Tin tức

Chỉ số đường huyết của khoai lang luộc và cách ăn khoai lang tốt cho người bị tiểu đường

Ngày 08/01/2025
Tham vấn y khoa: BS.Nguyễn Thị Nhung
Khoai lang là thực phẩm quen thuộc trong bữa ăn của nhiều gia đình Việt. Đây là nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe. Vậy, chỉ số đường huyết của khoai lang luộc là bao nhiêu và người bị tiểu đường có sử dụng được thực phẩm này không, hãy cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết sau.

1. Chỉ số đường huyết của khoai lang luộc như thế nào?

1.1. Về khái niệm chỉ số đường huyết

Chỉ số đường huyết (GI - Glycemic Index) là thước đo cho biết mức độ làm tăng đường huyết sau khi tiêu thụ thực phẩm chứa carbohydrate. Chỉ số GI trong thực phẩm được phân loại như sau:

- Chỉ số GI thấp (≤ 55): Tốt cho sức khỏe, đặc biệt người bị tiểu đường.

- Chỉ số GI trung bình (56 - 69): Cần kiểm soát lượng tiêu thụ.

- Chỉ số GI cao (≥ 70): Không nên sử dụng thường xuyên.

Thực phẩm có thể tác động đến chỉ số đường huyết sau ăn

Thực phẩm có thể tác động đến chỉ số đường huyết sau ăn

1.2. Khoai lang luộc có chỉ số đường huyết như thế nào?

Với người bị tiểu đường, việc tìm hiểu chỉ số đường huyết của thực phẩm là điều cần thiết để cân đối chế độ ăn hàng ngày. Khoai lang luộc có chỉ số đường huyết thấp. Chỉ số đường huyết của khoai lang luộc dao động trong khoảng 44 - 61, tùy thuộc vào từng loại khoai. 

Thời gian luộc khoai cũng là yếu tố dễ làm thay đổi chỉ số đường huyết. Thời gian luộc càng lâu thì chỉ số này càng giảm. Khoai lang luộc 30 phút có chỉ số GI khoảng 46, nhưng luộc trong 8 phút thì chỉ số GI khoảng 61.

Lưu ý rằng đây là chỉ số đường huyết của khoai lang luộc, nếu chế biến theo cách chiên thì chỉ số này khoảng 75 hoặc nếu nướng khoai thì chỉ số này khoảng 82. 

2. Ăn khoai lang luộc mang lại lợi ích gì cho người bị tiểu đường?

So với nhiều loại tinh bột từ các thực phẩm khác thì khoai lang luộc là lựa chọn tốt, nếu sử dụng đúng cách sẽ mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân tiểu đường, như:

2.1. Không làm tăng chỉ số đường huyết

Như đề cập ở trên, chỉ số đường huyết của khoai lang luộc nằm trong khoảng 44 - 61. Đây là mức thấp so với nhiều thực phẩm chứa tinh bột khác như gạo trắng, bánh mì hoặc khoai tây. Chỉ số GI thấp giúp:

- Làm tăng đường huyết từ từ, tránh tình trạng tăng vọt.

- Ổn định đường huyết, giảm nguy cơ gặp phải biến chứng do tiểu đường gây nên.

Chỉ số đường huyết của khoai lang luộc tương đối thấp nên phù hợp cho bệnh nhân tiểu đường

Chỉ số đường huyết của khoai lang luộc tương đối thấp nên phù hợp cho bệnh nhân tiểu đường

2.2. Bổ sung chất xơ 

Mỗi 100g khoai lang luộc có chứa khoảng 3g chất xơ hòa tan và không hòa tan. Nhờ vậy, ăn khoai lang luộc sẽ giúp:

- Làm chậm quá trình hấp thụ glucose vào máu để không làm tăng đường huyết.

- Cải thiện hệ tiêu hóa, giảm táo bón và tăng cảm giác no, tránh tình trạng ăn vặt làm tăng đường huyết và khó kiểm soát cân nặng.

Ngoài ra, khoai lang luộc còn chứa prebiotic tự nhiên giúp nuôi dưỡng lợi khuẩn đường ruột để tăng cường sức khỏe cho hệ tiêu hóa. Đây là yếu tố góp phần cải thiện quá trình chuyển hóa dưỡng chất trong cơ thể.

