Tin tức
Cảnh báo dấu hiệu HPV ở nữ giới và cách thức chẩn đoán đúng
- 16/03/2025 | Bị nhiễm HPV type 16 có chữa được không và cách xử lý khi bị lây nhiễm
- 18/03/2025 | Xét nghiệm HPV tự lấy mẫu: Phái đẹp chủ động bảo vệ sức khỏe - chỉ với vài phút tại nhà
- 02/04/2025 | Không chỉ gây ung thư cổ tử cung, HPV còn là nguyên nhân của nhiều bệnh lý nguy hiểm khác
1. Ý nghĩa của việc phát hiện sớm dấu hiệu HPV ở nữ giới
HPV là virus có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng ở nữ giới, đặc biệt là ung thư cổ tử cung. Việc phát hiện sớm các bệnh lý do HPV sẽ giúp:
1.1. Tăng hiệu quả điều trị
Nếu các dấu hiệu HPV được phát hiện sớm, bác sĩ có thể đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, ngăn chặn sự phát triển của virus và giảm nguy cơ phát triển thành bệnh lý nghiêm trọng như ung thư cổ tử cung, sùi mào gà,...
Phát hiện sớm dấu hiệu HPV giúp ngăn ngừa nguy cơ tiến triển ung thư cổ tử cung ở nữ giới
1.2. Ngăn ngừa lây nhiễm cho bạn tình
HPV lây nhiễm chủ yếu qua đường tình dục. Nếu không phát hiện sớm dấu hiệu HPV để điều trị kịp thời, nữ giới có thể vô tình lây nhiễm virus cho bạn tình. Việc chẩn đoán chính xác bệnh sẽ giúp nữ giới chủ động thực hiện biện pháp phòng tránh để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và bạn tình.
1.3. Có phương án an toàn cho thai kỳ
Trường hợp nhiễm HPV khi mang thai, việc phát hiện bệnh sớm sẽ giúp bác sĩ đưa ra kế hoạch điều trị an toàn cho thai phụ. Đây cũng là cách để quá trình sinh nở diễn ra thuận lợi, tránh được lo lắng không cần thiết về việc lây nhiễm HPV cho con.
2. Nhận biết các dấu hiệu HPV có thể gặp phải ở nữ giới
Đa số các trường hợp nhiễm HPV không gây nên dấu hiệu rõ ràng. Tuy nhiên, việc ghi nhớ để nhận biết các dấu hiệu HPV sau đây là cần thiết vì vẫn có những trường hợp xuất hiện tín hiệu cảnh báo bệnh:
2.1. Mọc mụn cóc sinh dục
Mụn cóc sinh dục xuất hiện được xem là tín hiệu rõ ràng của nhiễm HPV. Đặc điểm của mụn là u nhú màu da hoặc hơi hồng, thường nằm ở cơ quan sinh dục và hậu môn.
Mụn cóc có thể có hình dạng và kích thước khác nhau. Ban đầu chỉ là nốt nhỏ mịn nhưng càng về sau càng tăng kích thước thành khối u to. Mụn cóc có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc tập trung thành cụm, không gây đau nhưng lại gây ngứa và nếu có sự chà xát sẽ dễ gây chảy máu. Chính sự xuất hiện của loại mụn này khiến cho người bệnh cảm thấy đau hoặc khó chịu khi quan hệ tình dục.
2.2. Sự thay đổi bất thường của khí hư
Ở một số trường hợp nhiễm HPV, nữ giới có thể nhận thấy khí hư tiết ra nhiều hơn bình thường, kèm theo màu sắc hoặc mùi lạ:
- Khí hư có màu trắng đục, màu vàng hoặc xanh.
- Có mùi hôi khó chịu, nhất là sau khi quan hệ tình dục.
- Kết cấu loãng hoặc đặc, có thể kèm theo bọt.
