Tin tức

Bỏng đường hô hấp: Nguyên nhân - triệu chứng và cách xử trí

Ngày 04/05/2023
Bỏng đường hô hấp là một trong những tình huống nguy hiểm cần được cấp cứu và xử trí trong thời gian sớm nhất có thể. Điều này là do tình trạng bỏng có thể khiến đường hô hấp bị tổn thương với nguy cơ tử vong cao. Nếu không được cấp cứu kịp thời bỏng đường hô hấp sẽ đe dọa đến tính mạng người bệnh.

1. Thế nào là bỏng đường hô hấp?

Một người bị bỏng đường hô hấp là khi đường hô hấp của người đó bị nhiệt độ làm tổn thương. Nguyên nhân là do hít phải các chất hóa học hoặc khói kích thích gây bỏng niêm mạc đường hô hấp. Không chỉ tác động trực tiếp đến đường thở, tình trạng bỏng đường hô hấp còn có thể khiến người bệnh toàn thân nhiễm độc. Độ nghiêm trọng của thương tổn phụ thuộc vào nguyên nhân gây bỏng, thời gian tiếp xúc với yếu tố gây bỏng, loại khói, độ hòa tan của khói độc.

CO (Carbon monoxide) và HCN (Hydrogen cyanide) chính là 2 loại phổ biến nhất gây ra tình trạng bỏng đường hô hấp cho nạn nhân. Cụ thể:

  • HCN: xuất hiện nhiều ở những nạn nhân trải qua đám cháy, gây ra những triệu chứng như suy giảm ý thức, mất bù tim hay ngừng tim;

  • CO: khi hít phải khí này, nạn nhân sẽ bị thiếu oxy mô một cách nghiêm trọng.

Sau đây là phân loại của bỏng đường hô hấp:

  • Tổn thương nằm ở đường hô hấp trên: phổ biến nhất. Bỏng xuất hiện vùng cổ, vùng mặt có thể khiến các bộ phận tại đây bị biến dạng hoặc chèn ép đường thở, đồng thời gây ra các hệ quả như phù nề, ban đỏ, viêm cấp tính, loét, dễ bị nhiễm khuẩn. Ngoài ra bỏng còn kích thích tiết dịch gây tắc nghẽn đường hô hấp dưới, xẹp phổi, suy hô hấp;

  • Tổn thương khí quản: khi hóa chất, khí độc có trong chất lỏng, khí tràn vào hệ hô hấp sẽ khiến bệnh nhân gặp phải các triệu chứng như thở khò khè, ho dai dẳng, thở nhanh, thông khí giảm, có bồ hóng trong dịch tiết đường thở, ure huyết tăng, thậm chí bị xẹp phổi;

  • Tổn thương phổi: đặc trưng với các hiện tượng xẹp phế nang, xẹp phổi.

Bỏng đường hô hấp thường là do hít phải khói độc ở đám cháy

Bỏng đường hô hấp thường là do hít phải khói độc ở đám cháy

Thông qua nội soi phế quản có thể xác định được mức độ tổn thương đường hô hấp như sau:

  • Không bị thương: không xuất hiện ban đỏ, không bị cặn carbon, phù nề hay tắc nghẽn phế quản;

  • Mức 1 (chấn thương nhẹ): khu vực gần hoặc xa phế quản nổi lên vùng ban đỏ, có cặn carbon;

  • Mức 2 (chấn thương trung bình): cặn carbon kèm theo ban đỏ mức độ vừa, tắc nghẽn và đa tiết phế quản;

  • Mức 3 (chấn thương nặng): tìm thấy nhiều cặn carbon, đường hô hấp viêm nặng, đa tiết cùng tắc nghẽn phế quản;

  • Mức 4 (chấn thương lan rộng): niêm mạc bong tróc, hoại tử, có thể bị tắc nghẽn nội mạc.

2. Dấu hiệu nhận biết bỏng đường hô hấp 

Phụ thuộc vào mức độ tổn thương, bỏng đường hô hấp sẽ gây ra những triệu chứng như sau:

  • Bỏng vùng mặt;

  • Mắt cay, nhìn mờ;

  • Thở nhanh, khó thở, thở khò khè, sổ mũi;

  • Chóng mặt;

  • Ho, ho có đờm, khạc nước bọt thấy có màu xám hoặc đen;

  • Ngứa họng, buồn nôn và nôn;

  • Tức ngực;

  • Bất tỉnh, hôn mê.

Bỏng đường hô hấp không chỉ ảnh hưởng đến hệ hô hấp của nạn nhân mà còn có thể gây độc toàn thân. Nếu người bệnh có sẵn các bệnh lý mạn tính ở phổi hoặc tim thì tình trạng bỏng đường hô hấp càng khiến bệnh tình nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Một số biến chứng nguy hiểm mà bệnh nhân có thể gặp phải sau khi bị bỏng đường hô hấp đó là: giãn phế quản, hẹp khí quản, suy chức năng phổi, xơ phổi, bệnh phổi mô kẽ, viêm tiểu phế quản tắc nghẽn,... Đặc biệt nguy cơ biến chứng sẽ cao hơn nếu nạn nhân là trẻ nhỏ và người cao tuổi.