2.3. Đa dạng dinh dưỡng

Khoai lang luộc là nguồn cung cấp carbohydrate phức hợp, cung cấp năng lượng lâu dài và không làm tăng đường huyết đột ngột. Carbohydrate trong khoai lang luộc rất cần để:

- Duy trì năng lượng ổn định cho hoạt động của cơ thể.

- Tránh cảm giác đói nhanh, hạn chế ăn quá nhiều ở bữa tiếp theo.

Không những thế, trong khoai lang luộc còn chứa nhiều dưỡng chất quan trọng mà người tiểu đường rất cần cho quá trình kiểm soát đường huyết, ổn định sức khỏe như vitamin A, C, kali, mangan,... 

Đặc biệt, khoai lang tím và cam giàu chất chống oxy hóa như anthocyanin, beta-carotene, giúp:

- Bảo vệ tế bào tránh được các tổn thương từ gốc tự do, giảm nguy cơ bị viêm nhiễm mạn tính.

- Cải thiện sức khỏe mạch máu để phòng ngừa nguy cơ biến chứng tiểu đường ảnh hưởng đến tim mạch.

3. Cách ăn khoai lang luộc tốt cho người bị tiểu đường

Bên cạnh mối quan tâm về chỉ số đường huyết của khoai lang luộc, để việc sử dụng thực phẩm này an toàn, người bị tiểu đường nên:

3.1. Chọn loại khoai phù hợp

Hiện có rất nhiều giống khoai lang, mỗi loại khoai sẽ có hàm lượng dinh dưỡng và chỉ số đường huyết khác nhau. Người bị tiểu đường nên ưu tiên chọn khoai lang vàng vì hàm lượng GI thấp, phù hợp để kiểm soát đường huyết. Ngoài ra người bệnh cũng có thể ăn khoai lang tím để tăng cường chất chống oxy hóa, giúp giảm viêm và bảo vệ mạch máu.

3.2. Chế biến đơn giản

Bệnh nhân tiểu đường tốt nhất nên ăn khoai lang luộc hoặc hấp để giữ nguyên chất dinh dưỡng và duy trì chỉ số GI thấp. Nếu ăn khoai lang nướng hãy cố gắng tránh nướng ở nhiệt độ cao vì điều này dễ làm tăng chỉ số GI. Không nên kết hợp khoai lang cùng đường hoặc bơ để tránh làm tăng lượng calo và chỉ số đường huyết.

Cách chế biến cũng ảnh hưởng đến chỉ số GI của khoai lang

Cách chế biến cũng ảnh hưởng đến chỉ số GI của khoai lang 

3.3. Kết hợp với thực phẩm khác và kiểm soát khẩu phần

Người bị tiểu đường nên ăn khoai lang cùng các thực phẩm giàu protein và chất béo lành mạnh để ổn định đường huyết như: cá hồi, thịt ức gà, rau xanh,... Tuy khoai lang có nhiều lợi ích sức khỏe đối với bệnh nhân tiểu đường nhưng vẫn cần kiểm soát khẩu phần ăn. Mỗi bữa, chỉ nên ăn khoảng 100 - 150g khoai lang để tránh nạp quá nhiều carbohydrate.

3.4. Chọn thời điểm ăn

Tốt nhất nên ăn khoai lang vào buổi sáng để cung cấp năng lượng mà không làm tăng đường huyết đột ngột. Ngoài ra, khoai lang luộc cũng có thể dùng trong bữa phụ để duy trì đường huyết ổn định.

Chỉ số đường huyết của khoai lang luộc thấp nên nếu ăn với hàm lượng vừa đủ, bệnh nhân tiểu đường có thể yên tâm về sự ổn định đường huyết. Tuy nhiên, để việc dùng khoai lang trong chế độ dinh dưỡng đạt được mục đích hỗ trợ kiểm soát đường huyết và mang lại lợi ích cho sức khỏe, người bệnh nên tham khảo ý kiến từ chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ chuyên khoa.

Hy vọng những thông tin trên đây sẽ giúp quý khách hàng hiểu hơn về việc sử dụng khoai lang trong chế độ ăn dành cho người bị tiểu đường. Quý khách hàng cần thăm khám để chẩn đoán và kiểm soát đường huyết hiệu quả có thể liên hệ đặt lịch cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