Tin tức
Các bài thuốc trị ngứa ngoài da hiệu quả trong dân gian
- 23/12/2022 | Trời lạnh bị ngứa tay chân: Nguyên nhân và giải pháp khắc phục
- 22/12/2022 | Ngứa lòng bàn chân - hiểu đúng để chủ động phòng ngừa
- 05/04/2023 | Thuốc trị ghẻ ngứa bôi ngoài da và hướng dẫn cách sử dụng
1. Cây đinh lăng
Đinh lăng không chỉ được biết đến là một món rau trong bữa mà còn là loại dược liệu thường được dân gian sử dụng để làm thuốc. Cây đinh lăng rất dễ trồng và xuất hiện nhiều ở các tỉnh nước ta. Theo tài liệu Đông y, lá đinh lăng có vị hơi đắng, nhạt, tính bình thường dùng để chống dị ứng, chữa ho ra máu, bệnh kiết lỵ và giải độc,...
Theo nghiên cứu y học hiện đại, trong lá đinh lăng có chứa các dược chất như vitamin B, flavonoid, glucoside, methionin, lysin, saponin, tanin,... rất tốt cho sức khỏe con người. Vì vậy bạn có thể dùng lá đinh lăng để ăn trực tiếp hoặc sắc với nước uống điều trị sưng tấy, mụn nhọt và giảm cảm giác ngứa ngáy ngoài da.
Các bước chế biến lá đinh lăng để khắc phục triệu chứng ngứa ngoài da:
-
Rửa sạch một nắm lá đinh lăng và để ráo nước;
-
Đem chỗ lá này đi phơi hoặc sấy cho khô;
-
Sắc lá đinh lăng cùng 500ml nước, giữ lửa nhỏ trong 15 - 20 phút đến khi nước cạn còn khoảng 250ml thì tắt bếp;
-
Gạn lấy phần nước để uống, chia thành 2 lần dùng hết trong ngày.
Vị thuốc trị ngứa ngoài da - cây đinh lăng
2. Lá cây đơn đỏ - vị thuốc trị ngứa ngoài da
Cây đơn đỏ có rất nhiều tên gọi khác nhau, ví dụ như hồng liễu bối hoa, đơn mặt trời, đơn tướng quân, đơn tía,... Trong ghi chép của Y học Cổ truyền, lá của cây đơn đỏ có tính mát, vị đắng, công dụng giải độc, thanh nhiệt, trừ thấp, khu phong, lợi niệu và giảm đau hiệu quả. Nhờ những đặc điểm này nên lá cây đơn đỏ thường được vận dụng vào các bài thuốc trị mẩn ngứa, dị ứng, mụn nhọt, kiết lỵ, tiêu chảy lâu ngày, tiểu tiện hoặc đại tiện ra máu,...
Để cải thiện triệu chứng mẩn ngứa ngoài da, bạn có thể dùng cây đơn đỏ theo công thức dưới đây:
-
Chuẩn bị nguyên liệu: 30g lá và cành cây đơn đỏ; bầu đất, thài lài, đậu ván tía (mỗi loại 15g);
-
Rửa sạch tất cả vị thuốc, để ráo nước và sắc nguyên liệu cùng 1,5 lít nước, để lửa nhỏ và vừa cho tới khi nước cạn còn khoảng 750ml thì tắt bếp;
-
Chắt lấy nước uống thành 3 lần trong ngày sau ăn.
Ngoài bài thuốc nêu trên, bạn có thể làm theo cách khác như sau:
-
Chuẩn bị lá đơn đỏ, đem đi rửa sạch ráo nước;
-
Cắt lá thành những mảnh nhỏ, đem đi giã nhuyễn và thêm muối biển loại hạt to;
-
Gạn lấy nước cốt, giữ lại phần bã;
-
Chia nước thành 2 lần uống trong ngày;
-
Đem phần bã lá đắp lên vùng da bị ngứa. Thời gian đắp lá là khoảng 30 phút, sau đó bỏ bã, rửa sạch vùng da và lau khô.
Hình dáng của cây đơn đỏ
3. Dùng cây nhọ nồi để trị ngứa
Cây nhọ nồi còn có tên gọi khác là cây cỏ mực rất có lợi cho sức khỏe, mọc nhiều ở các nước châu Á. Trong ghi chép Đông y, cây nhọ nồi là loại dược liệu có vị chua ngọt, tính lương (làm mát máu), công dụng chỉ huyết (cầm máu), bổ thận, tiêu nhiệt, dùng để điều trị xuất huyết nội tạng (tiểu tiện ra máu, rong kinh, xuất huyết dạ dày, thổ huyết do bị lao), chữa viêm gan mạn tính, mẩn ngứa, lở loét sưng tấy ngoài da do chấn thương, kiết lỵ, làm đen râu tóc,... Nhìn chung là vị thuốc điều trị các bệnh về nhiễm trùng, gan và hệ tiêu hóa.
