Tin tức

Cảnh báo: Những điều bạn nên biết về dịch hạch

Ngày 02/02/2021
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc
Dịch hạch được xem là một trong những bệnh truyền nhiễm cấp tính đáng sợ nhất, có thể đe dọa đến tính mạng con người, do vi khuẩn Yersinia pestis hình que thuộc họ Enterobacteriaceae gây ra. Bệnh còn được xem là cái chết đen khi cướp đi 1/3 dân số châu Âu từ năm 1347 - 1351. Ở Việt Nam, dịch hạch thường phát triển vào mùa khô, mùa các loài gặm nhấm thuận lợi để phát triển.

1. Nguyên nhân gây bệnh

Tác nhân

Dịch hạch được gây ra bởi một loại vi khuẩn có tên là Yersinia pestis, thuộc họ Enterobacteriaceae, đặt theo tên gọi của bác sĩ người Pháp Alexandre Yersin - người đã tìm ra nó.

Vi khuẩn Yersinia pestis - tác nhân chính gây bệnh dịch hạch

Vi khuẩn Yersinia pestis - tác nhân chính gây bệnh dịch hạch

Vật chủ chứa mầm bệnh

Mầm bệnh truyền nhiễm chủ yếu là các loài động vật hoang dã, chủ yếu là loài chuột (chuột đồng, chuột cống, chuột nhắt,…). Mầm bệnh thường tồn tại xung quanh nơi chuột sinh sống, đặc biệt là các khu dân cư.

Con đường lây lan

Bọ chét Xenopsylla cheopis, rận hoặc chấy được xem là vật chủ trung gian lây truyền bệnh dịch hạch. Sau khi hút máu vật chủ nhiễm bệnh, vi khuẩn bị tắc nghẽn trong vật trung gian sẽ truyền qua người bởi các vết đốt,vết cắn. Tuy nhiên, vi khuẩn cũng có thể đi trực tiếp vào cơ thể người không qua vật trung gian bằng đường thức ăn bị ô nhiễm. Nguồn nước, nguồn thực phẩm chứa mầm bệnh dịch hạch cho chuột gây ra. Ngoài ra, việc tiếp xúc với người bệnh qua da hoặc niêm mạc bị tổn thương cũng là một trong những nguyên nhân gây ra căn bệnh nguy hiểm này.

2. Dấu hiệu

Nhiễm trùng

Người nhiễm thường phát bệnh trong vòng 1 - 15 ngày. Sưng hạch là dấu hiệu rõ ràng nhất để nhận biết bệnh ở giai đoạn khởi phát. Kèm theo đó, người bệnh có thể đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi, sốt cao và đặc biệt đau ở vùng nổi hạch. Dịch hạch làm người bệnh sốt cao, co giật, xung huyết, mắt đỏ, lưỡi khô, tiêu chảy,... Nếu bị nhiễm độc nhẹ, người bệnh có thể nhức đầu, buồn nôn, mệt mỏi. Nếu nhiễm độc nặng, họ có thể rơi vào tình trạng hôn mê, nói sảng và rối loạn hành vi.

Nhiễm trùng do vi khuẩn dịch hạch gây ra

Nhiễm trùng do vi khuẩn dịch hạch gây ra

Nhiễm độc

Thể hạch

Hạch có thể xuất hiện nhiều nơi trên cơ thể, sau đó sưng to, đau và gây khó khăn trong việc đi lại. Vùng quanh hạch căng phồng, chuyển dần sang màu đỏ tía.

Tiến triển: hạch có thể hóa mủ, tự vỡ, chảy dịch và hình thành sẹo.

Thể nhiễm khuẩn huyết

Vi khuẩn phát triển trong máu với nhiều biểu hiện lâm sang như: nhức đầu, mệt mỏi, sốt, bụng trướng, gan lách to, xuất huyết dưới da. Bệnh nhân có thể hốt hoảng, vật vã và lên cơn mê sảng. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể tử vong trong vòng 2 - 3 ngày đối với thể nhiễm khuẩn huyết.

Thể phổi - thể nguy hiểm nhất

Thể phổi cũng có giai đoạn phát bệnh và tiến triển. Người nhiễm thể phổi sẽ có các biểu hiện như tức ngực, khó thở, tím tái, ho khan, ho có đờm và sau đó có dịch nhầy đặc dần, có máu và nước bọt. Bệnh nhân có thể tử vong trong vòng 2 - 4 ngày do phù phổi và suy tim.

Thể màng não - ít gặp

Các trường hợp này ít gặp, thường đi kèm sau thể hạch hoặc thể nhiễm trùng huyết.

