Tin tức

Cách nấu cơm cho người tiểu đường đảm bảo dinh dưỡng, giúp giảm lượng đường

Ngày 07/08/2023
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Cơm là loại thực phẩm quen thuộc, không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày đối với hầu hết người Việt. Tuy nhiên, những người tiểu đường lại cần cẩn thận với loại thực phẩm này bởi chúng giàu tinh bột và đường, có thể khiến đường huyết tăng cao. Mặc dù vậy, với các cách nấu cơm cho người tiểu đường sau, bạn có thể không cần phải quá lo lắng.

1. Ảnh hưởng mà gạo có thể gây ra cho người bị tiểu đường

Như trên đã nói, cơm với người Việt nói riêng, hầu hết người châu Á nói chung là thực phẩm quen thuộc, đặc biệt là cơm nấu từ gạo trắng. Trong khi đó, gạo trắng có chỉ số đường huyết cao (GI) và giàu carb. Cụ thể, GI của gạo trắng là 72.

Dù rất quen thuộc nhưng cơm trắng lại không tốt cho người tiểu đường

Dù rất quen thuộc nhưng cơm trắng lại không tốt cho người tiểu đường

Điều này đồng nghĩa với việc nếu bạn bị tiểu đường và ăn cơm như bình thường, có thể thúc đẩy lượng đường trong máu tăng đột ngột. Từ đó, tình trạng kháng insulin cũng gia tăng mạnh, dẫn tới khó khăn trong kiểm soát đường huyết, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.

Không những thế, theo một số nghiên cứu cụ thể của Đại học Y tế Công cộng Harvard, những người ăn cơm trắng thường xuyên cũng là đối tượng có nguy cơ cao mắc tiểu đường, thậm chí còn hơn cả người uống đồ uống chứa gas. Một số nghiên cứu khác còn cho thấy có mối liên hệ giữa cơm trắng với việc tỷ lệ bệnh tiểu đường của người sống ở các nước châu Á cao hơn so với châu Âu.

Mặc dù vậy, điều này không đồng nghĩa với việc ăn cơm trắng sẽ có nguy cơ bị tiểu đường. Và người bị tiểu đường không có nghĩa là phải kiêng ăn cơm hoàn toàn. Việc ăn bao nhiêu, ăn như thế nào phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân.

2. Cách nấu cơm cho người bị tiểu đường

Mặc dù người tiểu đường không nên ăn nhiều cơm, song cũng không cần thiết phải kiêng hoàn toàn. Khi biết được cách nấu cơm cho người tiểu đường sau đây, bạn vẫn có thể có được bữa ăn đầy đủ mà không khiến chỉ số đường huyết tăng cao đột ngột.

Dùng gạo lứt để thay thế cho gạo trắng

Vốn được biết tới là loại gạo vừa giàu chất xơ, vừa có hàm lượng tinh bột thấp hơn, lại giàu các loại vitamin và khoáng chất, gạo lứt là sự lựa chọn phù hợp hơn cho người tiểu đường so với gạo trắng.

Theo một số nghiên cứu, khi bạn thay cơm trắng bằng cơm gạo lứt trong khoảng 10 bữa/tuần trong 8 tuần liên tục, lượng đường trong máu cũng như nội mô sẽ được cải thiện đáng kể, hạn chế nguy cơ của bệnh.

Gạo lứt có lượng đường thấp, lại giàu chất xơ

Gạo lứt có lượng đường thấp, lại giàu chất xơ

Không những thế, loại gạo này còn giúp giảm cân, giảm mỡ, điều này cũng rất tốt đối với những người đang mắc bệnh bởi việc kiểm soát cân nặng sẽ có thể giúp ngăn chặn biến chứng đối với tim mạch, huyết áp.

Với việc sử dụng gạo lứt, bạn cũng có thể sáng tạo thêm cách chế biến để tránh cảm giác ngán, đó là:

  • Xào sơ hành tây, ớt xanh trên chảo, có thể thêm cả cà rốt, đậu.
  • Cho gạo lứt đã nấu chín vào đảo đều rồi thêm một chút xì dầu.

Sử dụng dầu dừa để nấu với gạo

Thay vì chỉ dùng nước như thông thường, việc sử dụng dầu dừa có thể giúp lượng đường trong gạo trắng có thể giảm đáng kể. Điều này sẽ an toàn hơn cho những người bị tiểu đường. Cụ thể, bạn có thể thực hiện như sau:

  • Khi vo gạo, bạn nhớ vo thật kỹ với nước.
  • Bạn cho thêm một lượng dầu dừa vào để nấu, thường được tính khoảng 1 thìa cà phê cho 0,5kg gạo.
  • Khi cơm đã chín, bạn có thể để trong tủ lạnh ở ngăn mát khoảng 12 giờ và làm nóng lại trước khi ăn.

