Tin tức
Cận thị là gì? Phương pháp điều trị và phòng ngừa
- 14/06/2023 | Nghiệm pháp Van - Herick trong khám và điều trị bệnh về mắt
- 31/03/2024 | Hướng dẫn cách dùng thuốc Oflovid trong điều trị các bệnh về mắt
- 31/03/2024 | Cách dùng thuốc Tobradex trong điều trị các bệnh về mắt
1. Cận thị là gì?
Cận thị là tật khúc xạ về mắt khiến bạn không thể nhìn rõ những vật ở xa, chỉ nhìn rõ khi ở gần. Về mặt y học, nguyên nhân của cận thị là do giác mạc quá cong hoặc trục nhãn cầu dài hơn bình thường, khiến ánh sáng không tập trung trực tiếp lên võng mạc mà hội tụ trước võng mạc, làm mờ tầm nhìn xa.
Ngoài nguyên nhân chính trên thì còn có rất nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến cận thị:
- Yếu tố di truyền: Cận thị có xu hướng di truyền, cụ thể nếu người bố hoặc mẹ bị thì con cũng có khả năng mắc với tỷ lệ đến 30%. Đặc biệt tỷ lệ này sẽ cao hơn nếu cả bố mẹ đều bị cận thị.
- Môi trường sinh hoạt và làm việc thiếu ánh sáng.
- Dành thời gian dài cho các hoạt động nhìn gần như đọc sách, sử dụng thiết bị điện tử.
- Tiếp xúc thường xuyên với các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại, và tivi,…
- Chế độ ăn thiếu cân đối, đặc biệt thiếu các vitamin như A, C, E và omega-3.
- Trẻ sinh non hoặc có cân nặng khi sinh dưới 2,5kg cũng có nguy cơ cao bị cận thị về sau.
Cận thị là tật khúc xạ chỉ có thể nhìn gần, còn nhìn xa không rõ
Các dấu hiệu của cận thị rất dễ nhận thấy, bao gồm:
- Khả năng nhìn rõ vật thể ở gần nhưng khó khăn trong việc nhìn các vật thể ở xa.
- Có thói quen nheo mắt để cải thiện tầm nhìn.
- Thường xuyên gặp tình trạng khô mắt và mỏi mắt do tập trung cao độ trong quá trình nhìn.
- Tần suất chớp mắt cao, thường từ 14 đến 17 lần mỗi phút ở lứa tuổi thiếu niên và tăng lên từ 15 đến 30 lần mỗi phút khi trưởng thành.
- Đau đầu hoặc đau vùng trán, đặc biệt là khi đọc sách hay thực hiện công việc đòi hỏi tập trung cao như may vá.
2. Phương pháp điều trị cận thị
Cùng với thắc mắc cận thị là gì, rất nhiều người quan tâm đến các phương pháp điều trị tật khúc xạ này để cải thiện thị lực. Nhìn chung, tùy vào mức độ mà phương pháp điều trị sẽ khác nhau:
Đeo kính cận
Kính cận bao gồm hai loại chính: kính gọng và kính áp tròng. Mỗi loại đều mang những ưu điểm và hạn chế riêng, nhưng chúng đều phù hợp với những người mắc độ cận nhẹ đến trung bình.
Nếu bạn cảm thấy băn khoăn không biết nên chọn loại kính nào, hãy tham khảo ý kiến từ bác sĩ để nhận được lời khuyên tốt nhất, phù hợp với nhu cầu và tình trạng của mắt bạn.
Đeo kính là phương pháp điều trị cận thị phổ biến nhất
Phẫu thuật mắt
Trường hợp bị cận nặng và không muốn dựa vào kính mắt, hoặc gặp các vấn đề về cấu trúc mắt yêu cầu can thiệp phẫu thuật thì bạn cần tuân theo chỉ định này.
