Tin tức
Các phương pháp điều trị ung thư buồng trứng người bệnh cần biết
- 02/03/2023 | Siêu âm có phát hiện ung thư buồng trứng không?
- 23/12/2022 | Giá trị chỉ số CA 125 trong sàng lọc ung thư buồng trứng
- 18/08/2022 | Góc giải đáp: Ung thư buồng trứng là gì? Có cách nào điều trị không?
1. Bạn biết gì về ung thư buồng trứng?
1.1. Khái niệm ung thư buồng trứng
Ung thư buồng trứng là khi các tế bào tại cơ quan này phát triển dị sản và không chết đi theo quy luật thông thường. Những khối u hình thành từ các tế bào đột biến này có khả năng lớn dần và xâm lấn sang các tổ chức lân cận, thậm chí là di căn đến những cơ quan khác ngoài buồng trứng.
Khối u xuất hiện tại buồng trứng có thể là u lành tính hoặc ác tính. Trong đó thể ác tính hay còn gọi là ung thư được phân thành các loại như sau:
-
Ung thư biểu mô buồng trứng: là thể phổ biến nhất, hình thành từ các tế bào trên niêm mạc buồng trứng;
-
Ung thư tế bào mầm: ung thư xuất phát từ các tế bào có vai trò sản xuất trứng;
-
Các phân loại khác: ung thư trung mô, ung thư mô đệm sinh dục, hay khối u di căn từ khu vực khác đến buồng trứng.
1.2. Triệu chứng của bệnh
Việc chẩn đoán ung thư buồng trứng ở giai đoạn đầu thường gặp khá nhiều khó khăn do dấu hiệu của bệnh ở thời kỳ này vẫn còn mơ hồ, không rõ rệt. Chính vì vậy chị em phụ nữ nên đi khám phụ khoa định kỳ để kịp thời phát hiện những thay đổi bất thường và điều trị bệnh ngay từ sớm. Ngoài ra nữ giới cũng nên chú ý đến tình trạng sức khỏe của cơ thể, đặc biệt là những triệu chứng như sau:
-
Chán ăn, thường xuyên bị đầy bụng, ợ nóng;
-
Đau bụng vùng khung chậu;
-
Đi tiểu nhiều;
-
Cảm giác buồn nôn, nôn ói, rối loạn tiêu hóa;
-
Hay cáu gắt, tâm trạng thay đổi, mệt mỏi;
-
Chảy máu âm đạo sau mãn kinh, chu kỳ kinh nguyệt thất thường;
-
Đau rát khi giao hợp.
Chị em phụ nữ nên chú ý các triệu chứng bất thường cảnh báo ung thư buồng trứng
Các triệu chứng nêu trên cũng có thể bị nhầm lẫn với những bệnh lý khác nên để chắc chắn về tình trạng bệnh của bản thân, tốt hơn hết bạn nên đi khám phụ khoa trong thời gian sớm nhất có thể.
2. Nguyên nhân nào dẫn đến ung thư buồng trứng?
Hiện vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây ung thư buồng trứng là gì nhưng những yếu tố sau đây được cho là khiến nguy cơ mắc ung thư gia tăng tại cơ quan này:
-
Tuổi tác: ung thư buồng trứng có tỷ lệ gặp phải cao hơn ở những phụ nữ trong độ tuổi ngoài 50 - 60;
-
Bệnh nhân trước đây từng bị ung thư đại trực tràng, ung thư vú;
-
Trong gia đình có mẹ/chị/em gái ruột bị ung thư vú, ung thư buồng trứng hay ung thư đại trực tràng;
-
Nữ giới đang dùng các loại thuốc kích thích phóng noãn ở buồng trứng;
-
Phụ nữ không sinh đẻ và qua giai đoạn mãn kinh;
-
Nữ giới đang phải điều trị hormone thay thế sau giai đoạn mãn kinh;
-
Sử dụng bột Talcum: đây là một loại khoáng chất do các thành phần oxy, silic và magie kết hợp tạo thành. Hỗn hợp này chứa trong nhiều loại mỹ phẩm, nhất là sản phẩm phấn rôm.
3. Điều trị ung thư buồng trứng bằng phương pháp gì?
Phụ thuộc vào giai đoạn bệnh và nhu cầu của bệnh nhân, sau khi có kết quả chẩn đoán bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp nhất. Đó có thể là các cách điều trị như sau:
3.1. Điều trị ung thư buồng trứng bằng phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp được ưu tiên trong điều trị ung thư buồng trứng, nhất là khi bệnh còn ở giai đoạn đầu. Trong quá trình phẫu thuật bác sĩ sẽ kiểm tra được mức độ và tình trạng của khối u, trạng thái của buồng trứng cũng như những tổn thương khác bên trong ổ bụng.