Theo các chuyên gia, đây là công thức giúp lượng tinh bột trong gạo trắng có thể giảm đi 50%. Bởi vậy, ăn cơm theo cách chế biến này an toàn hơn cho người tiểu đường và còn giúp phòng tránh bệnh, kiểm soát cân nặng.

Mặc dù mang lại tác dụng tốt, song bạn cần bảo quản cơm cẩn thận, không để lâu quá 12 tiếng trong tủ lạnh và khi ăn cần hâm nóng lại.

Một số phương pháp khác

Ngoài hai cách nấu cơm cho người tiểu đường như đã nói ở trên, bạn có thể thực hiện thêm các cách sau:

- Ăn súp lơ xanh thay cho cơm: Sau khi đã rửa sạch, cắt nhỏ súp lơ xanh, bạn có thể cho một chút dầu ô liu vào chảo và phi hành cho thơm rồi cho súp lơ xanh vào xào trong thời gian 3 - 5 phút. Có thể thêm rau mùi và nêm gia vị vừa miệng là bạn có thể thưởng thức.

Súp lơ xanh có thể được dùng ăn luân phiên thay cơm cho người tiểu đường

Súp lơ xanh có thể được dùng ăn luân phiên thay cơm cho người tiểu đường

- Nấu hạt diêm mạch: Đây là loại hạt vốn được biết tới với khả năng kiểm soát đường huyết tốt. Để sử dụng phương pháp này, bạn nên tiến hành:

  • Dùng dầu hạt cải canola để phi thơm hành tỏi.
  • Bỏ hạt diêm mạch vào xào sơ trong vài phút.
  • Thêm nước gà hầm cùng một chút nước chanh vào đun sôi rồi ninh nhừ.
  • Khi đã nhừ, có thể cho thêm rau mùi để tăng hương vị.

3. Một số lưu ý cho người tiểu đường khi ăn uống

Ngoài việc áp dụng một số cách nấu cơm cho người tiểu đường trên, trong quá trình ăn uống, cũng nên chú ý:

Ăn theo nhu cầu thực tiễn của cơ thể

Có thể nói, để tự kiểm soát một cách chính xác nhu cầu năng lượng của cơ thể là điều khó khăn. Mặc dù vậy, bệnh nhân tiểu đường có thể thực hiện theo cách: ăn bớt lượng so với bình thường, sau 2 tiếng, tiến hành kiểm tra đường huyết. Nếu giá trị đo được lớn hơn 10mmol/l thì cần ăn ít hơn nữa.

Kiểm soát lượng thức ăn

Điều này rất cần thiết, không chỉ để tránh nguy cơ tăng chỉ số đường huyết mà còn ngăn ngừa béo phì, thừa cân. Theo đó, tốt nhất người bệnh nên chia nhỏ, ăn thành 5 - 6 bữa thay vì 3 bữa để lượng thức ăn nạp vào trong một thời điểm không quá nhiều.

Ăn thành nhiều bữa nhỏ có thể tránh hiện tượng đường huyết tăng đột ngột

Ăn thành nhiều bữa nhỏ có thể tránh hiện tượng đường huyết tăng đột ngột

Thay đổi trình tự ăn

Người bệnh nên ăn rau củ, canh trước, ăn cơm sau. Điều này không chỉ tạo cảm giác ngang bụng, giảm nhu cầu ăn cơm mà chất xơ trong rau củ còn khiến cho việc hấp thu đường trong tinh bột bị chậm lại. Đây cũng là cách có thể được khuyến cáo với những người đang muốn giảm cân.

Với những chia sẻ trên, hy vọng đã giúp quý khách biết được một số cách nấu cơm cho người tiểu đường nhằm kiểm soát được lượng đường nạp vào sau mỗi bữa ăn. Ngoài việc xây dựng chế độ ăn uống khoa học, người bệnh tiểu đường cũng nên kiểm tra sức khỏe định kỳ để kiểm soát tốt đường huyết trong máu. Để đặt lịch thăm khám, xét nghiệm tiểu đường tại MEDLATEC, quý khách hãy gọi tới Tổng đài của bệnh viện theo số 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.