Tin tức

Cảnh báo suy giảm trí nhớ ở người trẻ đang có xu hướng gia tăng

Ngày 16/05/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Chúng ta vẫn thường nghĩ trí nhớ giảm sút là tình trạng chỉ gặp ở người già nhưng hiện nay, hiện tượng suy giảm trí nhớ ở người trẻ ngày càng có chiều hướng gia tăng theo các mức độ khác nhau. Hiểu được nguyên  nhân và tác hại của căn bệnh này sẽ giúp ích rất nhiều trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh.

1. Suy giảm trí nhớ ở người trẻ là do đâu?

Một người được coi là bị suy giảm trí nhớ khi não bộ bị giảm khả năng ghi nhớ thông tin, sự kiện hoặc quá trình chuyển đổi thông tin về vỏ não bị đình trệ. Bệnh còn được gọi bằng nhiều tên khác nhau như suy giảm chức năng nhận thức, hội chứng suy giảm trí nhớ,... nhưng nhìn chung vẫn là thể hiện tình trạng sa sút trí nhớ của não bộ.

Hiện tượng suy giảm trí nhớ ở người trẻ đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây với tỷ lệ khoảng 85% người bệnh dưới 50 tuổi mắc  phải căn bệnh này. Đáng ngạc nhiên hơn là số người trẻ dưới 30 tuổi gặp vấn đề về trí nhớ chiếm tới 20 - 30%.

Ngày càng có nhiều người trẻ bị suy giảm trí nhớ

Ngày càng có nhiều người trẻ bị suy giảm trí nhớ

Một số nguyên nhân điển hình dẫn tới chứng suy giảm trí nhớ ở người trẻ:

  • Công việc bề bộn, áp lực: khi phải làm quá nhiều việc sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, não bộ phải hoạt động hết công suất để sắp xếp công việc. Điều này rất có hại cho hệ thần kinh nên để hạn chế nguy cơ bị suy giảm trí nhớ, bạn nên tập trung vào một công việc trong một thời điểm để hoàn thành tốt nhiệm vụ đồng thời giữ cho trí tuệ luôn minh mẫn;

  • Giấc ngủ không được đảm bảo chất lượng: chúng ta đều nhận ra rằng khi được ngủ đủ giấc tinh thần sẽ trở nên sảng khoái và đầu óc cũng minh mẫn hơn. Lý do là vì giấc ngủ giúp cơ thể tái tạo năng lượng, đào thải độc tố, não có thời gian sắp xếp và lưu trữ lại các thông tin trong ngày. Nếu bị thiếu ngủ, ngủ không ngon giấc thì rất dễ khiến cơ thể mệt mỏi, cáu gắt, mau quên;

  • Trầm cảm: thế hệ hiện nay đang phải đối diện với nhiều áp lực từ các hoạt động xã hội với tiêu chuẩn cao trong công việc, cuộc sống hôn nhân, học hành, ô nhiễm môi trường,... rất dễ bị lo lắng, trầm cảm và tâm lý  không ổn định. Sự căng thẳng thần kinh khiến chúng ta dễ bị phân tán tư tưởng, trung tâm thần kinh bị giảm phản ứng với sự việc xung quanh, không thể tập trung giải quyết công việc và điều này kéo dài sẽ làm suy giảm chức năng não, trí nhớ bị giảm sút;

Áp lực cuộc sống và công việc gia tăng khiến người trẻ dễ bị suy giảm trí nhớ

Áp lực cuộc sống và công việc gia tăng khiến người trẻ dễ bị suy giảm trí nhớ

  • Sự hiện diện của các gốc tự do: quá trình chuyển hóa diễn ra trong cơ thể sẽ hình thành nên các gốc tự do, chúng ảnh hưởng tới các mô lipid nhất là ở não (60% lipid trong cơ thể là nằm ở não), phá hủy tế bào của hệ thống thần kinh. Các gốc tự do này xuất hiện nhiều là do thói quen ăn nhiều thực phẩm giàu năng lượng, đồ ăn nhanh chứa nhiều dầu mỡ, tiêu thụ các chất kích thích,... gây tổn thương não bộ dẫn tới suy giảm trí nhớ ở người trẻ;

  • Thiếu chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn: chế độ ăn không đủ chất dinh dưỡng ví dụ như thiếu sắt làm chúng ta dễ chóng mặt, mệt mỏi, xanh xao, thiếu máu lên não; thiếu các vitamin nhóm B gây cản trở hoạt động sản xuất chất dẫn truyền thần kinh, tác động tiêu cực tới suy nghĩ, trí nhớ và tâm trạng của cơ thể, tăng nguy cơ bị hội chứng Wernicke-Korsakoff làm mất khả năng ghi nhớ dài hạn.