3. Các phương pháp điều trị và phòng ngừa bỏng đường hô hấp

3.1. Những biện pháp được áp dụng trong điều trị bỏng đường hô hấp

Phụ thuộc vào mức độ bị bỏng cũng như tình trạng thể chất của bệnh nhân mà đội ngũ cấp cứu sẽ có phương hướng xử trí thích hợp. 

Ban đầu bệnh nhân cần được di tản xa hiện trường hỏa hoạn hoặc nơi chứa chất độc, đưa họ tới khu vực thoáng khí. Sau đó đặt nạn nhân nằm nghiêng hoặc ngồi dậy, tiến hành sơ cứu các tổn thương và những vùng cơ thể bị bỏng. Trong trường hợp bệnh nhân khó thở cần áp dụng hồi sức tim phổi.

Nếu nạn nhân còn tỉnh táo thì hỏi xem người bệnh có bị mắc bệnh lý mạn tính về đường hô hấp hay không (COPD, hen phế quản,...), nếu có hãy tìm xem họ có đem theo bên người các thuốc xịt chuyên dụng không và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị.

Tức ngực là triệu chứng thường thấy ở những người bị bỏng đường hô hấp

Tức ngực là triệu chứng thường thấy ở những người bị bỏng đường hô hấp

Các biện pháp cấp cứu cần áp dụng bao gồm:

  • Mở thông khí quản hoặc đặt nội khí quản đối với những trường hợp có triệu chứng giảm oxy máu, suy hô hấp, bỏng nặng vùng cổ, vùng mặt, giảm thông khí, phù nề hoặc bị phồng rộp khu vực hầu họng,...;

  • Sau khi đảm bảo được điều kiện thở cho bệnh nhân cần kết hợp điều trị tổn thương. Trong khoảng thời gian đầu  (dưới 36 giờ) cần chú trọng xử trí tình trạng nhiễm độc toàn thân, đồng thời theo dõi chặt chẽ để sớm phát hiện nguy cơ co thắt phế quản và phù nề đường thở cùng các biến chứng khác có thể xảy đến;

  • Tùy thuộc vào diễn biến của bệnh sẽ cần thực hiện các biện pháp điều trị hỗ trợ khác như:

  • Nếu bệnh nhân gặp hiện tượng co thắt phế quản, thở khò khè thì dùng thuốc giãn phế quản để khắc phục;

  • Làm thông thoáng đường thở bằng cách: dẫn lưu tư thế, vật lý trị liệu lồng ngực, sử dụng thuốc xịt tiêu chất nhầy phối hợp với thuốc dạng khí dung heparin;

  • Kiểm soát tình trạng co thắt, co giật bằng racemic epinephrine nhắc lại 4 giờ/lần;

  • Khi người bệnh bị giảm thể tích khí lưu thông hoặc xuất hiện hội chứng suy hô hấp cấp thì cần cho bệnh nhân dùng máy thở.

Lưu ý: Các thuốc dùng trong điều trị bỏng đường hô hấp cần được sử dụng theo chỉ định dưới sự hướng dẫn, theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa.

3.2. Cách để phòng tránh nguy cơ bị bỏng đường hô hấp

Dưới đây là những phương pháp có thể giúp bạn phòng tránh nguy cơ bỏng đường hô hấp hiệu quả:

  • Học các kỹ năng phòng cháy chữa cháy và dự phòng trong nhà những thiết bị chữa cháy để cứu sống bản thân nếu có hỏa hoạn xảy ra;

  • Nếu công việc của bạn hàng ngày phải tiếp xúc nhiều với các khí và hóa chất độc hại thì luôn phải mặc đồ bảo hộ chuyên dụng. Ngoài ra cần tuân thủ quy trình xử lý rác thải công nghiệp theo tiêu chuẩn trước khi đưa ra ngoài môi trường;

  • Nếu khu vực bạn đang sinh sống và làm việc ở gần nơi có đám cháy thì nên hạn chế ra ngoài. Thay vào đó hãy đóng cửa lại và bật máy lọc không khí trong phòng;

  • Tránh tiếp xúc với khói thuốc khi vết thương trong đường hô hấp chưa lành.

Mỗi gia đình nên trang bị thiết bị phòng cháy chữa cháy

Mỗi gia đình nên trang bị thiết bị phòng cháy chữa cháy

Trên đây là những điều bạn cần biết về tình trạng bỏng đường hô hấp. Vì mang tính chất nguy hiểm cao nên nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời và điều trị đúng cách. Nếu chậm trễ hoặc tổn thương quá nặng thì tình trạng này có thể đe dọa đến tính mạng nạn nhân bất cứ lúc nào.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.