV. Loại virus này thường sống trong môi trường nước, đất, đồ uống, thức ăn, đồ dùng gia đình, vật dụng sinh hoạt cá nhân,… Virus viêm gan A tồn tại nhiều nhất ở nước bọt, phân và nước tiểu của người bị bệnh lý này nên nếu không xử lý tốt chất thải của người bệnh sẽ làm ô nhiễm môi trường xung quanh và khiến bệnh lây lan nhanh chóng.

Viêm gan virus A có nguy cơ cao nhất với độ tuổi 5 - 14. Tuy nhiên, bất cứ ai chưa có miễn dịch với virus viêm gan A đều có nguy cơ bị mắc viêm gan do chủng virus này gây nên khi phơi nhiễm với virus qua đồ ăn, nước uống có chứa virus hoặc khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Vùng có điều kiện vệ sinh và môi trường kém là có nguy cơ bị nhiễm bệnh cao nhất.

1.3. Con đường lây nhiễm virus viêm gan A

Virus viêm gan A có thể lây nhanh qua các con đường sau:

- Ăn thức ăn, uống đồ uống của người bị viêm gan A.

- Sau khi đi vệ sinh không dùng xà phòng rửa tay kỹ.

- Dùng nguồn nước ô nhiễm chưa được xử lý.

- Ăn các loại động vật sinh sống ở môi trường nước bẩn.

- Tiếp xúc thường xuyên hoặc sống chung với người bị viêm gan A.

- Có quan hệ tình dục với người mang virus viêm gan A nhưng không sử dụng bao cao su.

1.4. Triệu chứng bệnh viêm gan A như thế nào

Các triệu chứng của viêm gan A thường xuất hiện sau khi ủ bệnh khoảng 1 tháng. Tuy nhiên không phải mọi trường hợp mắc bệnh lý này đều có triệu chứng rõ ràng vì có những người không có bất kỳ triệu chứng nào. Khi các triệu chứng của bệnh đã xuất hiện thì nó có thể kéo dài 2 - 6 tháng.

Các triệu chứng thường thấy ở người bị viêm gan A

Các triệu chứng thường thấy ở người bị viêm gan A

Người bị viêm gan A khi đã có triệu chứng thì sẽ gồm:

- Mệt mỏi: người bệnh hoạt động kém hơn bình thường vì chất độc hại được giữ lại bên trong cơ thể khiến cho toàn thân mệt mỏi, khó chịu.

- Rối loạn tiêu hóa: do gan tham gia vào quá trình tiêu hóa thức ăn nên sự xâm nhập của virus HAV sẽ làm giảm vai trò trong quá trình này của gan. Do đó người bệnh cũng sẽ có triệu chứng rối loạn tiêu hóa như: táo bón, tiêu chảy, vùng bụng bên xương sườn phải đau nhẹ, buồn nôn, nôn, chán ăn, ăn kém,...

- Sốt nhẹ: sở dĩ người bị viêm gan A có hiện tượng sốt là do lượng bạch cầu được điều động bỗng nhiên tăng lên để chống lại virus. Đặc điểm của cơn sốt là theo giờ cố định và có tính thường xuyên.

- Ngoài da ngứa, mọc mụn nhọt, da vàng: đây là hệ quả của việc chất độc không thể đào thải ra ngoài nên lưu lại trong gan và phát ra da. Bên cạnh đó, da của người bệnh cũng sẽ có màu vàng với sắc thái đậm nhạt khác nhau tùy vào mức độ bệnh, nó chính là kết quả của lượng albumin tăng cao.

 - Nước tiểu màu vàng: albumin được đào thải qua thận khiến cho nước tiểu của người bệnh có màu vàng sẫm.

- Khớp và cơ bị đau: đây là triệu chứng ít gặp nhưng khi nó xuất hiện thì cảnh báo bệnh dễ chuyển sang mãn tính hoặc đã ở giai đoạn muộn.

