Tin tức

Cần làm gì để phòng tránh và giảm thiểu nguy hiểm từ bệnh sởi

Ngày 12/10/2020
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc
Bệnh sởi là căn bệnh tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm cho con người. Đối với cá nhân, nó có thể dẫn đến nhiều biến chứng khôn lường. Đối với cộng đồng, bệnh có thể lây lan trên diện rộng gây nên dịch bệnh. Nguy hiểm hơn, bệnh này không chỉ xuất hiện ở người trưởng thành mà còn ảnh hưởng đến cả trẻ nhỏ. Tìm hiểu về căn bệnh này là vô cùng cần thiết để phòng tránh và giảm thiểu nguy hiểm.

1. Tổng quan về bệnh sởi

1.1. Đôi nét về căn bệnh này

bệnh sởi là căn bệnh gây nên bởi virus Sởi, có tên khoa học là Paramyxoviridae. Virus này có thể lây qua đường không khí và tồn tại trên các vật thể nếu người bệnh chạm phải. Tuy nhiên, sức chịu đựng của virus Sởi không cao. Nó dễ bị diệt trừ bởi nhiệt độ trên 60 độ C hoặc những dung dịch sát trùng thông thường. Do đó, bệnh thường bùng phát vào thời tiết lạnh như mùa đông hoặc mùa xuân. Bệnh thường xuất hiện ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, có xuất hiện ở người trưởng thành.

Bệnh sởi là bệnh do virus gây nên

Bệnh sởi là bệnh do virus gây nên

Khi virus tấn công, trong cơ thể người bệnh sẽ sản sinh ra các kháng thể để chống lại. Kháng thể bắt đầu được sinh ra sau khi mọc ban, tức là khoảng 2 - 5 ngày sau phát bệnh. Kháng thể này sẽ tồn tại lâu dài trong cơ thể để tạo ra miễn dịch bền vững. Người bệnh khi có miễn dịch sẽ không lo tái mắc lại bệnh.

1.2. Độ nguy hiểm của bệnh 

Bệnh sởi nguy hiểm chính là nằm ở khả năng lây lan của bệnh. Để bạn dễ tưởng tượng, bệnh được đánh giá là có tốc độ lây còn cao hơn cả bệnh cúm hay bệnh lao. Khoảng 90% người tiếp xúc với bệnh nhân bị Sởi sẽ bị lây nhiễm nếu chưa được tiêm phòng Sởi. Người mắc bệnh đã có khả năng phát tán virus 4 ngày trước khi xuất hiện những triệu chứng của bệnh

Bệnh lây chủ yếu từ đường hô hấp. Những virus Sởi cư trú trong mũi và họng của bệnh nhân sẽ được thoát ra ngoài khi người bệnh hắt hơi, ho hoặc nói chuyện. Thậm chí, nó có thể bám lại ở những vật thể xung quanh người bệnh và lây nhiễm cho người khỏe nếu chạm phải và đưa tay lên mũi miệng mình.

Bệnh sởi không gây tử vong nhưng tiềm ẩn nhiều biến chứng

Bệnh sởi không gây tử vong nhưng tiềm ẩn nhiều biến chứng

Thật may mắn khi tỷ lệ tử vong đã được giảm thiểu rất nhiều nhờ có vai trò của vacxin. Tuy nhiên những biến chứng do nó gây ra cũng rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người. Biến chứng như viêm tai giữa, tiêu chảy, viêm phổi,... rất dễ xảy ra nếu điều trị bệnh không đúng cách. Thậm chí nặng hơn là các biến chứng đến hệ thần kinh gây viêm màng não hoặc viêm não.

2. Triệu chứng của người mắc bệnh 

Bạn cần nắm vững những triệu chứng của bệnh sởi để kịp thời có phương án điều trị bệnh tích cực. Nhờ đó, bệnh sẽ nhanh khỏi đồng thời tránh được những biến chứng nguy hiểm. Bệnh thường trải qua những giai đoạn sau:

2.1. Giai đoạn ủ bệnh

Giai đoạn này kéo dài từ 7 - 21 ngày, trung bình là khoảng 10 ngày. Lúc này virus đã thâm nhập vào cơ thể bạn, tuy nhiên, chúng đang nhân bản dần và chưa có những triệu chứng gì đặc biệt. Khoảng 4 ngày trước khi bắt đầu sang giai đoạn khởi phát, bệnh nhân đã có thể phát tán virus bệnh của mình ra môi trường.

2.2. Giai đoạn khởi phát

Sau thời gian ủ bệnh, các triệu chứng đặc trưng của bệnh bắt đầu xuất hiện. Đó là những triệu chứng sau:

  • Sốt cao trên 39 độ.

  • Ho khan.

  • Sổ mũi.

  • Đau họng.

  • Viêm kết mạc.

  • Ăn không ngon do có thể đã xuất hiện các hạt trong khoang miệng ở vị trí má. 

Thường lúc này bệnh dễ bị nhầm với viêm họng. Giai đoạn này diễn ra từ 2 - 4 ngày.