2. Suy giảm trí nhớ ở người trẻ gây ra những hệ lụy gì?

Từ độ tuổi 25 trở đi, các tế bào thần kinh bắt đầu có dấu hiệu thoái hóa và dần chết đi mà không thể sản sinh thêm được nữa. Trong khi đó, những tác nhân bên ngoài cộng hưởng với sự gia tăng các gốc tự do bên trong cơ thể càng đẩy nhanh quá trình thoái hóa của các tế bào. Hệ quả là trí nhớ sụt giảm và ảnh hưởng sâu nặng đến cuộc sống của người trẻ tuổi:

  • Về cuộc sống: sư tác động của suy giảm trí nhớ sẽ bắt đầu từ những việc lặt vặt như quên đi chợ, quên chìa khóa, điện thoại, quên khóa cửa,... Dần dần trí tuệ sa sút khiến người bệnh dễ bị thay đổi tâm trạng, hành vi và cảm xúc, thường xuyên cáu gắt, cục cằn hơn;

  • Về sức khỏe: trong vòng 3 năm nếu không điều trị tình trạng suy giảm trí nhớ thì người trẻ có nguy cơ tiến triển thành sa sút trí tuệ. Não bộ lúc này sẽ dần mất đi chức năng điều khiển các cơ quan do các tế bào tại não đã bị tổn thương nghiêm trọng không thể phục hồi với các biến chứng nguy hiểm như: teo não, chết tế bào não, tổn thương chất trắng, tổn thương mạch máu não,...

  • Về công việc: những người bị suy giảm trí nhớ thường trở nên lơ đễnh, mất tập trung, khả năng ghi nhớ kém dẫn đến việc tư duy trong học tập và công việc không nhanh nhạy. Những người này vì vậy mà hay bị phản ứng chậm và mất dần năng lực đáp ứng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

3. Biện pháp khắc phục tình trạng suy giảm trí nhớ ở người trẻ

Nếu kịp thời phát hiện ra chứng suy giảm trí nhớ ở người trẻ thì cần áp dụng ngay các phương pháp điều trị càng sớm càng tốt, tránh trường hợp bệnh tiến triển nặng hơn. Người bệnh nên thực hiện những biện pháp sau để cải thiện trí nhớ:

  • Tăng cường vận động mỗi ngày bằng cách tập thể dục và rèn luyện thể thao. Đây là hoạt động có tác dụng thúc đẩy tuần hoàn máu, hô hấp, gia tăng sự cung cấp dinh dưỡng và oxy cho não;

  • Nên dành ra ít nhất khoảng 15 - 30 phút mỗi ngày để chơi các trò chơi trí tuệ;

  • Tránh suy nghĩ tiêu cực, căng thẳng và stress quá độ. Nên giảm tải áp lực công việc bằng cách chia sẻ nhờ người khác giúp đỡ, thỉnh thoảng dành thời gian đi du lịch hoặc thực hành yoga, thiền định để tâm trạng trở nên tốt hơn. Điều này rất có lợi cho hệ thần kinh và tăng cường khả năng lưu thông máu trong cơ thể;

  • Áp dụng một chế độ ăn uống khoa học, phù hợp: nên hạn chế tiêu thụ các loại thức ăn chứa nhiều đường và carbohydrate, chất kích thích có hại như thuốc lá, rượu bia, đồ uống có gas. Bổ sung những chất dinh dưỡng tốt cho não bộ từ các loại thực phẩm như trứng gia cầm (giàu choline); ngũ cốc, sữa, nấm (giàu vitamin nhóm B); cá biển (chứa nhiều axit béo omega-3),...

Thỉnh thoảng dành chút thời gian cho những sở thích cá nhân sẽ giúp người trẻ bớt  căng thẳng, tránh bị suy giảm trí nhớ sớm

Thỉnh thoảng dành chút thời gian cho những sở thích cá nhân sẽ giúp người trẻ bớt  căng thẳng, tránh bị suy giảm trí nhớ sớm

Để được chẩn đoán và tư vấn về bệnh suy giảm trí nhớ ở người trẻ, quý khách hàng xin vui lòng liên hệ đặt lịch khám qua tổng đài 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Nhân viên tư vấn sẽ cung cấp cho quý khách hàng những thông tin chi tiết hơn về các dịch vụ y tế của Bệnh viện.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.