Hiện nay, có nhiều phương pháp phẫu thuật để điều trị cận thị như Lasik, Lasek, Smile và các kỹ thuật khác. Các phương pháp này thường nhằm vào việc điều chỉnh hoặc tái tạo độ cong của giác mạc, giúp phục hồi thị lực. Lợi ích của phẫu thuật mắt bao gồm thời gian thực hiện ngắn, ít gây đau và bất tiện, quá trình hồi phục nhanh chóng nếu được nghỉ ngơi và chăm sóc thích hợp.
Phương pháp kiểm soát cận thị
Đối với trẻ em và thiếu niên mắc cận thị, bác sĩ có thể áp dụng một số phương pháp điều trị để kiểm soát và làm chậm quá trình phát triển của bệnh.
- Một trong những phương pháp đó là sử dụng thuốc nhỏ mắt Atropin, giúp giãn đồng tử và giảm tiết dịch, qua đó hỗ trợ kiểm soát cận thị.
- Đeo kính áp tròng cứng Ortho-K vào ban đêm có thể giúp định hình lại giác mạc trong khi ngủ, cải thiện tình trạng mắt và giảm sự phụ thuộc vào việc đeo kính.
- Giảm thời gian ngồi học hoặc ở trong nhà và tăng cường hoạt động ngoài trời cũng là cách hiệu quả để điều tiết thị lực và tăng khả năng nhìn xa.
Các hoạt động ngoài trời giúp kiểm soát và phòng ngừa cận thị
3. Biện pháp phòng ngừa cận thị
Biết được cận thị là gì cùng các nguyên nhân sẽ giúp bạn có cách phòng ngừa cận thị hiệu quả.
Ăn uống đủ chất
Trong chế độ ăn uống hàng ngày, việc bổ sung đủ các vitamin và khoáng chất là rất cần thiết, nhất là các loại thực phẩm phong phú về vitamin A, C, E và omega-3. Các loại rau và trái cây như bina, cà rốt, cà chua, đu đủ và ớt chuông, cùng với các loại cá như hồi và thu, là lựa chọn tốt cho sức khỏe mắt. Uống đủ nước mỗi ngày cũng giúp ngăn ngừa tình trạng mắt khô và mỏi mắt.
Hoạt động ngoài trời
Điều này là rất quan trọng với trẻ nhỏ. Tham gia các hoạt động thể chất ngoài trời không chỉ tăng cường sức khỏe tổng thể và hệ miễn dịch mà còn giúp trẻ điều tiết thị lực tốt hơn. Ngoài ra, việc chơi đùa ngoài trời còn giảm thiểu thời gian trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử, từ đó phòng ngừa các vấn đề về mắt một cách hiệu quả.
Chủ động bảo vệ mắt
Có rất nhiều biện pháp bảo vệ mắt để phòng ngừa cận thị, bao gồm:
- Cung cấp ánh sáng đầy đủ cho không gian làm việc, học tập.
- Đảm bảo thời gian làm việc, học tập hợp lý, không kéo dài trong nhiều giờ liền.
- Tư thế ngồi làm việc, học tập chuẩn; không được quỳ hay nằm khi thực hiện các hoạt động này.
- Cứ 20 phút mắt làm việc, học tập thì cho mắt nghỉ ngơi, thư giãn bằng cách nhìn mắt ra xa 600m trong 20 giây.
- Tránh để mắt tiếp xúc với thiết bị điện tử như tivi, máy tính, điện thoại quá lâu. Đặc biệt, không ngồi quá gần màn hình tivi, máy tính, điện thoại.
- Đeo kính râm khi ra ngoài nắng, đeo kính bơi khi bơi lội và đeo kính bảo hộ khi làm việc, chơi thể thao.
- Thăm khám mắt định kỳ mỗi 6 tháng/ lần.
Khám mắt định kỳ để phòng ngừa cận thị và các bệnh lý về mắt
Những chia sẻ trên giúp bạn biết được cận thị là gì cùng các phương pháp điều trị và phòng ngừa. Để được tư vấn kỹ hơn, bạn có thể đến Chuyên khoa Mắt của Hệ thống Y tế MEDLATEC. Quý khách hãy gọi đến hotline 1900 56 56 56 để được Tổng đài viên hỗ trợ đặt lịch trước.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!