Sốt cao là một triệu chứng điển hình của bệnh 

Sốt cao là một triệu chứng điển hình của bệnh 

2.3. Giai đoạn toàn phát

Giai đoạn này bắt đầu từ sau khi sốt được 3 - 4 ngày. Đặc điểm dễ nhận dạng nhất đó là toàn thân người bệnh bắt đầu xuất hiện các nốt đỏ li ti. Các nốt này sần lên và cho cảm giác ngứa rát. Thường xuất hiện đầu tiên ở sau tai, sau đó lan đến trán, rồi đi xuống ngực, lưng. Cuối cùng, các nốt sẽ lan xuống cả chân và bàn chân gây nên khó chịu vô cùng cho người bệnh.

Thêm vào đó, cơn sốt sẽ tăng mạnh lên thậm chí trên 40 độ. Đây là lúc cần sự để ý và chăm sóc bệnh nhân cao độ. Giai đoạn này thường kéo dài 3 - 5 ngày, sau đó bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn cuối cùng.

2.4. Giai đoạn hồi phục

Sau khi trải qua sự khó chịu của các nốt phát ban, người bệnh sẽ thấy các nốt dần thâm lại, bong da. Bệnh nhân không còn sốt, ăn uống được, đi tiểu được. Điều này báo hiệu bệnh nhân đã dần hồi phục.

3. Các cách phòng và điều trị bệnh 

3.1. Lưu ý khi điều trị bệnh để giảm thiểu biến chứng

Khi đã mắc bệnh sởi, việc điều trị và chăm sóc như thế nào là vô cùng quan trọng. Điều này góp phần giảm thiểu những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra với người bệnh. Vì là bệnh do virus gây nên nên phương hướng điều trị là tập trung vào giảm thiểu các triệu chứng, đồng thời theo dõi và phát hiện sớm các biến chứng. 

Người lớn cũng có nguy cơ mắc bệnh sởi

Người lớn cũng có nguy cơ mắc bệnh sởi

  • Nếu bệnh nhân sốt cao trên 38,5 độ, cần uống thuốc hạ sốt để giảm nhiệt độ cơ thể.

  • Bổ sung nước điện giải trong trường hợp bệnh nhân sốt cao hoặc tiêu chảy. 

  • Bổ sung thêm vitamin A theo chỉ định của bác sĩ vì bệnh thường gây thiếu hụt vitamin A ở người mắc.

  • Trong trường hợp bội nhiễm, có thể sẽ phải dùng kháng sinh để ngăn chặn vi khuẩn và hạn chế biến chứng.

  • Vệ sinh mắt, miệng, họng bằng nước muối sinh lý hàng ngày.

  • Giữ vệ sinh cơ thể, giữ vệ sinh môi trường dưỡng bệnh, đảm bảo phòng luôn thoáng khí để loại bỏ virus gây bệnh. Không cần thiết phải kiêng gió, kiêng nước cho người bị bệnh.

  • Khi bệnh nhân chán ăn cần chế biến thức ăn mềm, dễ tiêu, ăn mát và chia thành nhiều bữa. Không kiêng ăn, phải đảm bảo đủ chất cho người bệnh.

Vì khả năng lây nhiễm cực cao, người mắc bệnh sởi phải được cách ly để tránh lây lan cho cộng đồng. Cần thiết phải cách ly từ lúc nghi ngờ người bệnh mắc bệnh đến khi sau khi phát ban 4 ngày hoặc nhiều hơn là tốt nhất. Bệnh sởi có thể được điều trị tại nhà nhưng cần được theo dõi sát các biến chứng. Khi gặp bất cứ biểu hiện bất thường nào từ người bệnh, cần lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám. 

3.2. Các cách phòng tránh bệnh sởi

3.2.1. Tiêm phòng sởi

Tiêm phòng là cách hữu hiệu nhất thể phòng tránh bệnh sởi. Trẻ em đủ 9 tháng đã có thể tiêm mũi sởi đầu tiên, và tiêm mũi nhắc lại khi được 18 tháng. Ngoài ra trẻ sơ sinh có thể đi theo lộ trình tiêm phòng mũi sởi kết hợp với mũi đầu tiên khi đủ 12 tháng. Mũi tiêm này phòng ngừa cả 3 bệnh là sởi, quai bị và rubella, được tiêm nhắc lại sau 4 năm.

Tiêm phòng Sởi là cách phòng bệnh tốt nhất

Tiêm phòng Sởi là cách phòng bệnh tốt nhất

3.2.2. Nâng cao sức đề kháng

Song song với việc tiêm phòng, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể là việc vô cùng quan trọng để phòng chống bệnh tật. Khi sức đề kháng khỏe mạnh, bạn có thể chống lại các virus khi nó vừa mới xâm nhập vào cơ thể. Để làm được điều đó, một chế độ ăn uống đủ chất, luyện tập thể thao hợp lý là cần thiết thực hiện hàng ngày. 

Bệnh sởi tuy là một bệnh truyền nhiễm nhưng không phải là bệnh không được. Quan trọng nhất là bạn cần phải hiểu rõ bệnh là do virus gây nên, và các cách chăm sóc người bệnh để tránh biến chứng. Đồng thời, một lối sống khỏe mạnh, tiêm phòng vắc xin sởi đầy đủ sẽ khiến bệnh không còn là nỗi lo đáng sợ.

Từ khoá: Bệnh sởi sởi

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.