1.5. Biến chứng cần đề phòng khi bị viêm gan A

Hầu hết các trường hợp bị viêm gan A đều có thể tự phục hồi trong 1 - 2 tháng mà không gây ra tổn thương kéo dài. Khi đã bình phục thì virus cũng không tồn tại trong cơ thể nữa. Tuy nhiên, có một số ít trường hợp viêm gan bùng phát làm đe dọa trực tiếp đến tính mạng khi nó chuyển sang giai đoạn suy gan, thường là ở nhóm bệnh nhân ghép gan hoặc bị bệnh gan mạn tính. Ngoài ra, viêm gan A cũng có thể trở thành yếu tố góp phần làm xơ mỡ động mạch.

2. Biện pháp phòng ngừa viêm gan A như thế nào

2.1. Phòng ngừa bằng chế độ sinh hoạt và ăn uống

Thay đổi chế độ sinh hoạt và ăn uống được xem là một trong các biện pháp phòng ngừa viêm gan A hiệu quả. Muốn đạt được điều này, mỗi người cần:

Tiêm vắc xin là biện pháp phòng ngừa viêm gan A hiệu quả

Tiêm vắc xin là biện pháp phòng ngừa viêm gan A hiệu quả

- Thường xuyên rửa tay bằng xà bông thật kỹ cùng với nước tối thiểu 20 giây, nhất là sau khi đi vệ sinh hay chế biến đồ ăn.

- Đảm bảo giữ vệ sinh sạch sẽ môi trường sống và nguồn nước.

- Tiêu hủy tốt chất thải của người bệnh để không có mầm mống virus lây ra cộng đồng.

- Nấu chín thức ăn, hạn chế ăn đồ ăn chưa chín.

- Xây dựng chế độ dinh dưỡng giàu vitamin, đạm và khoáng chất.

- Hạn chế tối đa việc sử dụng các loại đồ uống có chứa chất kích thích.

- Tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc chuyển hóa gan.

- Nghỉ ngơi đầy đủ để cơ thể không bị thiếu năng lượng, mệt mỏi.

- Khám sức khỏe định kỳ để bệnh viêm gan A sớm được phát hiện và điều trị hiệu quả.

- Không sử dụng chung vật dụng hay đồ dùng cá nhân với ai khác.

2.2. Tiêm vắc xin phòng bệnh

Biện pháp phòng ngừa viêm gan A hết sức đơn giản và hiệu quả đó là tiêm vắc xin viêm gan A. Một liệu trình vắc xin được xem là đầy đủ khi được tiêm 2 mũi, mỗi mũi cách nhau ít nhất 6 tháng. Việc tiêm đủ liệu trình này sẽ giúp cơ thể có kháng thể chống lại virus HAV. Vắc xin viêm gan A được khuyến khích tiêm chủng cho các đối tượng:

- Trẻ nhỏ từ 1 tuổi.

- Quan hệ đồng tính nam.

- Người phải đi đến vùng có tần suất bị viêm gan A cao.

- Người bị bệnh gan mạn tính, trong đó có cả viêm gan virus B và C.

- Người có tiền sử với bệnh rối loạn đông máu.

- Người đã tiếp xúc trực tiếp với người bị viêm gan A.

- Người nghiện thuốc lá.

Không chỉ phòng ngừa viêm gan A từ khi chưa mắc bệnh mà ngay cả sau khi đã tiếp xúc với virus rồi vẫn có thể tiêm phòng. Vì thế, nếu bản thân ai đó biết mình có tiếp xúc với người mang virus trong vòng 2 tuần nên đến bác sĩ để thực hiện biện pháp phòng ngừa viêm gan A bằng cách chủng ngừa. 

Như vậy có thể thấy biện pháp phòng ngừa viêm gan A hết sức đơn giản và tất cả chúng ta đều dễ dàng thực hiện được. Nếu cần đến sự hỗ trợ về y tế để đối phó với căn bệnh này, đừng quên gọi tới tổng đài 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được giúp đỡ nhanh chóng và chính xác.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.