Bệnh nhân có thể sẽ phải cần loại bỏ khối u, nghiêm trọng hơn là cắt toàn bộ tử cung, mạc nối lớn, phần phụ hai bên. Ngoài ra cần phải kiểm tra thêm vùng dưới cơ hoành và phúc mạc. Nếu nghi ngờ có bất thường thì cần thực hiện sinh thiết, kiểm tra hạch chủ bụng, hạch chậu để cắt bỏ những hạch di căn. Sau đó là rửa ổ bụng thu mẫu dịch phục vụ cho mục đích làm tế bào học.
3.2. Hóa trị
Để chắc chắn tiêu diệt hết các tế bào ung thư thì sau khi phẫu thuật cần áp dụng phương pháp hóa trị thông qua truyền hóa chất ổ bụng hoặc truyền tĩnh mạch.
Do hóa trị có thể triệt tiêu tế bào ung thư nhưng cũng tác động lên những tế bào khỏe mạnh nên sẽ sinh ra một số tác dụng phụ không mong muốn. Tùy thuộc vào liều lượng và loại hóa chất sử dụng mà sẽ gây ra những tác dụng phụ khác nhau. Bệnh nhân có thể bị mệt mỏi, buồn nôn, nôn mửa, đau đầu, chán ăn, da sạm, cảm giác kim châm vùng bàn chân, bàn tay,... Để cải thiện các triệu chứng này, bệnh nhân nên thông báo cho bác sĩ và có biện pháp khắc phục, giảm nhẹ.
Hóa trị có thể được chỉ định trước và sau phẫu thuật để tiêu diệt tế bào ung thư
3.3. Xạ trị
Các tia phóng xạ năng lượng cao sẽ được ứng dụng để điều trị ung thư buồng trứng. Tương tự như hóa trị, xạ trị cũng có thể khiến bệnh nhân trải qua một số tác dụng không mong muốn như: tiêu chảy, thay đổi da vùng bụng, tiểu tiện khó, buồn nôn và nôn, chán ăn, mệt mỏi,... Thậm chí có thể gây tắc ruột, đau bụng nếu xạ trị vùng phúc mạc.
3.4. Liệu pháp điều trị đích
Ngoài những phương án điều trị ung thư buồng trứng nêu trên thì còn liệu pháp điều trị đích. Biện pháp này sẽ phá hủy các protein hay các gen của tế bào ung thư, hoặc các tế bào có tham gia vào sự phát triển của khối u ác tính.
Để chẩn đoán chính xác phân loại u buồng trứng mà bệnh nhân mắc phải, bác sĩ sẽ tiến hành sinh thiết khối u, sau đó thực hiện xét nghiệm sinh học phân tử hoặc hóa mô miễn dịch. Dựa trên kết quả thu thập được có đủ căn cứ để lựa chọn loại thuốc điều trị phù hợp.
Liệu pháp điều trị đích cũng tiềm ẩn những tác dụng phụ đó là: cao huyết áp, tiêu chảy, viêm da, mệt mỏi, suy tim, chảy máu, viêm niêm mạc, vết thương chậm lành, hiếm gặp hơn là thủng ruột, dạ dày hay thành thực quản,...
3.5. Điều trị miễn dịch
Đây được coi là phương pháp điều trị ung thư buồng trứng tiềm năng với các thuốc miễn dịch đang được sử dụng phổ biến là Atezolizumab và Pembrolizumab,...
Phẫu thuật được ưu tiên trong điều trị ung thư buồng trứng, nhất là khi bệnh còn ở giai đoạn đầu
3.6. Điều trị bảo tồn chức năng sinh sản
Phẫu thuật, xạ trị hay hóa trị đều có thể khiến người bệnh mất đi khả năng sinh sản sau này. Do đó trong trường hợp bệnh nhân vẫn còn trẻ và có nguyện vọng mang thai trong tương lai thì cần trao đổi trước với bác sĩ trước khi điều trị.
Để bảo tồn chức năng sinh sản cho nữ giới bị ung thư buồng trứng, có thể sẽ áp dụng các cách như:
-
Phẫu thuật chỉ loại bỏ một bên buồng trứng để giữ lại bên buồng trứng khỏe mạnh giúp duy trì khả năng mang thai. Tuy nhiên chỉ phù hợp đối với trường hợp ung thư giai đoạn 1;
-
Đông lạnh tế bào trứng, mô buồng trứng, đông lạnh phôi đã được thụ tinh;
-
Ức chế buồng trứng bằng hormone.
Trên đây là một số thông tin cơ bản về các phương pháp điều trị ung thư buồng trứng. Trong trường hợp bạn cần được giải đáp các thắc mắc liên quan đến bệnh lý này hoặc có nhu cầu thăm khám thì hãy liên hệ ngay qua hotline 1900 56 56 56 để được tổng đài viên của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC tư vấn, hỗ trợ đặt lịch khám cùng các y bác sĩ tại Chuyên khoa Sản phụ khoa hoặc Chuyên khoa Ung bướu ngay hôm nay!
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!