Đau vùng chậu kéo dài và thay đổi khác thường về khí hư có thể là dấu hiệu HPV ở nữ giới
2.3. Xuất huyết âm đạo bất thường
HPV gây tổn thương niêm mạc tử cung và âm đạo. Đây chính là nguyên nhân khiến cho nữ giới bị xuất huyết âm đạo bất thường. Vì thế, nếu có những tình trạng sau thì đây cũng có thể là dấu hiệu HPV liên quan đến tổn thương cổ tử cung hoặc tiền ung thư:
- Chảy máu nhẹ sau khi quan hệ tình dục.
- Ra máu giữ chu kỳ kinh.
- Kỳ kinh kéo dài hơn bình thường hoặc ra máu kinh sẫm màu.
2.4. Đau vùng chậu hoặc đau khi quan hệ tình dục
HPV có thể gây ra các tổn thương bên trong cổ tử cung, ảnh hưởng đến niêm mạc tử cung và gây viêm nhiễm. Vì thế, nữ giới bị nhiễm HPV cũng thường cảm thấy đau ở vùng chậu hoặc đau khi quan hệ tình dục. Cơn đau do HPV thường có tính chất:
- Đau nhói hoặc âm ỉ ở bụng dưới.
- Thời gian đau kéo dài, nhất là trong kỳ kinh nguyệt.
- Đau rát trong hoặc sau khi quan hệ tình dục.
3. Chẩn đoán HPV ở nữ giới bằng cách nào?
3.1. Khi nào nữ giới nên đi khám để được chẩn đoán HPV?
Nếu nhận thấy một hoặc nhiều dấu hiệu HPV kể trên, nữ giới nên đi khám bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt để được kiểm tra và chẩn đoán chính xác. Ngoài ra, nữ giới cũng cần xét nghiệm HPV định kỳ nếu:
- Có tiền sử quan hệ tình dục không an toàn.
- Đã từng bị bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Phát hiện dấu hiệu bất thường ở vùng kín.
- Trên 30 tuổi và chưa từng xét nghiệm Pap hoặc HPV.
Việc phát hiện sớm sẽ giúp kiểm soát bệnh hiệu quả và giảm nguy cơ biến chứng nguy hiểm như ung thư cổ tử cung.
3.2. Phương pháp chẩn đoán HPV ở nữ giới
Để chẩn đoán đúng khả năng nhiễm HPV ở nữ giới, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra cơ quan sinh dục nữ bằng mỏ vịt để nhận biết các tổn thương, mụn cóc hoặc dấu hiệu thay đổi ở mô vùng kín.
Ngoài ra, một số xét nghiệm sau cũng sẽ được bác sĩ chỉ định:
- Pap smear: Đây là xét nghiệm sử dụng mẫu dịch được lấy từ cổ tử cung để xác định tế bào bất thường có thể liên quan đến HPV.
- HPV DNA test: Xét nghiệm này được sử dụng để tìm kiếm và xác định sự có mặt của DNA virus HPV trong mẫu tế bào, cho phép phân biệt giữa các chủng nguy cơ cao và nguy cơ thấp.
Sau khi có kết quả từ những kiểm tra này, bác sĩ sẽ có kết luận và đưa ra lộ trình điều trị cụ thể cho từng bệnh nhân. Nếu kết quả chẩn đoán cho thấy chưa có sự hiện diện của HPV nguy hiểm, người bệnh vẫn nên theo dõi định kỳ để đảm bảo rằng bất kỳ sự thay đổi nào ở cổ tử cung đều được sàng lọc sớm và kịp thời ngăn chặn tiến triển nguy hiểm do HPV gây ra.
Thăm khám để xét nghiệm định kỳ giúp nữ giới phát hiện sớm nguy cơ nhiễm HPV
Dấu hiệu HPV ở nữ giới thường không rõ ràng và không phải ai cũng phát hiện sớm. Vì thế, cách tốt nhất để bảo vệ nữ giới trước bệnh lý này là tiêm vắc xin HPV và duy trì khám phụ khoa định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám phụ khoa, tầm soát nguy cơ ung thư cổ tử cung do HPV, hãy liên hệ Hotline 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được tư vấn chi tiết và hỗ trợ đặt lịch nhanh chóng.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