3. Biện pháp phòng tránh

Tiêu diệt vật chủ gây bệnh

Vật chủ là trung tâm lây bệnh, vì vậy bạn phải tiêu diệt tận gốc nơi sinh sống của chúng tận gốc. Dọn dẹp những đồ dùng, phế thải không cần thiết trong và xung quanh nhà để không có nơi cho chuột và các loài con trùng sinh sống, phát triển. Dùng các loại thuốc chống diệt côn trùng để tiêu diệt tận gốc các loài trung gian gây dịch hạch.

Chuột - vật chủ trung gian gây bệnh

Chuột - vật chủ trung gian gây bệnh

Không dùng thực phẩm không đảm bảo

Không sử dụng các thực phẩm được tưới trực tiếp bằng phần của động vật hoặc các thực phẩm có vết gặm nhấm, vết cắn của của chuột, thỏ, sóc, gián,... Rửa thực phẩm sạch sẽ, ăn chín, uống sôi để đảm bảo vi khuẩn dịch hạch không lây truyền qua đường ăn uống.

Vệ sinh thú nuôi

Vệ sinh thú nuôi để ngăn các loài rận, chấy sinh nở và phát triển. Khi vệ sinh, cần mang bao tay để tránh những vết cắn của các sinh vật trung gian truyền nhiễm bệnh. Không cho chó, mèo hay các thú cưng khác ngủ chung giường, dùng chung các vật dụng ăn uống. Điều này có thể tạo điều kiện để vi khuẩn dịch hạch đi vào cơ thể.

Vệ sinh khu vực sống

Giữ môi trường sinh sống sạch sẽ, thường xuyên vệ sinh các kho chứa, ao tù, chuồng gia súc - nơi các loài mang mầm bệnh có thể sinh sống và phát triển. Mang gang tay trong quá trình vệ sinh và tiếp xúc với các vật chủ, vật trung gian mang mầm bệnh.

Vệ sinh khu vực đang sống là cách phòng bệnh hiệu quả

Vệ sinh khu vực đang sống là cách phòng bệnh hiệu quả

Đi khám nếu phát hiện các dấu hiệu bệnh

Nếu phát hiện trường hợp sốt, hãy đến ngay các cơ quan y tế, bệnh viện để bác sĩ chẩn đoán, phát hiện và kịp thời ngăn ngừa bệnh dịch hạch. Tuân thủ các chủ trương, biện pháp phòng tránh bệnh dịch của cơ quan, y tế tại địa phương. Hết sức coi trọng các biện pháp phòng tránh vì mức độ nguy hiểm của bệnh. Trang bị đầy đủ các kiến thức liên quan đến dịch bệnh.

Đối với người tiếp xúc với người bệnh, cần điều trị dự phòng bằng Streptomycin 1g/ngày trong 5 ngày hoặc tetracyclin 1g/ngày trong 5 ngày. Nếu xuất hiện các triệu chứng của bệnh, cần điều trị như phương pháp của người bệnh. Khi có bệnh nhân tử vong cần liệm xác bằng vải tẩm cloramin 5%, trong quan tài phải tẩm bột vôi và chon sâu 2m hoặc hỏa táng.

4. Cách điều trị bệnh dịch hạch

Các bác sĩ thường chẩn đoán bằng biện pháp thu thập thông tin thông qua xét nghiệm vi khuẩn dịch hạch Yersinia pestis thông qua các mẫu thử lấy từ người bệnh. Tất cả các bệnh nhân đều phải vào viện và được điều trị cách ly theo chế độ “tối nguy hiểm”.

Nguyên tắc điều trị

  • Điều trị ngay sau khi có kết quả chẩn đoán mắc bệnh.

  • Tiến hành cách ly người bệnh: có thể là khu y tế địa phương, khu cách ly của bệnh viện hoặc khu vực điều trị đặc biệt khác theo chỉ dẫn của bác sĩ.

  • Kết hợp việc điều trị nâng đỡ tình trạng bệnh với việc điều trị bằng thuốc kháng sinh.

Các biện pháp nâng đỡ

  • Hạ sốt, truyền dịch, bù nước và chất điện giải, thuốc trợ tim, an thần là các biện pháp nâng đỡ được sử dụng để điều trị dịch hạch.

  • Tiến hành các biện pháp hồi sức tích cực khi bệnh nhân rơi vào tình trạng choáng, suy hô hấp, suy tuần hoàn,...

  • Nhắc nhở, cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho bệnh nhân để sức khỏe được phục hồi nhanh chóng.

Vì mức độ nguy hiểm đến tính mạng của bệnh dịch hạch nên các chuyên gia khuyên người mắc không nên tự ý chữa trị tại nhà. Mọi phương pháp điều trị đều nên theo chỉ dẫn của bác sĩ. Các phương pháp không rõ nguồn gốc không những không thể chữa khỏi bệnh mà còn khiến dịch bệnh nặng hơn, ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh và truyền nhiễm cho những người xung quanh.

Từ khoá: dịch hạch

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.