Ngoài ra cây nhọ nồi còn được dùng để làm thành phần mỹ phẩm, dùng để dưỡng tóc, dưỡng da, trị ngứa hiệu quả.
Cây nhọ nồi
Cách dùng nhọ nồi để làm bài thuốc trị ngứa ngoài da:
-
Nguyên liệu cần chuẩn bị: lá nhài, rau diếp cá, lá xương sông, lá khế, nhọ nồi;
-
Rửa sạch các loại lá trên, để cho ráo nước rồi đem đi giã nhuyễn, chắt lấy nước cốt;
-
Chia nước này thành 2 phần và uống trong ngày. Phần bã có thể được tận dụng để chà lên vùng da bị ngứa, sau đó rửa sạch bằng nước.
4. Lá khế
Một trong những vị thuốc trị ngứa ngoài da vô cùng quen thuộc với chúng ta đó là lá khế. Loại lá này có thể được tìm thấy dễ dàng trong vườn ngay tại nhà. Theo các tài liệu khoa học, lá khế tiết ra các hoạt chất như photpho, kẽm, vitamin C, magie, sắt, các chất chống oxy hóa nên thường được ứng dụng để chữa mụn nhọt, dị ứng, nổi mề đay hay mẩn ngứa một cách hiệu quả.
Sau đây là cách dùng lá khế để cải thiện tình trạng ngứa ngoài da:
-
Dùng 20 - 30 lá khế, rửa sạch với nước muối pha loãng rồi để ráo;
-
Nấu số lá khế này cùng với nước, đun cho đến khi lá khế chuyển thành màu vàng;
-
Sau khi để nước nguội bớt hãy dùng nước này để tắm, kết hợp chà xát phần lá khế đã đun lên vùng da bị ngứa.
Lá khế cũng thường được người dân sử dụng để giảm ngứa ngoài da
5. Dùng trái mướp đắng
Mướp đắng (hay còn gọi là khổ qua) là món ăn khoái khẩu của nhiều người. Theo Y học Cổ truyền, khổ qua có vị đắng, tính lạnh giúp thanh nhiệt, giải độc, tiêu trừ mụn nhọt, bồi bổ gan, dùng để điều trị kiết lỵ, sỏi đường tiết niệu, viêm đường tiết niệu cấp tính, đau mắt đỏ, hỗ trợ điều trị đái tháo đường và tăng cường sức đề kháng. Mướp đắng rất hiệu quả trong việc chữa chứng rôm sảy ở trẻ nhỏ.
Thuốc trị ngứa ngoài da từ mướp đắng:
-
Chuẩn bị từ 30 - 40g lá mướp đắng, có thể tận dụng cả cây mướp đem rửa sạch nguyên liệu rồi phơi nắng;
-
Khi lá đã héo lại hãy nghiền nguyên liệu thành bột mịn;
-
Dùng mật cá trắm, cải dầu trộn với bột mướp đắng, thu được hỗn hợp sệt mịn;
-
Vệ sinh vùng da bị ngứa sạch sẽ sau đó lau khô và thoa hỗn hợp thuốc nêu trên;
-
Sau khi thuốc đã khô hãy rửa sạch vùng da với nước.
Không chỉ được dùng để làm thức ăn, quả mướp đắng còn là vị thuốc trị ngứa ngoài da hiệu quả
Bạn cũng có thể lấy 3 quả mướp đắng đã được rửa sạch, cho vào máy xay nhuyễn. Đem số mướp đắng này pha cùng nước ấm và tắm.
Hy vọng rằng những bài thuốc trị ngứa ngoài da trên đây sẽ hữu ích đối với bạn. Trong trường hợp triệu chứng ngứa ngoài da trở nên nghiêm trọng hơn thì rất có thể đây là cảnh báo của bệnh lý nào đó. Bạn nên đi thăm khám để được bác sĩ tư vấn điều trị.
Nếu bạn chưa lựa chọn được địa chỉ uy tín, hãy tham khảo Chuyên khoa Da liễu thuộc Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Để được tư vấn chi tiết và cụ thể hơn, bạn hãy đăng ký khám ngay theo hotline 1900 56 56 56.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!